Những Vấn Đề Lí Luận Văn Học Cơ Bản Nhập Môn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Chụy Tít, 20 Tháng sáu 2021.

  1. Chụy Tít

    Bài viết:
    416
    CÁC VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VĂN HỌC CẦN LƯU Ý

    I. CHỨC NĂNG VĂN HỌC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    (Cũng có thể có các tên gọi khác như: Nhiệm vụ của văn học văn chương; Sứ mệnh của văn học; Giá trị của văn học)

    Các ý kiến có liên quan đến vấn đề:

    - Thạch Lam trong tiểu luận "Theo giòng" viết: Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn "

    - Nguyễn Siêu viết:" Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người "- Pautôpxki:" Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường vào cái đẹp, của người biết đi tới tương lai. "

    - Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống trên Trái Đất." (Béc-tôn Brếch)

    - "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy". (Phạm Văn Đồng)

    1. Chức năng nhận thức

    a. Nội dung nhận thức:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong ý nghĩa thông thường nhất, nhận thức đầu tiên có nghĩa là biết; ý nghĩa nhận thức của nghệ thuật là ở chỗ nó giúp người ta biết về cái gì, có thêm được những tri thức gì. - Văn học giúp chúng ta nhận thức về tự nhiên, xã hội và con người. Trong đó, những tri thức về kinh nghiệm quan hệ và tâm hồn con người là hai lĩnh vực quan trọng nhất. Ăngghen nói về bộ Tấn trò đời của Bandặc: "Xung quanh bức tranh trung tâm này Bandắc tập trung toàn bộ lịch sử nước Pháp, trong đó ngay cả các về phương diện các chi tiết kinh tế, tôi cũng đã biết được nhiều hơn () các sách của tất cả các chuyên gia - các nhà sử học, kinh tế học, thống kê học thời ấy cộng lại".

    Nhiều tác phẩm văn học, trước hết là văn xuôi, là những bộ bách khoa về cuộc sống. Đọc các tác phẩm, chúng ta biết được rất nhiều thứ: Từ những chi tiết về phong cảnh thiên nhiên của một vùng, phong tục, tập quán sinh hoạt ở một địa phương, một dân tộc đến những biến cố lịch sử, những sự kiện xã hội trong một quốc gia, một thời đại.

    Đọc thơ Hoàng Cầm ta cảm nhận được những nét đẹp của vùng văn hóa Kinh Bắc, Đọc Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam ta hiểu được nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, trong cách sống của người Hà Nội xưa. Đọc Chiến tranh và hòa bình (L. Tônxtoi), Sông đông êm đềm (Sôlôkhôi) ta hiểu được về các cuộc cách mạng, hiểu được phẩm chất anh hùng cao đẹp của người Nga.

    b. Phạm vi nhận thức.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Không gian: Sự tồn tại của mỗi cá nhân về không gian và thời gian là hữu hạn. Văn học đã mở rộng tầm nhận thức của chúng ta vượt ra khỏi không gian mà chúng ta đang sống. Văn học có khả năng phá vỡ cái giới hạn tồn tại ấy, giúp mỗi cá nhân độc giả được sống dài hơn, nhiều hơn bằng những số phận, những cuộc đời khác nhau trong tác phẩm. Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn của dân tộc mình, đều có những nét phong cảnh thiên nhiên, những số phận mà chúng ta chưa được biết tới, chưa được trải nghiệm, cho dù đó chỉ là một bài thơ nhỏ. Ví dụ: Đọc thơ của Ônga Bécgôn ta không chỉ cảm nhận được mối tình đau khổ của thi sĩ mà còn cảm nhận được dòng Neva hiền dịu, lãng mạn nổi tiếng của nước Nga: Bài thơ cuộc đời Em nhớ lại chuyện ngày qua khí Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ "Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva 1 tiếng chim kêu mỗi buổi chiều tà" Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn Em mới hiểu bây giờ anh có lí Dù chuyện xong rồi anh đã xa cách thế Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa Lớp trẻ mới lên giờ lại hát theo ta Lại nhấp vị ngọt ngào thuở trước Vẫn sông Neva, chiều tà, ánh nước Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh Có thể nói tác phẩm văn học đã xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, các dân tộc, đưa con người xích lại gần nhau hơn

    - Thời gian: Có thể hiểu về quá khứ, hiện tại, tương lai:

    + Văn học giúp chúng ta nhận thức quá khứ: Văn học tái hiện lịch sử ở bình diện các mối quan hệ của con người. Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn của thời đại. Về phương diện này có thể nói văn học là cuốn lịch sử sinh động nhất. Vì phương tiện phản ánh của văn học là hình tượng và phạm vi phản ánh không giới hạn nên đọc tác phẩm văn học ta không chỉ thấy được các sự kiện lịch sử khô khan mà còn thấy được cách sống, cách suy nghĩ, những vấn đề xã hội, con người, những mâu thuẫn tiềm ẩn ở thời đại đó. Lịch sử học nghiên cứu những sự kiện mang tính chất xã hội, có ảnh hưởng quan trọng đến quốc gia, dân tộc, có tính chất, ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển. Tất nhiên trong một tác phẩm văn học những tri thức về sự kiện chúng ta không thể tìm thấy một cách đầy đủ bằng lịch sử nhưng những tri thức về con người chúng ta có thể hiểu nhiều hơn, đặc biệt là về số phận của người dân bình thường. Chẳng hạn đọc Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn, bản dịch tương truyền của Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Đặng Gia Thiều) chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm của người phụ nữ ngày xưa. Việc có thể tái hiện tâm hồn con người là cái mà lịch sử không thể sánh được với văn học. Lịch sử được viết khi các sự kiện đã hoàn thành còn văn học ghi chép ngay khi nó đang diễn ra hoặc có thể chưa diễn ra, vì vậy những vấn đề lịch sử trong văn học thường chưa được kiểm chứng nhưng nó lại nóng hổi và sinh động hơn lịch sử.

    + Nhận thức cuộc sống hiện tại: Rõ ràng văn học cung cấp các tri thức về con người, xã hội, tự nhiên.. cho chúng ta, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống, có thể khám phá những vùng trời, những số phận mà chúng ta chưa được biết. Văn học không chỉ giúp chúng ta nhận thức thế giới. Cái làm cho văn học khác tất cả các khoa học là nó giúp chúng ta tự nhận thức về bản thân mình. Thật vậy, qua cái yếu đuối của người khác mình thấy cái yếu đuối của mình, qua hạnh phúc của người khác mình thấy cái hạnh phúc của mình. Từ những số phận, những cuộc đời trong tác phẩm mà ta nhìn rõ mình hơn, rút ra được những kinh nghiệm cho chính cuộc đời mình. Quá trình ảnh hưởng của văn học tới người đọc là là quá trình lâu dài, như mưa phùn thấm lâu vì thế sự nhận thức được thực hiện dần dần, đôi khi kéo dài suốt cả cuộc đời và ta không dễ dàng thấy được nhưng từ vốn sống, vốn hiểu biết của từng người ta có thể biết được người ấy đọc nhiều sách hay không. Từ cuộc đời trong văn học mà mà ta suy ngẫm về cuộc đời mình, từ cách ứng xử trong văn học ta sẽ học được cách ứng xử cho bản thân, ta học được cách sống đẹp hơn, tích cực hơn.

    Ví dụ: Trong truyện Cuốn theo chiều gió, lúc nhân vật Meloni chết, Xcalet tưởng là lúc nàng có thể tự do đến với tình yêu ngộ nhận của mình với Axly, nàng mới nhận ra rằng người mình yêu chính là Ret Botlơ. Nàng ân hận, đớn đau chạy trong đêm tối và sương mù về với Ret. Nhưng đã quá muộn, Rét đã quyết định ra đi. Sau cái chết của Boni, Rét không còn đủ kiên nhẫn, không còn đủ sức lực để yêu chiều cái thói đỏng đảnh, ngang bướng của nàng nữa. Còn lại một mình cô độc, buồn tủi Xcalet nghĩ đến ngày mai: Xét cho cùng mai là một ngày mới, và ta sẽ đi tìm lại chàng. Bi kịch tình yêu của Xcalet chính là bi kịch của sự ngộ nhận, của tính cách hiếu thắng trong cả hai người. Chính điều ấy làm cho họ không hiểu được nhau.

    Thường đọc qua một câu chuyện, chúng ta vẫn thường nói mình sẽ không làm như vậy, nếu là mình, mình sẽ sống khác.. Đó chính là chúng ta đang tự nhận thức.

    + Nhận thức tương lai: Dự báo:

    Phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn, sinh động, văn học có khả năng vươn tới tầm cao của sự khái quát, nắm bắt sự vận động bên trong của đời sống hiện thực. Chính từ độ chín của sự khám phá, khái quát ấy, văn học có khả năng dự báo tương lai. Trong sáng tác, những nhà văn thực sự có tài năng không đóng khung cuộc sống trong cái nhìn tĩnh quan mà luôn nhìn nhận đánh giá trong sự vận động. Từ lâu, trước khi chế được chiếc tàu ngầm đầu tiên, người ta đã đọc Hai vạn dặm dưới đáy biển (J. Vecno). Chức năng dự báo đặc biệt thể hiện rõ trong văn học viễn tưởng. Tất nhiên dự báo cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực, có tác phẩm tràn đầy dự cảm lạc quan và niềm tin mạnh mẽ nhưng cũng có không ít tác phẩm, những xu hướng văn học bộc lộ thái độ bị quan, tuyệt vọng trước tương lai loài người (vd như Ngày tận thế).

    Nhận thức tương lai giúp chúng ta hình dung được hiện thực của ngày mai trong con mắt của người hôm nay.

    + ý nghĩa nhận thức của văn học còn thể hiện trong chính hoạt động sáng tác của nhà văn. Trong quá trình lí giải, nghiền ngẫm hiện thực nhà văn dần dần có cái nhìn đúng đắn hơn. Tác phẩm chính là nơi nhà văn tự phát hiện lại mình.

    Ví dụ: Gôgôn đã phải đốt bản thảo tập hai Những linh hồn chết nhiều lần khi nhận ra những định kiến chính trị sai lầm của mình bộc lộ trong tác phẩm.

    Nhà văn Nam Cao mở đầu sự nghiệp với những truyện mang khuynh hướng lãng mạn, dần dần trong quá trình sáng tác, trải nghiệm cuộc sống, ông nhận ra rằng: Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia toát ra từ những kiếp lầm than. Nhà văn Nguyễn Minh Châu phủ nhận những tác phẩm của mình trong thời kì chiến tranh chống Mỹ qua bài viết: Viết lời ai điệu cho một thời kì văn học minh họa c. Mục đích của nhận thức

    Phân biệt: Đúng - sai; thật - giả; thiện - ác; tiến bộ - lạc hậu; đẹp - xấu; cao cả - thấp hèn..
     
    Gill thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng sáu 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Chụy Tít

    Bài viết:
    416
    2. Chức năng thẩm mĩ và giải trí

    a. Chức năng thẩm mĩ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có thể nói, chức năng thẩm mĩ của văn học bộc lộ ở chỗ nó có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu phát triển năng lực và thị hiếu thẩm mĩ của con người. Đó cũng là lí do trực tiếp nhất của sự tồn tại văn học.

    - Phuxich nói: "Cuộc sống không có tiếng hát như sự sống không có ánh sáng mặt trời". Nhu cái đẹp là một nhu cầu có tính bản chất của con người. Dù ở đâu, khi nào, con người cũng luôn có xu hướng vươn lên cái đẹp.

    * Văn học thực hiện chức năng thẩm mĩ bằng nhiều cách:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    + Phản ánh cái đẹp vốn có trong tự nhiên, đời sống. Rõ ràng cái đẹp có trong hiện thực và mang tính khách quan nhưng không phải ai cũng cảm nhận được sâu sắc và đầy đủ. Vì vậy, cần đến nghệ thuật. Người nghệ sĩ là người luôn luôn tìm tòi, "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có". Có những cái chúng ta khó có thể nắm bắt bằng mắt thường nhưng qua tác phẩm, chúng ta có thể cảm nhận được. Chẳng hạn như về cái đẹp trong tâm hồn con người. Nhìn một người như Lão Hạc, chúng ta làm sao biết được trong họ có vẻ đẹp tiềm ẩn, đó là vẻ đẹp của lương tri, của lòng vị tha và sự hi sinh như chính Nam Cao cuối tác phẩm đã viết: Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta nếu ta không cố tâm mà tìm hiểu họ, ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, xấu xa, bần tiện.. toàn những cớ để ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ đáng thương, không bao giờ ta thương.

    +Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật góp phần tạo nên những giá trị thẩm mĩ, thêm vào khách thể tinh thần của nhân loại một vẻ đẹp mới (cái đẹp của cuộc sống + cái đẹp của nghệ thuật). Cái đẹp trong hiện thực đi vào nghệ thuật thường được nhân lên rất nhiều, nổi bật hơn và sâu sắc hơn. Nhờ có nghệ thuật mà một phong cảnh, một sự vật, một con người trở thành đẹp hai lần: Một lần trong sống và một lần trong tác phẩm. Mỗi lần chúng đều có những vẻ đẹp riêng, sức hấp dẫn riêng. Cũng do vậy mà thế giới thẩm mĩ lại giàu có hơn lên và con người lại có thêm cái đẹp để thưởng thức.

    + Văn học nghệ thuật góp phần bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mĩ cho con người, hình thành thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh. Trong quá trình rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật, tai, mắt và các giác quan thẩm mĩ của con người ngày càng tinh tế, nhạy bén. Các năng lực quan sát, cảm nhận ngày càng phát triển. Con người ngày càng tích luỹ thêm được nhiều hơn những kinh nghiệm nghệ thuật cụ thể, những thủ pháp biểu hiện và mô tả, những hình thức diễn đạt, những con đường khác nhau để đi đến cái đẹp. Chính nhờ tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật con người không phải chỉ trở nên sành sỏi về nghệ thuật, biết nhận ra cái hay cái đẹp của nghệ thuật mà còn biết khám phá cái đẹp của thế giới, nhìn ra cái đẹp trong đời sống và đặc biệt là càng trở nên phong phú, nhạy cảm hơn. Có thể nói nghệ thuật đã nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ của con người, khơi dậy và tiếp sức cho những rung động về cái đẹp, nơi giữ cho tâm hồn con người không bị chai sạn đi mà luôn luôn mới mẻ, nhạy cảm với từng chiếc lá, giọt sương, ánh trăng.. và do đó mà không bao giờ thờ ơ với số phận con người, luôn căm phẫn, đau đớn, xót xa vì cái xấu, cái ác và thiết tha yêu thương, hướng về cái tốt, cái đẹp.

    Đồng thời với việc bồi dưỡng tâm hồn con người văn học còn định hướng cho con người theo qui luật của cái đẹp. Một tác phẩm tốt thường có tác dụng cải tạo và nâng cao lí tưởng thẩm mĩ và thị hiếu thẩm mĩ của người đọc, người xem, hướng dẫn, uốn nắn những quan niệm và sở thích riêng của họ. Ở đây tác phẩm nghệ thuật trực tiếp tiến hành giáo dục thẩm mĩ. Phạm vi giáo dục thẩm mĩ của văn học không chỉ dừng lại ở phương diện sáng tạo nghệ thuật mà trong tất cả các hoạt động thực tiễn nói chung. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự mở rộng ranh giới của mĩ học. Ngoài nghệ thuật còn có thẩm mĩ công nghiệp, thẩm mĩ môi trường, thẩm mĩ trong các ngành thể thao, thương nghiệp, quân sự.. Phạm vi hoạt động thẩm mĩ của con người trở nên phong phú hơn rất nhiều.

    Tuy nhiên, khi xem xét, chúng ta không nên tuyệt đối hóa chức năng thẩm mĩ. Để có được một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, văn học không thể khước từ việc phản ánh chân thực đời sống. Những yếu tố thẩm mĩ của hiện thực khách quan không phải là những yếu tố hình thức bên ngoài mà luôn gắn chặt với bản chất bên trong của sự vật. Những giá trị Chân Thiện Mĩ không thể tồn tại cô lập mà xuyên thấm vào nhau trong chinh thể hình tượng nghệ thuật. Không thể có cái đẹp trừu tượng xa lạ với lí trí và tình cảm con người. Tác phẩm chỉ có thể chinh phục được trái tim độc giả khi nó đụng chạm tới những vấn đề mà con người hằng quan tâm, trăn trở, khi những niềm vui, nỗi buồn, những yêu thương, giận hờn, hi vọng, chán chường đều có cội nguồn sâu xa trong thế giới tình cảm đạo đức của con người. Vì vậy, nếu tuyệt đối hóa chức năng thẩm mĩ sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy mĩ, đến 1 quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" mà một số nghệ sĩ trước đây từng đề cao và hiện nay cũng đang được truyền bá ở nhiều nước tư sản phương Tây. (Quan điểm duy mĩ: Tách rời ý nghĩa thẩm mĩ của nghệ thuật ra khỏi phạm vi nhận thức và đạo đức. Tác phẩm nghệ thuật chỉ cần chú trọng vào hình thức).

    b. Chức năng giải trí:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong những khoái cảm mà nghệ thuật đem lại còn có loại khoái cảm thưởng thức, tiếp nhận một cách vô tư. Vì vậy, có thể khẳng định tác dụng giải trí như một chức năng độc lập.

    Vấn đề xem xét vai trò của chức năng này trong từng thời kì lịch sử là khác nhau. Trước đây người ta vẫn e ngại nói đến chức năng này, điều này có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong những thời điểm cao trào của đấu tranh giai cấp, dân tộc, khi đời sống còn đang nổi lên những vấn đề chính trị cấp bách, đời sống nhân dân còn nhiều khổ cực, yếu tố giải trí thường lùi lại ở bình diện thứ yếu, hoặc giữ vai trò như một phương diện hỗ trợ cho những chức năng khác. (Giải trí bao giờ cũng gắn với hưởng thụ). Tuy nhiên, giải trí là nhu cầu tự nhiên của con người. Trong sự cảm thụ tác phẩm, người đọc tìm được khoái cảm trong sự nếm trải những tình huống tâm lí, những trạng thái cảm xúc vốn có trong cuộc sống con người.

    Sự tác động của tác phẩm rất khác nhau ở các độc giả, ở mỗi tầng lớp khác nhau. Nhưng nhìn chung, động cơ thúc đẩy trực tiếp phần lớn công chúng nghệ thuật là động cơ được nghỉ ngơi một cách lí thú hoặc thay đổi trạng thái tâm lí. Trừ những nhà nghiên cứu văn học, cần phải chuyên sâu, phải biết đến một tác giả nào đó, đa số độc giả khi đọc sách, xem phim.. đều không nghĩ đến việc mình sẽ nhận thức được cái gì trong đó, mà việc đọc chỉ đơn giản vì thích thú, vì mục đích giải trí là chính. Vì vậy, có thể nói những sự tác động tiếp theo như nhận thức, giáo dục là sự tiếp thu một cách tự phát, dần dần thấm vào độc giả.

    Chức năng giải trí không bộc lộ như nhau ở mỗi tác phẩm. Nó phụ thuộc vào động cơ sáng tác của tác giả và thị hiếu thẩm mĩ, nhu cầu của từng cá nhân người tiếp nhận tác phẩm. Trình độ của đa số công chúng là không giống nhau và thường chỉ ở mức phổ thông, dễ hiểu, vì vậy, nếu nhà văn chỉ chạy theo thị hiếu nhất thời mà sáng tác thì tác phẩm sẽ không thể có sức sống lâu bền (nó cũng như mốt tóc, mốt quần áo.). Vì thế việc tuyệt đối hóa chức năng giải trí thường dẫn tới sự tước bỏ ý nghĩa xã hội tích cực của văn học, khiến cho tác phẩm không có giá trị thẩm mĩ cao (chẳng hạn như nhạc trẻ, phim thị trường, phim Hàn quốc.)

    Giải trí không phải là chức năng độc quyền của riêng một thể loại văn học nào. Nó có trong tất cả các ngành nghệ thuật.
     
  4. Chụy Tít

    Bài viết:
    416
    3. Chức năng giáo dục

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chức năng giáo dục của văn học chính là chức năng tác động, cải tạo quan điểm, tư tưởng, đạo đức, ước mơ, nhân cách, lối sống và cả lí tưởng của con người.

    Hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật trong việc này đã được nhận thức rất sớm. Ngay từ thời cổ đại, nhà triết học Hi lạp Aritxtốt, khi quan sát tác động của các vở kịch thời đó đã đúc kết ra phạm trù thanh lọc. Theo ông khi xem kịch nếu người ta có khóc thì những giọt nước mắt đó cũng sẽ làm con người trong sạch và cao thượng hơn.

    Việt Nam quan niệm xem văn học như một hình thức giáo dục tư tưởng - đạo đức đã có truyền thống khá lâu đời. Văn chương của người xưa viết ra là để phục vụ mục đích đạo đức, để răn đe con người, để chuyên chở đạo đức và cái chí của người quân tử (Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí). Lê Quí Đôn viết: "Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh tế". Mặt khác, từ thời xưa, văn nghệ càng được huy động một cách có ý thức như một vũ khí giáo dục tuyên truyền phục vụ sự nghiệp đấu tranh giữ nước và dựng nước, cuộc cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc. (Truyền thống yêu nước là một trong hai truyền thống lớn nhất trong văn học ta. Trong lịch sử đã có nhiều tiếng nói hào sảng về các cuộc cách mạng, về tinh thần yêu nước, chẳng hạn như Hào khí Đông A; văn chương chống Pháp, chống Mỹ.. Có thể nói, do đặc điểm lịch sử nước ta, văn nghệ được huy động tối đa vào cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc).

    Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, chức năng giáo dục cũng được bộc lộ khác nhau. Chẳng hạn, ở các nước Châu Âu, thời Phục hưng, văn học hướng trọng tâm tác động vào việc hình thành thế giới quan nhân văn. Sang thế kỉ XVII, văn học của Chủ nghĩa cổ điển chủ yếu giáo dục ý thức phong kiến tập quyền, tinh thần công dân, ý thức nghĩa vụ. Đến sáng tác của các nhà văn lãng mạn, những vấn đề đạo đức như thiện, ác, tình yêu thương con người, lòng căm ghét bất công xã hội lại nổi lên giữ một vị trí quan trọng.

    * Văn học giáo dục như thế nào:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đây là hình thức giáo dục tế nhị, hấp dẫn và mang tính chất tự giác, tạo nên quá trình tự giáo dục cho con người.

    Trước hết, bản chất nghệ thuật là tình cảm. Như Lê Duẩn nói: "Nói đến nghệ thuật là nói đến luật riêng của tình cảm". Đánh vào tình cảm là tác động vào khâu then chốt để lay chuyển con người. Thông thường với số đông thì tình yêu, lòng tin, sự say mê bao giờ cũng đi trước sự giác ngộ. Nghệ thuật, cho dù là cao siêu và sâu sắc đến đâu trước hết cũng đòi hỏi sự xúc động. Bị xúc động, bị lỗi cuốn, say mê bởi những điều viết ra trong tác phẩm, người đọc, người xem sẽ dễ nhận ra những điều lầm lạc, hoặc dễ làm theo tiếng gọi của những điều mà mãi về sau mới nhận thức được cụ thể. Nghệ thuật giáo dục, cải tạo con người bằng tình cảm và thông qua con đường tình cảm. Quy

    Mặt khác, trong quá trình tác động để cải biến con người, tác phẩm nghệ thuật hiện ra không phải như người thầy, nhà thuyết giáo mà như là người đồng hành, người đối thoại với bạn đọc, với khán giả. Sự đối thoại đó cũng chính là sự đối thoại bên trong ở mỗi người tiếp nhận, đối thoại giữa mình với mình, giữa phần thiện và phần ác, lương tri và tội lỗi, lí trí cao cả và dục vọng thấp hèn trong mỗi con người. Và như vậy, tác phẩm văn học đã đưa ra tấm gương để con người tự soi mình. Từ cách ứng xử, các sự kiện, biến cố trong tác phẩm mà con người ý thức được chính bản thân mình, tự lựa chọn cho mình một thái độ sống đúng đắn. Đó chính là quá trình tự giáo dục.

    Như vậy, giáo dục bằng nghệ thuật không có tính chất cưỡng bức mà là một hoạt động tự giác. Không ai bắt phải đi xem phim, đọc sách cũng như không ai bắt phải làm theo những điều tác giả kêu gọi, những lời nhân vật nói. Nhưng khi đọc tác phẩm văn học, xem kịch, xem phim, tất cả những điều hay dở, tuỳ thuộc vào quá trình nhận thức và khả năng tự đấu tranh ở mỗi người, thấm dần một cách tự nhiên và dễ dàng vào mỗi người đọc. Rồi một lúc nào đó họ làm theo những điều hay dở ấy khi nào không biết.

    Quá trình: Đi từ tình cảm -> tư tưởng -> hành động.

    Tại sao văn học nghệ thuật lại dễ tác động, thay đổi, biến cải được con người như vậy?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đó chính là vì văn học nghệ thuật là hình thức sinh động, vui tươi (vì nó chuyển tải tư tưởng, ý nghĩ bằng hình tượng), trong đó giáo dục, giải trí, vui chơi là một.

    Rasun Gammatốp trong Thơ ca đã viết:

    Có công việc làm hẳn có lúc dùng tay

    Có cuộc hành trình, hẳn có mươi phút nghỉ

    Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực,

    Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình

    Thậm chí, chính trong những tác phẩm có vẻ thiếu "nghiêm chỉnh" nhất (như các thể loại hài hước, châm biếm, thơ bút tre) thì việc giáo dục, trước hết là giáo dục đạo đức lại được đặt ra hết sức nghiêm chỉnh. Đây cũng là một điểm độc đáo của văn học.

    Khả năng tác động của nghệ thuật rất lớn nhưng ảnh hưởng của nó không diễn ra một lúc mà thường là thấm vào dần dần, mỗi ngày một ít. Không nên nghĩ rằng đọc xong một cuốn sách, xem xong một vở kịch người ta có thể biến đổi ngay, lập tức tốt lên hoặc xấu đi. Cũng không nên nghĩ rằng chỉ những ai tiếp nhận nghệ thuật mới chịu tác động giáo dục của nó. Nghệ thuật tác động đến con người lâu dài, dần dần và tác động theo kiểu lây lan. Nó không đẻ ra và cũng không có khả năng trực tiếp ngăn chặn điều ác hay tội lỗi. Nhưng nó gieo vào lòng người ta ý thức về sự xấu xa của tội ác và lỗi lầm. Ý thức ấy sẽ ngăn chặn, ngăn ngừa con người hành động xấu, hoặc giúp họ đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.

    Để hướng được con người theo xu hướng tích cực, tiến bộ bắt buộc nhà văn phải có khuynh hướng tư tưởng tiến bộ. Tác phẩm văn học phải là tác phẩm chân chính, lành mạnh, giàu tính nhân văn, làm cho con người cao thượng, vị tha hơn. Ngược lại, một tác phẩm phản động, đồi bại sẽ khiến con người dễ dàng tha hóa, trở nên độc ác hơn.
     
  5. Chụy Tít

    Bài viết:
    416
    4. Chức năng giao tiếp.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nói đến giao tiếp là nói đến sự giao lưu, thông báo, trao đổi. Nghĩa là ở đây có vấn đề người nói, người nghe, người gửi, người nhận và phương tiện để nói, để liên hệ. Độc đáo của nghệ thuật với ý nghĩa là một hoạt động giao tiếp, bộc lộ trong tất cả các khâu này.

    * Xuất phát từ chủ thể sáng tạo:

    Hoạt động giao tiếp khác thông tin ở chỗ: Thông tin xuất phát căn bản từ nhu cầu và lợi ích của người nhận tin, còn giao tiếp bắt nguồn từ đòi hỏi bên trong của bản thân chủ thể giao tiếp, tức người gửi, người nói.

    Nhà văn sáng tạo nên tác phẩm trước hết là để chia sẻ, bộc lộ, giãi bày, kí thác tình cảm. Nhà văn mỗi khi cầm bút là lúc anh ta cảm thấy "đau" ở đâu đấy, có một cái gì đấy cần phải nói ra, không nói ra không được.

    Như Nguyễn Khuyến viết:

    Rượu ngon không có bạn hiền

    Không mua không phải không tiền không mua

    (Khóc Dương Khuê)​

    Nguyễn Du còn tìm sự đồng cảm trong suốt 300 năm sau:

    Bất tri tam bách dự niên hậu

    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

    (Không biết ba trăm năm lẻ nữa

    Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

    Tố Hữu cho rằng: "Thơ ca là tiếng nói, đồng ý, đồng tình, đồng điệu." Có thể nói nhu cầu bộc lộ, giãi bày của người nghệ sĩ rất lớn. Nhà văn sáng tác như là một thoát sự cởi bỏ gánh nặng của những ấn tượng và trăn trở đầy ắp. Vì thế, văn học là một cách mà nhà văn giao tiếp với độc giả, tìm sự tri âm ở độc giả. Đó là nhu cầu tự thân của văn học.
     
  6. Chụy Tít

    Bài viết:
    416
    TỔNG KẾT PHẦN I: CHỨC NĂNG VĂN HỌC

    * Chức năng của văn học bao giờ cũng gắn bó với nhau và chỉ phát huy được sức mạnh trong tính tổng hợp. Sự tác động của tác phẩm văn học tới người đọc là một sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố chức năng, là một quá trình chuyển hóa phức tạp, biện chứng, ở đó các yếu tố chức năng xuyên thấm vào nhau, tồn tại trong nhau. Mục đích cuối cùng của văn học là làm cho con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trên thực tế chúng ta có thể phân ra các chức năng như nhận thức, thẫm mĩ, giáo dục.. nhưng không thể có một sự tác động nào tồn tại đơn thuần, riêng biệt, nhà văn khi viết tác phẩm cũng không nghĩ đến việc nó sẽ có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhận thức.. như thế nào mà trước hết nhà văn chỉ muốn gửi gắm bức thông điệp của mình. Vì vậy sự tác động của văn học đối với đời sống đôi khi là sự tác động ngoài dự kiến.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...