NLVH: Tặng một vầng trăng sáng - Văn học chân chính có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi lê hiền., 19 Tháng năm 2020.

  1. lê hiền.

    Bài viết:
    32
    Đề bài:

    Câu 1:
    Viết đoạn văn khoảng 200 chữ về: Công việc mà bạn lựa chọn trong tương lai.

    Câu 2: (Đề thi HSG cấp trường, Trường THPT Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long)

    TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG

    (Lâm Thanh Huyền)

    Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.

    Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi, thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.

    Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:

    - Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!

    Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.

    Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương liền khẳng khái thốt lên:

    - Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.

    Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.

    Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:

    - Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.

    (Theo Kinh điển truyện ngắn cực ngắn)

    Người dịch: VŨ CÔNG HOAN

    Có ý kiến cho rằng: "Văn học chân chính có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người".

    Bằng góc nhìn của mình, anh/chị hãy phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện "Tặng một vầng trăng sáng" - Lâm Thanh Huyền ; từ đó bình luận về ý kiến trên.

    Hướng dẫn:

    Câu 1: "Công việc mà tôi lựa chọn trong tương lai"


    Trong cuộc sống, ai chẳng từng một lần cất tiếng khóc chào đời đón nhận một cuộc đời mới có sự bạo bọc của cha mẹ người thân và gia đình yên mến. Tôi cũng vậy cũng như bao người khác được sinh ra được đón nhận điều đó và khi trưởng thành đến thời điểm hiện tại cuộc sống của tôi lại hoàn toàn khác bởi con đường của một người trưởng thành là phải biết tự lập và tự lo cho bản thân cũng như phải tìm một công việc phù hợp để bước tiếp trên con đường tương lai. Công việc mà tôi lựa chọn trong tương lai có lẽ sẽ rất khó khăn để thực hiện và đạt được mục đích đúng như mong muốn đã dự định. Công việc đó cũng là ước mơ của tôi từ thuở bé đó chính được làm một cô gái hướng dẫn viên du lịch. Tuy đây là một công việc khá quen thuộc khi nghe tên nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng hứng thú với ngành nghề này. Bởi đây là một công việc vô cùng ý nghĩa khi giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước về những danh lam thắng cảnh, về một di tích lịch sử xa xưa hay cả những địa điểm nổi tiếng như phố cổ Hội An – Hà Nội.. vừa nghĩ thôi tôi đã cảm thấy vô cùng tự hào về đất nước của mình nơi mà những gì ông cha ta dân tộc Việt Nam đã gìn giữ và bảo tồn. Dù chỉ vẫn là một học sinh trung học phổ thông nhưng ước mơ về công việc ấy vẫn luôn bùng cháy trong tôi, tôi sẽ quyết tâm học tập thật giỏi để đạt được ước mơ này bởi nó thể hiện tất cả những gì hiểu biết của một con người Việt Nam về đất nước thân thương của mình cho những nước bạn trên thế giới. Nếu ai có ước mơ về công việc này giống tôi thì bạn và tôi sẽ cùng cố gắng nhé để đạt được nó nhé.

    Câu 2:

    Giải thích ý kiến "Văn học chân chính có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người"

    * Hiểu thế nào là văn học chân chính?

    - Văn học chân chính là thứ văn học đặt con người ở vị trí trung tâm để khai thác, phải đề cao phẩm giá của con người, đi sâu vào đời sống nhân loại, lấy chủ nghĩa nhân đạo làm gốc.

    - Chỉ có văn chương chuyên chú vào con người từ xưa đến nay mới tồn tại mãi mãi và trở thành bất hủ bởi nó "chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình.. Nó làm cho người gần người hơn".

    * Hiểu "khả năng cứu vớt và cảm hóa con người" trong văn học như thế nào?

    - Trong các tác phẩm văn học, ta bắt gặp những con người, những cá tính có thật ở ngoài đời, đặc biệt hơn, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta còn thấy được có cả chúng ta trong đó.

    - Vì thế đọc các tác phẩm văn xuôi cũng như thơ, kịch.. chúng ta luôn thấy được sự gần gũi. Nội tâm của nhân vật đôi khi cũng chính là nội tâm của chúng ta, người nghệ sĩ đã thay chúng ta đi phân tích, mổ xẻ những cá tính đó để cho chúng ta hiểu về mọi người và hiểu về chính bản thân mình. Để từ đó chúng ta vươn lên sự tự hoàn thiện mình.

    - Mục đích của tác phẩm là gì? Đối tượng cuối cùng mà nhà văn muốn hướng tới, tất nhiên là người đọc, vì thế, mục đích cảm hóa chính là cảm hóa người đọc. Nhân vật chỉ là một hình tượng trong tác phẩm, và nhà văn/nhà thơ dùng cái hình tượng đó để hướng tới người đọc.

    Khái quát: Ý kiến trên khẳng định vai trò, giá trị của văn học đối với đời sống của con người:

    - Macxim Gorki: "Văn học là nhân học"

    - Văn học là cái đẹp: văn học viết và miêu tả về cái Đẹp; văn học hướng con người ta tới cái Đẹp, bồi dưỡng cho con người những tri thức, những tình cảm đẹp.

    - Văn học cứu rỗi, cảm hóa con người. Có một nhà văn từng nói: "Cái Đẹp cứu rỗi thế giới". Văn học là cái Đẹp nên Văn học cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

    Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện "Tặng một vầng trăng sáng" - Lâm Thanh Huyền

    *Lưu ý: Việc phân tích, đánh giá truyện "Tặng một vầng trăng sáng" - Lâm Thanh Huyền là cơ sở thực tiễn để đưa ra quan điểm bình luận về ý kiến trong đề.

    Phân tích, đánh giá chủ đề:

    * Nhan đề "Vầng trăng sáng"

    + "Vầng trăng sáng" của trời được tác giả miêu tả hai lần trong hai buổi tối liền kề nhau: Buổi tối Thiền sư đắc đạo, gặp tên trộm và buổi tối tên trộm đã được cảm hóa lương tâm, thành người tốt.

    + "Vầng trăng sáng" trong lời nói của Thiền sư. Đó là thứ Thiền sư mong tặng được cho tên trộm.

    + "Vầng trăng sáng" chính là biểu thị sự kì diệu của Phật Pháp, cái đẹp trong thiên tính con người. Thiền sư nói đã tặng được tên trộm "vầng trăng sáng" là hành động cao đẹp của Thiền sư đã cảm hóa được tên trộm, khiến anh ta thay đổi, anh ta đã trở thành ngươi tốt (trả lại áo, gấp áo gọn gàng, tử tế)

    * Câu chuyện ngắn gọn nhưng để lại bài học đạo lí quí giá về cách ứng xử mà văn bản văn học muốn truyền tới người đọc:

    - Thiền sư thiện tính coi trọng con người (dù đó là tên trộm) – đó là tấm lòng nhân ái của người theo đạo Phật, yêu thương mọi chúng sinh. Thiền sư không căm ghét tên trộm mà thấy đó là người đáng thương, khốn khổ.

    - Những hành động của Thiền sư khác biệt với sự hành xử của người thường đối với những người trộm cắp:

    + Trong câu chuyện, Thiền sư đã nhìn tên trộm với đôi mắt cảm thương, từ ái nên anh chỉ thoáng giật mình khi thấy ngài. Nhưng anh đã đến không đúng chỗ nên chẳng thu được vật gì. Do đó, Thiền sư đã nhẹ nhàng vỗ vai anh và cởi cái áo của mình khoác lên người anh giữa đêm sương lạnh, chiếc áo không là bao nhưng chứa đựng cả tấm chân tình của người cho và kẻ nhận.

    + Thiền sư cho tên trộm đi không có nghĩa là dung dưỡng cho hành vi phi pháp của anh mà ngày muốn đánh thức "tính bản thiện" nơi con người anh, "Ta chỉ mong tặng anh một vầng trăng sáng". Thiền sư muốn trao cho anh vầng trăng sáng tự thuở nào, từ thuở anh chưa sinh ra, trăng đã sáng và rạng ngời theo từng bước anh đi, nhưng có lẽ vì gia đình quá bế tắc, khốn cùng mà anh không thể thấy ánh trăng soi. Nên ngày ngày, anh phải sống lén lút, rình mò với nỗi hồi hộp, lo âu trong bóng tối để cuộc đời mình tối đen thêm. Và anh thật may mắn khi gặp được vị thiện hữu, người kéo anh lên và dẫn anh qua những khúc quanh ghồ ghề.

    + Và những gì Thiền sư mong ước đã toại lòng vì anh trộm đã được tưới tắm lại hạt giống thuở ban sơ. Cũng trên con đường mòn dưới ánh trăng khuya, anh trở lại liều tranh trả chiếc áo cho vị Thiền sư với tâm an nhiên thư thái, vừa thưởng gió trời, vừa ngắm trăng soi. Thiền sư và anh, hai người không đối diện nhưng đã cùng mĩm cười khi hướng mắt về vầng trăng sáng.

    - Bài học về cách ứng xử:

    + Khi tiếp xúc với những con người mà xã hội cho là nhân tố xấu, ta sẽ nhìn họ với ánh mắt nào? Cảm thông, chia sẻ hay rẻ rúng, khinh khi? Chính thái độ ứng xử của chúng ta là động lực có thể xô đẩy họ xuống hố sâu hay khơi dậy tính thiện lương trong họ?

    + Trong mỗi con người chúng ta ai cũng muốn hướng đến chân trời tươi đẹp, sáng sủa và không ai tự chọn cho mình nơi đến là nhà tù, ngục tối, là hố thẳm, vực sâu. Thế nhưng, cuộc đời không như ước muốn nên xã hội có đủ thành phần, nào: Giàu sang, nghèo khó, trí thức, bình dân, thất học, trộm cắp, hút xách.. Hiện nay, xã hội luôn quan tâm đến những tệ nạn như trộm cướp, ma túy, mại dâm.. nhưng xã hội đã làm gì nhiều cho họ chưa?

    + Chúng ta hãy trải một tấm lòng để đến với mọi tấm lòng. Chúng ta hãy xòe đội tay nhân ái để nắm được tất cả những đôi tay trong cuộc đời. Hãy biết trao đi ánh mắt cảm thông, nụ cười chia sẻ, cái bắt tay thâm tình đối với những người bất hạnh hơn ta. Những cử chỉ nhỏ, nhưng có thể xoa dịu nỗi đau của người khác, làm sống lại niềm tin nơi chính họ đối với cuộc đời.

    Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật

    - Tình huống truyện éo le: Cuộc gặp gỡ giữa vị Thiền sư và tên trộm. Một người được xã hội trân trọng, một người với nghề nghiệp thấp kém, xã hội khinh rẻ.

    - Sử dụng ngôi kể thứ nhất (người kể chuyện toàn tri) ; điểm nhìn: Người trần thuật, tạo tính khách quan cho lời kể.

    - Không gian: Rừng núi; thời gian đêm khuya "ánh trăng vằng vặc" xuất hiện 4 lần trong tác phẩm gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc thẩm mĩ.

    - Lối kể chuyện chân thật, giàu cảm xúc.

    - Ngôn ngữ gần gũi; giọng văn tự nhiên, nhẹ nhàng

    - Nhân vật trong truyện là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội. Tính cách các nhân vật được bộc lộ qua lời người kể chuyện, lời đối thoại, qua ý nghĩ.

    - Các chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý.

    - Truyện hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh, đời sống tâm hồn con người.

    - Nội dung bao quát nhiều phương diện đời sống nhưng cái độc đáo của nó thường là ngắn.

    Bình luận về ý kiến "Văn học chân chính có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người"

    Ý kiến trên đây là sự thể hiện quan niệm mang tính phổ quát, có cơ sở lí luận và đã được thực chứng qua thực tiễn văn chương nhân loại xưa nay.

    * Cơ sở nhân đạo hóa của văn học chân chính?

    - Văn chương lấy cảm xúc để điều chỉnh, củng cố cảm xúc của con người.

    - Văn chương là cả một tấm lòng yêu thương sâu nặng của người nghệ sĩ đối với con người.

    - Văn chương chính là biểu hiện của sự phản ánh thế giới khách quan vào tâm hồn của người viết, ở đó người ta nhận thấy được tâm tư, tình cảm hỷ, nộ, ái, ố tinh tế và nhạy bén của tác giả trước các sự kiện trong xã hội để người đọc căn cứ vào đó mà nhìn nhận lại chính bản thân mình.

    * "Văn học có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người" bằng cách nào?

    - Văn học đã khiến con người ta biết nhận thức, biết thông cảm, biết xót thương cho đồng loại, làm cho tâm hồn con người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước sự biến chuyển cảm xúc và cuộc đời của nhân vật từ đó con người ta trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn. Đọc truyện "một vầng trăng sáng" của Lâm Thanh Huyền, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những con người mà xã hội cho là những nhân tố xấu cần phải chuyển hóa. Họ đã khóc nghẹn ngào khi nghe nhắc đến gia đình, người thân, về một tương lai phía trước. Họ rất khát khao được trở về để sống bình yên bên mái ấm thân thương, họ cố gắng hoàn thiện nhân cách của mình để trở thành một công dân tốt cho xã hội hôm nay. Thế mới biết hạt giống lành luôn sẵn có trong lòng của mỗi chúng sinh. Điều thiết yếu là chúng ta phải biết cách nuôi dưỡng cho hạt nảy mầm, bón phân cho cây phát và bắt sâu để không cho ảnh hưởng đến hoa màu, để mai sau cây sẽ dâng cho đời hoa trái, tô điểm cuộc sống thêm hương.

    - Văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn, làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Từ hành động của Thiền sư trong cách đối xử với tên trộm: Sợ kẻ trộm giật mình, ông đứng ngoài cổng đợi; nói với kẻ trộm rằng: Anh là bạn đến thăm và tặng kẻ trộm cái áo; tiếc vì không tặng được kẻ trộm vầng trăng sáng.. ta nhận thấy ngài chỉ muốn tặng chứ không mong muốn biến tên trộm thành kẻ gian. Còn chúng ta thì sao? Ở trong trường hợp của nhà sư, ta sẽ làm gì? Tống họ vào tù kèm theo những lời sỉ mắng mà không cần tìm hiểu nguyên nhân. Chúng ta đâu biết cách ứng xử đó đẩy họ ngày càng xa với ánh sáng cuộc đời và phải sống trong tủi nhục, oán hận, bất cần đời..

    * Ý kiến "Văn học có khả năng cứu vớt và cảm hóa con người" hoàn toàn đối lập với thứ văn chương không chân chính đó là những tác phẩm hào nhoáng về hình thức, câu từ trau chuốt khéo léo, nhưng lại không mang tính nhân văn, đôi khi nó còn hạ thấp phẩm giá và đạo đức của người đọc, tô vẽ những thứ gì xa vời cuộc sống, thậm chí trở thành cái vỏ bọc cho sự khốn nạn, mị dân của một giai cấp thống trị thối nát.
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 10 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...