Tản Văn Nợ Ân Tình - Lê Gia Hoài

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lê Gia Hoài, 21 Tháng chín 2020.

  1. Lê Gia Hoài

    Bài viết:
    556
    Tác Phẩm: Nợ Ân Tình

    Tác Giả: Lê Gia Hoài

    Thể Loại: Tản Văn



    Đã hai mươi năm rồi tôi mới trở lại cái thị xã trung du âm trầm, nhỏ bé, lặng lẽ như dáng hình thiếu phụ ngày đêm chờ chồng, trong buổi hội khóa nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày ra trường. Thị xã Phúc Yên - nơi tôi đã gắn bó suốt bốn năm học đại học sư phạm – nơi có một hình bóng mà suốt đời này tôi mắc nợ. Món nợ ân tình chẳng thể nào quên.

    Ngày mới nhập trường, đang lơ ngơ không biết tìm đâu chỗ thuê nhà trọ thì tôi gặp được một anh bạn trước kia học cùng trường phổ thông với chị gái tôi vừa tốt nghiệp nay về trường lấy bằng để về đi xin việc. Do thông thổ nên anh bạn giới thiệu cho tôi một chỗ trọ thật "lý tưởng". Suốt bốn năm học cao đại học tôi đã không chuyển chỗ ở một lần nào vì nơi tôi trọ học giống như gia đình thứ hai của tôi vậy. Còn chị - một chủ nhà không thể tuyệt vời hơn.

    Ngay từ những ngày đầu trọ học, biết gia đình tôi còn nhiều khó khăn chị đã không lấy tiền thuê nhà như mọi người. Nếu các sinh viên khác chị lấy ba mươi nghìn một tháng thì tôi chị chỉ lấy mười lăm nghìn, mà cả năm chị mới thu tiền một lần. Chẳng những vậy, có những khi gia đình chưa kịp gửi tiền lên cho tôi chị đã chẳng ngần ngại cho tôi mượn tạm để giải quyết việc của mình - mặc dù chị cũng chẳng dư giả là bao.

    Một lần cậu bạn thân nhất trong lớp học của tôi do nợ tiền ăn quán của một tay anh chị gần trường. Nếu không có tiền trả thì số nợ sẽ bị báo về gia đình cũng như báo về văn phòng khoa. Nguy cơ bị buộc thôi học là rất lớn – vì nhà trường cấm các "thầy cô giáo tương lai" vi phạm các tệ nạn xã hội, mà nợ quán cũng nằm trong danh mục ấy. Bạn ấy phải đi vay mượn khắp nơi nhưng vẫn thiếu hơn hai trăm nghìn. Do không còn chỗ nào để vay được nữa bạn đã cầu cứu đến tôi. Tôi thì chẳng có để giúp bạn ấy. Biết truyện, chị đã không ngần ngại đưa tôi để tôi giúp bạn – mặc dù tiền thuê nhà năm học ấy tôi vẫn chưa trả được cho chị.

    Tôi vẫn nhớ cái tết đầu tiên trong đời sinh viên của tôi. Ngày tết cận kề, các sinh viên lũ lượt về quê ăn tết cùng gia đình. Tôi ở lại trường tiếng là để trực tết cùng các thầy cô nhưng thực tế là tôi không muốn về quê bởi về quê tiền tàu xe tốn kém sẽ thêm gánh nặng nợ nần cho mẹ ở nhà. Tôi ở lại cùng chị. Chị cắt lá dong, chẻ lạt giang, gói bánh chưng. Chiều hai tám tết, lúc hai chị em ngồi nấu bánh tôi mới được chị kể về cuộc sống của gia đình chị những ngày trước khi tôi về trọ học:

    Thì ra chị sống một mình cùng đứa con gái. Chồng chị chỉ ở với chị đến hết tuần trăng mật thì anh cùng bạn bè đi đào vàng ở mãi tận Hà Giang. Anh đi biền biệt bốn, năm năm rồi không có tin tức gì, chẳng biết sống chết ra sao. Căn nhà mà hai mẹ con chị đang ở và cho chúng tôi thuê là của mẹ đẻ chị xây cho trước khi anh chị lấy nhau. Căn nhà bốn gian. Chị và con gái ở trong gian buồng lộn, tôi ở một gian nhà ngoài. Công việc hàng ngày của chị là bán hàng xén. Mặt hàng chị bán có nhiều loại nhưng tôi thấy chị bán chủ yếu là quạt nan và các loại khế.

    Quạt nan chị tự đan lấy. Ngoài giờ học tôi được chị hướng dẫn đan. Tất nhiên những chiếc quạt tôi làm ra không đẹp bằng những chiếc quạt do bàn tay khéo léo của chị tạo ra, nhưng dẫu sao nó cũng giúp chị bớt nhọc nhằn và vui hơn với công việc của mình. Nhà chị vườn rộng, chẳng trồng được thứ gì ngoài khế và vài loại rau nhì nhằng. Các loại khế: Khế cơm, khế chua, khế dở.. không hiểu có phải do hợp với thổ nhưỡng đất trung du hay không mà khế nhà chị cây tốt quả sai vô kể. Mỗi chiều trên giảng đường về tôi vẫn giúp chị trèo cây hái khế. Quả nào ngon nhất được ăn trước. Những quả khế cơm sao mà ngon, mà ngọt, mà mát đến thế!

    Tôi và chị cùng nhau nấu bánh gần như suốt đêm. Nồi bánh reo sôi sục, khói bếp lan tỏa khắp góc sân mang theo mùi thơm bánh chưng đọng đầy trên các cành khế. Đến gần sáng tôi thấy chị mệt mỏi và bắt đầu ngủ gật. Thế rồi chị nghiêng đầu dựa vào vai tôi ngủ ngon lành. Mái tóc dài suôn mượt của chị xõa lên vai tôi. Lúc này tôi mới nhận ra mùi hương đặc biệt trên tóc chị. Quanh trường Đại học Sư phạm Hà Nội II thời bấy giờ người ta trồng rất nhiều cây long não. Có cây đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành những cây cổ thụ như biểu tượng của thị xã này. Chị không dùng dầu gội như mọi người mà vẫn thường hái lá long não mang về nấu nước để gội đầu và để tắm. Chị bảo: "Gội đầu bằng lá long não vừa sạch lại vừa thơm, trị được nhiều bệnh về da và tóc".

    Bình thường nào tôi có để ý chi đâu nhưng nay mới thấy hương long não trên tóc chị thơm mát, dịu ngọt đến vô cùng. Càng về sáng lửa trong bếp càng cháy rực, nồi bánh chưng càng reo mạnh hơn, mùi hương long não trên tóc chị càng thơm lựng thơm làng, nó phảng phất vào lòng tôi một cái gì đó rất mơ hồ và rất khó nói nên lời. Mùi hương ấy cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được. Mỗi lần đi đến nơi nào có cây long não, ngửi thấy mùi hương của nó tôi lại nhớ tới mái tóc, nụ cười và khuôn mặt trái xoan thánh thiện của chị.

    Sáng ra tôi và chị cùng nhau vớt bánh, chưa cúng tế gì chị bảo: "Hai chị em mình thử bánh xem sao". Chẳng biết do đói hay do bánh chị gói khéo quá – lá xanh, bánh rền, nhân thơm, thịt ngậy, mà khi ăn tôi thấy nó thơm ngon đến như vậy. Mãi về sau này tôi chẳng được ăn đồng bánh chưng nào lại thơm ngon và ám ảnh như lần ăn bánh chưng ấy.

    Suốt ba ngày tết ngoài sang hai bên nội ngoại chúc tết hai mẹ con chị chẳng đi đâu. Lúc cao hứng chị lấy rượu vang cùng tôi đối ẩm. Khi rượu đã ngà say chị bảo tôi đàn cho chị nghe. Có lúc chị hát theo những bản nhạc tôi đàn. Có bao nhiêu tình khúc Trịnh Công Sơn quen thuộc chị bảo tôi đàn hết. Chẳng biết có phải do nhạc Trịnh buồn, vì ngấm rượu hay vì một lẽ đời nào khác mà khi tôi đàn xong chị lại khóc. Chị khóc ngon lành trước mặt tôi như cô bạn gái học dưới tôi hai lớp đã khóc như mưa như gió ngày tiễn tôi xa nhà đi học.

    Suốt bốn năm bên chị có bao truyện chị kể hết cho tôi nghe. Còn tôi có bao việc giúp được là tôi giúp chị. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ chị như người mẹ, người chị, người bạn.. của mình. Ngày tôi tốt nghiệp chị đã tranh thủ đan tặng tôi chiếc khăn len màu tím có thêu hình trái tim. Chiếc khăn len ấy tôi giữ nó như báu vật đời mình và cứ đến dịp tết hay những ngày lạnh nhất tôi mới mang ra quàng. Những lúc ấy tôi cứ thấy hơi ấm từ chiếc khăn lan tỏa vào trái tim, lan tỏa vào tâm hồn tôi một thứ hơi ấm diệu kỳ.

    Ra trường tôi chẳng trở thành "thầy giáo" như mẹ mong đợi. Tôi được chú đưa sang cộng hòa Séc theo diện lao động xuất khẩu. Hai mươi năm bôn ba xứ người, có đôi lần trở về quê hương nhưng toàn là về tranh thủ nên tôi chẳng thể đến thăm chị.

    Chắc chắn rồi! Về hội khóa lần này tôi sẽ đến thăm chị. Sẽ nói lời cảm ơn những gì chị dành cho tôi trong quá khứ, sẽ xin lỗi chị bởi sự vô tâm suốt hai mươi năm qua, và sẽ gửi tới chị lời chúc chúc phúc – dẫu có muộn màng.


    Lê Gia Hoài

    [​IMG]
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...