Đọc hiểu: Tản Viên từ Phán sự lục - Nguyễn Dữ - Ngữ văn 10 Kết nối

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 3 Tháng một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đọc hiểu văn bản: Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên - Nguyễn Dữ, Ngữ văn 10
    Kết nối tri thức với cuộc sống


    Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:


    Đoạn 1:

    Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vãn vung tay không cần gì cả.

    ( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản?

    Câu 2. Nhận xét về cách giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn của tác giả Nguyễn Dữ, cách giới thiệu như vậy có tác dụng như thế nào?

    Câu 3. Theo anh/chị, nguyên nhân và mục đích đốt đền của Ngô Tử Văn là gì?

    Câu 4. Liệt kê các từ ngữ biểu hiện hành động và thái độ của nhân vật Ngô Tử Văn, các từ ngữ đó mang lại hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn?

    [​IMG]

    Đoạn 2:

    Đốt xong về nhà, chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô đĩnh đạc, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng, quần áo, rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ, đến đòi làm trả lại tòa đền như cũ, và nói:

    - Nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần ra sao, cớ gì lại dám lăng miệt, hủy tượng đốt đền, khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện, vậy bảo làm sao bây giờ? Biết điều thì dựng trả tòa đền như cũ. Nếu không thì vô cớ hủy đền Lư sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ.

    Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên, người kia tức giận nói:

    - Phong Đô không xa xôi gì, ta tuy hèn, há lại không đem nổi nhà người đến đấy. Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết.

    Nói rồi phất áo đi.

    ( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10)

    Câu 5. Đoạn trên kể lại sự việc gì?

    Câu 6. Người đội mũ trụ trong đoạn trích là ai? Đến tìm Ngô Tử Văn với để làm gì?

    Câu 7. Thái độ của Ngô Tử Văn trước những lời nói của người đội mũ trụ như thế nào? Vì sao chàng lại có thái độ như vậy? Thái độ đó góp phần nói lên điều gì về tính cách của Ngô Tử Văn?

    Câu 8. Kết quả của lần gặp mặt thứ nhất là gì?

    Đoạn 3:

    Đến đêm, bệnh càng nặng thêm, rồi thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành về phía đông. Đi độ nửa ngày đến một dinh tòa rất lớn, chung quanh có thành sắt cao vọi đến mấy chục tượng. Hai quỷ đến nói với người canh cổng, người canh cổng đi vào một lúc rồi ra truyền chỉ rằng:

    - Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm.

    Nói rồi xua tay bảo đi ra phía bắc. Đằng phía bắc, tức là một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài ước hơn nghìn thước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác. Hai quỷ dùng gông dài thừng lớn gông trói Tử Văn mà giải đi rất nhanh, Tử Văn kêu to lên rằng:

    - Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng.

    Chợt nghe trên điện có lời nói rằng:

    - Tên này bướng bỉnh ngoan cố, nếu không phán đoán cho rõ, chưa chắc nó đã chịu nhận tội.

    Bèn sai dẫn Tử Văn vào trong cửa điện. Tử Văn vào đến nơi, đã thấy người đội mũ trụ đương kêu cầu ở trước sân.


    Diêm vương mắng Tử Văn rằng:

    - Kẻ kia là một người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được huyết thực ở một tòa đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?

    Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời thổ công đã nói, lời rất cương cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào. Người đội mũ trụ nói:

    - Ấy là ở trước vương phủ mà hắn còn mồm năm miệng mười như thế, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu, sợ gì mà hắn không dám cho một mồi lửa.

    Hai bên cãi cọ nhau mãi vẫn chưa phân phải trái, nhưng Diêm Vương vì thế bụng cũng sinh nghi. Tử Văn nói:

    - Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực; không có sự thực như thế, tôi lại xin chịu thêm cái tội nói càn.

    Người kia bây giờ mới có vẻ sợ, quỳ xuống tâu rằng:

    - Gã kia là một kẻ học trò, thật là ngu bướng, quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ trừng giới. Xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Bất tất đòi hỏi dây dưa và thẳng tay trị tội, sợ có hại cho cái đức hiếu sinh.

    Diêm vương quát lớn rằng:

    - Cứ như lời hắn thì nhà người đáng tội chết. Điều luật lừa dối đã sẵn sàng đó. Nhà ngươi cớ sao dám làm sự càn bậy như vậy?

    Lập tức sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực. Sai nhân về tâu, nhất nhất đúng với lời Tử Văn.

    ( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10)

    Câu 9. Đoạn trên kể lại sự việc gì?

    Câu 10. Cảnh cõi âm rùng rợn được miêu tả như thế nào? Mục đích của tác giả khi kể về những chi tiết miêu tả cảnh cõi âm đó?

    Câu 11. Tình thế ban đầu bất lợi cho Ngô Tử Văn ra sao? Thái độ của Ngô Tử Văn khi bị đặt trong tình thế đó?

    Câu 12. Ngô Tử Văn lần lượt phản công ra sao trong tình huống này? Lời nói, thái độ của Ngô Tử Văn góp phần tô đậm đặc điểm tính cách gì của chàng?

    Câu 13. Nêu ý nghĩa chiến thắng của Ngô Tử Văn và giá trị tư tưởng của truyện.

    Gợi ý :

    Câu 1. Phương thức biểu đạt của đoạn văn bản: tự sự.

    Câu 2.

    - Nhận xét về cách giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn của tác giả Nguyễn Dữ: cách giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn về tên họ, quê quán, tính tình, phẩm chất.

    - Cách giới thiệu như vậy có tác dụng: Lời giới thiệu mang giọng ngợi khen, tạo ấn tượng cho người đọc về nhân vật chính với những nét tính cách cơ bản.

    Câu 3. Nguyên nhân và mục đích đốt đền của Ngô Tử Văn là:

    Nguyên nhân: Bởi lẽ ngôi đền trước vốn linh ứng, nay đã bị hồn ma dơ bẩn của một tên tướng giặc cướp lấy, biến thành cái họa quá quắt, nhân dân không chịu nổi. Sự tình ngang trái, gian tà lộng hành, nhân dân khốn khổ. Thế là Tử Văn quyết định: đốt đền.

    Mục đích: Đốt đền có nghĩa là đốt nhà tên giặc, không cho nó có nơi trú ẩn, làm yêu làm quái, sách nhiễu nhân dân; bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân.

    Câu 4.

    - Các từ ngữ biểu hiện hành động và thái độ của nhân vật Ngô Tử Văn: tức giận, tắm gội, khấn trời, châm lửa, đốt đền, vung tay không cần gì cả.

    - Các từ ngữ đó mang lại hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn:

    + tức giận: thể hiện tính cách nóng nảy, không chịu được sự gian tà.

    + tắm gội, khấn trời: cho thấy Tử Văn có niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa, tin vào đúng đắn trong hành động của mình, tin thần linh sẽ ủng hộ mình trong việc làm chính nghĩa này.

    + vung tay không cần gì cả: thể hiện sự ngang tàng, cứng cỏi.

    Câu 5. Đoạn trên kể lại sự việc tên hung thần đến gặp Tử Văn, đòi Tử Văn xây lại đền cho hắn.

    Câu 6.
    - Người đội mũ trụ trong đoạn trích là hồn ma tê tướng giặc họ Thôi.

    - Hắn đến tìm Ngô Tử Văn với để kết tội, đòi dựng lại đền cho hắn và cuối cùng đe dọa kiện Tử Văn.

    Câu 7.

    - Thái độ của Ngô Tử Văn trước những lời nói của người đội mũ trụ: Trước sự ngang ngược trắng trợn, quyền phép đáng sợ của hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn "vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên", không hề run sợ mà tự tin, không coi những lời đe dọa ra gì, thậm chí chẳng thèm tiếp lời hồn ma tướng giặc. Thái độ ấy thể hiện một khí phách cứng cỏi, một niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa, sự đúng đắn trong hành động của Ngô Tử Văn.

    - Chàng lại có thái độ như vậy vì Tử Văn tin vào chính nghĩa, tin vào sự đúng đắn trong hành động của mình.

    - Thái độ đó góp phần nói lên tính cách cứng cỏi, gan dạ, dũng cảm của Ngô Tử Văn.

    Câu 8. Kết quả: cuộc đối đầu lần thứ nhất kết thúc trong cái phất áo ra đi đầy giần dữ của tên hung thần, dự báo sóng gió sẽ ập đến với Tử Văn.

    Câu 9. Đoạn trên kể lại sự việc Tử Văn đối đầu với tên hung thần dưới Minh Ty.

    Câu 10. Cảnh cõi âm rùng rợn được miêu tả: "gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương, mấy vạn quỷ dạ doa mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác".

    Mục đích của tác giả khi kể về những chi tiết miêu tả cảnh cõi âm đó: tô đậm thêm kịch tính và góp phần khắc họa tính cách gan dạ của Tử Văn.

    Câu 11. Tình thế ban đầu bất lợi cho Ngô Tử Văn: Diêm Vương chỉ nghe lời của tên hung thần nên đã phán quyết một cách hồ đồ bằng những lời lẽ buộc tội lạnh lùng, gay gắt: "Kẻ kia là một người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được huyết thực ở một tòa đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?"

    Thái độ của Ngô Tử Văn khi bị đặt trong tình thế đó: Tử Văn vẫn tỏ ra vô cùng bất khuất, kiên cường. Không chịu khuất phục trước uy quyền, bất chấp tính mạng của mình, Tử Văn kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí, lẽ phải: "Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào".

    Câu 12. Ngô Tử Văn lần lượt phản công:

    - Đòn thứ nhất: Tử Văn "bèn tâu trình đầu đuôi như lời thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào".

    - Đòn thứ hai: Xin cho tư giấy đến đền Tản Viên.

    Câu 13. Ý nghĩa chiến thắng của Ngô Tử Văn: Chiến thắng ấy của Ngô Tử Văn có nghĩa vô cùng to lớn, đã trừng trị đích đáng hồn ma tướng giặc xảo trá, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, phục hồi chức vị cho thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân, thể hiện tinh thần dân tộc, thể hiện niềm tin vào công lý...

    Giá trị tư tưởng của truyện: Truyện ca ngợi nhân vật Ngô Tử Văn, một trí thức nước Việt khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp, qua đó bộc lộ niềm tin vào công lí, chính nghĩa nhất định chiến thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...