Những cách mở bài bằng lý luận văn học cực hay

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 19 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    479
    [​IMG]

    Nếu bạn muốn có một bài văn đạt điểm cao thì không thể bỏ qua những câu lý luận văn học phải không nào. Và nếu bạn biết cách đưa những câu lý luận ấy vào mở bài một cách khéo léo thì bạn còn có thể tạo ra một sự riêng biệt, nổi bật trong mắt ban giám khảo giữa muôn vàn bài văn khác đấy. Vậy làm thế nào để sử dụng lý luận một cách khéo léo ngay phần mở đầu? Bài viết hôm nay sẽ mách nước cho bạn nhé!

    Bí kíp vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần nắm trong tay những mở bài đã được chuẩn bị sẵn sau đây sau đó áp dụng vào những đề bài phù hợp là được nha!

    1. Liệu có ai yêu một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn chương vẽ nên cuộc sống bằng gam màu hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó là tiếng lòng thổn thức vang lên từ những câu chuyện của cuộc đời – câu chuyện được ngân vang trên ngọn đồi tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo. Chính hiện thực cuộc sống luôn là cảm hứng cho sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, là cầu nối tâm hồn đồng điệu của người nghệ sĩ với độc giả. Chính vì vậy.. đã khẳng định: .

    (Mở bài này có thể dùng cho dạng đề liên quan đến "Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống". Ví dụ như khi phân tích nhận định của Vũ Trọng Phụng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời")

    2. "Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

    Còn một nửa cho mùa thu làm lấy."

    Nếu như hội họa dùng đường nét và màu sắc để phác họa nên bức tranh cuộc sống, âm nhạc dùng ca từ và giai điệu để tạo nên những tiếng ca thì văn học dùng ngôn ngữ và hình ảnh để làm chất liệu cho sáng tác. Thật vậy, hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương, người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát thì mới mong tạo ra được thứ gì đó để đời. Nói như:

    (Mở bài này có thể dùng cho dạng đề liên quan đến "Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống". Ví dụ như khi phân tích nhận định của Nam Cao: "Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than")

    3. Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hay những cánh đồng đã úa tàn không còn sinh khí? Cuộc đời là hành trình đi tìm cái đẹp và luôn vì cái đẹp mà tồn tại. Xuất phát từ đặc trưng của văn học, đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, cũng là đạo đức của văn chương. Chính vì vậy.. đã khẳng định:

    (Mở bài này dùng cho những đề bài liên quan đến "Giá trị thẩm mỹ của văn học". Ví dụ như khi phân tích nhận định của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến:" "Có những câu thơ người đọc chưa kịp hiểu ý nghĩa đã cảm thấy hay, thậm chí chưa bao giờ hiểu ý nghĩa mà vẫn cứ ám ảnh")

    4. Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất, tôi sẽ chọn lấy một cành hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu phải chọn một thanh âm cao nhất, tôi sẽ chọn lấy tiếng hót thiết tha của loài chim họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca từ văn chương bao giờ cũng vui tươi và rạo rực, giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên, chúng giống như một nốt nhạc du dương va chạm với tâm hồn người đọc. Từ đó, văn chương sẽ giúp con người có những nhận thức mới mẻ và cảm nhận sâu sắc hơn về cái đẹp của cuộc đời, cái đẹp trong từng trang thơ. Nói như:

    (tương tự như mở bài thứ 3, dùng cho những đề bài liên quan đến "Giá trị thẩm mỹ của văn học")

    5. Có ai đó đã từng ví, mỗi nhà văn như một loài hoa, một thứ chim trong cánh rừng đại ngàn văn học. Mỗi loài hoa tỏa một hương thơm riêng cũng như mỗi thứ chim cất lên một giọng hót riêng. Mỗi nhà văn sẽ chỉ sống được trong lịch sử văn học, trong tâm hồn người đọc khi anh ta tạo ra một giọng hát, một hương thơm của riêng mình. Nói như:

    (Mở bài này sử dụng khi đề bài liên quan đến "Tính sáng tạo của người nghệ sĩ". Ví dụ khi đề bài yêu cầu phân tích nhận định sau: "Nếu tác giả không có lối đi riêng thì đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh ta không có giọng văn riêng, anh ta khó có thể trở thành nhà văn thực sự." (Sê-khốp))

    6. Sáng tác văn học được ví như công việc của một người chèo thuyền trên sông. Nước chảy thuyền trôi.. Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên bờ hoang vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến, mang theo những khuôn hàng để trao tay đến độc giả những bài học, những cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn trong suốt chặng đường lênh đênh sóng nước. Một tác phẩm chân chính phải có chức năng hàng đầu là giáo dục và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Nói như:

    (Mở bài này sử dụng khi đề bài liên quan đến "Tính giáo dục của văn học". Ví dụ khi đề bài yêu cầu phân tích nhận định sau: "Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn". (Thạch Lam) hoặc "Văn học là nhân học." (M. Gorki)) .
     
    LaganAdmin thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...