TUỔI THƠ I. HỒI ỨC 5 TUỔI Mơ hồ chợt dừng lại, Tất cả như chỉ mới diễn ra. Năm 1982. Trước đó thì không thể nhớ được nữa, bởi vì năm đó, NÓ chỉ là đứa bé 5 tuổi. Một bé gái đen nhẻm, lem luốc, không biết tự chà đôi bàn chân cho sạch sẽ. Nó rất thích nghe mùi thơm của bộ quần áo mới ngày Tết, mặc bộ quần áo mới ấy, nó hít lấy hít để cái mùi vải đầy mùi hồ mới, in đầy vết phấn vẽ và cả cái sợi chỉ lược còn vướng trên tay áo. Con đường Hai Bà Trưng thật yên tĩnh, đầy những cây cao to che bóng phủ lấy những tòa nhà. Quanh đó là đường Quang Trung, Hoàng Hoa Thám. Các đơn vị hành chính của Tỉnh tọa lạc nơi đây. Khu nhà ở và các dinh thự làm việc của những vị Cán bộ cao cấp, là nơi Mẹ nó làm Y tá. Nhiều đứa trẻ chơi đùa trong khu tập thể, nó cũng được vui đùa cùng bọn trẻ, lúc đó, nó thấy rất được bình yên mà! THAY ĐỔI BẮT ĐẦU Nghe đâu là quy định của thời bao cấp gì đó, nó có hiểu gì đâu. Chỉ biết là Mẹ nó chuyển ngành về một cơ quan khác, đó chính là Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên. Nghe hay nhỉ, nó tạm biệt con đường tuyệt đẹp, cây xanh bóng mát.. để cùng mẹ chuyển về nơi mới, những thay đổi mới. Cũng là khu tập thể, mẹ được cấp một căn nhà, có 1 phòng, có cái bếp đối diện, có khoảnh sân cũng ước chừng bằng căn phòng, có thể trồng vài cây rau xanh. Khuôn viên của Trường cũng rất rộng rãi, rất nhiều cây mít nhé, thích thật, được chạy nhảy thoải mái, chơi trốn tìm thoải mái, nhưng không thể nào được nghe tiếng rao đêm của bà bán hàng rong: Ai, ăn trứng lộn, đê! Đột nhiên có một ngày, sau khi rong chơi mệt mỏi, nó trở về nhà. Một vị khách lạ xuất hiện trong nhà nó. Là Bố nó, nghe Mẹ bảo vậy. Ừ, thì Bố, vui không? Vui chứ. Hôm nay mình có Bố. Lần đầu tiên, đứa bé 5 tuổi được gọi Bố. Bố ở cùng Mẹ và Nó không được bao lâu. Rồi một ngày, Mẹ nó tiễn Bố về quê, nghe bảo Bố về ngoài Bắc để cắt hộ khẩu rồi vào ở cùng vợ con. Sang lắm cơ, thời bao cấp ấy, vay mượn gì thêm ấy có tiền mua vé máy bay tiễn chồng. Mẹ thật tuyệt vời! Ừ, Mẹ thật tuyệt! KHÔNG BAO GIỜ QUÊN Đêm ấy, trường tổ chức Văn nghệ, hát hò rất vui. Nó ngước lên, có ánh trăng nhìn nó. Mẹ bảo đau bụng, đi gọi bà đỡ. Nó băng băng chạy đi với đôi chân bé nhỏ, đi gọi bà đỡ tên Loan. Từ nhà đi đến nhà bà Loan, phải băng qua con đường đầy những con chó trong sân nhà người ta, hăm he sủa ầm ĩ khi thấy bóng người, cứ băng đi, đâu biết nghĩ nhiều, chỉ sợ Mẹ đau.. Có ánh trăng trên đầu đồng hành, rồi cũng vượt qua.. 8h tối, Oe, oe, oe.. NÓ CÓ THÊM EM TRAI. Bà đỡ về, có cô gì ấy ở căn phòng cùng dãy, cô ấy bảo nó: Mẹ mới sinh em, mẹ đói, cháu nấu cháo cho mẹ ăn nhé! Đầu bếp nhí 5 tuổi bắt tay vào bếp. Vo gạo thì nó đã thấy mẹ làm, nhóm bếp cũng thấy, nhưng chưa làm bao giờ. Không hiểu sao, loay hoay cái kiểu gì nó cũng nấu được mới hay chứ. Mẹ cũng có cháo ăn, còn nó say sưa nhìn em bé, thật thích thú! * * * Tạm dừng ở đây, đó mới là THAY ĐỔI. Cuộc đời nó là một cuốn phim quay chậm. Chưa đâu, Nó sẽ kể tiếp PHẦN II
PHẦN II - BẤT HẠNH Bất hạnh của ai? Ai là người Bất hạnh? Sẽ có nhiều nghi vấn cho một đứa bé 5 tuổi biết nhóm lửa nấu cháo, đó chỉ là những ai đang ở thập niên 90. Vì họ chưa bao giờ trải qua, làm sao họ cảm nhận! Từ đó, Nó cùng mẹ và đứa em nhỏ bé, cùng trải qua cuộc sống muôn vàn khó khăn như chưa bao giờ có hồi kết. Cái khu tập thể cũng vắng dần bước chân của Nó, chỉ có sự vui đùa của lũ trẻ tập thể luôn văng vẳng thôi thúc nó để cùng chơi. Dễ gì, nó phải ru em chứ, đôi mắt em ấy sáng ngời, cái mũi thật cao, ai cũng bảo sao mà em như Tây ấy, đẹp thật. Ừ em trai Nó rất đẹp. Nó thương em, cũng bồng bế chăm em thay mẹ vắng nhà. Khoảng chừng 2 năm sau đó, khi đứa em trai đẹp như Thiên thần của nó cũng đã biết bi bô, chập chững, như bao đứa trẻ khác, thì em phải mắc một cơn SỐT. Cơn sốt hành hạ, co giật, khiến cho đôi mắt em bị lác đi, miệng mồm méo xệch, chân tay co lại.. Cái thời ấy, có TIỀN mới dễ thở, và nhà nó thì.. có TIỀN không? Khi đưa em đến Bệnh viện, làm gì còn cơ hội điều trị nữa chứ. Mắt em đã lác, đã câm. Một đứa bé trai xinh xắn, kháu khỉnh, đột nhiên gặp Tai ương như thế. Người thì an ủi Mẹ do chậm đưa em cứu chữa kịp thời. Kẻ thì cho rằng căn phòng đang ở có nhiều âm khí, họ nhìn em xinh xắn nên bắt đi.. Tất cả dồn lên đôi vai của Mẹ. Bố ở đầu? Bước chân vào lớp 1. Nó cũng tung tăng háo hức như bao bạn khác đồng trang lứa để cắp sách đến trường. Lúc đó, nó cũng được Mẹ chăm lo để đến lớp. Niềm vui học hành chỉ là bỡ ngỡ khi tiếp xúc nhiều điều mới mẻ, mà trong bước chân ngày đầu đến trường nó được thoát ra khỏi nhà mà thôi! Những chuỗi ngày sau đó, một buổi đến trường, một buổi chăm em và làm việc vặt phụ cho mẹ. Rồi cũng biết thế nào là chẻ củi. Gốc lớn mẹ chẻ sẵn, nó chỉ việc chẻ mỗi nhánh nhỏ thôi. Nó biết ghé khoai vào cơm lúc nào, và thỉnh thoảng ra vườn khu tập thể canh lúc vắng người để bẻ TRỘM bắp ngô nữa đấy, không phải dạng vừa đâu! Đói à, đi lục đồ ăn vụng khi mẹ vắng nhà. Có hôm, thấy mẹ mua một bì gì đó có màu trắng, cất vào trong chạn (cái chạn tủ mà lúc ấy các gia đình hay có). Rình mãi, mẹ lại đi vắng. Mắt trước mắt sau, nhanh chân chạy đến mở cánh tủ ra lục lọi.. Kiễng chân lên tìm cũng thấy, ôi mừng rỡ mở bì ni lông cẩn thận ra, thò mắt nhìn vào: Ôi, những hạt trắng tinh, tròn đều như thúc giục, bàn tay bé nhỏ sẵn sàng bốc lấy một nắm, trong đầu suy nghĩ: Đường trắng thế, ngon thế, mà mẹ giấu không nỡ cho ăn ư, thế thì ta phải ăn cho đã nào.. Không kịp để đầu nghĩ gì nữa, cái mồm nó đã ngậm hẳn một nắm mà nó gọi thứ ấy là Đường.. Chát, Đắng, Ngái, cái vị gì ấy nhỉ, đường phải ngọt chứ. Buồn, ý nghĩ ăn vụng không còn nữa, Đói vẫn hoàn đói. Không lâu sau này, nó biết được món Đường của nó chính là phân Ure mẹ nó mua để bón rau, hì, thì thế mới biết chứ, Mẹ tiếp tục đưa em nó đi chạy chữa khắp nơi, lúc thì Chùa, lúc thì bệnh xá, nhưng chỉ làm giảm được cái chứng co giật thôi. Rồi em ấy cũng tập chững biết đi, chỉ là nghe mồm méo, nghe được, không nói được.. Nỗi đau thể xác của em, Nỗi đau trong lòng của Mẹ, còn Nó, chỉ biết nhìn, và luôn luôn thèm với cái bụng rỗng. Thỉnh thoảng em lên cơn, em đập đầu vào tường nhà bôm bốp, cũng phải đập vài cái vào tường thì Mẹ và chị mới nghe thấy, nhào đến ôm em, giành lấy tấm thân của em vào lòng mà dỗ dành. Ba mẹ con ôm nhau, ba mẹ con cùng khóc, đâu còn hoảng sợ nữa, quen rồi. Bố ơi, Bố ở đâu? Cuộc sống cũng như vậy, cũng cơm độn, khoai, bắp, rồi thì Tết đến. Nhà nhà vui vẻ sum vầy, rộn rã tiếng cười của những người trong khu tập thể. Ba mẹ con nó cũng đón Tết với những gì thiếu ăn thường ngày. Duy nhất, hai chị em nó được mẹ dắt đi bộ khoảng 4 cây số để ra nhà Lưu niệm Bác Hồ, ngày Lễ Tết đến đấy ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm. Ôi, bức ảnh hai chị em. Con chị vẫn đen nhẻm, ốm nhom, cái miệng hô ra dù đang chúm lại; thằng em trắng trẻo dễ thương, chỉ có đôi mắt lác như nhìn đi hướng khác.. Có một ngày nó đi học về, mẹ đang nói chuyện với một bác cùng cơ quan mẹ. Nghe đâu bác nghỉ phép về quê mới vào, và gửi quà cho mẹ. Nghe bác ấy nói: Cô Hồng à, tôi đã đến nhà gặp chú ấy, đọc thư cô gửi và hình hai cháu, chú ấy bảo là không có vợ con nào trong Nam. Chú ấy còn gửi trả hình hai cháu, tôi đem gửi trả cô, cô nhé, Nó bất định, Mẹ nó bất động Nó không cần biết, nó cóc cần biết. Bố là gì, là gì nào? Nó đã 8 tuổi, em nó 3 tuổi. Bố là ai, trước giờ nó Nó có mẹ và em thôi mà. Cả ba người vẫn sống với nhau đấy thôi. Ừ, thì quanh khu tập thể cũng lắm đứa nó có Bố, kệ chúng nó, không quan tâm. Đứa trẻ 8 tuổi. Một góc nhìn bị khuyết. Em, thỉnh thoảng đập đầu vào tường Mẹ, thỉnh thoảng khóc thầm bị nó bắt gặp Thế đấy, chưa dừng lại.. Còn tiếp