Tản Văn Nơi Con Tìm Về - Hồng Mến

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hồng Mến, 28 Tháng tám 2019.

  1. Hồng Mến

    Bài viết:
    100
    Tản văn: Nơi con tìm về!

    Tác giả: Hồng Mến

    Khi mặt trời đỏ ối đi về phía sau núi, con nhìn về phía một vài sao trời vừa ló rạng đón màn đêm. Những con người tấp nập đi tìm ánh sáng đêm, cuộc sống vội vã cũng cứ thế cuốn con đi. Nó khiến con quên mất trong mênh mang chiều nay bố đang rất nhớ đứa con xa nhà. Bất chợt, quê hương trong con bừng sáng, tuổi thơ trong con trỗi dậy. Quê hương và tuổi thơ với những kỉ niệm tươi đẹp của một thời hồn nhiên và ngây thơ. Nơi mà tất cả sự yêu thương đều được chia sẻ, tất cả lỗi lầm đều được tha thứ, nơi đưa tâm hồn con về với sự bình yên, về với yêu thương. Nơi đó có bố luôn dõi bước con đi.

    Giờ đây, con thấy mình như chiếc lá nhỏ bé mong manh. Khi còn non thì được bố chăm sóc che chở. Lớn lên được người đời hân hoan chào đón trong những ngày nắng gắt hay mưa rầm vì dù nhỏ bé nhưng xen giữa những chiếc lá và cành cây to kia để che tia nắng hạt mưa. Nhưng khi người đời không cần nữa thì chiếc lá kia trở thành vô ích, thậm chí nếu có rơi xuống thì người đời lại ghét vì nhỏ bé nên khó dọn thu và gây vướng bận. Bố ơi có phải, cùng một sự vật hiện tượng nhưng mỗi người cảm nhận một cách khác nhau. Cùng một sự vật hiện tượng nhưng một người ở tâm thế khác nhau và thời điểm khác nhau thì có cách nhìn nhận và đánh giá cũng khác nhau. Có những điều trong cuộc sống này thật phức tạp. Có những mong ước nhỏ nhoi giản dị cũng khó thực hiện.

    Ngày xưa ở nhà con luôn ước được làm người lớn để có quyền quyết định mọi việc cho mình. Nhưng bây giờ và lúc này đây con gái bố chẳng muốn làm người lớn nữa bố à! Làm người lớn chưa bao giờ lại khổ đến thế. Lúc nào người lớn cũng phải tỏ ta mạnh mẽ, ngay cả niềm vui hay nỗi buồn cũng chẳng dám công khai. Lúc nào người lớn cũng tự xây dựng cho mình một hình mẫu lí tưởng và gồng mình lên để thực hiện hình mẫu ấy.

    Khi con làm người lớn! Cuộc sống cần con thì con như một trạm xe buýt, một cốc nước trong cơn khát, một cơn gió giữa trưa hè hay một chiếc xe lúc khách cần đưa đón.. trong vị thế và cách cư xử của cuộc sống. Khi cuộc sống không cần con thì con được rơi tự do từ trên cao xuống như một vật thể lạ chẳng ai đoái hoài, con như một tấm chăn ấm giữa mùa hè nóng bức, như một ly đá lạnh giữa mùa đông lạnh giá trong cuộc sống này.. Để cuộc sống của mình không tốt là có lỗi với bố, để bố biết cuộc sống của mình không tốt thì càng có lỗi với bố hơn. Con không muốn là người con có lỗi. Con cứ tự một mình chắp vá những niềm thương đau rách nát, cứ một mình ru niềm tin dối gian trong lệ ngàn xót xa, cứ một mình chênh vênh những hoài nghi sợ hãi khi đi qua bao ngang trái cuộc đời.

    Làm người lớn như con! Con cứ mải mê đi khắp nhân gian để tìm cho mình một bóng hình lí tưởng, một người để khi buồn khổ yếu mềm con tìm về, mà chẳng thèm đoái hoài tới cuộc sống bố, và không biết một điều gia đình là nơi duy nhất dang tay đón con về. Con cứ mải mê chăm chút cho mình để mong ngày càng đẹp xinh nhưng con lại chưa một lần nhìn vào những nếp nhăn trên vầng trán của bố và trách rằng sao bố lại hay quên. Con cứ mải mê dạo khắp trang mạng kết bạn bè bốn phương để gẫu tán hênh hoang nhưng chẳng thể ngồi lắng nghe lời tâm tư của bố và trách bố dặn dò hoài trong mỗi bước con đi. Chỉ khi vấp ngã hay bị lọc lừa, dối trá con mới thèm khát trở về ôm lấy bố khóc nấc nghẹn bên hiên.

    Chiều hôm ấy con đi có cơn mưa rả rích, con thấy thương bố ở nhà nơi cơn mưa quê mình. Những cơn mưa ẩm ướt vội vàng kèm theo tiếng sét và thứ ánh sáng loé cắt ngang trời. Thứ ánh sáng chẳng mang cho con người ta hi vọng, nó mang đến sự sợ hãi, nỗi buồn và cả những đau thương. Mưa quê mình buồn lãng đãng, hắt hiu. Bố lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ bé, đơn sơ. Ngõ vắng lạnh lùng nhớ bước chân con gái bố lại xứ xa và những chiếc lá nằm im nghe mưa rơi theo từng cơn gió.

    Tháng ngày về sau dài đăng đẵng, những nỗi nhớ cũng không vì thế mà ngắn lại bao giờ. Có những đêm mệt nhoài, con ước mình có thể ngủ một giấc ngủ thật bình yên nơi quê nhà để không còn thao thức về quê. Có lẽ, khi chấp nhận là người xa xứ thì con người ta cũng chấp nhận đớn đau dằn vặt và nhớ mong đến tận cùng. Nỗi nhớ cứ thế như một thói quen ăn sâu trong tiềm thức, cứ mỗi lúc lại nấc nghẹn trong tim.

    Hồng Mến
     
    kimnanaAlissa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng tám 2019
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...