Nhận định đúng sai Luật Tố tụng dân sự (có đáp án) Học phần: Luật Tố tụng dân sự Trường: Đại học Nội vụ Hà Nội phân hiệu Quảng Nam 1/ Tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự thì họ sẽ không phải chịu án phí sơ thẩm. - > Nhận định này SAI. - Theo quy địnhkhoản 2 Điều 212 của BLTTDS năm 2015 thì "Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án" . - Vậy thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án được hiểu là ngoài các việc thỏa thuận được từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì các đương sự phải thỏa thuận cả án phí . - Tại khoản 8 Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 về Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của tòa án có quy định như sau: "Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn." - > Như vậy, tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự thì họ vẫn phải chịu án phí sơ thẩm. 2/ Chỉ đương sự mới có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. - > Nhận định này SAI. - Căn cứ pháp lý: Theo điều 271 của BLTTDS năm 2015: "Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm." - Theo đó, ngoài đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện cũng có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. 3/ Thời hạn chuẩn bị xét xử của tranh chấp lao động luôn là 2 tháng. - > Nhận định này SAI. - Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định tại điều 0201232 của BLTTDS năm 2015. - Căn cứ theo điểm b khoản 1 điều 203 của BLTTDS năm 2015 quy định: "Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án . Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này . Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật ." - Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử của tranh chấp lao động không phải luôn là 2 tháng. 4/ Đương sự không có quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu khi vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý. - > Nhận định này là SAI. - Căn cứ pháp lý: + Tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS năm 2015 cũng có quy định: "Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu". + Tại mục 7, Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án có giải đáp như sau: "Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu". - Như vậy: + Nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được Tòa án chấp nhận. + Còn nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa thì Tòa án chỉ chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu ghi trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. - > Đương sự có quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu khi vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý. 5/ Đương sự không có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự nếu đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. - > Nhận định này SAI. - Căn cứ pháp lý: Theo khoản 1 Điều 218 của BLTTDS năm 2015 quy định: "Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật." - Như vậy, đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự nếu đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật ": + Các trường hợp thuộc khoản 3 Điều 192: 3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây: A) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; B) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại; C) Đã có đủ điều kiện khởi kiện; D) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. + Điểm d Khoản 3 Điều 192 được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP: "... " Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật" quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là các trường hợp trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. "Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật" quy định trong Nghị quyết này là: A) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó; B) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó; C) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết này. " + Các trường hợp được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: " c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; " 6/ Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa sơ thẩm. - > Nhận đình này là SAI. - Căn cứ pháp lý: + Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn theo quy định tại điều 72 khoản 4 của BLTTDS năm 2015:" Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại điều 71 của Bộ luật này. " + Tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015: " Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ". Như vậy, thời điểm bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra chứng cứ và hòa giải. - Như vậy, bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa sơ thẩm. 7/ Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, trong mọi trường hợp, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết vụ án dân sự. - > Nhận định này là SAI. - Căn cứ pháp lý: Tại điểm b khoản 1 điều 39 của BLTTDS năm 2015 có quy định:" Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; " - Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, không phải trong mọi trường hợp, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết vụ án dân sự. Các bài viết cùng chủ đề: - Nhận định đúng sai môn Luật Hiến pháp (có đáp án) - Nhận định đúng sai học phần Luật dân sự (có đáp án) - Nhận định đúng sai môn Luật hành chính (có đáp án)