Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 5 Tháng một 2024.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    Nghị luận văn học: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp".

    Cuộc đời con người là hành trình tìm kiếm cái đẹp, cái đẹp trở thành đích đến trên đường đời, ta vì cái đẹp mà tồn tại trên đời. "Cái đẹp là thứ duy nhất mà thời gian không thể làm tổn hại." (Oscar Wilde). Không nằm ngoài lẽ đó, văn chương là lĩnh vực của cái đẹp. Tự thân văn học đã là hoạt động sáng tạo tuân thủ theo quy luật cái đẹp. Nhà phê bình Nga Belinsky khẳng định: "Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật". Cùng bàn về đối tượng văn học phản ánh, có ý kiến cho rằng: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp". Vì thế mà Hữu Thỉnh đã dẫn con người đến "xứ sở của cái đẹp" qua bài thơ "Sang thu".

    "Nhà văn chăn chính" là nhà văn luôn đặt cái đích vào con người – cuộc sống. Đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống, có ích cho con người. "Xứ sở của cái đẹp" đó là cái đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phán ánh trong tác phẩm. Đó là vẻ đẹp trong tự nhiên, trong con người, trong lao động và chiến đấu.. mà nhà văn mang tới cho người đọc. Vẻ đẹp ấy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức tác phẩm. Hình thức tác phẩm đẹp là khả năng xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo, hấp dẫn. Là khả năng kết cấu tác phẩm chặt chẽ, hợp lí. Là nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện.. Nội dung, hình thức tác phẩm đẹp không chỉ đem lại cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ mà còn làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ, tốt lành nhất của cuộc đời. Cho nên, "niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn dường" cho bạn đọc đến với "xứ sở của cái đẹp". "Cái đẹp sẽ cứu vớt con người" (Đốt – xtôi – ép – xki). Qua đó khẳng định vai trò thiên chức của nhà văn, là phải viết về cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, giúp người đọc khám phá cái đẹp được nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

    Đúng như Tố Hữu từng nói: "Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học". Hiện thực cuộc sống luôn là kho đề tài bất tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của người nghệ sĩ thì có hạn. Văn học tái hiện cuộc đời trên trang viết, nhưng cuộc sống đâu chỉ có những bông hoa mà còn có cả những hàng rào dây thép, xung quanh ta đâu chỉ tồn tại cái lương thiện, tốt đẹp mà còn có cả đau đớn, xấu xa. Do đó, ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mầm tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy cái vốn ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, người nghệ sĩ mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác nói.

    Văn hào Đốt – xtôi – ép – xki đã dõng dạc tuyên bố niềm xác tín của đời mình: "Cái đẹp cứu chuộc thế giới", vì lẽ ấy cái đẹp tồn tại trong ngòi bút của người nghệ sĩ như một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp nghệ thuật nâng đỡ con người. Đọc một tác phẩm văn học tựa như sự thưởng thức những kì quan của cái đẹp, bởi văn chương bao giờ cũng chịu sự chi phối của cái đẹp, khao khát chiếm lĩnh những vẻ đẹp cao cả của cuộc sống. Tự bao giờ, cái đẹp đã luôn song hành cùng con chữ nơi trang giấy, nhẹ nhàng bước vào lòng người và khơi dậy trong nhân loại những mong muốn được sống đúng với các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì vậy, nếu văn học và hiện thực là "hai đường tròn đồng tâm" thì tâm điểm ấy chính là con người được soi chiếu qua lăng kính của cái đẹp. Quan trọng hơn, văn chương sẽ không thể giúp con người biết sống thiện, biết yêu quý và trân trọng những gì mình có nếu nó không làm cho người đọc rung động bởi cái đẹp, thức tỉnh trước cái đẹp. Do đó, cái đẹp trong văn học có thể là "cái đẹp độc đáo, khác thường", là cái đẹp tự trong lòng cuộc sống dâng trào nhưng văn học trước hết phải là tuyên ngôn của cái đẹp cất lên. Tựa như lá nảy nở sinh sôi nhờ được sinh ra từ hạt, văn chương chỉ có thể đạt đến sự bất tử, sống mãi cùng với trái tim nhân loại khi nó được gieo hạt, ươm mầm bởi cái đẹp. Do đó, mỗi tác phẩm trước hết phải là một khám phá mới mẻ để "làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp". Muốn vậy, người nghệ sĩ không chỉ là "người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho", mà còn phải "biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có" (Nam Cao).

    Chúng ta đều biết rằng, một nhà văn chân chính là nhà văn luôn đặt mục đích sáng tác vào con người và cuộc sống, đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống và có ích cho con người. Bởi nói như nhà văn Nam Cao: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than". Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật, tâm hồn con người như được thanh cao hơn, trong sáng và phong phú hơn bởi những cảm nhận tinh tế về tình đời, tình người. Tất cả được thể hiện qua ngôn ngữ, qua những hình tượng nghệ thuật sinh động, đặc sắc.. Ta cứ đi mãi, đi mãi, lòng không thôi hứng thú, ngỡ ngàng, bởi mỗi nhà văn dẫn ta theo một nẻo đường riêng, với những hương sắc riêng. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính Hữu Thỉnh đã hoàn thành xuất sắc trong tác phẩm của mình.


    "Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời" (Sóng Hồng). Viên kim cương ấy sẽ lấp lánh một màu sắc riêng biệt của cuộc đời, như cách mà Hữu Thỉnh đã chạm khắc tiếng thơ của mình vào thế giới thi ca bốn mùa nhiều dư vị. Năm 1997, người thi sĩ ấy khi đứng trước cuộc sống thanh bình, đát nước vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt đã không ngần ngại thổ lộ hết những tâm tư của lòng mình bằng những tiếng thơ khắc khoải. Và "Sang thu" chính là như thế, với giọng thơ sâu lắng và đầy chất trữ tình, thi phẩm dường như đã vỗ vào xúc cảm của độc giả thật nhẹ nhàng. Có chăng, đó chính là những tâm sự, hoài niệm của Hữu Thỉnh khi đứng giữa khúc ca giao mùa đầy rung động của đất trời.

    Trước hết, "xứ sở của cái đẹp trong" Sang thu "được thể hiện ở trước hết ở phương diện nội dung. Nhật Chiêu từng tâm sự:" Thơ ca, trong bản chất của nó là mây, là một thể vô định và huyền ảo. Và thơ ca, cũng còn là bão tố ". Và có lẽ, lúc đó cái đám mây" vô định và huyền ảo "kia bỗng dưng ùa về lấp kín hồn thơ của Hữu Thỉnh, cũng đầy bất ngờ và hư ảo như cái hương thơm quen thuộc từ đâu xộc thẳng vào hồn ông, để rồi thi nhân phải giật mình thảng thốt:

    " Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về. "

    Với thi sĩ Xuân Diệu thì tín hiệu đầu thu là sắc" mơ phai "của lá được bàn tay tạo hóa" dệt "nên giữa muôn ngàn cây:

    " Đây mùa thu tới, mùa thu tới

    Với áo mơ phai dệt lá vàng. "

    (Đây mùa thu tới)

    Nhưng với Hữu Thỉnh là" hương ổi "của vườn quê được" 'phả vào "trong làn gió thu se lạnh. Cái hương vị nồng nàn ấy nơi vườn nhà mà tuổi thơ mỗi chúng ta sẽ mang theo mãi trong tâm hồn, đi suốt cuộc đời:

    " Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se ".

    Thu đến trong thơ Hữu Thỉnh một cách rất riêng, không phải là" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo "như Nguyễn Khuyến, không như" Rặng liễu điều hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng "của Xuân Diệu, lại càng khác với" hương cốm mới "của Nguyễn Đình Thi: " Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới " . Ông chẳng đi theo lỗi mòn sáo rỗng của những dấu chân cũ, với tâm hồn lãng mạn ấy, thu không chỉ đơn giản là trời xanh, là hoa cúc, là hương cốm hay nắng vàng. Mà đó chính là" hương ổi ".

    [​IMG]

    Hương ổi đó là hương vị ấm nồng, hương thơm thoang thoảng, thơm lừng của chớm thu ở một miền quê nhỏ, đó là màu vàng xuộm của những quả ổi đang lúc lỉu trên những cành cây. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa một lần nếm vị ổi giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Hương ổi là thứ mùi hương gần gũi, quen thuộc với làng quê ở vùng Bắc Bộ Việt Nam, với tuổi thơ của nhiều thế hệ, là một ấn tượng mới lạ chưa từng thấy trong thơ. Chính tác giả cũng từng tâm sự:" Giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kì lạ thì điều khiến cho tâm hồn lay động phải giật mình nhận ra đó chính là mùi hương ổi.. Nó giống như mùi bờ bãi, mùi non trẻ.. hương ổi tự nó xộc thẳng vào miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta ". Trong câu:" Bỗng nhận ra hương ổi "thì từ" bỗng "có nghĩa là đột ngột, thình lình. Nhà thơ nhận ra hương ổi trong trạng thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên để nhà thơ được quan sát, được cảm nhận mùa thu mới chớm theo cách riêng của mình. Chính từ cái cách riêng ấy, chính từ" vân chữ không trộn lẫn "ấy mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã đem đến cho người đọc chúng ta thấy được hương ổi đã chất chứa bao nhiêu là kỉ niệm đẹp đẽ thời ấu thơ.

    Hương ổi ngỡ ngàng ấy" phả vào trong gió se ", nhờ gió truyền đi tín hiệu báo thu về." Phả "nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, hơi mùa thu đã tỏa đầy trong không gian. Tác giả dùng từ thật khéo léo biết bao, đó là cách mà Hữu Thỉnh đã tự tìm cho mình một viên ngọc sáng giá chất chứa trong đó biết bao tâm huyết. Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng tới trái ổi chín trong khu vườn nhỏ thơm lừng trong những ngày cuối hạ đầu thu, thấm cả vào hồn người. Chính hương ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác. Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh hơn, mạnh hơn. Cơn gió se cũng là hình ảnh rất giản dị, quen thuộc. Đó là chút gió heo may se se lành lạnh mỗi độ đầu thu rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam.

    Ở hai câu thơ tiếp theo, không gian được mở rộng, vờn ra ngõ với khung cảnh mang màu sắc huyền ảo:


    " Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về. "

    Một buổi sớm giao mùa của đầu thu, không gian trong lành, tĩnh lặng nên chỉ có" hương ổi ", có" gió se ", có sương mờ giăng giăng bảng lảng trước ngõ nhỏ. Nhà thơ như nghe thấy, như nhìn thấy bước di chuyển của làn sương: Nhè nhẹ, chầm chậm như lưỡng lự, như nuối tiếc.. Tất cả điều đó được gói trong từ láy tượng hình rất sinh động:" Chùng chình ". Làn sương không cao, không thấp, cứ là là, uốn lượn, mênh mang, dịu dàng, và mỏng manh. Những hàng sương nhỏ li ti giăng màn khắp nơi được tác giả nhân hóa qua từ láy" chùng chình "gợi cảm giác sương như đang bị thời gian níu lại, chập chừng lưu luyến chưa muốn tan vào không gian. Từ láy ấy phải chăng chính là tâm trạng của Hữu Thỉnh, mang chút tiếc nuối, mang chút quyến luyến lại pha thêm vài giọt bịn rịn của thi nhân khi bồi hồi nhận ra mùa hạ đã đi qua từ lúc nào.. Không gian" ngõ "mà sương theo gió đi qua ấy vừa là ngõ thực, vừa là cửa ngõ của thời gian, không gian giao mùa. Ông đã cảm nhận dấu hiệu của mùa thu bằng tất cả các giác quan và sự tinh tế trong tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ thực thụ.

    Trong sự ngỡ ngàng, cả khứu giác, xúc giác và thị giác đều đang mách bảo rằng thu đã về mà con người vẫn còn chưa dám tin, chưa dám chắc. Thành phần tình thái" hình như "tựa sự phỏng đoán nửa tin nửa ngờ, nửa khẳng định, nửa kia lại hoài nghi, là cái ngỡ ngàng ngạc nhiên, bâng khuâng xao xuyến của thi sĩ trước khung cảnh dao động của đất trời khi sang thu. Như thế, hương ổi chín cùng với gió se quyện vào sương thu tạo nên một lát cắt giao mùa rất gợi, rất đẹp, rất quyến rũ. Rõ ràng thu đã về chứ đâu còn" hình như "nữa?

    Nếu ở khổ thơ đầu tiên, bằng sự cảm nhận rất riêng của tác giả, tiết trời được gợi nên từ những gì vô hình như" hương ổi "và" gió ", cái mờ mờ ao ảo của" sương "hay không gian" ngõ "nhỏ hẹp gần gũi thì sang khổ thơ thứ hai, mọi vật dường như đã chân thật và hữu hình hơn rất nhiều. Từ dòng sông" dềnh dàng "đến" chim bắt đầu vội vã "và" đám mây ":


    " Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu. "

    Tới đây, cái bỡ ngỡ ban đầu đã tan biến đâu mất, nhường lại chỗ cho những rung cảm mãnh liệt của hồn thơ. Bức tranh sang thu được miêu tả ở tầm nhìn xa hơn, cao rộng hơn của bầu; dài ra và rộng thêm của dòng sông. Hai câu thơ đầu tuy dùng cấu trúc đối nhưng lại như một nét chấm phá vô cùng đặc trưng của sắc thu:

    " Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã. "

    Thiên nhiên trong thơ được tác giả tinh tế nhân hóa trở nên vừa có hồn vừa có tình. Dưới mặt đất là dòng sông thu thơ mộng, hiền hòa đang lững lờ chảy, nó có chút gì đó giống như sự hưởng thụ sau bao tháng ngày mệt mỏi cùng bão lũ, cùng mưa gió.. và điều ấy cũng được ông khắc họa rất rõ qua hai từ" dềnh dàng ". Nó gợi được vẻ đẹp của dòng sông mùa thu không còn cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp trong những ngày mưa lũ mùa hạ mà thật nhẹ nhàng trầm tư và thật duyên dáng làm sao! Dòng sông ấy khác với trong thơ ca Bà Huyện Thanh Quan:" Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ ". Tương phản với sông, chim lại" bắt đầu vội vã ", gấp rút như đứa con sợ lỡ mất chuyến xe cuối cùng trở về nhà. Có lẽ nó đang chuẩn bị cho cuộc hành trình bay đi tránh rét ở phương xa, hay cũng có thể nó chỉ đang vội vã quay về tổ trước lúc những ánh mặt trời cuối cùng vỡ tan vào trong màn đêm. Những chú chim chỉ mới bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự" bắt đầu "này trong những cánh chim bay. Đại thi hào M. Gorki từng nói:" Thơ là tâm hồn ", vậy ắt hẳn hồn của nhà thơ phải luôn đong đầy cảm xúc mới có thể cho ra đời những dòng thơ sâu sắc như vậy.

    Từ láy" dềnh dàng "và" vội vã "không chỉ sử dụng nghệ thuật nhân hóa mà còn mang chất suy nghĩ, đắn đo của Hữu Thỉnh như ông đang lưu luyến điều gì đó và cũng không muốn xa nó. Phải chăng đó là một thời đã qua - cái thời mưa bom bão đạn, cùng đồng đội vào sinh ra tử và giờ đây đất nước đã thống nhất, hòa bình mà mọi người đã tự cho mình được nghỉ ngơi trong khi ngoài kia là những khó khăn, vất vả nhiều vô kể, và từng ấy đã khiến ông đắn đo, trăn trở đến chừng nào.

    Thế nhưng, đấy chưa phải là tất cả những tinh hoa của vị thi sĩ tài hoa, hai câu thơ tiếp theo mới thật sự thể hiện những gì đẹp nhất của tác phẩm:


    " Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu. "

    Hiện lên trước mắt ta là bức tranh thu đầy lãng mạn và trữ tình của đất trời. Thu chỉ đang ở nơi cửa ngõ của mùa, vì vậy mà đám mây chỉ vừa mới" vắt nửa mình "mà thôi. Nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc" vắt nửa mình "khiến câu thơ thêm đậm ý vị, duyên dáng và vô cùng gợi ảnh. Có lẽ, ta cũng từng bắt gặp ở đâu đó đám mây như vậy trong thơ của Lê Thu An:

    " Mây trời một dải trắng pha

    Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng ".

    Mây của Lê Thu An" vắt ngang "sườn núi - là một sự vật hữu hình và ta có thể nhìn, có thể cảm. Thế nhưng đám mây của Hữu Thỉnh lại khác, nó tựa như một dải lụa bồng bềnh" vắt nửa mình sang thu ". Trên đời này giữa hạ và thu làm gì có một" ranh giới "rạch ròi nào phân cách? Ấy vậy mà Hữu Thỉnh lại vẽ nên ranh giới cho một thứ vô hình như thế. Ông tinh tế dùng hình ảnh của không gian để diễn tả lại sự vận động diệu kỳ của thời gian. Đám mây kia là thật, nhưng ranh giới của mùa là ảo. Bầu trời ấy như nhuộm nửa sắc thu để rồi đến một lúc nào đó sẽ là cả một bầu trời trong vắt như pha lê:

    " Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt "

    (Thu điếu - Nguyễn Khuyến)

    Sự quan sát tinh tế của tác giả đã hội tụ lại ở hình ảnh đám mây mùa hạ" vắt nửa mình sang thu ". Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp đẽ nhất. Thế mới có ý kiến:" Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ ". Hay như Mai-a-cốp-xki từng viết:

    " Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ

    Mới thu về một chữ mà thôi

    Nhưng chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài ".

    Với ý niệm ấy thì chữ" vắt "xứng đáng được coi là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ, là nơi rung động" triệu trái tim trong hàng triệu năm dài "mà nhà thơ gửi gắm vào trong tác phẩm của mình. Hữu Thỉnh dùng động từ" vắt "để gợi ra thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, lững lờ, nhẹ nhàng trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy dường như vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ" vắt nửa mình sang thu ". Có lẽ mây mùa hạ đã mang theo tất cả những hoài bão, những ước mơ của tuổi trẻ, cuốn theo bao sức sống mãnh liệt của tuổi vô ưu vô lo, tô nên một mùa hạ ngập tràn màu sắc, sặc sỡ và nên thơ hơn bao giờ hết. Vậy mà, giữa mơ và thực luôn bị ngăn cách giữa một ranh giới vô hình nào đó khiến chúng khó mà trọn vẹn. Sự dở dang, mất mát là một hiện thực mà ta buộc phải học cách chấp nhận, có chăng vì vậy, đám mây chỉ có thể" vắt nửa mình sang thu "mà thôi. Những đồng đội, những người lính ngoài chiến trường của ông năm ấy cũng thế, họ đã ra đi, đã" gục lên súng mũ bỏ quên đời ", bỏ quên cả tuổi trẻ và tương lai tươi sáng phía trước. Cùng với họ, những hoài bão kia sẽ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà chẳng bao giờ có thể trở về được nữa, tựa hồ nửa đám mây còn vắt vẻo phía bên mùa hạ, tất cả sẽ chỉ còn là hồi ức.. Cảnh sắc chuyển mùa hiện lên vừa sinh động vừa mơ hồ đã thể hiện cảm xúc say sưa của một tâm hồn giao cảm với thiên nhiên. Phải chăng thế giới cảm xúc trong Hữu Thỉnh vẫn luôn say sưa như thế để rồi cứ mãi khiến bạn đọc ta vấn vương nơi những vần thơ nhẹ nhàng, những hình ảnh thơ gần gũi mà tinh tế lắm, như cái" vắt nửa mình "của đám mây bước sang thu, hay như buổi chiều thu thật nhẹ nhưng cũng thật gọn để" bước sang sông ":

    " nắng thu đang trải đầy

    Đã trăng non múi bưởi

    bên cầu con nghé đợi

    Cả chiều thu sang sông. "

    (" Chiều sông Thương "- Hữu Thỉnh)

    Hai khổ thơ trên rất đẹp về tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ.

    Có câu:" Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễn, đông tàn ". Những biến chuyển của tạo vật tới đây đã hóa thành những suy tư, chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời, về con người trong khoảnh khắc thu vừa chớm nở. Trong khổ thơ cuối này, Hữu Thỉnh đã bộc lộ ra hết những trăn trở từ tận đáy lòng mình:


    " Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi ".

    Thiên nhiên đất trời cuối hạ - đầu thu với những chuyển biến nhẹ nhàng nhưng đã rõ nét, cụ thể hơn. Tới những câu thơ cuối, thu đã hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết:

    " Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa ".

    Nắng vẫn còn nồng ấm nhưng đã nhạt dần, không còn chói chang, rực rỡ, bùng cháy như những ngày chính hạ, rồi những cơn mưa cũng đã vơi dần đi trong khoảnh khắc giao mùa, không còn bất ngờ, đột ngột, ào ạt như những cơn mưa mùa hạ. Phải tinh tế lắm, Hữu Thỉnh mới cảm nhận được sự thay đổi đến lạ thường như vậy, cảm nhận được cái còn trong cái mất và cái mất trong cái còn của thiên nhiên đất trời." Nắng "," mưa "," sấm "khi kết hợp với các phó từ" đã "," vẫn "," cũng "thì mức độ đã khác, chúng lắng lại, chừng mực và ổn định hơn những ngày hạ, không còn dữ dội, cũng chẳng còn gay gắt. Hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn. Mong manh, mơ hồ là thế đấy, nhưng nhà thơ đã diễn tả lại khoảnh khắc ấy giàu sức gợi đến lạ thường phải không? Phải chăng ông phải yêu cái khoảnh khắc ấy lắm mới cảm nhận rõ từng giây phút giao thoa đến thế và rồi" Sang thu "không chỉ là của thiên nhiên mà còn là" Sang thu "của đời người:

    " Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi ".

    Ở hai câu thơ cuối không còn đơn thuần chỉ là miêu tả bức tranh mùa thu nữa mà đã trở thành một triết lý sống sâu sắc mà Hữu Thỉnh đã ẩn ý đan cài vào bài thơ. Cũng như chính tác giả đã từng tự bạch:" Có thể hiểu, hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá sẽ trở nên vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ "." Sấm "gợi cho ta những vang động bất thường của ngoại cảnh cuộc đời," hàng cây đứng tuổi "gợi đến những con người từng trải qua sóng gió của cuộc đời. Cũng giống ý nghĩa tả thực của hai câu thơ: Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây lâu năm, và con người cũng vậy, khi họ đã từng trải, đã từng đi qua những tháng năm thăng trầm cuộc đời cũng bớt bất ngờ trước những vang động của cuộc sống hay những đổi thay bất trắc.

    Trong hai câu thơ ấy, Hữu Thỉnh phải chăng đang cất giấu ẩn ý gì đó mà người đọc phải trầm tư suy nghĩ lắm mới thấy được điều ấy. Và đó không gì khác là dân tộc ta, dân tộc quật cường mạnh mẽ, chúng ta đối mặt với hai cường quốc thế giới mà không hề sợ hãi, nao núng. Ta vẫn vững bước tiến lên, đánh tan chúng một cách đầy mạnh mẽ hào hùng vì chúng ta có lòng yêu nước. Ta đã có ý thức phải bảo vệ tổ quốc, nền độc lập dân tộc và chính điều ấy đã giúp dân tộc ta thành những" hàng cây đứng tuổi "kiên cường. Ý thơ đã đi từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ cảm nhận đến triết lý khiến bài thơ mở ra một tầng nghĩa mới thật sâu sắc đến lạ thường. Đến đây, người đọc như vỡ òa đi khi nhận ra" sang thu "không chỉ có ở thời gian, ở thiên nhiên mà còn là sự" sang thu "của đời người. Cùng nhìn lại cả bài thơ, ta thấm thía vì sao lại có sự bịn rịn," chùng chình "lúc sang thu.

    Vì sao lại có sự" dềnh dàng "mà lại" vội vã ", có lẽ khi mái tóc đã dần phai sương, ta lại càng luyến tiếc những ngày xanh lúc trước để rồi phải càng vội vã để sống, để cống hiến và tận hưởng thời giờ ít ỏi còn lại của cuộc đời. Ta biết rằng mình đã không còn nhiều cơ hội để dây dưa, lãng phí nữa. Có câu nói rằng:" Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí ", cho khỏi nuối tiếc vì lỡ đã đánh mất quá nhiều thời gian của chính mình.

    Tiếp theo" Xứ sở của cái đẹp trong "Sang thu" không chỉ đẹp về nội dung mà còn đẹp về nghệ thuật, đem lại cho ta tình yêu văn chương, những rung cảm thẩm mĩ trước cái đẹp. Nếu ví nội dung của một tác phẩm như một cánh diều, thì nghệ thuật chính là làn gió mát lành đưa cánh diều ấy bay cao, bay xa. "Sang thu" không chỉ là hình tượng trung tâm, mà còn là linh hồn mà Hữu Thỉnh kí thác tâm hồn mình, kí thác phần người vào chữ. Đó là những con sóng lòng người thi sĩ đang bùng cháy đang khát khao chạm tới vẻ đẹp, tình yêu tuyệt đích. Sự phát sáng bất ngờ từ bao nhiêu giác quan cảm nhận, "Sang thu" có một cốt cách riêng: Vừa cổ điển, vừa hiện đại. Chỉ cần một thứ hương cây mùa vụ, một cơn gió se se khẽ chạm vào cây đàn mẫn cảm của hồn thơ là tự nó rung lên thành nhạc thành lời. Đằng sau cái cách kể tả của ông là nhịp đập của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã.

    "Sang thu", trong một chừng mực nào đó đã đạt đến cái chân, cái ảo, những phẩm chất của thơ từ xưa vốn có.

    Để "cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ chung" có thể trở thành "thanh nam châm thu hút mọi thế hệ", nhà văn phải "lấy ngôn ngữ làm cứu cánh" (Jakobson). Cái đẹp có bừng sáng đến đâu mà chỉ truyền tải bằng những con chữ cứng đơ trên trang giấy, liệu cái đẹp, cái thiện có thắp lên lửa trong lòng người đọc? Chế Lan Viên từng viết: "Đi tìm cái thiện, cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp". Điều độc giả bao đời tìm kiếm trong văn chương đâu chỉ là cái đẹp nội dung mà còn là cái đẹp về hình thức, vẻ đẹp lấp lánh của ngôn từ.


    Nguyên Ngọc từng viết: "Đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, là đạo đức của văn chương". Nhận định khẳng định một trong những yếu tố hàng đầu của văn chương là cái đẹp. Đồng nghĩa với việc "Niềm vui của nhà văn chân chính là dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp". Với tôi, viết về cái đẹp hay cái xấu, miêu tả cái thiện hay cái ác, suy cho cùng mục đích của văn chương vẫn là làm sao cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, hướng con người đến bến bờ chân - thiện - mỹ. Viết về cái đẹp để tôn vinh chúng, hay viết về cái xấu để ca ngợi cái đẹp đều cùng một đích đến, chính là "làm cho người gần người hơn" (Nam Cao)
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 7 Tháng mười một 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...