Truyện ngắn: Những câu chuyện nhỏ thôi! (Ảnh: TMH) Tác giả: Trang sach Thể loại: Hiện đại . Link thảo luận: Các Tác Phẩm Sáng Tác Của TRANG SACH Văn án: Tôi muốn ghi chép lại những câu chuyện nhỏ ở làng, ở phố của tôi. Những chuyện thường ngày, vui có, buồn có, đẹp có, xấu có. Qua những câu chuyện này tôi có những bài học ý nghĩa cho riêng mình. Cuộc sống thật muôn màu, chúng ta nên luôn nhìn những hiện tượng, sự việc, các mối quan hệ xung quanh chúng ta theo một quan điểm tích cực thì cuộc sống của riêng mình và những người xung quanh dễ chịu hơn, những cảnh vật sẽ đẹp và thơ mộng hơn. Dù cho cuộc sống có cay đắng và những hiện tượng đáng buồn. Nhưng đó mới là cuộc sống! (Lưu ý: Truyện không viết về một cá nhân cụ thể. Nếu có trùng hợp, chỉ là ngẫu nhiên).
Những câu chuyện nhỏ thôi. Chuyện làng, chuyện phố 1001. Người mẹ và hai con trai. Bấm để xem Một dáng người nhỏ bé đi từ trong đồng ra đường lộ. Dáng người mỏng manh đi trên đường mòn, tưởng như gió mạnh có thể thổi bay. Khi đến gần, mới thấy đó là bà Tê. Bà cụ sáu mươi hai tuổi, gầy ốm chưa đến ba mươi hai cân. Gọi là bà cụ dù bà chỉ sáu mươi hai tuổi vì trông bà hom hem và yếu lắm. Dáng đi xiêu vẹo, mệt nhọc. Cứ đôi ba trăm mét là bà phải ngồi nghỉ một lúc. Bà bị suy thận mạn đã bảy năm. Quán bà tư Lanh nằm bên đường lộ lớn giờ này đang đông khách. Bà bán đồ ăn sáng và cà phê. Khi bà cụ đi ngang qua quán, mọi người cảm thương cho bà. Mỗi người mỗi câu. "Chồng mất sớm, tần tảo nuôi hai thằng con bất hiếu, tội nghiệp!" Có người nói. "Mỗi tuần bà lên bệnh viện tỉnh ba lần chạy thận, đã ba năm rồi." "Bà đi bộ gần bốn cây số mới đến được bến xe đò để đi lên tỉnh." "Có hôm về, trời mưa, bà lạnh run cầm cập." Bà Tê có hai người con trai. Anh lớn tên Huy, năm nay bốn mươi tuổi, có vợ con và bà Tê đang ở nhà anh này. Anh con trai thứ hai tên Hoàng, ba mươi tám tuổi cũng đã có vợ con và có nhà ở gần đó. "Thằng Hoàng đi xe máy trên đường, thấy mẹ nó đi bộ vật vưởng nó không thèm nhìn." "Đúng là thằng trời đánh." Mỗi người mỗi câu nói về chuyện nhà bà Tê. Bà tốt với bà con làng xóm. Tần tảo, vất vả nuôi con khôn lớn. Sao số phận bà hẩm hiu, cô đơn vậy. Nghe đâu ba năm trước bà bị suy thận nặng, giai đoạn cuối, chắc chỉ vài ba tháng là bà về với tổ tiên, ông bà. Hai anh con trai bàn bạc với bà bán căn nhà lá và bốn công ruộng, tài sản duy nhất còn lại của bà, để lấy tiền chữa bệnh và ăn uống. Tiền bán được sáu trăm triệu. Anh nào cũng dành nuôi mẹ. Thật là hiếu thảo làm bà vui lòng. Sau đó anh Hoàng từ mẹ không thèm nhìn mặt vì không được nuôi dưỡng mẹ già ốm đau. Giờ mẹ nó xiêu vẹo ngoài đường lộ nó không chở được một đoạn. Nghe đâu là vì bà Tê chỉ cho Hoàng một trăm triệu thôi. Còn Huy tính già hóa non. Dành nuôi mẹ để lấy năm trăm triệu. Huy tính là mẹ anh ta yếu lắm rồi, đi không nổi, thở không ra hơi. Mà đúng, lúc đó làng xóm ai cũng thấy vậy, ngày bà Tê ra đi rất gần rồi. Thế mà sau khi chạy thận bà khoẻ ra, ăn uống được, đi lại gần như bình thường. Ba năm sau ngày chia tiền bán nhà đất, bà Tê vẫn sống, dù đến giờ bà đã rất yếu rồi, tuần ba lần lên bệnh viện tỉnh chạy thận. * * * Chuyện bà mẹ và ba con trai. Trong quán bà Tư Lanh lại có người kể: Ở khu tui có bà Tư, khi nào gặp tui cũng khóc hết nước mắt. Bà có ba ông con trai, có ba cô con dâu, cháu nội đầy đàn. Nhà động và chật chội. Từ ngày anh út lấy vợ, anh lớn đi thuê nhà ở trọ, nay đây mai đó, vừa tốn tiền vừa không ổn định cho con cái học hành. Thằng ba và thằng út cùng với hai con dâu và bốn cháu nội ở chung với bà nên đông đúc lắm. Bà đồng ý bán nhà chia tiền cho ba người con trai. Bà chia tiền đều nhau cho ba người con. Mỗi người có thêm tiền riêng cộng với tiền mẹ chia cho đi mua nhà. Anh trai lớn lâu nay ở riêng thuê nhà vất vả nhưng để dành được nhiều tiền nên mua được nhà lớn, hẻm lớn. Anh ba, anh út ở với mẹ để dành quá ít tiền nên mua nhà nhỏ, hẻm nhỏ. Khi chia tiền nhà, chia đều mỗi người và ba anh thống nhất nhau mẹ ở mỗi tháng một anh. Mọi sự bắt đầu sanh nạnh nhau. Vợ anh trai lớn lâu nay ở riêng thoải mái, không phải chiều mẹ chồng, các cháu ồn ào chẳng ai la. Nay cứ hai tháng bà nội đến ở, mọi sự tù túng, vướng bận. Mẹ chồng già và con dâu trẻ sinh điều không vừa ý, đá thúng đụng nia. Bà Tư buồn lắm chẳng biết làm sao, gặp ai cũng chỉ khóc. "Thế bà ở với thằng ba, thằng út?" "Con dâu thứ ba và dâu út cũng vậy" Lúc ở ké nhà mẹ nên phải nhịn, chật chội cũng ráng chịu. Còn giờ ở nhà riêng của nó, dù là tiền được bà bán nhà chia cho. Nhưng tụi nó so đo thiệt hơn. Tụi nó dè bỉu: "Bà đi về bên con trai lớn mà ở, nhà cao cửa rộng hơn tụi này. Bà chia tiền cho ảnh nhiều hơn, ảnh mua nhà to có phòng riêng hẳn hoi. Tụi này nhà ở chật chội, vô ra đụng cột đụng vách không chán à?" Đó là khi bà khoẻ mạnh. Còn khi ốm đau, đi khám bệnh tốn kém lại mặt nặng mày nhẹ. "Bà chăm con thằng út, bên tụi nó cho bà ăn uống thế nào mà về đây là cứ bệnh và bệnh.." Lúc đầu bà còn nói lại, phân trần. Về sau bà chỉ biết âm thầm chịu đựng. Khi gặp ai hỏi đến mủi lòng, chỉ biết khóc. Lời bàn: Có người bàn là: Do bà Tê chia tiền không đều. Anh Hoàng ít quá nên giận từ mẹ luôn. Hoàng muốn nhận năm trăm triệu và nuôi mẹ vì cũng như anh mình nghĩ mẹ lúc đó sắp chết sẽ dư được nhiều tiền. Nhưng giờ cười thầm anh mình nuôi mẹ hết tiền rồi mà mẹ vẫn èo uột lay lắt. Hoàng cho là may cho mình. "Đúng vậy." Có người góp ý. "Phải chia đều cho mỗi anh ba trăm triệu." "Đúng đó, tui cũng đồng ý chia đều thì anh Hoàng không thể giận và từ mẹ được." "Thế mấy người không thấy chuyện bà Tư, một người vừa kể à. Bà chia tiền đều cho ba anh mà cũng lủi thủi khóc một mình. Có ở yên với anh nào được đâu." "Úi trời ơi, chuyện bà Tê, bà Tư ở vùng mình cũng đáng buồn thật. Nhưng trên mạng bây giờ đang rần rần chuyện ở tỉnh nào đó, con gái bạc đãi mẹ già hơn tám mươi tuổi. Coi cái clip đó muốn khóc, muốn xử thật nặng cô con gái. Không ai tưởng tượng được là có chuyện đó." "Nghe đâu cũng do việc chia tài sản không thuận, không bằng lòng nhau." Vậy làm sao để gia đình đầm ấm, hạnh phúc, yên vui. Người xứ mình chưa quen chia tài sản theo pháp luật, thường không rõ ràng khi nói chuyện với nhau về của cải, ngại nói về chuyện cho là vặt vãnh, nhỏ mọn đó. Nhưng đến khi phải giải quyết chuyện đó, ai cũng cho mình là đúng theo cảm tính và lập luận của mình. Từ đó chuyện vặt vãnh, chuyện nhỏ thành chuyện to. Tình cảm sứt mẻ, gia đình tan nát, cha mẹ, anh em không nhìn mặt nhau. Do vậy mới có câu: "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát." Tiền bạc mà không phân minh rõ ràng thì có hậu quả. Còn ái tình mà không dứt khoát thì hậu quả cũng không vừa. Khi nào rảnh tôi cũng xin ghi chép vài chuyện nhỏ ở xóm tôi, phố tôi và mọi người bàn thế nào. (Còn nữa) Note: Tiền bạc phân minh.
Chuyện làng, chuyện phố 1002. Chuyện người đàn ông "ai cũng thương!" Bấm để xem Xóm tôi ở có chú Thịnh, gần năm mươi tuổi rồi mà vẫn một mình, một bóng. Cha mẹ già về với ông bà ông vải cả rồi. Chú Thịnh tự mình lo cơm nước, nhà cửa sau giờ làm việc ở cơ quan. Ai cũng thấy tội nghiệp, một mình đơn chiếc. Nhưng chú có phải là người vụng về, xấu xí đâu. Nghe đâu hồi trẻ giỏi giang, đẹp trai có thứ có hạng hẳn hoi. Chú đi học là học sinh giỏi nhất nhì lớp. Rất nhiều tài: Sửa chữa nhà cửa, điện nước, vật dụng.. Chú đều làm được và đẹp nữa. Ra trường đi làm, một công việc vừa ý, nhiều người mơ ước. Nói chung, chú Thịnh khá là hoàn hảo cho bao cô gái mong muốn lấy làm chồng. Chỉ duy nhất một điều là trong ái tình chú không dứt khoát yêu ai, giờ gần năm mươi tuổi rồi vẫn hẩm hiu một mình. Chú Thịnh cũng có vợ, một con trai, và những mối tình dang dở. * * * "Mai anh Thịnh chở Thảo với nhé. Xe đạp Thảo hư rồi mà ba bận quá chưa sửa." Thảo cứ thích Thịnh chở đi học là viện cớ xe hư. Thịnh vẫn biết thế và cũng thích chở Thảo đi học. Thảo học cùng trường, sau Thịnh một lớp, nhà ở cùng xóm. Thảo xinh gái lắm, bao chàng trai trong lớp, trong trường theo đuổi. Nhưng Thảo thích Thịnh từ lâu. Đi học chung đường, nhà cùng ngõ. Thịnh học giỏi. Thảo thường hay hỏi bài Thịnh những gì không hiểu. Anh quan tâm đến cô nhiều. Một cô gái dễ thương, nết na thế mà không quan tâm sao được. "Thảo ơi, ra anh chở đi học." Hai anh em thân nhau, lại xứng đôi vừa lứa. Ai cũng nghĩ rồi hai người yêu nhau thành vợ, thành chồng. Cũng ánh mắt trìu mến, những chạm tay ôm hông rụt rè khi đèo nhau bằng xe đạp đến trường. Cũng những chiều thơ mộng cùng nhau trên bến sông dạo chơi, trên cánh đồng lúa chín vàng ươm và gió hiu hiu thổi. Như vậy gần một năm chung đường, chung ngõ, chung xe đạp, Thịnh chẳng nói một lời nào về tình yêu cả. Thảo đã tỏ cho anh thấy tình cảm của cô qua ánh mắt, vòng tay nhẹ đặt lên hông anh sau xe đạp. Thịnh cũng biết tình cảm của mình dành cho Thảo nhưng anh thấy quan hệ hai người vậy là được, chẳng cần nói làm gì. Nhưng một ngày nghe Thảo có anh Thiết ở trên huyện tìm hiểu, tán tỉnh, Thịnh mới hỏi Thiết là ai, người thế nào? Vv. Chỉ vậy. Rồi hai năm sau Thảo lên xe hoa. Thịnh thấy buồn. Sao mình không cưới Thảo làm vợ? So với chồng Thảo thì Thịnh hơn nhiều mặt. Trong xóm ai cũng nói thế. * * * Thời gian học đại học, cũng có mấy cô rất thích Thịnh. Trong lớp ghép Thịnh với Hoa, vì Hoa không giấu diếm tình cảm với Thịnh. Cô cho mọi người thấy điều đó. Hoa không đẹp, chỉ trung bình trên mọi phương diện. Đi chơi chung nhóm là Hoa dành ngồi xe Thịnh. Thịnh không thích Hoa nhưng không nỡ làm Hoa buồn, Thịnh chẳng phản ứng gì. Đi đâu chơi Hoa ngồi xe Thịnh riết cũng quen. Trong khi Thịnh mến Thoa và Thoa cũng rất thích Thịnh. Hai người có tình ý với nhau nhưng ngại Hoa đang cản mũi ở giữa cộng với Thịnh không dứt khoát thoát ra khỏi Hoa. Từ từ Thoa cũng đi với người khác. Thịnh và Hoa cũng chỉ thế thôi, đèo nhau đi chơi chung với cả nhóm bạn, không hẹn hò gì, chẳng đi đến đâu. * * * Thời gian thấm thoát trôi qua. Thịnh ra trường, về làm ở huyện nhà, chỗ làm ổn định. Thịnh có nhiều tài, đảm đang trong công việc, sống tốt với mọi người, có trách nhiệm nên ai cũng quý mến. Nhiều cô gái để ý Thịnh, cả những ông bố bà mẹ, các anh chị lớn có em gái đều để ý, đều muốn se duyên cho Thịnh. Trong đó có nhiều cô vừa đẹp người, đẹp nết không thua gì cái Thảo gần nhà. Thế mà.. Trong cơ quan có cô Ánh, làm văn thư, về sắc thì trung bình, nết không như ý lắm. Cô Ánh dùng chiêu "nhất cự ly, nhì cường độ", bủa vây các ngõ tiếp xúc của Thịnh với các cô gái khác, cộng với việc Thịnh không dứt khoát thoát ra khỏi Ánh. Điện thoại giọng nữ gọi đến muốn gặp Thịnh là Ánh truy "cô tên gì, ở đâu, cơ quan nào, gặp anh Thịnh có việc gì.." Có cô bực bội quá hỏi lại "cô là gì của anh Thịnh mà hỏi tui nhiều vậy" Ánh không ngại trả lời "tôi là vợ sắp cưới của anh Thịnh." Thế là các cô mến Thịnh từ từ dạt ra. Thịnh Ánh đi cặp với nhau lâu ngày thấy quen, người ta mặc định họ là một cặp yêu nhau. Thịnh đành chấp nhận vậy dù không yêu Ánh. Và ngày họ lên xe hoa cũng mặc nhiên, trai gái lớn phải có vợ, có chồng. Vì không yêu và cảm giác bị bẫy tình nên Thịnh và Ánh chẳng hòa hợp với nhau được. Ánh sau khi cưới được Thịnh, là của mình rồi nên không chiều chuộng, o bế, chăm sóc như hồi tìm kiếm, chinh phục tình yêu của Thịnh. Họ có với nhau một con trai và chia tay sau gần năm năm về ở chung nhà. Thảo sau tám năm lấy chồng cũng gãy gánh về nhà cha mẹ ở. "Tao thấy hai bây rổ rá cạp lại mà hay." Ba Thảo nói. Thịnh về thăm nhà cũng ghé qua nhà Thảo. Anh chị lại tình tứ hơn xưa, tuổi đã trưởng thành. Họ dạn dĩ hơn. "Sao ngày trước mày không lấy nó. Nó cái gì cũng được cả!" Ba Thảo lại nói. "Con cũng có danh giá của con, sĩ diện của mình chứ. Con đã biểu hiện tình cảm với ảnh. Ảnh cũng biết." "Ngày mày lấy chồng nó buồn lắm. Mỗi ngày đều qua thăm tao, nó chỉ hỏi thăm mày thôi. Thảo sống thế nào? Có hạnh phúc không?" "Ảnh chẳng một lời hẹn ước. Ba thấy lúc đó mình chờ đợi điều gì." "Thôi tụi bây đã để mất nhau một lần rồi. Giờ không để mất nhau lần nữa. Nó về nhà rồi kìa." Thịnh dựng xe ngoài sân nhà mình. Thường khoảng ba mươi phút sau đó là anh có bên nhà Thảo. Tình cảm họ mặn nồng hơn xưa. Thảo giờ cũng không e thẹn, ngại ngùng như hồi mười tám đôi mươi.. Thảo cũng đến nhà riêng của Thịnh thường xuyên. Có lần Thảo gặp hai mẹ con Ánh, vợ cũ của Thịnh. Để họ tự nhiên, Thảo xin phép về. Lúc vui vẻ, Thảo hỏi Thịnh: "Cô Ánh thỉnh thoảng vẫn ở lại nhà anh à?" "Ừ, thằng bé con anh muốn mẹ nó ở lại." "Anh không thấy bất tiện à?" Thảo nhẹ nhàng nhưng khó chịu. "Anh phải dứt khoát chứ?" "Anh thấy tội cô ấy, và anh có trách nhiệm với con anh." "Con anh thì anh có trách nhiệm, em đồng ý. Còn vợ cũ của anh cứ ở lại nhà anh, anh vẫn có trách nhiệm và dùng dằng thì em buồn lắm!" Thảo mạnh dạn nói thẳng ra. Vậy mà hàng xóm vẫn cho Thảo biết mẹ con cô Ánh, vợ cũ Thịnh cứ một hai tuần ở lại nhà Thịnh một hai đêm. Thời gian qua Thảo chẳng thấy Thịnh thay đổi. Ai anh cũng thương, ai anh cũng có trách nhiệm cả. Mẹ con cô Ánh thỉnh thoảng qua nhà ở lại. Qua qua lại lại vậy cô Thảo không chịu được, đành chấp nhận chia tay Thịnh lần nữa. Đến giờ gần năm mươi tuổi rồi chú Thịnh vẫn côi cút một mình, tự lo cơm nước, giặt giũ.. Còn phải chạy qua, chạy lại nhà vợ cũ khi con ốm con đau. Có khi vợ cũ bệnh cũng phải chạy qua.. (Còn nữa) Note: Ái tình dứt khoát.
Chuyện làng, chuyện phố 1002 (tt). Chuyện người đàn ông "ai cũng yêu!" Bấm để xem Trong làng tôi ở có chú Thành mới cưới vợ. Chú Thành giờ đã gần sáu mươi tuổi. Vợ chú trẻ hơn chú ấy nhiều, chỉ gần bốn mươi tuổi thôi. Trong những đám tiệc, khi trà dư tửu hậu cánh đàn ông kháo nhau: "Ông Thành giỏi, già mà cưới được vợ trẻ mới tài!" "Cô ấy còn mặn mà lắm, điện nước đầy đủ!".. Chú Thành thật giỏi giang. Chú làm lụng rất giỏi, nuôi ba đứa con tốt nghiệp đại học hẳn hoi, dù chú chỉ làm vườn. Vậy mà gần sáu mươi tuổi lại đi cưới vợ trẻ làm lại từ đầu. Mà phải cô này là chín chắn, giỏi giang gì cho cam so với vợ chú. Đến cô này cũng là tình yêu thứ năm, thứ sáu của chú rồi. Đó là tính những quan hệ của chú với họ kéo dài và nhiều người biết. Còn những quan hệ bất chợt qua đường thì không tính. Cứ mỗi chuyến xe lại có một mối tình. Hồi đó mua vé xe đò không có số ghế. Ai lên trước chọn chỗ ngồi của mình. Người thích ngồi gần cửa sổ. Người thích ngồi trước xe.. Thường chú Thành cũng có nhiều việc lên tỉnh, mỗi tháng đi ít nhất một lần. "Anh Thành lên tỉnh à?" Bác tài xế hỏi thân tình. Vì chú Thành là khách quen của nhà xe. "Ừ, mình đi mua sắm mấy thứ lặt vặt." Dù nói thứ lặt vặt, nhưng chú kể rất nhiều thứ đắt tiền, mà không phải ai cũng mơ được. Khi chú lên xe, thường chú thích ngồi gần một phụ nữ. Chỉ cần cô ấy tròn trịa, ưa nhìn và có đôi mắt lúng liếng là chú OK. "Tôi ngồi ghế này được chứ?" Chú lịch sự hỏi người phụ nữ. Một người đàn ông chỉnh chu, thơm tho, ăn nói lịch sự vui vẻ như chú ai mà từ chối. Mà không đồng ý cũng chẳng được vì ghế trống ai cũng có quyền ngồi. Mà thời đó chẳng có ghế nữa là, chỉ là băng ghế ngồi bốn năm người chung một dãy. "Chị ở đâu, làm gì? Chồng con ra sao?" Những câu hỏi quan tâm nhiều hơn sau những câu chuyện làm quen lịch sự, tế nhị mà chú rất trôi chảy và có duyên. Một chuyến xe, vài lần gặp gỡ là có một mối tình. Cứ thế, chuyện tình yêu của chú dần dần trở thành chuyện vui chẳng cần giấu diếm với bạn bè. Lúc đầu, vợ chú cũng ghen tuông ầm ỉ. Chú xuề xòa "Tui chỉ ghẹo qua đường. Bà vẫn là người phụ nữ thứ nhất của tui mà." Khi con cái lớn, tụi nhỏ cũng ngại ngùng khi người ta xì xào "Ông Thành đang tằng tịu với cô B, xóm trên." "Đêm khuya ông Thành đến nhà bà Q, xóm giữa.." Riết rồi mấy mẹ con nhà chú Thành cười trừ, lắc đầu. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Càng ngày chú Thành càng công khai những mối quan hệ lăng nhăng của mình. Có những mối tình thắm thiết và kéo dài. Một ngày, vợ chú đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Các con cũng ủng hộ mẹ. Vợ chú chịu đựng một thời gian dài là vì con cái. Nay, tụi nhỏ đã có vợ có chồng. Còn chú Thành vẫn chứng nào tật nấy. Ly dị xong, chú Thành cưới cô vợ trẻ. Nghe đâu cô này dữ dằn lắm chứ không hiền như thím Thành. Chú đã già, phải làm việc và phục vụ vợ trẻ nên hóc hác xơ xác chứ không thảnh thơi, bóng bẩy như trước. Người xấu miệng nói "ông Thành trả nợ" "Có vay có trả." Có người cũng thấy tội cho chú. "Già vẫn phải làm lụng, không được nghỉ ngơi.". Lời bàn: Về chú Thịnh: Có người nói "Ổng thích sống một mình mà. Lắm mối tối nằm không!" Có người khác lại thương cảm "Tại ổng quá tốt. Ổng không muốn ai buồn. Cô nào thương, ổng không thương nhưng không nói không được vì sợ họ buồn." Người khác phản đối "Thiếu gì cách để tỏ cho họ thấy ổng không thương họ. Như cô Hoa, cô Ánh cứ lên xe là ổng vui vẻ chở. Còn các cô giữ sĩ diện, dù mến, dù thương, họ cũng không sỗ sàng vậy." "Đã nói ổng tốt quá quá mà. Không muốn ai buồn. Thế mới khổ." Nhìn chung đa số cho là chú Thịnh đáng thương. Vì không dứt khoát trong ái tình nên khổ một đời mà lẽ ra người như chú phải được hạnh phúc. Còn chú Thành: Có người bàn "Những người như ổng khó thay đổi tính trăng hoa đó lắm." "Sao không được, đàn ông ai mà chẳng ham muốn chuyện đó. Nhưng là con người đường hoàng phải có phép tắc, đạo đức chứ." Người khác nói. "Tại bà Thành hiền quá nên ổng lêu lổng. Chứ giờ ổng có dám lăng nhăng nữa đâu. Cô vợ mới này quản chặt lắm. Không tiền bạc trong túi, không áo quần bảnh bao. Đi đâu vợ cũng kèm cặp thì ổng hết đường." "Nghe đâu giờ ổng ân hận lắm." "Già rồi, trăng với hoa gì nổi nữa." "Ối, thói tật thả thính đó có cơ hội là phát sinh ngay." Mọi ý kiến đa số đều lên án ông Thành. Khổ thân ông đã đành, mà vợ con, anh em mang tiếng lây. Chưa nói đến chuyện đánh ghen rất đáng xấu hổ.. Kết luận chung mà số đông chấp nhận: Chú Thịnh là người đàn ông ai ông cũng thương, đời ông cũng không vui vẻ, hạnh phúc. Ông là người đáng trách, đáng để mọi người thương! Còn ông Thành ai ông cũng yêu. Cuối cùng chắc ông chẳng yêu ai. Ông chỉ thỏa mãn đam mê sắc dục của mình thôi. (Còn nữa) Note: Ái tình dứt khoát.
Chuyện làng, chuyện phố 1003. Vợ chồng mai mối. (ảnh: Từ internet) Bấm để xem Ông Ba Mân gầy nhưng rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Bà Tư Mân, vợ ông chậm chạp, đi lại khó khăn. Bà năm nay bảy mươi chín tuổi, hơn chồng bà hai tuổi. Bà bị rất nhiều bệnh: Cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch.. Nhưng hai gối và khớp háng của bà bị thoái hóa nặng nên rất khó khăn khi đi lại. Mỗi sáng ông Mân dìu vợ xuống giường, nhẹ nhàng giúp bà ngồi xe lăn ra công viên hít thở khí trời. Mọi việc trong nhà ông đều quán xuyến cả. Từ công viên về, cho vợ vệ sinh cá nhân xong, ông làm đồ ăn sáng. Nhà ông ở huyện ngoại thành, có mảnh sân nhỏ. Ông trồng ít cây cảnh, một lồng chim nuôi con họa mi hót líu lo. Một ngày, tôi gặp ông Ba Mân vừa từ phòng khám bệnh ra. Ông lỉnh kỉnh, tay xách nách mang, bà ngồi trên xe lăn mặt mày nhăn nhó vì khó chịu và đau đớn. Bà gọi ông lấy cái này, sai ông tìm cái nọ, ông loay hoay với mấy cái túi. Hai ông bà lọng cọng, chậm chạp, rơi đồ rớt đạc thật thương. Tôi nhặt đồ, phụ ông đẩy xe lăn bà một đoạn. "Sao bác Ba không gọi con cháu giúp đưa ông bà đi khám bệnh?" Tôi hỏi. "Hai bác không có con!" Ông trả lời, mắt buồn xa xăm. Tôi ngạc nhiên nhìn ông. Ông giải thích: "Năm một chín năm tư bác lên tàu ra Bắc tập kết khi mới cưới vợ được hai tháng. Cứ nghĩ hai năm là đoàn tụ, thế mà hơn hai mươi năm qua đi như chớp mắt. Vợ chồng chưa quen hơi đã xa nhau. Ngày thống nhất đất nước vợ chồng về với nhau, bà ấy đã qua tuổi sinh đẻ mất rồi." "Nhưng mà cháu thấy có người vẫn lấy vợ, có con ngoài ấy mà, và người phụ nữ trong này cũng phải lấy chồng, sinh con để nương tựa lúc tuổi già. Sao bác Ba không lấy vợ. Thời chiến tranh biết ai sống ai chết mà chờ nhau?" Tôi hỏi. "Biết là thế. Cách trở xa xôi, chẳng có một tin tức gì về nhau cả. Trong mấy năm đầu, bác được tin bà ấy vẫn ở vậy chăm sóc bố mẹ ruột sau một năm ở nhà chồng. Nhưng chiến tranh chạy loạn rồi không có tin gì về bà ấy nữa." Tôi đưa ông bà lên xe bus trong nắng chiều vàng nhạt. Nhìn ông khó khăn dìu bà nhích từng bước nhỏ, kiên nhẫn chìu bà với tình yêu dịu dàng ẩn chứa trong mắt ông. Ai trên xe cũng khâm phục và cảm động!.. * * * Một sáng chủ nhật tôi ghé thăm ông Ba Mân. Khoảng sân nhỏ nhà ông đầy nắng sớm. Trước nhà là đồng lúa xanh rì dập dìu trong gió nhấp nhô dợn sóng. Cảnh vật yên tĩnh, thỉnh thoảng con họa mi cất tiếng hót như là điểm nhấn cho bản nhạc đồng quê. Ông pha ấm trà mời khách trong cái sân vườn nhỏ gọn gàng, ngăn nắp. Tôi mong muốn tìm hiểu mối tình của ông bà, có lẽ đẹp và lãng mạn lắm mới có niềm tin mãnh liệt với nhau và bền chặt đến thế. "Hồi trẻ hai bác chắc là có một mối tình thơ mộng và mãnh liệt lắm!" Tôi dò hỏi về mối tình của ông. "Ái dà, biết nói làm sao? Tình yêu trai gái à?" Ông Ba lẩm nhẩm. "Tui với bà ấy chẳng biết mặt nhau trước ngày cưới nữa là.. Một tháng sau cưới mới đụng tay, đụng chân nhau. Vừa quen tiếng, bén hơi là tui đi. Chưa kịp để lại cho bà ấy một mụn con." "Thế hai bác chưa yêu nhau à?" "Tình với chả yêu, chuẩn bị lên tàu thì người bà con mai mối lấy vợ gả chồng cho hai tui. Thời ấy ai cũng vậy cả, cưới vợ để chăm sóc cha mẹ và có cháu cho ông bà vui. Rủi hòn tên mũi đạn cũng có người nối dõi tông đường." Tôi ngỡ ngàng, cứ nghĩ sắp được nghe một mối tình thơ. "Không tình yêu? Sao hai bác đặt niềm tin vào nhau đến vậy. Hai mươi năm chứ phải vài năm, cả một thời thanh xuân?" "Biết nói làm sao cho các cháu bây giờ hiểu được.." Ông nói tiếp: "Bạn bè bác cũng có người gặp cảnh oái oăm. Thằng Tư Thân, bạn chiến đấu thân thiết của bác, sau chiến tranh dắt díu vợ và ba con về làng. Cứ nghĩ căn nhà, ruộng vườn hoang phế, về làng để sinh sống và thờ cúng ông bà tổ tiên. Thế mà nhà cửa vẫn gọn gàng, bàn thờ sạch sẽ, trang nghiêm, nhang khói, vườn tược cây trái tốt tươi. Ông ấy ngạc nhiên, người vợ mà cha mẹ cưới về, cũng như bác, hai tháng trước khi tòng quân nhìn ông không chớp mắt. Bốn người, vợ và con ông chào bà, chào cô vui vẻ vì họ nghĩ bà đứng đó là một người bà con. Chỉ mình ông Thân đứng trân, chết lặng!.." Bác đi vào nhà, đốt nén nhang lên bàn thờ. Hồi lâu bác trở ra. "Bác vừa đốt nén nhang, nói chuyện với nó một tí. Hai đứa thân nhau từ ngày trai trẻ cho đến sau này.. Nó mất ba năm trước." "Bác kể tiếp chuyện bác Tư Thân đi bác." Tôi nôn nóng. "À, đứng lặng hồi lâu: Bà và các con vào nhà. Ông Thân bảo vợ và ba đứa con. Rồi ông ấy và bà vợ mà cha mẹ cưới cho hai mươi năm trước ôm nhau trong nước mắt. Nước mắt bà ướt hết ngực áo ông." Ba Mân ngấn lệ bên khoé mắt. Ông khóc khi kể chuyện bạn mình. "Lẽ ra như những người khác, về làng một mình trước, xếp đặt mọi thứ xong mới đưa vợ con về sau. Đằng này nó đinh ninh là.. Thời đó đi lại, liên lạc rất khó khăn và mất nhiều thời gian lắm." (Còn nữa) Note: Tình lứa đôi lãng mạn. Nghĩa vợ chồng bền lâu!
Chuyện làng, chuyện phố 1004. Đám cưới miền quê. (Ảnh: Từ internet) Bấm để xem Từ thôn ba về thôn sáu ước chừng gần bốn cây số. Đoàn người áo quần chải chuốt đẹp nhất có thể. Nào là màu sắc xanh đỏ vàng tím. Nào là áo dài, đầm, váy, sơ mi đủ kiểu. Lúc đầu đoàn đưa dâu vừa ra khỏi nhà gái ai cũng rạng mày rỡ mặt, vui vẻ chuyện trò, thẳng hàng thẳng lối, thứ tự lớp lang rõ ràng. Hai hàng, sáu mâm quả đỏ, cô dâu áo dài đỏ, voan hồng, khăn đóng vàng, hai phù dâu ai cũng xinh xắn, đến sáu đôi vợ chồng chú bác cô dì, cuối đoàn đưa dâu là nam thanh nữ tú, môi son má phấn. Ai cũng cười tươi nên sẽ lên những bức hình đẹp. Mười giờ sáng là đoàn khởi hành, chỉ mười lăm hai mươi phút sau là đội hình rối loạn, ai cũng mồ hôi nhỏ giọt, phấn son nhoè nhoẹt mất rồi. Đường mòn quanh co. Mùa giáp tết, nắng miền biển chói chang, gió bụi bay mù. Gần mười một giờ đoàn đưa dâu cách nhà trai chừng năm trăm mét, người chú cô dâu la to để cả đoàn cùng nghe: "Xin mọi người vô hàng như cũ cho đẹp và nghiêm túc." Ở quê, đám cưới vui lắm. Rất nhiều người đứng đầy hai bên đường để được nhìn đoàn người đẹp, nhất là được ngắm cô dâu. Đám cưới nào cũng đông người đi xem như thế, nhưng đám cưới chú Thêm ở làng tôi thì người coi đông quá, chật cả đường, chen nhau như xem hội. Ấy là vì, ở làng chẳng cô nào chịu lấy chú, chẳng gia đình nào chịu kén chú làm rể. Nghe nói ngày xưa chú học giỏi lắm, đã có tú tài toàn phần. Trong làng chẳng được mấy người có tú tài. Chú nói chuyện không gian ba chiều, bốn chiều, triết học, vạn vật chẳng ai hiểu. Người ta gọi chú là chú "Thêm mát". Chú chỉ một mẹ, một con, không thấy có bà con thân thích. Đã qua ba mươi tuổi mà không có cô nào trong làng chịu làm bồ của chú. Vậy nên khi có người chịu về làm vợ chú, cả làng chen chúc nhau để nhìn cho được mặt cô dâu, mặc dù trời trưa nắng gắt chói chang. "Cô dâu cũng xinh đó chứ!" "Phải nói là quá xinh ấy!" "Đẹp quá là đằng khác!" Mọi người trầm trồ. Ai cũng cố chen ra lộ để xem, người kiểng chân, kẻ còn leo lên cây mít, cây điều bên đường. Chẳng có một người nào chê cô dâu cả. "Cả làng mình chẳng được mấy cô sánh bằng!" Có người nói. "Các cô làng mình không có mắt. Chú Thêm giỏi giang thế mà cua không được cô gái nào trong làng, phải đi tận trên thôn ba mới kiếm được vợ!" "Mọi người dừng lại tí, xem lại trang phục. Phấn son các cô các dì nhễ nhại cả rồi, sửa sang lại chút để đằng trai đón." Người chú cô dâu điều chỉnh hàng lối, trước sau thứ tự rõ ràng để chuẩn bị đưa dâu vào nhà trai. * * * Cô vợ chú Thêm tên Thắm. Thật là một cái tên hay. Cô có dáng người đầy đặn, mái tóc dài chấm lưng dịu dàng, ăn nói nhẹ nhàng, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Trong xóm, rồi đến ngoài làng ai cũng khen. Nhưng đó là chừng hai ba tháng đầu sau ngày cưới. Sau đó, có người nói: "Hình như cô Thắm không bình thường lắm!" "Tưng tưng sao ấy!" "Hai vợ chồng nói chuyện vui vui, mỗi người nói chuyện một nơi.. không ăn nhập gì với nhau." "Hay là bà ít học không hiểu họ nói gì?" "À, cũng có thể lắm. Nhưng tui vẫn thấy ngồ ngộ." Mọi người bàn tán khi đi chợ hoặc khi gặp nhau ngoài đồng. Hai vợ chồng làm lụng siêng năng. Gia đình chẳng bao giờ lớn tiếng. Hai năm sau họ có một con gái. Cuộc sống mẹ chồng, con dâu chẳng có điều tiếng gì. Nhà họ bây giờ có thêm đứa trẻ bi bô. Rồi một ngày vợ chồng cô Thắm chú Thêm ra riêng. Cô chú ấy xin cất nhà bên đường lộ chính của làng, đối diện nhà tôi. Nói là nhà chứ chỉ như một cái quán lá. Phòng trước một cái bàn con, ba cái ghế nhỏ. Phòng sau là bếp và giường ngủ của ba người, hai vợ chồng và đứa bé. Hai phòng được ngăn một vách lá mỏng. Chú Thêm sửa xe đạp, sửa radio. Cô Thắm bán một rỗ gồm mấy cây mía, mấy trái ổi, mấy trái mãng cầu cho học trò hoặc trẻ ăn vặt. Ở quê chẳng mấy đứa có tiền ăn quà vặt. Cả thôn cũng chỉ có năm bảy cái đài (radio) cũ chạy pin mấy ông già nghe thời sự. Vài chục chiếc xe đạp của học sinh học cấp ba trên huyện. Cho nên chú Thêm cô Thắm cũng rảnh lắm. Tôi còn nhỏ, là thiếu niên nhưng thấy cô Thắm chú Thêm ngồ ngộ khác người. Mỗi khi trời mưa, nhất là buổi tối, cô chú ấy chạy sang nhà tôi trú mưa thật tội vì nhà chú mưa dột khắp nơi. Nhà chú dột là vì mái lá bằng phẳng từ trước ra sau không có độ dốc cho nước chảy. Chú làm nhà như vậy đến tôi còn nhỏ tôi còn thấy chắc chắn trời mưa sẽ bị dột và mái lá sẽ mau hư nữa là người lớn. Ở quê tôi, sáng chưa rõ mặt người là học sinh trường huyện đã đạp xe đi học. Người lớn đã ra đồng. Thời đó chiếc xe đạp nào cũng có cái móc để gắn cái bơm nhỏ. Dọc đường hiếm hoi lắm mới có một tiệm sửa xe đạp. Khi bị lủng bánh thì phải dắt bộ đoạn đường dài. Còn bị xì lổ mọt của ruột xe là "chuyện thường ngày ở huyện." Nên cái ống bơm nhỏ móc ở sườn xe vô cùng quan trọng. Cứ xẹp bánh thì bơm hơi lên đi tiếp. Thường hai ba ngày bơm bánh xe một lần. Ấy thế mà tiệm sửa xe đạp của chú Thêm lại không có cái bơm xe đạp nhỏ đó. Trời sớm mờ mờ hơi sương. Một cái bóng áo trắng học sinh lướt qua tiệm. Chú chạy theo: "Em gì ơi, em gì đó ơi cho anh mượn cái ống bơm." "Thế anh không có cái bơm xe đạp à?" Người có chiếc xe đạp lủng bánh chờ sửa ngạc nhiên hỏi. Chuyện này là thường ngày. Có lúc đứa học sinh cho mượn bơm và chờ. Có lúc vụt đi luôn, có thể nó không nghe, cũng có thể nghe nhưng lờ đi vì sợ trễ học.. Còn chuyện này mới ngồ ngộ nữa vì tôi nhìn trước nhà thường xuyên mới thấy thôi, chứ chẳng ai biết đâu. Buổi trưa, đường lộ làng tôi rất vắng vì trời nắng nên ai có việc mới ra đường. Tôi ngồi dưới gốc mít đếm người đi lại trong cái buồn tẻ của buổi trưa nắng gắt. Năm, mười, mười lăm.. người đi bộ, người đạp xe đi qua. Đột nhiên, tôi thấy chú Thêm chạy ra trước đường, nhìn bên phải, bên trái, rồi chạy vào nhà. "Hè.. hè.." tiếng cây roi vụt xuống theo tiếng "hè." Rồi chú lại chạy ra đường nhìn phải, nhìn trái. Nếu có người sắp đi tới chú đi vào, nhưng trong nhà im lặng. Rồi chú lại chạy ra đường, nhìn phải, nhìn trái, không có người, chú vào nhà, "hè, hè", "vút, vút", tiếng hai roi vụt xuống giường.. Còn chuyện này mới buồn cười hơn. Chú Thêm sửa radio vui lắm. Ông già ở làng trên mang radio đến: "Cái đài tui không nói nữa, thay pin mới rồi cũng không ọ ẹ chi cả, chú sửa cho." "Bác để đó, bác cứ đi làm, tí nữa tui sửa cho." Chú Thêm bảo ông già. Hồi sau, chú cầm cái radio lắc qua, lắc lại, lắc lên, lắc xuống. Một lúc sau, cái radio "ọ ọ ọ.." lớn dần.. có âm thanh người nói nhưng rất nhỏ lẫn với nhiều tạp âm. Cứ thế, chú xoay xoay hai cái núm tròn dò đài, chỉnh âm cho đến khi tạm nghe được. Thế đó, chú đã sửa cái "đài" xong.. Chú nói với nhà tôi là tiền vợ chú bán quà vặt đủ ba người ăn. Tiền chú sửa xe đạp và radio là để dành. Một ngày chú mua được chiếc xe máy Goben cũ. Chiếc xe máy duy nhất ở làng tôi. Chiếc goben của chú như con ngựa trời, tiếng máy rất to oai lắm, leo dốc rất cừ. Sau đó chú chuyển qua buôn heo giống. Một năm sau chú đưa vợ con đi sinh sống ở vùng khác. Tôi không còn biết tin chú nữa.. Note: Nồi nào úp vung nấy!