Review Phim Nữ Hoàng Băng Giá 2 - Frozen II (2019) - Jennifer Lee

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Tranhuynh, 14 Tháng mười một 2021.

  1. Tranhuynh

    Bài viết:
    1,293
    Kết thúc hàng tấn bi kịch chia rẽ mối quan hệ của Elsa và Ann ở phần một, bước đến phần hai, câu chuyện xoay quanh về chuyến hành trình khai phá nguồn gốc sức mạnh của nữ hoàng băng giá Elsa.

    Khi một giọng hát kỳ lạ gọi mời Elsa khiến cuộc sống yên bình của nàng bị phá vỡ, tiếng hát ấy cũng là một mối đe doạ đến vương quốc Arendelle. Điều đó đã thôi thúc Elsa, Ann và những người bạn của mình đi tìm khu rừng phép thuật – Nơi đã từng được kể trong hồi ức lúc bé của nàng, và cũng là cội nguồn gây ra những nguy hiểm đến với vương quốc.



    Nữ Hoàng Băng Giá 2 – Frozen II (2019)

    Quốc gia: Mỹ, Hoa Kỳ.

    Thể loại: Hoạt hình, kỳ ảo, nhạc kịch.

    Thời lượng: 103 phút

    Số tập: 1

    1/Đạo diễn: Jennifer Lee, Chris Buck

    2/Kịch bản: Jennifer Lee, Alison Schroeder.

    (Để có cảm nhận tốt nhất, bạn nên coi phim trước khi đọc "Một ít" spolier nhé)

    3/ Góc nhìn cá nhân:

    Logic nội dung : Câu chuyện khắc hoạ tiếp diễn về con đường tìm kiếm sứ mệnh của Elsa. Với những cách giải rối tình tiết tuy đơn giản, dễ hiểu và pha trộn một chút hài hước không đỡ kịp; nhưng các yếu tố trong bộ phim vẫn mãi đặc biệt nhất là sự huyền bí và mầu nhiệm được chăm chút vào nội dung vẫn có thể gây tò mò cho khán giả đến tận cuối phim.

    Truyền đạt : Trong "Nữ Hoàng Băng Giá Phần Hai" bộc lộ khá nhiều ý nghĩa sâu sắc đến mọi lứa tuổi ở người xem. Đặc biệt, điểm thu hút cá nhân tôi nhiều nhất chính là tác phẩm đã mượn cái nét hoạt hình vốn có để bộc lộ những hình tượng của nỗi sợ hãi. Thứ cảm giác đã luôn âm thầm trú ngụ trong mỗi con người chúng ta.

    Như khán giả đã biết, ở phần 1, bản tính của Elsa lúc đầu được khắc hoạ qua một nỗi sợ về những sức mạnh tiềm ẩn trong người nàng khi chính nàng đã suýt hại em gái mình. Vì thế Elsa cho rằng nó là một điều gì đó rất tệ hại và cố che giấu nó.

    Đến phần hai, nỗi sợ được thêu dệt qua nhân vật phản diện ông vua – Chính là ông nội của
    Elsa và Ann trong quá khứ. Ông đã luôn chôn giấu nỗi sợ của bản thân về mọi sức mạnh kỳ lạ trong khu rừng phép thuật mà bản thân không thể hiểu đến, kể cả việc nghi ngờ những thường dân Northuldra vô tội. Ông đã phản ứng với nỗi sợ một cách độc đoán và tự quyết định nó xấu, sợ chính những sức mạnh vô hình ấy sẽ lật đổ ngôi vua của ông.

    [​IMG]

    Và... Kết cục việc không nhìn nhận ra khía cạnh tốt trong nỗi sợ vốn có của bản thân đã đẩy ông đi đến một con đường phản bội, để rồi cái hành động ấy lại là một ngọn đuốc châm ngòi cho sự tức giận của các linh hồn. Cũng như, sau này để dung hoà những lỗi lầm ấy trong quá khứ, bắt buộc cả Ann và Elsa đều phải chấp nhận đánh đổi một thứ quan trọng của chính mình để sửa sai. Thậm chí là hy sinh niềm tin của chính mình nuôi nấng bao lâu nay để tìm ra sự thật được che giấu.

    Điều đó cũng thật sự dễ hiểu khi nỗi sợ đã từ lâu được nói là một cảm xúc tiêu khiển khiến con người quyết định sai lầm, nó là một thứ chiếm hữu dễ nuôi lấy một sự hoài nghi cực kỳ mãnh liệt. Ngay cả cái giá phải trả cũng cực kỳ đắt.

    Nhân vật Ann: Nếu trong phần 1, Ann là một trong những nhân tố đưa Elsa đối diện với con người riêng của bản thân. Thì trong phần hai, nhân vật Ann lại được coi là một rào cản của sự "An toàn" đang cố trói buộc Elsa. Dẫu rằng, đó chỉ là tình cảm và cũng như tất cả sự trân trọng mà Ann cố dành cho chị gái của mình.

    Cho đến, khi Ann và Elsa thật sự xa cách. Bộ phim lại mang cho ta một cảm giác lạc lối đến hai nhân vật. Đó cũng là một cách thúc đẩy những sự kiện quan trọng trong bộ phim phải khiến Ann đối diện với một nỗi sợ hãi rằng bản thân sẽ mất đi một ai đó một lần nữa, mà tiếp tục vững chí đứng dậy khỏi vết thương lòng của bản thân, bằng lòng thấu hiểu, trân quý, chấp nhận và vượt qua nó. Đây cũng là minh chứng cho việc Ann xứng đáng với chức danh nữ hoàng ở cuối phim.

    Tình tiết này cũng là một câu trả lời thoả đáng nếu khán giả có hỏi bài học về sự sợ hãi đối với nhân vật vị vua – Cũng chính là ông nội của Ann và Elsa trong quá khứ là gì.

    [​IMG]

    Thú thật, nhân vật Ann cũng như giống câu nói "Mọi thứ sẽ không là mãi mãi" ở đầu phim như là một trọng điểm về sự cân nhắc trước mọi việc rắc rối sẽ xảy ra và đảo lộn cuộc sống của Elsa và mọi người. Dù lời thoại ấy vốn chỉ tượng trương cho những thứ tưởng chừng như xa cách và bị thay đổi, đem lại cho mỗi người chúng ta về một cảm giác bất an giống tâm trạng Ann vào những phần đầu phim.

    [​IMG]

    Nhưng rốt cuộc, cái thứ "Mãi Mãi" ấy cũng chỉ biến thành những ký ức thật đáng quý mà cô và tất cả nhân vật trong phim đều đã trải qua và từ đó, mọi người cùng tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, với nhiều sự thay đổi cứ ngỡ như điều ấy là một thứ gì đó rất đáng sợ. Đây cũng là một thông điệp tích cực của bộ phim đối với mỗi khán giả.

    Viên thuốc hoá giải: Hồi ức đan xen với hiện tại trong thế giới nữ hoàng băng giá không những được hiện hữu qua những hình ảnh trong ký ức của mỗi nhân vật như các bộ phim thông thường. Hồi ức còn đặc biệt thể hiện qua các tảng băng kết tinh đến những sự kiện diễn ra trong quá khứ qua sức mạnh phép thuật của Elsa. Nói một cách khác, thứ giải cứu toàn bộ sự thật của bộ phim chính là những hồi ức được lưu giữ của nước. Biểu tượng vốn là sự gắn kết và hòa hợp.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Mọi ý nghĩa đơn giản "Nước cũng có ký ức" qua câu nói tưởng chừng đùa của người tuyết Olaf lại thật chất đánh lừa người xem. Khi câu nói ấy là khơi màu những sự kiện quan trọng trong cuộc hành trình của Elsa. Bộ phim cũng là một chủ đề tuyệt vời, để nhân hoá lời giải thích sâu xa của các nhà khoa học về sự bí ẩn hóc búa về các hạt nước quen thuộc xung quanh ta.

    Điểm trùng hợp "Có thể" gợi nhớ hoặc liên kết với phần một và phần hai:

    + Nếu khúc khởi đầu của phần một đều mở màng một khung hình hồi nhỏ hai chị em Elsa, Ann trong một căn phòng ngủ, cùng nhau chơi tuyết với nhau và xảy ra biến cố Elsa làm Ann bị thương. Thì ở phần hai, hồi ức ấy một lần nữa xuất hiện nhưng với một khoảng thời gian lùi về trước đó. Khi Elsa và Ann cùng nhau chơi người tuyết và được ba mẹ ru ngủ bằng câu chuyện khu rừng phép thuật.

    Bằng chứng có thể thấy rõ nhất trên những tình tiết được thể hiện một cách ẩn ý như câu nói: "Lát ra xây người tuyết to với em nhé!" của Ann ở khúc đầu phim. Cộng thêm bầu trời cực quang khi ta nhìn thấy elsa được mẹ bế lên ở phần hai cũng là lý do Anna nói "Bầu trời dậy rồi, nên em không ngủ được", một trong những lý do Ann có cơ hội đánh thức Elsa ở phần một. Rất có thể, đó cũng là đêm xảy ra bi kịch ở phần 1 hồi bé của các nhân vật.

    [​IMG]

    + Và nếu bạn có để ý trong câu hát "All Is Found" của bộ phim có thể hiện một chi tiết ngầm cảnh báo Elsa: "Dive down deep into her sound, but not too far or you'll be drowned" Dịch sương sương là Khi Elsa đi quá sâu thì bị đóng băng như Ann của Phần 1.

    4/ Yếu tố
    nhạc kịch ngoài đóng góp phần tiếng nói cảm xúc khác nhau của từng nhân vật; nó cũng là thứ dùng để đánh lừa người xem, đặc biệt là những khán giả nhỏ tuổi xem nhẹ những cảnh giác nguy hiểm ẩn nấp vốn có.

    Đồ hoạ khá tương đồng với phần một khiến mang lại cho chúng ta một cảm giác thân thuộc. Tuy nhiên, thế giới của sự nhiệm mầu tràn đầy phép thuật đẹp đẽ, bí ẩn trong bộ phim chưa bao giờ làm người xem thất vọng hay gây chán nản.

     
    NhaKhoCuaUJohanna thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...