Hồi cuối tháng 7/2023, hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã tham gia nhiều buổi phỏng vấn, media tour sau khi đăng quang Miss World Việt Nam. Khi được nhận câu hỏi về cảm nghĩ sau khi đoạt vương miện và mối quan hệ với bạn trai, cô đã có những câu trả lời được cho là thiếu tinh tế và tạo "làn sóng" chỉ trích trên mạng xã hội. Lợi dụng những kẽ hở của sự việc, những "anh hùng bàn phím" đã cắt ghép các đoạn clip cũng như thêm mắm thêm muối đã khiến cho sự việc đi quá xa. Ý Nhi bị bạo lực mạng đến nỗi cư dân mạng đòi tước vương miện cô và quá đáng hơn là xúc phạm đến gia đình cô. Câu chuyện của Huỳnh Trần Ý Nhi gợi ta liên tưởng đến hiện tượng bạo lực mạng trong giới trẻ ngày nay. "Bạo lực mạng" đã dần trở thành một hiện tượng quá phổ biến và quen thuộc trong giới trẻ ngày nay. Nó là một hình thức tổn thương tâm lý con người bằng cách dùng lời nói khiếm nhã xúc phạm thay vì dùng những hành động tác động vật lý nhưng lại có sức ám ảnh đối với nạn nhân vô cùng lớn. Bạo lực mạng hiện nay xảy ra rất thường xuyên, hiện hữu len lỏi trong cuộc sống hằng ngày không chỉ với người nổi tiếng-những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội mà còn đối với người bình thường, trong tất cả phạm vi, đôi khi chỉ là vô tình nhưng có khi lại là cố tình xúc phạm, quấy rối, body shaming bằng nhiều hình thức. "Mỗi lời nói ra đều mang sức nặng, đều có thể trở thành vũ khí giết người. Và một lời xin lỗi muộn màng cũng không thể làm người chết sống dậy". Bạo lực mạng gây tổn thương rất nặng nề đối với nạn nhân-những người phải hứng chịu những lời nói cay độc của những người tự xưng là "anh hùng mạng". Những điều tưởng chừng được coi là bình thường nhưng lại hủy hoại một con người gây ra những cuộc chia ly, sự mất mát về tinh thần thậm chí là cả mạng sống của nạn nhân bởi lời nói mang một sức mạnh vô cùng lớn. Với người đi bạo lực người khác tuy được "thỏa mãn" lòng mình nhưng lại phải đối diện với "tòa án lương tâm" day dứt suốt phần đời còn lại cũng như chịu sự "ghẻ lạnh" của xã hội. Thời gian vừa qua cư dân mạng đang rất xôn xao sự việc một nam sinh nhảy từ tầng cao để kết liễu sinh mạng tại trường Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh và để lại một lá thư với dòng chứ: "Thế giới này chẳng đáng yêu chút nào cả.." Sau lá thư tuyệt mệnh ấy, không ít những anh hùng bàn phím đã cào cấu sự việc, dùng những lời lẽ thiếu tinh tế để chỉ trích nam sinh dù anh đã từ giã cõi trần. Có thể thấy bạo lực mạng hiện nay của giới trẻ đang dần trở thành một điều hiển nhiên và len lỏi ăn sâu vào thế hệ trẻ ảnh hưởng một cách nặng nề đến nhân sinh quan. "Bạo lực mạng như một con dao vô hình phá hủy một tâm hồn con người lúc nào không hay biết". Bạo lực mạng không có nghĩa là con người có quyền được chà đạp, nhân phẩm hay danh dự của một người. Đó là một hiện trạng đáng lên án. Cuộc sống như một bản nhạc phong phú với những lời ca thật đẹp. Bên cạnh những nốt cao thánh thót tượng trưng cho những người luôn có nhìn toàn diện về một người từ đó đưa ra những lời đóng góp trên tinh thần xây dựng. Ngược lại, nốt trầm lại là những người luôn nhìn một người phiến diện và dùng những lời lẽ để mỉa mai, bạo lực dù cách qua một màn hình. Hiểu và nhận thức được bạo lực mạng, chúng ta nói riêng và thế hệ trẻ nói chung cần phải tự nhận thức được hành vi, cư xử một cách đúng đắn trên không gian mạng để không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải có cái nhìn đa chiều về các vấn đề xảy ra trong xã hội, không đánh giá một sự việc, con người khi chưa có nguồn thông tin chính xác để không bị truyền thông dắt mũi. Đối với nạn nhân phải hứng chịu bạo lực mạng từ người khác, cần nên có một tâm lý vững vàng, một cái đầu lạnh và một trái tim dũng cảm để đấu tranh cho quyền lợi của bản thân. Có thể nói rằng, bạo lực mạng là một hiện tượng tiêu cực nhưng lại xảy ra rât thường xuyên gây tổn thất rất lớn đến tinh thần con người cũng như sự nhân văn của xã hội. Cần tích cực tuyên truyền, có những biện pháp răn đe để đẩy lùi tình trạng này: "Tự do ngôn luận không thể bào chữa cho việc bắt nạt mạng. Từ ngữ có sức mạnh, hãy cẩn trọng khi sử dụng chúng" (Germany Kent).