Những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện dân chủ ở xã, phường,thị trấn hiện nay

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mộc Nguyệt, 16 Tháng chín 2021.

  1. Mộc Nguyệt

    Bài viết:
    13
    A. Mở đầu:

    Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí minh luôn quan niệm: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ vững đạo đức công dân..". Chúng ta luôn nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Dân chủ là động lực của tiến bộ xã hội, của phát triển, gắn với công bằng và tiến bộ xã hội trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển trên địa bàn. Để hiểu rõ vấn đề tôi xin lựa chọn chủ đề: "những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện dân chủ ở xã Khánh Yên Trung"

    B Nội dung:

    I. Cơ sở lý luận

    1. Một số vấn đề lý luận về dân chủ

    Dân chủ là một vấn đề có tính thời sự sâu sắc, được phát triển qua nhiều giai đoạn của lịch sử với rất nhiều tư tưởng, quan điểm, luận thuyết khác nhau, nhưng đến nay vẫn luôn là vấn đề mở cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra hướng phát triển và hoàn thiện cho pháp luật của mỗi nhà nước, mỗi cộng đồng.

    Dân chủ và thực hành, phát huy dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền; một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu, quan trọng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các ngành; làm chuyển biến một bước về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân; tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.

    Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; dân chủ trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phát huy mạnh mẽ. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cần thiết, khách quan nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về dân chủ ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở; những vấn đề lý luận cơ bản của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; những đặc trưng cơ bản của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam. Phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân; thực trạng pháp luật cũng như việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua để đưa ra những giải pháp hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay và trong những năm tới.

    Từ điển bách khoa Việt Nam định nghĩa: "Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. Dân chủ cũng được vận dụng vào các tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị nhất định". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Là chủ vì đó là biểu hiện vị thế xã hội, tính tích cực chính trị và địa vị pháp lý của người dân. Làm chủ, đó là hành động của dân, biểu hiện năng lực thực hành dân chủ, thước đo về trình độ phát triển ý thức của nhân dân với tư cách là chủ thể quyền lực, thực hiện sự ủy quyền chân chính của mình vào thể chế chính trị và nhà nước. Như vậy, dân chủ được coi là tiêu chí đánh giá cách thức, trình độ tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, có thể khái quát: Dân chủ là một giá trị xã hội (giá trị nhân văn) phản ánh chủ thể quyền lực là nhân dân, khẳng định những quyền cơ bản của con người; là hình thức tổ chức nhà nước của giai cấp cầm quyền thành một chế độ chính trị xã hội mà ở đó những quyền cơ bản tự nhiên của con người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; đồng thời những quyền này được thể chế thành các nguyên tắc trong hoạt động của nhà nước, xã hội và công dân để quy định quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với nhà nước, cộng đồng và ngược lại.

    2. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân chủ ở xã, phường, thị trấn

    Nhân dân là người trực tiếp sản xuất ra giá trị vật chất và sáng tạo ra giá trị tinh thần. Trong lao động và sinh sống, người dân luôn gắn bó mật thiết trong một đơn vị, một tổ chức, một cộng đồng, một địa bàn dân cư nhất định. Mỗi công dân, một thành viên nào của tổ chức cũng đều gắn bó và sinh sống, lao động, học tập ở một cơ sở nhất định trong hệ thống, đó là xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế cơ sở.. Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nơi kiểm nghiệm, phản chiếu chính xác nhất đường lối của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, nhân dân có quyền được biết, được tiếp cận thông tin, được bàn và được tham gia giải quyết và kiểm tra, giám sát mọi hoạt động diễn ra ở cơ sở. Dân chủ ở cơ sở được thực hiện dưới hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, là hình thức nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng đối với những vấn đề về tổ chức và hoạt động của mọi thiết chế ở cơ sở. Dân chủ ở cơ sở được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là văn bản pháp luật quy định cụ thể những việc Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông qua kịp thời và công khai để dân biết, dân bàn, quyết định trực tiếp, tham gia ý kiến và giám sát, kiểm tra, các hình thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

    II. Thực trạng thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện nay

    1. Đặc điểm tình hình

    Xã Khánh Yên Trung nằm ở phía Nam của huyện Văn Bàn. Trước đây xã có 10 thôn nhưng sau sáp nhập xã còn 7 thôn với 858 hộ và 3864 nhân khẩu. Có 2 dân tộc anh em cùng chung sống đó là dân tộc Tày và dân tộc Kinh, trong đó dân tộc Tày chiếm 85% dân số toàn xã.

    Xã Khánh Yên Trung có diện tích 47, 7 km², mật độ dân số đạt 69 người/km². Đất đai phì nhiêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội. Về giao thông có tuyến đường liên xã của huyện đi qua chạy dọc theo chiều dài của xã đã được rải nhựa, các tuyến đường làng, ngõ xóm đã bê tông hóa còn lại chủ yếu là đường đất đá cấp phối. Hầu hết các tuyến đường đều có đủ chiều rộng cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của xã. Đời sống dân trí cũng ngày một nâng cao.

    Trong những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở địa phương đã đặc biệt được quan tâm. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, việc triển khai và tổ chức thực hiện dân chủ tại xã Khánh Yên Trung đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện dân chủ đã góp phần khắc phục tình trạng quan liêu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tạo được sự đồng thuận, xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa đảng, Nhà nước với nhân dân.

    2. Thực trạng:

    2.1 Thuận lợi:

    Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ tại xã; xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong tổ chức triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng các nội dung về thực hiện dân chủ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao.

    Xã đã thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung theo quy định của Pháp lệnh. Những nội dung cần công khai cho nhân dân như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn xã; các chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; phương thức, kết quả bình xét hộ nghèo, trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình thương; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; kết quả bầu và lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã.. Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà việc công khai có thể thông qua một hay nhiều hình thức để chuyển tải đến nhân dân được biết.

    Phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong bàn, quyết định về các phương án, kế hoạch, mức đóng góp xây dựng đường giao thông trong thôn, tổ dân phố, lập và thu các loại quỹ, phí vệ sinh môi trường, điện bảo vệ, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân; bàn, tham gia ý kiến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện đúng các bước, dân chủ, đúng pháp luật. Tổ chức các buổi họp thôn, tổ dân phố để nhân dân được bàn bạc, thảo luận, tham gia ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay góp sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố tiếp tục được thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, góp phần xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

    Xã Khánh Yên Trung tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp xã, phát huy dân chủ bằng hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Duy trì việc phát phiếu lấy ý kiến đến các hộ gia đình, động viên nhân dân chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, cụ thể, sát thực, phát huy được trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao giữa cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và công chức về đạo đức, lối sống; tham gia bàn bạc, thống nhất các nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn. Hằng năm tiến hành họp bình xét các gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa để biểu dương, khen thưởng vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, phát huy tinh thần đoàn kết, tự quản ở các khu dân cư. Công tác bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở hầu hết các địa phương đều được thực hiện đúng trình tự, hướng dẫn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân cấp xã bầu được triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ.

    Vai trò giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương được thành lập, thường xuyên kiện toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động; được tập huấn nghiệp vụ, định kỳ tổ chức giao ban nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp, đề xuất, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến thực hiện và thực thi chính sách, pháp luật; trực tiếp giám sát các công trình được đầu tư của địa phương, các công trình do nhân dân huy động nguồn đóng góp. Thực hiện nghiêm túc việc giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; của đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, đảng viên.

    Thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, cơ chế, các nguồn lực, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, tiến hành nghiệm thu các công trình hoàn thành đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc, tham gia ý kiến và thống nhất xây dựng phương án, đề án chỉnh trang đồng ruộng, việc thu các loại quỹ, phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông thuỷ lợi nội đồng, tạo điều kiện để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay, góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới.

    2.1Những khó khăn và giải pháp

    2.1. 1 Những khó khăn

    Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn hình thức, thiếu tính liên tục, đồng bộ, thiếu chiều sâu và tính thuyết phục.

    Một số nội dung công khai chưa đầy đủ, việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn để cấp có thẩm quyền quyết định còn hạn chế. Việc tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên có nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Tỷ lệ người dân tham gia họp thôn thấp, chất lượng các cuộc họp thôn có nơi chưa cao; việc thảo luận, tham gia ý kiến còn có tư tưởng cá nhân, cục bộ. Một bộ phận nhân dân chưa phát huy hết công sức, trí tuệ tham gia xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên.

    Thực hiện dân chủ gắn với cải cách hành chính và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa tận tâm, tận lực, phong cách làm việc quan liêu, thiếu dân chủ. Còn tình trạng vi phạm nguyên tắc trong quản lý thu chi ngân sách, để xảy ra tình trạng nội bộ mất đoàn kết dẫn đến đơn thư tố cáo, phải xử lý cán bộ.

    Phát huy dân chủ chưa thực sự gắn với thực hiện kỷ cương, pháp luật. Một bộ phận nhân dân còn lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, gây trở ngại tới việc triển khai một số nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.

    Công tác tiếp dân ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, chủ động theo đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp. Một số vụ việc xảy ra chậm được giải quyết làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân, còn có những vụ việc phức tạp, kéo dài.

    2.1. 2 Giải pháp hoàn thiện

    Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp phải có nhận thức đúng, xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ chính trị có tầm quan trọng hàng đầu; coi việc tổ chức, thực hiện là những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở và của toàn dân. Đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn một cách đồng bộ, trở thành nề nếp gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng mặt công tác và trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu.

    Trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn, các cấp ủy đảng cần thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra và bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

    Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu chính quyền và trách nhiệm của đại biểu dân cử. Theo đó, mỗi năm, cần nghiêm túc xem xét, đánh giá vai trò cũng như chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên cũng như trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thực hiện quy chế dân chủ. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức lợi dụng chức quyền để tham nhũng, gây phiền hà cho dân, không thực hiện pháp luật dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân ở xã.

    Phải coi việc thực hiện dân chủ ở xã là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, lâu dài của tổ chức Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp; phải gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng mặt công tác và trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là của người đứng đầu.

    C. Kết luận:

    Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, góp phần mở rộng dân chủ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; là phương thức quản lý để bảo đảm trên thực tế các quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện; thông qua việc thực hiện dân chủ cơ sở để tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ, dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật dân chủ ở cơ sở vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các hành vi tiêu cực khác; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...