TRIẾT LÍ SỐNG TỪ "HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT" - LƯU QUANG VŨ Giới thiệu "Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ. Như những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu". Đó là những chiêm nghiệm của Bằng Việt về sức sống của văn chương nghệ thuật. Thật vậy, có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối mát lành chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đó phải chăng là những tác phẩm "không bao giờ cũ" trong đời sống con người, từng bước tham dự vào dòng chảy cuộn xiết của xã hội. Và vở kịch HTBDHT là một tác phẩm như thế. Vở kịch thể hiện bi kịch cũng như vẻ đẹp của tâm hồn con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự tha hóa để bảo vệ quyền sống và khát vọng hoàn thiện nhân cách. Lưu Quang Vũ không chỉ được biết đến là một nhà thơ tài năng mà còn được mệnh danh là "hiện tượng" đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX. Kịch của LQV luôn nắm bắt được những vấn đề nóng bỏng của xã hội. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" được viết năm 1981, ra mắt khán giả vào năm 1984, được công diễn nhiều lần trên các sân khấu trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, LQV đã dựng thành một vở kịch nói hiện đại, tập trung thể hiện tình cảnh trớ trêu và nỗi đau khổ, dằn vặt của Trương Ba từ khi "bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo". Từ đó, tác giả đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng triết lí sâu sắc. Cuộc đối thoại giữa HTB và xác hàng thịt nằm trong cảnh VII của vở kịch. Nghệ thuật Vở kịch sử dụng cốt truyện dân gian, nhưng có nhiều sáng tạo, mang đến ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc cũng như phản ánh nhiều vấn đề cấp bách và thiết yếu của cuộc sống hiện đại, có giá trị thông điệp muôn đời. Đồng thời, vở kịch cũng tạo dựng được xung đột kịch mới mẻ, đó là mâu thuẫn giữa hồn và xác, giữa con người và hoàn cảnh sống, giữa lòng ham sống và ý thức nỗi nhục của cuộc sống vay mượn. Khi xung đột phát triển tới đỉnh điểm, vở kịch đã vạch ra cách giải quyết tình huống, kết thúc logic và phù hợp. Ngoài ra, đặc sắc của HTBDHT còn nằm ở phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, hàm súc, chứa đựng kịch tính, đậm chất triết lí, ngôn ngữ độc thoại nội tâm đặc sắc, góp phần thể hiện sâu sắc tính cách ngân vật. Ngôn ngữ đoạn kết giàu chất thơ, chất trữ tình bay bổng, đằm thắm, những lời chỉ dẫn sân khấu thể hiện rõ tính căng thẳng của xung đột cũng như tâm lí nhân vật. Không dừng lại ở đó, HTBDHT còn xây dựng được những nhân vật gần gũi, quen thuộc như chính trong cuộc sống thường nhật, qua đó biến một câu chuyện dân gian thành câu chuyện của đời sống hiện đại. Nhân vật có hành động phù hợp với hoàn cảnh và tính cách, qua đó góp phần phát triển tình huống kịch. Mỗi lời thoại, cử chỉ, hành động đều có khả năng bộc lộ con người và khắc sâu chủ đề của tác phẩm. Tính triết lí > Tiếng nói của xác thịt Có thể thấy, cuộc đối thoại đã đưa đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm về "tiếng nói của xác thịt". Nó có thể được hiểu là hoàn cảnh nghiệt ngã, là sự thắng thế của "chủ nghĩa vật chất", là tiếng nói đáng sợ lôi kéo con người. Nhưng đồng thời, tiếng nói của xác thịt còn được coi là tiếng nói của bản năng, thứ tiếng nói khuất lấp mà con người chưa chắc đã nhận ra, hoặc không dám đối diện, nó thường bị coi là thấp kém nhưng lại là phần không thể chối bỏ của con người. Như vậy, cuộc đối thoại đã đặt ra hai mâu thuẫn, giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa hai tiếng nói đối lập trong cùng một bản thể. Vậy thì, sự tha hóa của HTB đã bắt rễ từ việc chối bỏ tiếng nói của thân xác, không dám thành thực đối diện với bản thân, thay vì chịu trách nhiệm với bản thân thì lại đổ lỗi cho thân xác và hoàn cảnh. Việc HTB coi thường thân xác, phủ nhận tiếng nói của xác thịt càng khiến cho những lí lẽ ti tiện của thân xác lấn át mình. > Quan niệm về lẽ sống - Ai trong chúng ta cũng mong muốn được sống, ít ai hoàn toàn không sợ sệt khi đối diện với cái chết, nhưng nếu muốn sống bằng mọi giá thì đôi khi con người ta sẽ dễ đánh mất chính mình. Nhưng đó không phải lẽ sống đúng đắn. "Tôi muốn là tôi toàn vẹn" cất lên như một tuyên ngôn, được cất lên khi TB đã đi qua những bi kịch của một cuộc sống hồn này xác nọ. Con người có thể là quân cờ của số phận, không biết mình sẽ chết lúc nào, sống đến khi nào. Nhưng con người có một sự kiên quyết, bướng bỉnh riêng mà định mệnh không thể chạm tới, đó là việc mình sống ra sao. - Sống là phải đạt đến sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác, không giả tạo, không chắp vá, không lắp ghép - Sống là quý nhưng phải sống là chính mình, trọng vẹn với những giá trị mình có, phải hài hòa giữa phần con và phần người. - Sự bất tử của con người không phải ở độ dài thời gian mà nằm trong ý nghĩa sự sống, trong tình yêu thương của mọi người và được mọi người tôn trọng > Trân trọng thể xác Mọi giá trị dù là linh hồn hay thể xác đều có ý nghĩa trong cuộc đời, không thể nhân danh giá trị này mà hạ thấp giá trị kia cũng như không thể duy lí trí mà kì thị với những đòi hỏi vật chất của con người. > Quan niệm về sự nhầm lẫn, sai và sửa sai: Việc bị chết oan uổng không phải lỗi của TB, nhưng ông đã có một quyết định sai lầm khi chấp nhận trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt để rồi cuối cùng sửa sai bằng cách xin cho cu Tị sống lại, còn mình thì vĩnh viễn chết đi. Lưu Quang Vũ dường như đã thông qua tình huống này để cất lên một quan niệm, rằng có những cái sai không thể sửa được, chắp vá gượng ép thì càng làm sai thêm, chỉ có một cách là không sai nữa hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Mà để không sai, thì con người trước hết phải hiểu bản thân, phải dũng cảm đối diện với bản ngã và phải hiểu lẽ đời đa sự. Để sửa sai, thì con người phải nhìn thẳng vào sự thật và dám đánh đổi, chấp nhận sự từ bỏ và hi sinh. Giống như Trương Ba, ông sống là đền bù cho lỗi sai của NT BĐ, nhưng việc ông chọn cái chết là để được làm chính mình. Hành trình sửa sai ấy là khi con người được dẫn lối bằng tình người, tính người, chất người.