Những Cái Nhất bất ngờ về các vua triều Lý

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Mễ Na, 31 Tháng một 2021.

  1. Mễ Na

    Bài viết:
    2
    Những "cái nhất" bất ngờ về các vua triều Lý

    Cái nhất được mình hiểu theo hai nghĩa: Người đầu tiên còn gọi là thứ nhất, người duy nhất được hiểu là độc nhất, giỏi nhất hoặc tệ nhất trong một lĩnh vực nào đó, nhiều nhất và ít nhất về số lượng gì đó..

    No. 1: Lý Thái Tổ

    Lý Thái Tổ tên thân mật trong gia đình là Lý Công Uẩn, một starup thành công trong lĩnh vực chính trị, mở ra công ty nhà Lý, ghế chủ tịch cha truyền con nối qua 09 đời với 216 lần hoa đào nở, kết thúc bằng màn 'nhổ cỏ tận gốc' của thái sư họ Trần và nữ chủ tịch Lý Chiêu Hoàng chuyển nhượng cổ phần ngai vàng cho chồng là Trần Cảnh.

    Trích lời của Đại Việt sử ký toàn thư đó là "vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương". Nói cho nó dễ hiểu thì 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ông đây có tướng làm vua'.

    Cuộc đời của vị vua này mang đậm sắc thái truyền kỳ và đầy thú vị. Chúng ta cùng tìm hiểu về những cái nhất thú vị của ông ấy nào.

    · Xuất thân mờ ảo nhất.

    Có nhiều dị bản khác nhau, chính sử có thể làm nguồn thông tin đáng tin, ngắn gọn, vắn tắt và dễ hiểu: Mẹ họ Phạm, cha không rõ, được nhà chùa nuôi dưỡng. Theo nghĩa hiện đại thì đây chính là con nhà người ta trong truyền thuyết: Mồ côi từ nhỏ, thân gửi cửa chùa, cuối cùng làm vua.

    Theo giai thoại dân gian, còn gọi là dã sử: Mẹ vua tên Phạm Thị Ngà, cha vua vẫn là không rõ và tùy vào sự tưởng tượng của quần chúng nhân dân lúc bấy giờ. Tổng hợp nguồn nhiều dị bản lời đồn về cha vua:

    - Ver 1 là người làm công trong chùa rồi quen thái hậu, làm bà mang thai nên bị chùa đuổi đi vào rừng trú chân, đi lấy nước giếng và té chết;

    - Ver 2 là thần nhân gặp mẹ vua khi bà đi chơi chùa Tiên Sơn, và hai người tình một đêm. Chi tiết đêm đó không ai biết được.

    - Ver 3 là "thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua" (trích lời bài ký chùa Tiên Sơn). Hiểu theo cách đen tối cha vua là Bạch Hầu. Ai muốn dịch 'Hầu' này là gì thì mình không chịu trách nhiệm nhá.

    - Ver 4 là lão sa môn ở chùa Ứng Thiên lỡ chạm vào thái hậu khi bà nương nhờ cửa chùa vì quá nghèo, chạm một cái và bà có thai.'Chạm "được hiểu theo nghĩa đen.

    - Ver 5 ngắn gọn xúc tích, chỉ đích danh sư trụ trì chùa, thiền sư Lý Khánh Vân, cha nuôi của vua là cha đẻ.

    Từ đó có câu thơ:

    " Con ai đem bỏ chùa này

    Nam Mô Di Phật, con thầy, thầy nuôi. "

    Nhìn chung dù thế nào thì sử vẫn ghi lúc lên ngôi vua phong cha là Hiển Khánh Vương vào năm 1010, mẹ được truy phong là Minh Đức Thái Hậu.

    · Vị vua nhà Lý có số tuổi khi lên ngôi lớn nhất lúc đến nồi bánh chưng thứ 36.

    · Có tôn hiệu xếp vào hàng dài nhất: có tất cả 52 chữ. Bạn nào muốn biết tường tận hãy like bài viết và tương tác, mình trả lời ở kỳ sau nhé.

    · Có nhiều vợ chính thất nhất.

    Cụ thể, khi ngồi lên ghế chủ tịch, vua lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là Hoàng hậu Lập Giáo có kiểu cách kiệu và trang phục khác với cung khác. Mấy năm sau, lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Tổng là 9.

    Đánh giá cá nhân, vua rất phong lưu nhưng đặc biệt công bằng với những người phụ nữ của mình và biết tôn trọng thê tử kết tóc. Đặt ở thời thế bấy giờ chính là người đàn ông hoàng kim: Tự gây dựng sự nghiệp là một triều đại, giấy chứng nhận quyền sử dụng thành Thăng Long, gia tài bạc tỷ, thích xe ngựa kiểu gì và cung điện ra sao chỉ cần nói anh một tiếng, lấy anh thì anh cho lên hàng chính thất chứ không tiếp thị gì xất. Đấy, tốt thế còn gì.

    · Vị vua đầu tiên đảm nhận chức Chánh án Tòa án triều đình tối cao khi bố cáo cho thiên hạ biết vua sẽ trực tiếp, đích thân xét xử các vụ án.

    · Chủ tịch đầu tiên áp dụng chính sách khối đại đoàn kết toàn dân thông qua chính sách đặc biệt: Liên hôn. Cụ thể, các tiểu thư nhà chủ tịch Lý được gả cho các quản lý nhân sự ở các ban ngành vừa và nhỏ khác ở vùng sâu xa, miền núi, biên giới. Điển hình là công chúa Đông Thiên gả cho tù trưởng động Giáp là Giáp Thừa Quý ở Lạng Châu.

    · Như đã trình bày, vua lớn lên trong phật tự nên ông đặc biệt quan tâm đến việc trùng tu các công trình tôn giáo, ông" hạ lệnh các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại ".

    Theo mình hiểu, 'chùa quán' là chùa miếu và đạo quán, như vậy có thể thấy ông khá công bằng với các tôn giáo không chỉ với phật giáo. Thú vị nhất, đây là vị vua đầu tiên cấp các văn bằng cho người xuất gia được gọi là độ điệp. Tiếp nối truyền thống ấy, các sư ngày nay còn phải thi đại học phật giáo nữa đấy.

    · Ông ra chiếu chỉ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Quả đổi địa điểm check in công ty đi vào lịch sử vì đây là tên gọi của một kinh đô được sử dụng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

    · Ông là vị vua đầu tiên cho biên soạn phả hệ hoàng tộc, còn gọi là ngọc điệp, hiểu đơn giản thì đó là gia phả, một danh sách thành viên cùng các môi quan hệ trong gia đình qua các đời.

    · Lý Thái Tổ cũng rất thiện chiến, có tầm nhìn quân sự. Vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta có quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (tên thông dụng là Đại Lý, ai coi truyện Kim dung chắc biết, 'nhất dương chỉ' đấy mọi người), một quốc gia cổ thuộc Vân Nam, Trung Quốc. Ông mở đầu cho triều vua Lý chủ động Bắc phạt để răn đe nhà Tống và đề cao sức mạnh quân sự nước ta qua hành động" quân ta vào sâu đất Tống ở trấn Như Hồng, đốt kho tàng rồi rút về ", hổng rút về nó kéo quân lấy thịt đè người đánh mình rồi sao. Nghe có mùi khiêu khích nhưng thôi anh Uẩn thích là được, nói chứ em cũng thích lắm.

    Qua cái nhìn khái quát từ những 'cái nhất' thú vị của Lý Thái Tổ, đã góp phần cho hậu nhân chúng ta thấy mở đầu một triều đại phong kiến hùng mạnh nhưng nhân hậu hiền hòa. Cuộc đời của vị vua khai quốc ấy được tóm tắt nhẹ nhàng qua các câu chữ:" Ứng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân; tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ; Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên."

    Câu chữ ngắn gọn nhưng là cả một đời hào khí trùng thiên, quân lâm thiên hạ. Mười tám năm nắm giữa ngôi chủ tịch, Lý Công Uẩn mang cuộc đời truyền kỳ thấm đẫm màu thần bí của mình truyền khắp thiên hạ, lưu vào sử xanh.

    Bạn nghĩ sao về vị vua này có thêm thông tin gì khác về những 'cái nhất' nữa không? Hãy cho mình biết nhé.

    * * *Còn tiếp-----

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi, đóng góp hãy nhắn tin riêng cho mình, giọng văn mình có hơi bông đùa vì không muốn đọc quá cứng nhắc và nhàm chán, có gì đụng chạm xin mọi người lượng thứ.

    Thông tin tham khảo:

    - Sách giáo khoa Lịch sử.

    - Sách Những điều thú vị về các vua triều Lý, tác giả Lê Thái Dũng, Nxb Văn Học, 2011.

    - Google.
     
    Miêu Mễ thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Mễ Na

    Bài viết:
    2
    Những 'cái nhất' bất ngờ về các vua triều Lý

    Xin chào mọi người, đây là kỳ tiếp theo cũng là kỳ thứ 2 trong Những 'cái nhất' bất ngờ về các vua triều Lý.

    Nối tiếp vua cha, người mở ra tập đoàn họ Lý, Lý Thái Tông là chủ tịch đời hai của tập đoàn đa dân tộc và trải dài cả nước này.

    No. 2: Lý Thái Tông

    Lý Thái Tông có hai tên thân mật, tên đăng ký trong giấy tờ là Lý Phật Mã, tên khác thường dùng là Lý Đức Chính.

    Anh Phật Mã là con trai trưởng của ông Uẩn, có năm sinh rất đẹp, năm 1000 đấy ạ. Sinh ra trong khi thân phụ vẫn đang làm thần tử triều Lê, từ nhỏ Phật Mã đại thiếu gia được đánh giá thông tuệ xuất chúng, có khí độ hơn người, lớn lên càng "lục nghệ hội đủ, có đại lượng văn võ".

    Sau này khi 10 tuổi, bố lên làm to, nước lên thuyền lên, hai năm sau Lý Phật Mã được phong là Đông cung Thái Tử, phong hiệu Khai Thiên Vương. Ông bố có tận vài cậu con trai, đều mang danh chính thất vì anh Uẩn có hơi nhiều hoàng hậu, hơn nữa ai cũng lên được triều chính, ra được sa trường, anh Mã có thể lên làm thái tử ngoại trừ mấy vấn đề như con trai trưởng, được yêu thương, hội đủ đức – thể - mỹ (này không chắc) còn vấn đề mình nghĩ rất quan trọng có tính quyết định là xuất thân nhà mẹ đẻ khủng lắm bà con.

    Chính sử chỉ viết mẹ ông họ Lê, không ghi rõ tên. Sau này qua nhiều lần tìm hiểu tài liệu, các nhà sử học khẳng định mẹ ông tên Lê Thị Phát Ngân, con gái của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Vâng, ông là cháu ngoại hai vị này đấy ạ, dòng máu hoàng thất chạy rần rần trong người.

    Trải qua cuộc chiến tranh đoạt cổ phần ngai vàng ver "Thăng long thành", ông lên ngôi hoàng đế năm 1028 lập nhiều công trạng, ân uy tỏ rõ chỉ là quá nhân từ vì thấm nhuần tư tưởng phật giáo.

    Chúng ta cùng tìm hiểu những "cái nhất" đầy bất ngờ của vị vua vừa góp công dựng nước vừa có tài giữ nước an dân này nhé.

    *Lý Thái Tông là vị vua lên ngôi trắc trở nhất.

    Khi ông bố qua đời, anh Mã đúng lý hợp tình từ con trai trưởng lên làm thái tử và đương nhiên phải lên chức chủ tịch công ty nhà họ Lý. Nhưng ba anh em ruột thịt của ông không nghĩ vậy, thế nên nổ ra cuộc tranh đoạt gia sản ver "Thăng Long thành", sử gọi Loạn Tam Vương.

    Kể ra thì dài dòng, để mình túm cái ý lại cho mọi người: Lý Thái Tổ qua đời để lại chiểu chỉ cho Thái tử lên ngôi, ba anh em khác đem quân làm loạn tranh ngai vàng, nhờ sự giúp đỡ của các thần tử trung tâm lại tài năng, dẹp yên phản quân, ba vương một chết hai bỏ chạy, Lý Phật Mã lên ngôi hoàng đế.

    Đây là bản dài dòng: Sau khi bố mất có để lại hẳn bản di chúc cho con trai trưởng lên làm chủ tịch đời hai. Nhận tin dữ biết mình không có cổ phần ngai vàng, ba anh em khác trong nhà không chịu, đem quân vào thành âm mưu giết người thừa kế để chia lại di sản, ai ngờ có gián điệp, tin tức bị lộ.

    Biết tin, Lý Phật Mã chần chừ lắm, vốn tính nhân nghĩa lại là anh em ruột, ông chỉ đóng cửa cung phòng thủ, thần tử khuyên quá trời quá đất, nói: "Anh ơi đánh nó đi, em đánh cho, anh nhịn hoài ha, tức á."

    Anh Phật Mã vẫn cố thủ cung như thủ trụ, tính nhịn để che giấu tội ác của anh em, để họ tự xấu hổ rút quân, bảo vệ tình thủ túc. Ai ngờ lui một bước không thấy trời cao đất rộng mà thấy đối phương leo lên đầu mình luôn, quân biến loạn đánh vào cung càng mạnh hơn, sắp thủ hết nổi rồi.

    Thấy thế, biết không thể tiếp tục chần chừ, mở cửa cung phản công. Quân lính hai bên đánh nhau túi bụi, bất phân thắng bại. Thấy thế một vị tướng quân tức quá, đánh vậy rồi chừng nào xong, ông rút kiếm chạy thẳng lại chỗ một vị vương gia phản loạn, chém chết. Sử đề: "Thấy thế quân lính ba vương hoảng sợ bỏ trốn, quân thái tử đuổi theo chém giết không sót ai, chỉ có hai vị vương một mình một ngựa chạy thoát."

    Kết thúc Loạn Tam Vương, Lý Phật Mã lên ngôi hoàng đế.

    *Ông là vị vua đầu tiên đặt lệ thề trung nghĩa hằng năm.

    Sau lần phản loạn khó quên lúc nhậm chức chủ tịch, Anh Phật Mã nghĩ tới nghĩ lui, vì đâu nên nỗi thủ túc tương tàn? Sau đó ngẫm ra, cần dạy lại môn giáo dục công dân cho triều đình, vì thế đặt lệ thề trung nghĩa.

    Hằng năm các quan phải tham gia và đọc lời thề: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết". Ai không tham dự bị phạt trượng còn đánh bao nhiêu thì không rõ, theo sử ghi là 50. Không biết lúc Trần Thủ Độ làm quan nhà Lý có thề cái này hay không.

    *Lý Thái Tông có tôn hiệu dài nhất. Nói đến đây mọi người cảm thấy hơi sai sai, chẳng phải kỳ trước mình nói anh Uẩn mới có tôn hiệu dài nhất mà sao giờ lươn lẹo vậy. Thật ra, tính tôn hiệu đặt lần đầu thì ông kém cha mình 02 chữ nhưng nếu tính gộp các lần đặt với nhau thì tôn hiệu lại dài nhất: Tổng cộng 66 chữ sau khi cộng gộp.

    *Thuộc một trong những vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất, trong 26 năm trị vì, ông đặt đến 6 niên hiệu. Nói cho mọi người rõ thì niên hiệu là tên gọi dành cho các năm trong một giai đoạn nào đó thường đánh số bằng số năm lên ngôi, ví dụ ở Nhật năm 2020 là Lệnh Hòa năm thứ 2.

    Lần lượt sáu niên hiệu và thời kỳ sử dụng từng cái nếu bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết có thể liên hệ mình nha.

    *Lý Thái Tông có những lần làm từ thiện trên diện tích cả nước khi là vị vua đầu tiên đem của cải ban phát toàn dân. Không khác gì giờ nếu chính phủ mở hết ngân sách cho nhân dân cả nước vậy.

    *Về lập pháp, ông là vị vua đầu tiên cho biên soạn và ban hành bộ luật thành văn của nước ta. Lần đầu tiên hệ thống pháp luật được quy định cụ thể và thống nhất áp dụng trong phạm vi cả nước. Nói đến đây, mình nghĩ không lẽ trước đó nước mình vẫn chơi lệ làng và luật rừng ư? Không đâu, lúc đó chúng ta theo các quy chuẩn đạo đức, văn hóa, tục lệ dân tộc, lệ làng, chủ yếu qua con đường truyền miệng.

    Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là 'Hình thư'.

    *Vị chủ tịch đời hai của chúng ta là vị vua đầu tiên quan tâm đến việc xét xử lại các án oan. Nếu nói vua cha đảm nhiệm chức thẩm phán tòa án sơ thẩm triều đình thì ông chính là thẩm phán tòa án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm luôn đấy.

    Thậm chí ông còn cho đúc chuông để người dân gõ lên khi muốn kêu oan. Nghe đến đây có phải mấy bạn nhớ đến vị họ Bao mặt than nào đó đúng không, thật ra mình cũng vậy á.

    *Là vị vua đầu tiên quy định về khảo hạch quan lại, thông qua đó đánh giá năng lực, trình độ để làm căn cứ thưởng phạt. Như ở hiện đại, công chức nhà nước phải đau đầu nộp các bằng cấp để tăng mức lương ó.

    Các vị công chức lúc bấy giờ công tác lâu năm không có kiểm điểm, không ôm kỷ luật cũng được thăng chức tùy thứ bậc đấy.

    *Theo sau quy định về thăng giáng chức, tiếp theo thì đến nghi trang phục sức cho triều thần. Điều này lần đầu tiên được quy định bởi Lý Thái Tông. Thế mới thấy, công chức thời nào cũng phải gọn gàng đoan trang.

    *Tiếp nối chính sách khối đại đoàn kết dân tộc của vua cha, anh Phật Mã thấy nó khá xịn xò, học hỏi và áp dụng tốt đến mức bất ngờ khi gả nhiều công chúa đi liên hôn nhất. Tổng cộng đã gả đi 04 vị tiểu thư trong nhà cho các quản lý nhân sự vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.

    *Có tướng lạ nhất (Đây là quan điểm cá nhân)

    Theo nhiều nguồn thông tin nói rằng, sau gáy của vị chủ tịch đời hai này có bảy nốt ruồi son xếp thành hình chòm sao Bắc Đẩu, trong truyền thuyết dân gian chòm sao này thể hiện vị trí ngôi vua. Vâng, anh đã làm vua nên chắc truyền thuyết là đúng, nhỉ?

    *Về nông nghiệp, vốn rất quan tâm đến vấn đề cái ăn toàn dân, có thực mới vực được đạo mà, nên ông nhiều lần xuống ruộng xem nhân dân lao động. Vì thế ông cũng là vị vua đầu tiên đích thân xăn quần xuống ruộng, cày ruộng tịch điền và cũng là người cày ruộng tịch điền nhiều lần nhất.

    Có làm thì mới có ăn, đạo người xưa nói cấm sai. Không làm mà đòi có ăn thì ăn.. cám nhá.

    *Chú trọng nông nghiệp, Lý Thái Tông cũng là người đầu tiên cho đào hệ thống kênh để phục vụ tưới tiêu sản xuất và thuận lợi cho giao thông đường thủy. Có thể nói đây là công trạng rất lớn cho con chén cơm nhân dân.

    *Đi kèm với cày ruộng đương nhiên là con trâu rồi. Anh Phật Mã lần đầu tiên định ra lệ chọi trâu, tổ chức vào mùa xuân. Chủ tịch không chỉ biết làm ăn, mở rộng tập đoàn thành đa quốc gia, anh còn biết vui chơi nữa nhé.

    *Bộ phận ngoại giao của tập đoàn được chủ tịch khá quan tâm, lần đầu tiên cho xây dựng nơi nghỉ chân tiếp đón cho các sứ thần nước ngoài. Ngẫm lại, không lẽ trước đây các đoàn sứ thần toàn tự lực cánh sinh ở nhà trọ ăn cơm tiệm hả?

    *Sau bộ phận ngoại giao, tiếp đến là bộ phận thông tin của công ty. Lý Thái Tông lần đầu tiên cho lập hệ thống đưa tin trên toàn quốc. Nói đến đây có phải trong đầu mọi người là đường hàng không ship tin bằng chim bồ câu trong mấy bộ phim không? No, no truyền tin bằng sức con ngựa và nhân lực nha mọi người với cách chia đường cái quan thành từng cung đoạn và đặt các trạm chạy công văn.

    *Ông là vị vua đầu tiên cho xây dựng một nơi làm nhiệm vụ canh giữ thời gian chuẩn đó là "lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc".

    *Trong vấn đề giao thông, ngoại trừ đào kênh thuận lợi đường thủy, ông còn là vị vua đầu tiên cho cắm các bảng chỉ đường đồng thời cho xây dựng các trạm gác ở mỗi lộ để giữ gìn dân sinh và tăng cường quốc phòng. Có lẽ trạm truyền tin cũng là cái trạm này á.

    Đấy, không có app chỉ đường thì giờ đây bạn có xuyên không cũng không sợ lạc nhé, miễn là bạn biết chữ Hán Nôm thôi.

    *Ông cho xây dựng một trong các chùa nổi tiếng và có giá trị lịch sử bật nhất nước ta: Chùa Một Cột.

    *Nói về chùa chiền và các cơ sở vật chất của phật giáo, vua Lê Thái Tông là vị vua xây dựng nhiều công trình và vật dụng của tôn giáo này nhất gồm vô số chùa quán, tượng Phật, các bức vẽ, chuông đồng..

    Như vậy qua các cái nhất bất ngờ này đã cho ta thấy một vị minh quân hội đủ tài năng trên nhiều lĩnh vực, trách trời thương dân, dùng đức phục chúng.

    Trên đây không có liệt kê cái nhất về quân sự nhưng Lý Phật Mã cầm quân không thua kém vua cha thậm chí chiếm phần hơn thắng được Chiêm Thành, Ai Lao (Lào), dẹp yên họ Nùng (đây là một trong các chiến tích huy hoàng và cực cực cực hấp dẫn các bạn nên tìm hiểu, mình không nói nhiều ở đây, bạn nào muốn biết chi tiết có thể nhắn tin cho mình nhé).

    Có lẽ vì được sinh ra ở chùa và thấm nhuần tư tưởng nhân từ phật giáo mà ông bị đánh giá quá nhân từ, Loạn Tam Vương tha cho hai vương gia còn sống thậm chí khôi phục chức vương và quyền lực của họ. Nhiều lần tha cho kẻ rách tâm phản loạn dù nhiều lời giải thích vì ông trọng tài năng của họ.

    Nhìn chung cuộc đời của vị vua ấy có khen có chê, người nói ông quá nhân từ, kẻ bảo không đủ khí lượng đế vương nhưng không thể phủ nhận ông thật sự là một đấng anh tài, đối nội đối ngoại đều ổn thỏa. Sự nhân từ của ông đem đến những cái nhìn không tốt nhưng cũng là tiếng thơm truyền lại muôn đời, duy trì một nhà Lý bình yên, là vị vua góp công trong trăm năm thịnh thế của nhà Lý.

    * * *Còn tiếp-----

    Tham khảo:

    - Sách giáo khoa Lịch sử.

    - Sách Những điều thú vị về các vua triều Lý, tác giả Lê Thái Dũng, Nxb Văn Học, 2011.

    - Google.
     
    Miêu Mễ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...