Nhạc Việt Nam 90% là nhạc buồn nhưng mỗi loại nhạc có một kiểu buồn khác nhau. Nếu là người nghe nhiều nhạc và để ý một chút ta sẽ dễ dàng nhận ra điều đó Nỗi buồn thường đi liền theo nội dung ca từ, chủ đề của bài nhạc, loại nhạc, và phong cách của tác giả, cách diễn đạt, cách trình bày, cách chọn lựa từ ngữ trong ca từ và nổi buồn còn nằm trong cả giai điệu nữa. Giai điệu cũng diễn đạt niềm vui, nỗi buồn cho tác phẩm nên điều tôi muốn nói ở đây là trong nhạc của Lê uyên Phương có một nỗi buồn khó tả, cho người nghe một cảm giác là lạ hơn các nhạc sĩ khác. Thường nỗi buồn trong nhạc phần lớn là nổi buồn về tình yêu. Trong nhạc của Lê uyên Phương nỗi buồn về tình yêu mau phôi phai chiếm phần lớn. Có thể phân tích một số tác phẩm tiêu biểu: Còn nắng bên đồi Chuyện kể về một cuộc tình với những bắt đầu rất nồng nàn, say đắm của một đôi nhân tình. Những cuộc vui lúc thì ở nơi này, lúc ở nơi khác: "Một chiều nào chúng ta, Một chiều nào thiết tham, Ngày đầu hè tình nở thắm tươi Biết đâu buồn vui Mai sau khi gió thu về Dang đôi tay ôm vào mến thương Anh, anh ơi sao lòng vấn vương Một ngày nào dưới mưa Một ngày nào phố khuya Lòng còn nồng, tình sáng ánh môi Biết vui mà thôi Anh ơi nắng lưng đồi Dang đôi tay ôm vào mến thương Anh, anh ơi sao lòng vấn vương." Cuộc tình thật đẹp, đôi uyên ương quấn quýt bên nhau từ mùa hè đến mùa thu, và cô gái mới vô tư làm sao, hạnh phúc tràn trề "dang đôi tay ôm vào mến thương, anh, anh ơi sao lòng vấn vương" họ sánh đôi bên nhau đi trên phố khuya, đi dưới mưa như thế giới này chỉ có mình họ. Họ mê say trong hạnh phúc mà không ngờ hạnh phúc rồi sẽ có ngày biến thành đau thương. Hình như tình yêu bao giờ cũng vậy, càng nồng cháy bao nhiêu thì càng đau thương bấy nhiêu. Họ không ngờ rồi cái ngày không chờ đợi đã đến: "Tình yêu ấy, đâu ai ngờ cách chia Như mây trôi, như thời gian đem lãng quên Như hoa tươi, như nắng chiều phai âm thầm Buồn khi tiếng cười tan." Những so sánh tuy không bằng Trịnh công Sơn nhưng cũng mang lại cho ta ấn tượng mạnh: Tình yêu qua đi như mây trôi, như thời gian mang đến quên lãng cho người tình, tình yêu tan đi chầm chậm như nắng chiều, nắng nhạt dần và bóng đêm đến lúc nào ta chẳng biết và thật buồn: "Buồn khi tiếng cười tan" Sau tiếng cười là nỗi im lặng của cô đơn, của bóng đêm mịt mùng, cuộc vui thì lúc nào cũng ngắn ngủi như tiếng cười còn nỗi buồn thì dằng dặc như nổi câm lặng cô đơn. Và điều tôi muốn nói ở đây là Lê Uyên Phương hơn Trịnh công Sơn ở giai điệu Giai điệu góp phần diễn tả tâm trạng nhân vật rất nhiều: Đoạn đầu khi nói về những ngày hạnh phúc ông viết bằng giọng trưởng rộn ràng vui tươi nhưng đến đoạn điệp khúc khi nói về tình yêu phai tàn ông đã đổi sang giọng thứ, giai điệu trầm hẵn xuống, than van, buồn mang mác, nỗi buồn được làm nổi lên rõ rệt. Và trong khi Trịnh công Sơn may mắn có Khánh Ly thì Phương có Lê Uyên, cả hai cô ca sĩ Bắc 54 này có giọng hát thật tuyệt vời. "Chiều này về thiếu anh Chiều này về vắng tanh Màu trời chiều, màu lá vẫn xanh Áng mây còn trôi nhưng em đã u sầu Dang đôi tay ôm vào đớn đau Anh, anh ơi, sao lòng tắt mau" Một điều làm cho bài hát thêm buồn là bởi Lê Uyên Phương chọn nhân xưng ngôi thứ nhất ở đây là nữ, thông thường nhạc sĩ là nam thì hay viết với nhân xưng là "anh" và đã có lần tôi nhớ có một nhà văn đã phê bình là các cô ca sĩ khi hát các bài hát với ngôi thứ nhất là "Anh" thì hay tự đổi là "Em" cho hợp với người hát mà không cần biết văn cảnh có phù hợp hay không nên khi các cô hát bài "Em đến thăm anh một chiều mưa" thì đổi là "Anh đến thăm em một chiều mưa" nhà văn phê bình đã phê phán: "Như thế thì còn ý nghĩa gì nữa: Em đến thăm anh chiều mưa thì mới cảm động chứ anh thì trời lụt anh cũng đến chứ mưa thì đáng gì" đó là chuyện về trình độ ca sĩ, còn ở đây Lê uyên Phương để cho nổi buồn mất người yêu đó chuyển sang nhân vật chính là nữ nghe mới tội nghiệp làm sao, nổi buồn ấy được nhân lên, não nề "anh, anh ơi, sao lòng tắt mau" Chẳng biết có phải vì người hát là Lê Uyên nên ông viết như thế cho hợp hay ông cố ý nói dùm nổi lòng phái nữ. Chỉ tiếc là do tuổi tác quá chênh lệch nên mặc dù rất thích nhạc của ông nhưng tôi chưa một lần được gặp ông nên không hiểu biết gì về đời tư của ông để cho bài viết được phong phú và cảm nhận chính xác hơn về nhạc của ông. Với một người sống không đến "60 năm cuộc đời" như Lê Uyên Phương thì những năm về sau chắc chắn ông phải biết rõ về cái chết sắp đến của mình. Vậy nên trong nhạc của ông, ta cũng nhìn thấy thấp thoáng hình bóng của tử thần chứ không riêng gì trong nhạc Trịnh công Sơn mới có:"" "Rồi mai đây đi trên đường đời. Đừng buông tay, âm thầm tìm về cô đơn" (Bài ca hạnh ngộ) Nổi ám ảnh đó cũng khiến trong nhạc của ông có lời hô hào sống vội, yêu vội, có nói đến thân phận mong manh của con người, đến cuộc sống ngắn ngủi ta dành cho người yêu. Trong lời giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Dạ khúc cho tình nhân" ông có nói: "tôi viết bài hát trong thời điểm của một ngày sắp kết thúc: Có thể là một ngày bình an cho một ngày bình an sắp đến, cũng có thể là một ngày bất an cho một ngày bất an sắp đến và trong thời điểm đó tôi lại nghĩ đến người yêu tôi.." và trong những lời hát đầy yêu thương dành riêng cho tình nhân ấy cũng có hình ảnh cái chết thấp thoáng "Màn đêm mở huyệt sâu." "Một vì sao lạ rơi Nghe lòng tê tái Trên dòng hương khói bay Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau Chết bên nhau thật là hồn nhiên" Hình ảnh cái chết được thi vị hóa thật đẹp! Bên cạnh một số ca khúc có giai điệu rộn ràng, vui tươi như "Hãy ngồi xuống đây", "uống nước bên bờ suối" "tình khúc cho em" Lê Uyên Phương cũng có những ca khúc lắng đọng, man mác buồn mà nhiều khi nỗi buồn đó thể hiện luôn tại tiêu đề như "buồn đến bao giờ" "nỗi buồn dâng hiến" "hết rồi những ngày vui" "một dạ hội buồn" "cho lần cuối" "không nhìn nhau lần cuối" Nỗi buồn có thể được mang đến từ tiếng mưa rơi rả rích: "Nằm nghe tiếng mưa nguồn. Tưởng em bước chân buồn" (Buồn đến bao giờ) "Mưa ơi nếu có xuôi nguồn Đừng mang thêm buồn" (Nổi buồn dâng hiến) Và nổi buồn kéo dài dai dẳng không nguôi: "Buồn ơi đến bao giờ Còn thương đến bao giờ Thương cuộc đời đơn côi Tháng đợi năm chờ" (Buồn đến bao giờ) Nỗi buồn có thể vu vơ, mông lung vì những bất an, lo lắng trong cuộc sống "yêu nhau trong lo âu" (Dạ khúc cho tình nhân) hay vì tương lại mịt mù không biết ra sao đang chờ ta phía trước "tương lai mịt mờ mãi mãi vì đâu" (Nổi buồn dâng hiến) Và trong kiếp sống mong manh ấy tình yêu là an ủi lớn nhất, nhưng tình yêu cũng đâu có vững bền: Buồn vì ngày mai trong tương lai Buồn vì tình yêu mau phôi phai tháng ngày "(nổi buồn dâng hiến) Cũng có thể buồn vì kiếp nghệ sĩ sống lang thang: " Thương cho kiếp sống tha phương Dạt dào, xót xa nhiều " Và buồn vu vơ như Xuân Diệu " Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn " Biết bao giờ hết buồn vì thương Biết bao giờ thấy màu thời gian" (nỗi buồn dâng hiến) Nỗi buồn cũng có thể đến từ mây, gió: "Mây chiều âm thầm đưa nổi buồn đi Đâu còn ngày mai đường mây trắng vương tình si" (Hết rồi nhưỡng ngày vui) Trong nhạc Lê Uyên Phương nỗi buồn vì tình yêu mau phôi phai vẫn chiếm phần lớn, nổi buồn ấy được hiển hiện đây đó trong hầu hết các ca khúc: "Tình đầu không bền lâu Người em xưa mắt nâu Đã quên bao mộng mơ Ngày cùng vui, ấu thơ" (Một dạ hội buồn) Cho nên mặc dù "cuộc đời như tình yêu Ngày mai sẽ trăm chiều" Nhưng "Mình sống trong cô liêu" (Một dạ hội buồn) Vẫn biết ca từ của Lê Uyên Phương không được sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như của Trịnh công Sơn và đôi lúc còn những câu tối nghĩa, khó hiểu: "Đi qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan" (Vũng lầy của chúng ta) nhưng vẫn toát lên được một nội dung phong phú về triết lý, tình yêu, thân phận con người trong cuộc đời tù túng, chật chội và lẫn quẩn như "vũng lầy" mà ta cứ loay hoay không thể thoát ra được, vì đời sống như Trịnh công Sơn nói: "Vốn không mang điều gì mới lạ" mà tâm hồn nghệ sĩ thì không chịu nổi sự đều đặn, đơn điệu, tù túng Vậy nên Lê uyên Phương cũng như Trịnh công Sơn hay những nghệ sĩ lớn khác, không ít thì nhiều đều có những bức phá trong tác phẩm của mình. Dù sao cũng cám ơn người nhạc sĩ vắn số đã để lại cho đời một dấu ấn khó phai.