Một tác phẩm chỉ thật sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi Nam Cao đã từng nói "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than", chúng ta đặc biệt trân trọng những tác phẩm được kết tinh từ bước phát triển của chặng đường văn học này, trong đó xuất sắc nhất vẫn phải kể đến "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài-một nhà văn tài hoa với vốn sống phong phú. Tác giả đã mang lại những giá trị hiện thực sâu sắc cụ thể được thể hiện qua những diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích sau: "Ai ở xa về.. Đến bao giờ chết thì thôi..". "Vợ chồng A Phủ" là tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài được sáng tác năm 1952 nằm trong tập "Truyện Tây Bắc". Tác phẩm đã thể hiện thành công phong cách của Tô Hoài-thiên về sáng tác những sự thật của đời thường. Như theo ông từng nói "Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc". Tác phẩm xoay quanh cô gái trẻ tên là Mị, cô vừa có tài vừa có sắc được ví như hoa ban trắng trong làng. Cũng vì thương cha mà Mị đành chịu cảnh gả bán trả nợ cho cha. Lúc đầu, Mị luôn thể hiện sự phản kháng quyết liệt "Có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc", lặng cầm nắm lá ngón trong tay để tự tử đi tìm một lối đi tự do tự tại cho chính mình nhưng vì thương cha cô chấp nhận chịu cảnh đọa đày làm nô lệ ở nhà Thống Lí Pá Tra. Mở đầu truyện, Mị hiện ra đầy ấn tượng. Tác giả đã đặt Mị trong khung cảnh tấp nập người đông ở gian nhà rộng lớn, sung túc nhà Thống Lí nhưng đối lập hơn cả là Mị mang dáng vẻ cô đơn, lầm lũi, mặt buồn rười rượi ngồi bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Như trong "Chí Phèo" của Nam Cao, Chí Phèo mở đầu đã cất tiếng chửi, hắn chửi đời, chửi trời, chửi bố thằng nào sinh ra hắn nhưng đáp lại chỉ có tiếng chó sủa. Cũng giống như Nam Cao, Tô Hoài đã vật hóa Mị như tảng đá luôn lầm lũi chịu kiếp đẩy đưa đến chốn khốn cùng. Lúc Mị mới về làm dâu nhà Thống Lí, Mị đau đớn tột cùng "Có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc", để tìm lấy tự do, Mị liều lĩnh trốn về nhà gặp cha. Trông thấy cha, Mị quỳ xuống, úp mặt khóc nức nở. Dường như lúc này bao nỗi cay đắng, tủi hờn đã ép Mị đến chốn cùng đường, buộc Mị phải chọn con đường chết để giải thoát khỏi hiện thực nghiệt ngã này. Song vì thương cha, trách nhiệm của một người con, Mị ném nắm lá ngón trong tay, cố gắng sống để trả nợ cho cha, tiếp tục chịu kiếp đày đọa, giam cầm. Với hành động "Mị ném nắm lá ngón xuống đất" đã khắc họa sâu sắc tận cùng của bất lực, sự buông xuôi, tuyệt vọng của Mị, cuối cùng cô vẫn phải chấp nhận ném đi sự tự do, chịu số phận nô lệ. Ở nhà Thống Lí Pá Tra, tuy trên danh nghĩa là con dâu nhưng thật chất lại mang thaanh phân làm nô lệ. Bằng từ chỉ thời gian liên tục "Mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại", Mị hiện lên đầy lam lũ, phải chịu sự bóc lột nặng nề của cha con nhà Thống Lí. Có lẽ sự khổ cùng cực ấy đã quá lâu như thấm vào tận xương tủy, ý thức của Mị khiến cô không còn ý thức phản kháng nữa chỉ còn biết chấp nhận hiện thực tàn bạo này "Ở lâu trong cái khổ, Mị quên khổ rồi". Chỉ với một câu thôi nhưng Tô Hoài đã thể hiện thành công nỗi đau khổ tột cùng khi đánh mất tự do của người con gái trẻ, câu nói tuy nhẹ nhàng nhưng dễ dàng len lõi vào tâm trí của người đọckhiến ta không khỏi xót thương, đồng cảm với nhân vật Mị. Bằng tài viết văn độc đáo, tài hoa, Tô Hoài đã so sánh Mị như trâu, như ngựa. Nhưng có khi Mị lại thấy mình khô ng bằng con trâu, con ngựa bởi "Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân.. làm cả đêm cả ngày". Nếu trong văn thơ trước đây, con người được ví như hoa đất trời thì trong tác phẩm của Tô Hoài, con người hiện lên đầy khốn cùng, ở tận đáy của xã hội bị chà đạp thê thảm, cũng bằng chính so sánh này đã thể hiện sinh động số phận con người Tây Bắc lúc bấy giờ, đầy khốn khổ, tù túng nhưng chẳng có đường lui. Song Tô Hoài không chỉ gợi lên số phận của Mị ở cảnh lao động hằng ngày mà còn lên tiếng tố cáo những hủ tục cúng trình ma hay sự giam cầm Mị ở một căn phòng kín mít chỉ có một chiếc cửa sổ vừa bằng một bàn tay. Khi trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Hình ảnh căn buồng tù đọng chẳng khác nào nhà tù giam lỏng Mị, tước đoạt tự do, tuổi trẻ của Mị. Sự đáng sợ của không gian kín mít, tù đọng khiến con người trở nên ngột ngạt, đánh mất khái niệm không gian và thời gian. Qua đó, đoạn văn đã thể hiện được cuộc đời của Mị khi làm dâu nhà Thống Lí. Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống buộc phải lựa chọn. Ngôn ngữ giọng điệu: Chậm, buồn;biện pháp so sánh, vật hóa người-vật đã thể hiện được chuyển biến diễn biến tâm lí nhân vật đồng thời tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp khát vọng sống của moij kiếp người khốn khổ. "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài đã thể hiện được trọn vẹn giá trị hiện thực, miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người dân lao động nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến chúa đất, phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị, những hủ tục cổ xưa đã đẩy con người vào bước đường cùng. Song câu chuyện tái hiện một cách sống động vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc và các phong tục tập quán của người dân miền núi. Nguyễn Minh Châu từng viết "Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong bể sâu tâm hồn của con người". Với Tô Hoài, ông không chỉ kiếm tìm mà còn phát hiện, khơi nguồn vực dậy trong tâm hồn Mị. Qua đó nhà văn khéo léo gửi gắm những giá trị hiện thực sâu sắc.