Khi thành phố lên đèn, các đại lộ và những con phố cùng con hẻm lung linh ánh đèn đường. Mọi người tấp nập hối hả về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hình như ngày nào cũng cỡ tầm này là đường phố nào cũng quá tải rồi thưa dần, thưa dần. Thời khắc ấy ta cảm thấy trời đất dịu hẳn đi, làn gió mát nhè nhẹ thổi xô đẩy đi sự nóng bức lúc ban nãy. Ôi! Tất cả cứ thế theo quy luật hòa vào dòng chảy thời gian. Ai đã từng chứng kiến những cảnh tượng ấy ở nhiều góc nhìn khác nhau mới thấy được cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang giao thoa trong khoảnh khắc đầy bận rộn của vạn vật xung quanh. Sự ồn ào, náo nhiệt của thành đô, phố thị đổ dồn nhiều vào người qua lại nhưng thỉnh thoảng bắt gặp những con người thầm lặng làm việc chẳng ai quan tâm nhưng họ mới thật sự đáng kính nhất: Người vệ sinh môi trường. Cái nghề có ai trong cảnh mới thấu hiểu nỗi gian truân. Chẳng thèm để ý tới những gì đang diễn ra xung quanh. Mặc cho dòng người ở các ngã nối đuôi cùng những tiếng xe máy "ầm ầm" vọng ra cái âm thanh chát chúa tan trong không gian tối. Những công nhân vệ sinh môi trường thầm lặng vào nhiệm vụ cao cả của mình. Bộ quần áo màu xanh xám có mấy vạch vàng được in trên vòng lưng ôm ngang bụng ba, bốn vạch gì đấy loé sáng trong đêm khi ánh đèn đêm chiếu vào để đề phòng những ai chạy xe không quan sát vô tình vướng phải. Đã biết bao sự vô tình của những kẻ qua đường làm cho các chị, các anh phải bặm môi chịu đựng khi bị thả những câu vô văn hóa đến bạc bẽo như dao đâm, muối xát. Bỏ qua tất cả những lời nguyền rủa không đáng phân bua cho mất thời gian và vô ích ấy. Các cô, các chú cứ thế cần mẫn với công việc của mình quét dọn từng con phố, thu gom rác thải mang về nơi tập kết để mang đi tiêu hủy làm sạch cảnh quan thành phố mang lại nét đẹp, văn minh cho mọi người. Ai biết chăng nỗi vất vả khi đêm đông lạnh tê tái mà người lao công phải oằn mình đẩy xe rác trong đêm. Ánh đèn đường hắt ánh sáng chiếu ngang soi đường chỉ lối. Ai thấu chăng đêm xuống đã lâu người thui thủi một mình thu gom rác thải cũng là người lao công. Công việc thầm lặng nhưng mà đáng trân trọng. Không có nghề này sao thành phố được văn minh? Đi trên mọi ngả đường mấy ai biết được và cảm thông hay lại có những người xem việc làm của họ là tầm thường. Dường như những người công nhân lao công họ kiên nhẫn nhiều hơn thì phải. Họ mím chặt đôi môi khi gặp những bất trắc khó lường trong xã hội. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày ở lại với thời gian. Cuộc sống cứ lặng trôi và dòng người qua lại trên đường phố không bao giờ ngớt. Mấy ai thả mắt nhìn bóng dáng của những người đang làm công việc dọn vệ sinh thành phố trong âm thầm với bao thanh âm hòa lẫn trong đêm. Tiếng chổi quét đường vang lên là mọi ngả đường sạch đẹp dù đêm đông buốt lạnh người hoặc trong những ngày mưa giông, gió giật phả vào lòng, họ vẫn ráng chịu đựng để vượt qua. Tiếng "lốc cốc" của thùng xe bốn bánh nhỏ lăn trên đường là công việc sắp hoàn thành thì đêm xuống đã lâu. Gạt vội giọt mồ hôi chảy ướt trán, uống vội chai nước để rồi ngoảnh lại nhìn các ngả đường các anh, các chị thấy vơi đi nỗi nhọc nhằn, vẫn có những tràng cười vang lên giòn tan trong đêm vắng nghĩ mà thương nhưng chẳng biết làm sao. Tôi ngợi ca cái nghề của các chị, các anh nhiều lắm. Văng vẳng bên tai tôi tiếng ngâm thơ của một nghệ sĩ phát trên chiếc điện thoại thông minh bài thơ của cố nhà thơ Tố Hữu trong bài "Tiếng chổi tre" nghe sao cay nơi khoé mắt. "Khi cơn dông Vừa tắt Tôi đứng trông Trên đường lặng ngắt Chị lao công Như sắt Như đồng Chị lao công Đêm đông Quét rác". Bài của Phùng Văn Định