NHÀ VĂN NỮ HẢI NGOẠI VÀ KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT "DI DÂN" A. MỞ ĐẦU Trong mấy chục năm qua, không ít tiểu thuyết hải ngoại đã góp phần khẳng định sự đóng góp đáng kể của văn học hải ngoại vào kho tài sản chung của văn học Việt Nam. So với văn học trong nước, văn học Việt Nam ở hải ngoại khá "khiêm tốn" về số lượng. Mặc dù vậy, vùng văn học này vẫn có một đời sống khá phong phú, đa dạng với những nét riêng, được ghi dấu bằng sự xuất hiện của nhiều tác phẩm có giá trị. Trước Đổi mới, văn học Việt Nam hải ngoại chủ yếu được sáng tác, xuất bản ở nước ngoài và hướng đến thiểu số độc giả người Việt ở nước ngoài. Sau 1986, cùng với chủ trương hội nhập và mở cửa, văn học Việt Nam hải ngoại đã hướng đến phục vụ đông đảo độc giả trong nước. Bước biến chuyển này đã tạo cơ hội tiếp cận một khía cạnh văn học rất mới với đông đảo bạn đọc ở Việt Nam. Trong đó, không thể không kể đến tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, Lê Ngọc Mai, Lê Minh Hà, Linda Lê.. Các tác phẩm của họ nổi bật lên như một hiện tượng, chứa đựng nhiều đổi mới quan trọng trong tư duy nghệ thuật. Những nhà văn nữ kể trên đã góp phần không nhỏ vào thành công của thể loại tiểu thuyết "di dân" trên văn đàn Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhờ những đổi mới tư duy nghệ thuật trên nhiều phương diện, sáng tác của các nhà văn nữ hải ngoại đã ghi dấu một sự chuyển mình của tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Bên cạnh đó, với sự nhạy cảm, tinh tế, đầy nữ tính nhưng cũng không kém phần sắc sảo và quyết liệt, trong tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ hải ngoại còn thể hiện sự thức nhận về bản sắc cá nhân cũng như những vấn đề liên quan đến giới nữ. Vì vậy, nếu thiếu đi những nữ văn sĩ này, diện mạo tiểu thuyết nữ ở Việt Nam nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói chung sẽ trở nên thiếu sót, không đầy đủ. Thông qua các tác phẩm của họ, ta có thể nhận thấy hai khuynh hướng vận động, phát triển chính của tiểu thuyết "di dân" là: Khắc họa nỗi đau trên mảnh đất xa lạ và hành trình tìm kiếm bản thể của con nguời. Chính vì vậy, trong bài nghiên cứu này, nhóm chúng tôi tập trung khai thác đề tài: Nhà văn nữ hải ngoại và khuynh hướng tiểu thuyết "di dân" nhằm tìm hiểu thêm về những đóng góp tiêu biểu của bộ phận tiểu thuyết này đối với nền văn học Việt Nam. Qua đó, hiện lên một cách rõ nét là hiện trạng đời sống, tâm tư, tính cảm của thế hệ những con người hiện đại sống và viết trong tâm thế, tâm thức ly hương. B. NỘI DUNG CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC DI DÂN 1.1. Diện mạo Danh từ "Văn chương di dân" [1] thường được dùng để chỉ một mảng văn chương xuất hiện ở Âu – Mỹ từ trên 100 năm nay với những tên tuổi lớn như Josept Conrad, James Joyce, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez.. Ngoài ra còn có những khái niệm khác như văn học/văn chương lưu vong, văn học/văn chương vô xứ, văn học/văn chương dòng chính.. Trong đó, thuật ngữ văn chương di dân được dùng phổ biến hơn cả để chỉ các sáng tác của các nhà văn sống ở nước ngoài. Mảng văn chương này cũng bao gồm cả nhánh văn chương lưu đày (Literature of Exile) với phần lớn những nhà văn tự lưu đày trên chính quê hương của mình hoặc bị trục xuất ra khỏi đất nước và sống lưu đày ở một xứ sở cho họ tỵ nạn chính trị trong những thập niên 50 – 60 [1] . Trước đây, vì những lý do khách quan, văn học di dân không được đón nhận ở nước ta. Trong bối cảnh văn chương không biên giới như hiện nay, chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn, vì thế, nền văn học dân tộc sẵn sàng giang tay chào đón "một thành viên mới". Điều này giúp cho nền văn học nước nhà trở nên phong phú và đa dạng hơn. Bên cạnh đó, dòng văn học này đang là trào lưu có tiếng nói mạnh mẽ ở những quốc gia có nhiều sắc dân nhập cư như Mỹ, Úc, Pháp.. Những tác phẩm di dân giờ đây được xem là một phần của nền văn hóa chính thống ở các nước sở tại. Từ đó, ta có thể thấy rằng văn văn học dân tộc và cũng là một phần của văn học các nước sở tại. Đây là một thực tế rất đáng phấn khởi đối với dòng văn học đã đạt được nhiều thành tựu nhất định như văn học di dân. Các tác phẩm văn học di dân được viết bằng một trong hai ngôn ngữ: Tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ các nước sở tại (chẳng hạn như tiếng Anh, tiếng Pháp). Viết bằng ngôn ngữ nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy, việc lựa chọn ngôn ngữ để sáng tác cũng tạo ra nhiều thách thức cho các nhà văn di dân. Thứ nhất, nếu viết bằng tiếng mẹ đẻ, thuận lợi trước mắt đối với họ đó là lượng độc giả cố định trong cộng đồng họ đang sống. Tuy nhiên, về sau này, lượng độc giả biết tiếng mẹ đẻ ngày một vơi dần đi. Thứ hai, nếu viết bằng ngôn ngữ sở tại, lượng độc giả sẽ được gia tăng lên rất nhiều, không chỉ bó gọn trong cộng đồng họ đang sống, mà còn mở rộng ra trên toàn thế giới. Đổi lại, họ phải đối diện với cuộc cạnh tranh (không kém phần ác liệt) với các nhà văn ở nước sở tại và những cây bút trong cộng đồng di dân khác, điều này đòi hỏi họ phải nỗ lực rất lớn. Do đó, chọn ngôn ngữ nào để viết cũng là điều trăn trở đối với các nhà văn. Trong đó, những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ thứ hai được gọi là văn học dòng chính. Các tác phẩm chúng tôi khảo sát trong bài viết này thuộc dòng văn học vừa nêu trên. "Nhà văn vô xứ" (từ dùng của Linda Lê), "kẻ không nhà" (unhoused) luôn để tâm hồn mình trôi vô định giữa hai khoảng không gian: Quê gốc và nước sở tại. Ở không gian nào họ cũng thấy lạc lõng và cô đơn. Bên cạnh những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, quê gốc còn ẩn chứa những mất mát, đau thương. Với không gian này, họ quay quắt nhớ, nhưng nếu có cơ hội hồi hương thì họ lại chối từ. Không gian thứ hai mở ra nhiều điều mới mẻ: Ngôn ngữ mới, văn hóa mới.. nếu muốn hòa nhập, đòi hỏi họ phải nỗ lực rất lớn (vì xuất phát điểm của họ chỉ là hai bàn tay trắng) và trong hành trình gian khổ đó, không ít kẻ đã bỏ cuộc. Không gian nơi họ đang sống luôn khiến họ cảm thấy bất an, trống vắng đến đáng sợ. Chìm đắm trong quá khứ chỉ là những đau thương, bứt khỏi nó để về với hiện tại, họ phải đối diện với nỗi cô đơn. Những con người di dân nhỏ bé ấy bị giằng xé giữa hai khoảng không gian, nghiêng bên này là nỗi đau, nghiêng bên kia lại là sự cô quạnh. Suy cho cùng, không gian thực sự của nhà văn di dân là không gian ở giữa, giữa các biên giới và các nền văn hóa. Nói như Linda Lê: "Nhà văn vô xứ là kẻ có tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói tự đặt mình ngay trong trái tim của sự đau khổ mà không tìm cách xoa dịu sự khổ đau bằng ngôn từ hoa mỹ" [2] . Như trên đã nói, các tác phẩm di dân được sáng tác vào thời kỳ hậu thuộc. Vào thời gian này, luật di dân được chính phủ các nước sở tại lần lượt công nhận cùng với sự cộng hưởng của nữ quyền hậu thuộc địa đã tạo cho văn học di dân một "bộ mặt" khác. Có thể nói, đây là hai tiền đề quan trọng góp phần cho sự phát triển của dòng văn học này. Nhờ đó, các tác phẩm của các nhà văn di dân được công nhận ngay trên đất nước họ đang định cư. Điều này góp phần không nhỏ trong việc xóa đi mặc cảm là "dân tỵ nạn" đối với họ. Cuộc đời, sự nghiệp của họ bước sang một trang mới, từ đó họ có thể vươn lên để làm chủ bản thân. Những đóng góp của họ cho nền văn chương ở các nước sở tại được ghi nhận với tư cách là một công dân, một thành viên thật sự. Nói như Edward Said "Văn hóa Tây phương hiện đại phần lớn được tạo dựng trên tác phẩm của những người lưu vong, di cư và tỵ nạn" [Dẫn theo Thượng Văn, 3] . Họ mạnh dạn cởi bỏ lớp vỏ e dè, sợ sệt để tiến đến văn đàn thế giới. Các "xiềng xích" nghiêm ngặt của quê nhà và các nước sở tại cũng không còn ràng buộc họ như trước. Giờ đây, các sáng tác của họ được in, được xuất bản, được dịch, được đánh giá một cách công khai. Trong hơn 20 năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu XXI, văn học di dân Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, con số những nhà văn di dân ngày càng đông đảo và tác phẩm của họ hiện đang được độc giả khắp thế giới tán thưởng nồng nhiệt. Từ bức tranh toàn cảnh trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng trong những năm gần đây, văn học di dân Việt Nam đã có sự "thay da đổi thịt". Số lượng nhà văn di dân ngày càng đông đảo, tác phẩm di dân ngày càng dồi dào, phong phú, hơn thế nữa, một số cây bút tiêu biểu đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương cao quý. Dù viết bằng ngôn ngữ nào, họ cũng chiếm được trái tim của độc giả trong và ngoài nước, kể cả những độc giả khó tính nhất bằng tài năng thực sự của mình. Đây là một thực tế rất đáng phấn khởi. Từ hơn hai thập niên trở lại đây, văn học di dân (trong đó có văn học di dân Việt Nam) đã và đang phát triển vững mạnh và từng bước xác lập vị thế của mình trên văn đàn quốc tế. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh văn chương không biên giới như hiện nay, việc thâu nhận những tác phẩm di dân vào nền văn học dân tộc là điều đúng đắn và hợp quy luật của thời đại. Việc làm này sẽ mang lại một ý nghĩa to lớn cho nền văn học nước nhà và làm màu mỡ thêm cho mảnh đất văn chương của chúng ta. 1.2. Những giai đoạn hình thành văn học Việt Nam ở hải ngoại Thời kỳ những năm 1975-1980 gắn liền với sự khởi đầu của việc gây dựng văn học của những người di tản Việt Nam ở nơi đất khách quê người. Sau năm 1975, đa số các nhà văn miền Nam Việt Nam đã dần dần định cư ở Mỹ, Pháp, Châu Úc, Canada và các nước khác. Ở đây cần lưu ý rằng đợt di tản đầu tiên gồm có những người đại diện tiêu biểu nhất của văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước 1975. Đó là Mặc Đỗ, Nhật Tiến, Bình Nguyên Lộc, Nhã Ca, Duyên Anh, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Thanh Nam, Túy Hồng, Nguyễn Tường Bách, Thế Uyên, Linh Bảo Nguyễn Thị Vinh, Phan Lạc Phúc, Du Tử Lê, Viên Linh, Kiệt Tấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Duy (nhạc sĩ), Võ Đình (nhà văn và họa sĩ), Tạ Tỵ (họa sĩ và nhà phê bình), Đinh Cường (họa sĩ), Khánh Ly (ca sĩ), v. V. Nữ văn sĩ Mai Kim Ngọc từng kể lại rằng những bước đi chập chững của mình trong văn học được thực hiện ở trại tị nạn. "Hồi ấy, chúng tôi không nghĩ đến văn học.. và có lẽ đồng bào tôi cũng chưa nghĩ đến văn học. Tất cả những viết lách tôi thấy là những chuyện rất thiết thực, những bản tin chỉ dẫn nội quy của trại, những cẩm nang cho những người sắp rời trại về cách sinh hoạt trong một thành phố Mỹ, những chuyện đi xe buýt, chuyện gọi điện thoại, chuyện mua bán tại siêu thị vân vân và vân vân. Tóm lại những chuyện thuần túy thực dụng và cấp thời, chính xác và ngắn gọn như ngôn ngữ của những hoàn cảnh cấp cứu.. Tuy tất cả những gì viết ra không phải là văn học, nhưng rất nhiều tác phẩm chúng ta đã viết với mục đích thực dụng, vẫn có giá trị văn học, không trực tiếp thì gián tiếp. Khi rời khỏi đất nước, ít ai trong số người đó nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ sống ra sao. Lẽ cố nhiên, lúc đó chả còn đầu óc đâu mà nghĩ tới văn chương nữa. Nhiệm vụ chủ yếu đối với chúng tôi là sống được cái đã, bởi lẽ phải bắt đầu tất cả từ con số không?" [4] . Những người Việt Nam đến Mỹ, ngoài gánh nặng tình cảm vốn gắn liền với việc chạy trốn khỏi quê hương xứ sở, còn phải trải nghiệm một cú sốc mạnh mẽ về văn hóa khi họ tiếp xúc với một hiện thực mới mẻ, xa lạ và khó hiểu. Xin dẫn ra đây một trích đoạn nữa cho thấy rõ tâm trạng của những người di tản: "Sự việc là thuở mới đặt chân đến Mỹ, chúng ta sống như trong một khoảng chân không văn hóa và tình cảm. Xung quanh chúng ta là một khung cảnh khác, luật pháp khác, phong tục khác, ngôn ngữ khác. Những ngày đầu ra khỏi trại, tiếng mẹ đẻ của chúng ta chỉ còn dùng được giữa vợ chồng con cái. Ra khỏi cái vòng phấn nhỏ ấy[5], tiếng Việt phải bỏ lại. Và tất cả cảnh sống ấy xa lạ không hẳn chỉ vì ngôn ngữ.. Những người trong chúng ta thông thạo Anh ngữ ngay từ ở Việt Nam lại còn bàng hoàng hơn khi thấy các chương trình ăn khách trên các kênh TV, người Mỹ sinh hoạt với những quá trình hoàn toàn khác lạ, ta không hề dự phần.. Họ xử án, họ vinh danh hay lăng mạ lãnh tụ của họ, họ giải trí họ vui họ buồn hoàn toàn khác chúng ta.. Và ta nghĩ đến tâm sự riêng tư của mình. Cái vui cái buồn, cái làng xưa với bờ tre xanh với con sông nhỏ, với rừng dừa ven biển, với câu hát giọng hò.." [6] . Mặc dầu có sự hoang mang và bối rối trong tâm trạng của những người Việt Nam di tản sang Mỹ ngay từ hồi đó hoạt động văn học đã có những bước thể nghiệm đầu tiên. Một số nhà văn thuộc đợt tị nạn đầu tiên đã cố thử viết một cái gì đó để mong tiếp tục hành nghề như trước đây ở Sài Gòn, nhưng đã bị thất bại. Theo lời thú nhận của nhà văn và nhà nghiên cứu văn học Võ Phiến: "Sự cố gắng ấy cũng chẳng lớn lao mấy. Sau cuộc đổi đời, một lớp người não nề thấy rõ. Các tác giả trong nhóm Quan điểm (mà nhà văn Mặc Đỗ hiện đang ở Houston là một thành viên nòng cốt) từ chối tiếp tục, có viết chăng là thỉnh thoảng một bài thơ gửi cho báo bạn, hay một cuốn sách luận về kinh, vè đạo, thế thôi. Lớp trẻ hơn cũng không hẳn viết lách suôn sẻ. Lê Tất Điều, Viên Linh, Túy Hồng Trùng Dương.. có lúc hoạt động hăng hái có lúc tự dưng im bặt. Nhiều vị khác đứng ra chủ trương những tờ báo để phát huy sinh hoạt văn học, phát huy các tài năng mới, còn tự mình thì cũng chỉ lai rai một vài bài thơ, lâu lâu một thiên hồi ký. Văn nghiệp sau 1975 của họ không có gì đáng kể, phần chính thuộc về thời kỳ trước" [7] . Phần lớn tác phẩm văn học (truyện ngắn, tùy bút, thơ) vào những năm đó được công bố trên ấn phẩm định kỳ của người Việt ở hải ngoại, loại ấn phẩm này cũng kinh qua thời kỳ hình thành trên đất Mỹ. Thoạt tiên xuất hiện những tờ báo, điều này là lẽ tự nhiên trong những điều kiện ban đầu của cuộc sống định cư của những người di tản thuộc đợt thứ nhất, những chẳng bao lâu sau đó, những tờ tạp chí cũng được xuất bản. Cần phải nêu lên vai trò quan trọng của những ấn phẩm định kỳ vào thời gian đó như báo "Trắng đen" và "Người Việt", tạp chí "Hồn Việt" và "Việt Nam hải ngoại" ở Mỹ, báo "Dân quyền" và "Lửa Việt" ở Canada, báo "Độc lập" ở CHLB Đức lúc đó, báo "Người Việt tự do" ở Nhật. Có lẽ tác phẩm đầu tiên của văn học Việt Nam ở hải ngoại tại Mỹ là tập truyện ngắn "Ly hương" của hai tác giả Võ Phiến và Lê Tất Đắc do báo "Người Việt" xuất bản. Tập sách gồm 85 trang này có 5 truyện ngắn, bốn truyện trong số đó được viết năm 1976, còn truyện thứ năm "Kéo cày trên đất Mỹ" của Lê Tất Đắc được viết sớm hơn một chút, vào năm 1975. Hai tác giả này cũng đã viết những truyện vừa đầu tiên trong văn xuôi hải ngoại: "Ngừng bắn giờ thứ 498" (Lê Tất Điều) và "Trọn vẹn" (Võ Phiến) do báo "Người Việt" xuất bản năm 1978[8] . Việc xuất bản những công trình chính luận được khởi đầu bằng cuốn "Làm gì?" của Trần Lê do nhóm "Việt Nam hải ngoại" ấn hành vào năm 1979. Năm 1981, tập thơ của Hoàng Phú Cương "Ngẩng đầu lên ta gọi mặt trời" được nhóm "Tổ hợp" cho phổ biến rộng rãi. Văn học Việt Nam ở Mỹ đã có những bước đi đầu tiên trên các ấn phẩm định kỳ vừa được nhắc tới - trên các trang báo "Người Việt", tạp chí "Hồn Việt" (chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Đoan, tổng biên tập - Phạm Kim Bình) báo "Độc Lập" tuần báo "Trắng đen". Tuy vậy, mặc dầu có sự khởi động của đời sống văn học, không mấy ai trong số các Việt kiều tin tưởng vào sự thành công của sự nghiệp mà họ đã gây dựng. Những lời sau đây của nhà văn Võ Phiến trong phần mở đầu cuốn "Thư gửi bạn" (1976) là sự xác nhận cho những tâm trạng ấy: "Từ ngày bỏ nước ra đi, tôi đâu còn nghĩ đến chuyện nghệ thuật văn chương nữa" Ông giải thích "Ai lại nghĩ xây dựng một sự nghiệp văn nghệ trong vòng vài trăm ngàn người, tản mát khắp mặt địa cầu, mỗi ngày một xa lạc ngôn ngữ dân tộc, xa rời cuộc sống dân tộc." Viết với Võ Phiến lúc này chỉ là để thỏa mãn một "nhu cầu lẩm cẩm" [9] . Bước ngoặt trong tâm trạng của giới văn chương đã diễn ra muộn hơn. Thời kỳ thứ hai của văn học Việt Nam ở hải ngoại bắt đầu vào năm 1980 và trùng hợp với sự xuất hiện của các "thuyền nhân" vốn mang theo gánh nặng của những thử thách và bi kịch khủng khiếp mà họ phải chịu đựng. Chính họ đã làm thay đổi nhận thức của những người đồng hương đến Mỹ từ đợt lưu vong thứ nhất, chính họ đã tạo ra tiền đề cho những thay đổi về chất và mang tính chất tiến triển trong đời sống văn học của cộng đồng người di tản. Trên các trang của tờ tạp chí "Văn", nhà văn Vũ Khắc Khoan đã so sánh những trang viết ấy với "luồng sinh khí ập đến từ Thái Bình Dương" và nhấn mạnh: "Những người này - những" thuyền nhân tị nạn "- bằng sự xuất hiện của mình đã khuấy động văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, đã thúc đẩy sự vận động của nó tới một giai đoạn mới trong sự hình thành và phát triển" [10] . Đối với các nhà văn thuộc diện thuyền nhân, tình hình ở nơi định cư mới có phần thuận lợi hơn so với những người tị nạn thuộc đợt thứ nhất. Họ rời bỏ Tổ quốc khi cộng đồng người Việt ở Mỹ về cơ bản đã hình thành, đã xuất hiện giới báo chí của nó, các nhà xuất bản của nó đã bắt đầu hoạt động. Đã có những độc giả muốn tìm hiểu về tấn bi kịch của "thuyền nhân", và về tình hình ở Tổ quốc họ sau năm 1975 – trong điều kiện của chế độ xã hội - chính trị mới. Do chú ý tới hoàn cảnh đã thay đổi nên sự tài trợ mà các tổ chức xã hội ở các nước sở tại chi cho những người tị nạn Việt Nam, đã gia tăng. Tất cả những điều đó bằng cách này hay cách khác đã góp phần tạo nên "bước nhảy vọt" về chất của văn học hải ngoại Việt Nam ở Mỹ. Nếu như đợt di tản thứ nhất lo ngại về vấn đề bảo vệ tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt Nam ở nơi đất khách quê người thì đợt di tản thứ hai ( "các thuyền nhân") lại bị ám ảnh bởi chính trị. Đợt thứ nhất có thái độ bị quan đối với việc hội nhập của mình vào cuộc sống ở Mỹ, đợt thứ hai đã phát triển hoạt động xã hội mạnh mẽ và muốn hướng tới cuộc đấu tranh chính trị. Nguyên nhân của sự khác biệt này, ngoài kinh nghiệm cuộc sống khác nhau ra, chính là những điều kiện di tản của hai nhóm người Việt Nam ấy ở Mỹ. Phần lớn dân tị nạn thuộc đợt thứ nhất gồm những người có mối quan hệ nhất định với Mỹ. Họ được chuyên chở bằng tàu chiến và máy bay ra khỏi Việt Nam và được tạo điều kiện định cư ở bất cứ một nước nào, song họ chủ yếu đến sinh sống ở Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Đợt di tản thứ hai phải tự đi tìm cách dời khỏi Việt Nam. Sau khi đến một quốc gia này hay một quốc gia khác ở Đông Nam Á, họ phải chờ đợi khá lâu để nước thứ ba cho phép họ chuyển đến với tư cách là những người tị nạn chính trị. Và cái quy chế ấy của người tị nạn cũng như việc có được nó đã gây ra ở họ một cú sốc tinh thần sâu sắc, điều này, lẽ tất nhiên, đã được phản ánh trong sáng tác văn học sau này của họ. Thời kỳ thứ ba (1982-1990) vốn được đánh dấu bằng sự cơ cấu hóa thể loại của văn học và tính năng nổ cao trong sáng tác của các tác giả đến từ đợt tị nạn tự do thứ hai, đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương đối ổn định của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Hồi đó cũng đã hình thành vai trò của các tạp chí văn học như những người tham gia chủ yếu vào tiến trình văn học, đó chính là "Đất mới" do Thanh Nam phụ trách, "Văn học nghệ thuật" do Võ Phiến và Lê Tất Điều phụ trách, "Việt chiến" do Giang Hữu Tuyền, Hoàng Xuân Sơn và Ngô Vương Toại phụ trách, "Nhân chứng" do Du Tử Lê phụ trách, "Thời tập" do Viên Linh phụ trách. Trong số tất cả những ấn phẩm kể trên duy chỉ có tờ tạp chí "Đất mới" là có được số phận sáng tác và xuất bản tương đối thuận lợi, còn những tờ khác do không khắc phục được những khó khăn (trước hết về mặt tài chính) nên đã dần dần đóng cửa. Sau một thời gian, đã xuất hiện những tờ tạp chí mới thay thế cho chúng: "Văn", "Văn học", "Làng văn", "Tân văn", "Thế kỷ 21".. Số tác giả mới và số lượng sách được xuất bản đã gia tăng, những nhà xuất bản chuyên nghiệp đã ra đời, và (điều này đặc biệt quan trọng) đã xuất hiện một đời sống văn học thực thụ - phong phú và đa dạng. Có thể nói rằng thời kỳ này là thời kỳ thuận lợi nhất và có kết quả nhất trong lịch sử văn học Việt Nam ở hải ngoại. Vào những năm đó số lượng tiểu thuyết được công bố còn ít. Tác phẩm đáng kể nhất trong thể loại này là bộ tiểu thuyết sử thi 5 tập "Mùa biển động" của Nguyễn Mộng Giác. Truyền thống của tiểu thuyết (theo cách hiểu của Châu Âu về thể loại này) trong văn học Việt Nam còn khá non trẻ. Để viết được những tác phẩm có quy mô như vậy cần phải có kinh nghiệm sống phong phú và tài năng, do đó, nhiều nhà văn lưu vong có thể bộc lộ mình rõ nét nhất trong các tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ. Với sự lưu ý tới tất cả những nhân tố đó, thể loại truyện ngắn về mặt lô gích đã trở thành thể loại dẫn đầu trong văn học Việt Nam ở hải ngoại. Hầu như tất cả các nhà văn mới đều là những cây bút truyện ngắn, trong số đó trước hết cần phải nêu lên những tên tuổi: Thế Giang, Trần Vũ, Vũ Quỳnh Hương v. V. Vào thời kỳ phát triển tiếp theo, thời kỳ thứ tư (1990-1995) nhịp độ phát triển văn học Việt Nam ở Mỹ đã chậm lại và hàng năm ngày càng ít những tác giả mới xuất hiện, ngày càng ít những tác phẩm hay và có giá trị về mặt nghệ thuật được công bố. Trong giới báo chí hải ngoại, vấn đề về tình trạng đình đốn trong đời sống văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt ở hải ngoại được bàn luận sôi nổi. Và rất nhiều người đã đi đến nhận định cho rằng căn nguyên của nó là những biến đổi chính trị đã diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới nói chung. Sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kỳ vào năm 1995, nước Việt Nam cộng sản dần dần hòa nhập với thế giới đã buộc văn học Việt Nam ở hải ngoại phải thay đổi. Được bắt đầu từ năm 1995 và được tiếp tục cho tới ngày nay, thời kỳ thứ năm trong sự phát triển văn học của cộng đồng người Việt định cư ở Mỹ và ở một số nước khác nhìn chung gắn bó chủ yếu với những vấn đề sau đây: - Tiếp tục duy trì văn học Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn những cơ sở văn hóa- văn học Việt Nam đã hình thành tại các nước cư trú hiện nay. - Sự hòa nhập của các tác giả Việt Nam vào đời sống văn học của nước mà họ đang sinh sống (đối với những người viết bằng tiếng Anh ở Mỹ, Canada và Uc, bằng tiếng Pháp ở Pháp v. V) - Sự hồi hương (trở về Việt Nam) của các tác giả viết bằng tiếng Việt. 1.3. Một số nhà văn nữ hải ngoại tiêu biểu Chúng tôi tiến hành khảo sát trên các tác phẩm của các tác giả sau: Linda Lê, Đoàn Minh Phượng, Thuận và Lê Minh Ngọc Linda Lê sinh tại Đà Lạt. Cha của bà là một kỹ sư người Bắc Việt Nam, mẹ bà là người xuất thân từ một gia đình khá giả có quốc tịch Pháp. Linda Lê sống thời niên thiếu ở Đà Lạt. Năm 1969, sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, gia đình bà di chuyển về Sài Gòn để tránh chiến tranh. Linda Lê theo học trường trung học Pháp ở Việt Nam và rất thích những tác phẩm của Victor Hugo và Honoré de Balzac. Năm 1977, Lê cùng mẹ và các chị em rời Việt Nam sang định cư ở Pháp và cư ngụ ở Le Havre, còn người cha ở lại Việt Nam. Năm 1981, bà lên cư ngụ ở Paris, theo học các "Lớp dự bị văn học" (Classes préparatoires littéraires) ở lycée Henri-IV, sau đó vào học ở đại học Sorbonne. Năm 1995, người cha dự định sang Pháp thăm gia đình, nhưng đã qua đời tại Việt Nam. Dịp này Linda Lê đã trở về Việt Nam để tiễn đưa người cha tới nơi an nghỉ cuối cùng. Gần đây, hai tác phẩm của Linda Lê đã được xuất bản tại Việt Nam là Vu khống và Lại chơi với lửa. Cô trải nghiệm ngòi bút của mình trên nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết và cả tiểu luận. Ở thể loại nào, cô cũng thể hiện được độ chắc tay, nhuần nhuyễn của một cây bút tài năng và đầy cá tính. Tuy nhiên, các tác phẩm của Linda Lê lại rất kén độc giả và khó hiểu, muốn nắm bắt được những điều mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm không phải là điều dễ dàng. Điều này đòi hỏi người đọc phải đọc đi đọc lại tác phẩm nhiều lần, phải nghiền ngẫm và suy nghĩ thấu đáo, phải có một vốn sống nhất định.. Vì vậy, lượng độc giả của cô rất khiêm tốn, nhưng là những độc giả khó tính, thực sự yêu văn chương. Với các tác phẩm như Phúc âm tội ác (1977), Vu khống (1993), Lời tên khùng (1995), Ba nữ thần số mệnh (1997).. và một số tập tiểu luận như Mặc cảm Caliban và gần đây nhất là Xuống tới đáy cái không biết.. đã đưa Linda Lê trở thành một trong những gương mặt sáng giá của nền văn học Pháp đương đại. Bằng tài năng của mình, Linda Lê đã lần lượt chinh phục các nhà xuất bản được coi là khó tính nhất, chẳng hạn nhà xuất bản Christian Bourgois – một nhà xuất bản nổi tiếng trong việc kén chọn sách của các nhà văn Pháp và quốc tế. Ngoài ra, những bài nghiên cứu, phân tích, nhận xét các tác phẩm của Linda Lê hay những bài phỏng vấn cô cũng được đăng tải trên các tờ báo nổi tiếng như Le Monde, Le Figaro. Nhờ vậy, tên tuổi của cô không chỉ được biết đến trong phạm vi nước Pháp mà còn mở rộng ra ở một số nước trên thế giới. Trên tinh thần sáng tạo văn chương một cách nghiêm túc, Linda Lê đã cho ra đời nhiều "sản phẩm tinh thần" độc đáo, mang một phong cách riêng và thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm của cô đã được giới nghiên cứu đánh giá cao, nhờ vậy, giúp cô nhận được nhiều giải thưởng văn chương cao quý như: Giải thưởng Vocation (1990), giải Renaissance de la nouvella (1993), giải Fénéon (1997). Đặc biệt là giải Prix Femina cùng giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng cho tác phẩm Hồi tưởng (2007). Tác giả thứ hai là Đoàn Minh Phượng Âm thầm xuất hiện trong làng điện ảnh Việt Nam, năm 2005, tên tuổi Đoàn Minh Phượng nổi bật với tư cách đồng đạo diễn cùng người em trai Đoàn Thành Nghĩa qua bộ phim "Hạt mưa rơi bao lâu". Mới đây, tác phẩm "Và khi tro bụi" (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng đã đoạt Giải thưởng văn học năm 2007 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đoàn Minh Phượng sinh ra ở Sài Gòn, cha mẹ gốc gác miền Trung. Sang Đức định cư từ năm 1977, có một thời sống ở Bonn, một thời sống ở Cologne. Hồi nhỏ mê âm nhạc vô cùng và có ý định sống chết với âm nhạc. Năm 14 tuổi, tôi học đàn piano với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Năm 20 tuổi, sang Cologne, tiếp tục học nhạc nhưng rồi.. "gãy"! (giống như chuyện học đàn của cô gái trong tác phẩm Và khi tro bụi). Cuối cùng, Đoàn Minh Phượng chuyển sang học nghề phim, làm phim tài liệu cho một đài truyền hình ở Cologne và viết báo, viết văn. Chính trong thời gian 15 năm làm việc cật lực với nghề phim, đi qua nhiều quốc gia trên thế giới đã thôi thúc Đoàn Minh Phượng nghĩ đến phải thực hiện một phim về đất nước, về quê hương cội nguồn của mình. Bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu được nhen nhóm từ ý tưởng đó. Công việc và dự định của Đoàn Minh Phượng trong những năm tới là làm phim. Trong gia đình Minh Phượng, anh chị em đều có máu mê văn chương nghệ thuật, thích viết văn, thích làm phim. Trở lại Việt Nam hơn 10 năm nay, anh chị em của tác giả đã góp sức cùng gia đình khôi phục xưởng gỗ của ông nội ở Hội An. Đó cũng là một phần hoạt động trong cuộc sống kinh tế gia đình hiện nay. Những năm gần đây, cái tên Thuận đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam. Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, tu nghiệp tiếng Pháp ở Nga từ thời cải tổ, sau định cư và tạo dụng sự nghiệp văn chương ở Pháp. Thuận tốt nghiệp khoa Anh ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 (1991 – 1992) và cao học Văn học Nga đương đại tại Đại học Sorbonne. Thuận là con dâu nhà thơ Trần Dần, vợ họa sĩ Trần Vũ. Trong số các tác giải hải ngoại tạo được sự chú ý của dư luận từ cao trào đổi mới, Thuận xuất hiện muộn nhưng nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn. Chị được coi là một trong những "hiện tượng" tiêu biểu của làng tiểu thuyết hiện nay, có công góp phần khơi dòng chảy tiểu thuyết đương đại trong văn học Việt Nam. Cảm hứng của Thuận luôn xuất phát từ chính cuộc sống xung quanh, chứ không phải những tưởng tượng xa dời thực tế. Chính vì thế, dù rời Việt Nam năm 17 tuổi du học tại Nga, lại có thời gian dài định cư tại Pháp nhưng những thân phận người Việt mới chính là đề tài cuốn hút Thuận. Và chính sự trả nghiệm về sự "chuyển dịch" này của Thuận đã thổi vào tác phẩm của nhà văn làn gió mới của sự tiếp biến văn hóa Giữa những nơi mà nhà văn đã từng đi qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Thuận là tác giả của bảy cuốn tiểu thuyết: Made in Việt Nam (NXB Văn mới, California, 2002), Chinatown (NXB Đà Nẵng, 2005), Paris 11 tháng 8 (NXB Đà Nẵng, 2006), T mất tích (NXB Văn học, 2007, Vân Vy (NXB Hội Nhà văn, 2008), Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2013), Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư (NXB Hội Nhà văn, 2015) ; trong đó, phải kể đến tiểu thuyết Chinatown, xuất bản năm 2005, tác phẩm ra đời như một dấu mốc đánh dấu sự xuất hiện của Thuận. Tác giả thứ tư mà chúng tôi tìm hiểu là Lê Ngọc Mai. Nhà văn, dịch giả Lê Ngọc Mai sinh tại Hà Nội, nguyên giảng viên văn học Nga tại khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội). Bà là Tiến sĩ ngữ văn, nhà văn, dịch giả văn học hiện sống ở Toulouse, Pháp. Giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai (2002 - 2004) của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Tìm trong nỗi nhớ". Các tác phẩm đã in: "Chó hoang Đin-gô, hay Câu chuyện mối tình đầu" (sách dịch, 1984 - nguyên tác: "Dikaya sobaka Dingo" của Ruvim Isayevich Frayerman) ; "Và nếu như truyện này là có thật" (sách dịch, NXB Văn học, 2002 - nguyên tác "Et si c'était vrai" của Marc Levy) ; "Tìm trong nỗi nhớ" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2003 - Giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai (2002-2004) của Hội Nhà văn Việt Nam) ; "Trên đỉnh dốc" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2006) ; "Người tình" (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2007 – nguyên tác: "L'amant" của Marguerite Duras) ; "Gặp lại" (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2007 – nguyên tác "Vous revoir" của Marc Levy) ; "Bản giao hưởng Pháp" (sách dịch, NXB Hội Nhà văn, 2008 - nguyên tác "Suite Française" của Iréne Némirovsky). CHƯƠNG 2: KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT DI DÂN CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ HẢI NGOẠI 2.1. Khuynh hướng khắc họa nỗi đau trên mảnh đất xa lạ Bước ra một môi truờng lạ lẫm, dù có chuẩn bị tinh thần trước hay không, những người Việt di cư ra nước ngoài đều không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, lạc lõng, bất an, sốc văn hóa trên vùng đất mới. Tất cả những tâm trạng đó, tuy có đậm nhạt khác nhau, đều trở thành kinh nghiệm và cảm hứng sáng tác của các nhà văn hải ngoại. Như một lẽ tự nhiên, đối diện với cảm giác lạc lõng nơi đất khách quê nguời, những con người tha huơng chới với tìm điểm tựa tinh thần ở gia đình, ở những người đồng hương nhưng đáp án mà họ nhận được, chỉ là cảm nhận ngày một sâu sắc về bi kịch của kẻ ngụ cư, của người khách lạ. Trong tác phẩm Vu khống của Linda Lê, hoàn cảnh này đã được chuyển hóa phần nào trong hai nhân vật: Người cậu đuợc cho là điên và đứa cháu người Việt Nam làm nhà văn. Nếu người cậu tìm cách tách khỏi quá khứ bằng sách vở, thì đứa cháu lại muốn dùng chữ nghĩa để thâu tóm lại những gì đã mất. Cả hai cách thức đều dẫn tới sự vô vọng. Không chỉ là cảm giác cô đơn, lạc lõng khi phải sống nơi đất khách quê nguời, trong tác phẩm của Linda Lê thậm chí còn nói về cảm thức lưu vong của con người khi tồn tại ngay trên mảnh đất của chính mình. Người ta có thể trở thành những kẻ "ngoài lề" ngay trong gia đình, trong công việc hay trong chính tình yêu của mình với kẻ khác. Một kẻ đánh giày hay dắt chó cùng "một nửa bà mẹ" sống như một bà hoàng vì tin tưởng rằng sự què quặt, nỗi đau khổ của mình sẽ chiếm trọn lấy tình thương của người con trai. Một nữ văn sĩ không biết cách tự yêu mình, phải vay muợn tình thương của kẻ khác và trả giá bằng cách đánh mất chính mình kèm theo lãi là sự phục tùng tuyệt đối. Cái cảm thức lưu vong không còn chỉ về mặt biên giới lãnh thổ mà là biên giới những tâm hồn con người. Một khao khát tột cùng được nhập thế, được nhìn thấy, được công nhận. Cố gắng đi vào lãnh thổ kẻ khác để tìm một khoảnh vườn cho mình cũng là đủ. Người ta không muốn làm lãnh chúa cô độc, muốn được phục tùng, là nô lệ của tình yêu: "Trong tình yêu, tự bao giờ em vẫn xử sự như một kẻ lưu vong mong cơ hội đủ điều kiện cần thiết để xin làm di dân gương mẫu". Nhưng dù thế nào ta cũng là kẻ của xứ lạc loài. Nhưng rồi, những kẻ đau khổ cũng không giúp gì nhau, bởi đau khổ không ngăn họ ghê tởm sự đau khổ. "Nỗi đau của chúng ta là hòn đảo hoang không một bóng người" (Abert Cohen), không phải thứ có thể chia sớt. Thậm chí người ta lợi dụng đau khổ của kẻ khác để làm kích thích đời mình. Những kẻ yếu thì bắt nạt những kẻ yếu hơn. Nỗi đau sau cùng cũng chỉ là nỗi đau thôi, không là tài sản, không thể đính lên người như huy chương: "Đừng than vãn, cũng đừng huênh hoang. Đừng lừa dối ai, kẻ cả chính mình. Chớ đi đến chỗ quý tì tật của mình, yêu hình bóng què quặt của mình, chớ bắt chước người hủi rao bán những thương tích của mình". Nỗi đau trong tác phẩm của Linda Lê phủ bóng khắp các nhân vật, và trong những nỗi đau đó hiện lên hình ảnh về những kiếp nguời cô đơn, chới với, lạc lõng giữa đời. Chính vì vậy, Linda Lê luôn tự thừa nhận, đối với bà: 'viết là tự lưu đày bản thân' và văn học có thể là một cách hay để 'giữ khoảng cách với chính mình', 'để ra khơi' và 'để đứng xa và nhìn vào cuộc đời mình'. Nhờ vậy, Linda Lê có thể diễn tả một cách khéo léo và tài tình cái cảm giác cô đơn, lạc lõng của con nguời trên mảnh đất xa lạ, hay thậm chí, trong lãnh thổ của chính mình. Tác phẩm Và khi tro bụi của nữ nhà văn Đoàn Minh Phượng đã diễn tả cảm giác cô đơn của người khách tha hương khi rơi vào cảnh một mình, Truyện khắc họa số phận của một con nguời tha hương, phải chịu đựng những xung đột về xã hội, văn hóa, phân vân giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Để cuối cùng, người đàn bà - nhân vật chính nhận ra, chị cũng chỉ là một trong số những người chị từng gặp và tiếp tục đi tìm vì: "Một người từ bỏ gốc rễ, cội nguồn của mình sẽ không thật sự bám rễ được vào đâu hết. Người ấy cần phải sống những ngày những đêm những tháng của mình chứ không phải sống bằng thời gian, trí nhớ của người khác. Giống như tro bụi, cũng có quê hương và một lúc nào đó rơi về.." Qua đó, chúng ta nhận ra sự cô đơn, cảm giác chới với, lạc lõng duờng như đã trở thành đặc trưng của thân phận người. Con người là sinh vật duy nhất cảm thấy mình đơn côi và cũng là sinh vật duy nhất biết tìm đến người khác. Cảm thức cô đơn có thể được hiểu là sự thức nhận về nỗi bơ vơ, lạc lõng của cá thể trong môi trường xã hội của nó. Hay thậm chí, con nguời ta có thể cô đơn ngay cả khi sống giữa đám đông như "tôi", như Thụy trong Chinatown (Thuận). Toàn bộ câu chuyện đuợc kể trong hơn 241 trang chỉ là một cái tích tắc, một khoảnh khắc chớp nhoáng trên một chuyến tàu. Đó là ký ức của một người phụ nữ hiện đang sống ở khu Belleville với đứa con trai tên Vĩnh. Mọi chuyện từ thuở con gái luôn là nỗi niềm ám ảnh với một người đàn ông, một người gốc Hoa sinh ra ở Hà Nội, người mà cô cho rằng là đối tượng mà cô không thể quên, cho dù thời gian có trôi đi nhiều thế nào đi chăng nữa. Không gian tha hương luôn bủa vây, bao chiếm các nhân vật trong nỗi cô đơn không có lối thoát. Nhân vật "tôi" sở hữu ba quốc tịch mà vẫn thấy vô tổ quốc, bên đồng hương, gia đình mà vẫn thấy lạc loài, xa lạ, như thể "sinh nhầm thời". Tiểu thuyết "Tìm trong nỗi nhớ" của Lê Ngọc Mai kể về một cô gái Hà Nội du học Nga, tại đây cô đã gặp và yêu một người. Cả hai cùng mong chờ đến ngày trở về quê hương sống cuộc sống giản dị, hạnh phúc, tình yêu sâu sắc tưởng không gì chia cắt được. Nhưng cuộc sống có quá nhiều bất ngờ. Kiên, người yêu cô vì muốn có một cuộc sống sung túc sau khi về nước đã lao vào làm ăn và mắc nợ ngập đầu, lang bạt sang Ba Lan rồi biệt tăm. Sau khi học xong, về Hà Nội không kiếm được việc làm, như một sự giải thoát, cô đành sang Pháp học tiếp. Tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học, lấy chồng là một bác sĩ, cô bằng lòng với việc bán sách tại một cửa hàng. Cuộc sống cứ đều đều trôi đi, buồn tẻ nhưng nỗi nhớ thì cứ như dòng sông chảy từ ký ức len lỏi vào tận ngóc ngách của hiện tại chẳng để cô được thanh thản. Một ngày kia gặp lại người yêu cũ, cô mới biết anh phải đương đầu với hết trắc trở này đến trắc trở khác, không hạnh phúc và vẫn yêu cô. Cô, một nửa cho nỗi nhớ, một nửa cho hiện tại, "ghen với sự thanh thản của một tình yêu trọn vẹn không bị giằng xé làm đôi. Ghen với cái hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương là một". Câu chuyện là những ghép nối uyển chuyển giữa quá khứ của "tôi" và hiện tại của Lan Chi. Chương lẻ sẽ là những năm 80 đầy lãng mạn và hoài bão của thời sinh viên Matxcơva. Chương chẵn sẽ là những tháng ngày yên bình đến đều đặn của một cuộc sống tha hương miền Nam nước Pháp. Nhưng dù cuộc sống cứ yên ả trôi thì trong lòng Lan Chi vẫn không nguôi ngoai đi được một tiếng thở dài của thời gian, một tình yêu không trọn vẹn của 20 năm trước. Vì sao nhân vật là "tôi" khi kể về quá khứ và là cái tên Lan Chi khi quay lại với hiện tại? Có lẽ tác giả Lê Ngọc Mai đã rất tài tình khi cài vào trong tình yêu ấy một bối cảnh của xã hội Việt Nam những năm bao cấp. Cần gì phải nói đến những điều to lớn. Chẳng phải nhân vật Kiên đã nói rằng: "'Chúng mình có lẽ sinh nhầm thời, Lan Chi ạ', - Kiên nói, mắt vẫn nhìn xa xôi. - Nếu như hơn chục năm trước mà tình hình ở trong nước đã được như bây giờ thì chắc anh chẳng phải đi Ba Lan đánh quả làm gì. Cả em nữa, có khi em cũng chẳng sang Pháp, đúng không? Cuộc đời chúng mình lẽ ra đã có thể khác hẳn rồi". "Cuộc đời chúng mình đã khác hẳn rồi" nghĩa là sẽ không có những năm tháng đằng đẵng Lan Chinh chờ đợi trong hy vọng thấp thỏm, rồi băn khoăn và tuyệt vọng. Tuyệt vọng rồi rời bỏ Hà Nội trong nỗi giận hờn không thể lý giải. Và như thế sẽ không có đến mười hai năm day dứt trong lòng những câu hỏi nặng nề của quá khứ. Đến khi gặp người có thể trả lời những câu hỏi đó thì nhận ra "những câu hỏi vẫn day dứt lòng mình trong bao nhiêu năm ấy giờ đây đã trở thành lạc lõng, nó đã bị lỡ mất hơn chục năm rồi. Biết câu trả lời bây giờ thì cũng còn có ích gì nữa đâu? Có thay đổi được gì đâu?". Tìm trong nỗi nhớ cũng nói về cả mặt phải và mặt trái của cuộc sống tha hương, một cách tinh tế, chừng mực, không cường điệu, không gượng nhẹ. Những dấu ấn của lịch sử, những dư âm từ quá khứ vẫn chi phối mỗi thành viên trong cộng đồng xa xứ, kẻ có ý thức, người bất tự giác, kẻ không muốn gỡ ra, người cố hóa giải.. Đôi khi một hai nét phác họa nhẹ tênh - thí dụ như "một thoáng im lặng" của bà nội, khi thằng cháu định hát bài "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" để đáp ứng lời bà khuyến khích hát tiếng Việt, rồi sự khó xử của bố mẹ bé trước tình huống ấy "Trung và Lan Chi cười cười nhìn con trai, chưa biết nói sao" - mà tiềm ẩn bao khác biệt thuộc tâm tư ba thế hệ! Lại có những lúc, nỗi day dứt bên trong thốt ra thành lời, và một âm điệu trữ tình bâng khuâng bỗng cất lên, thay cho giọng đùa cợt hóm hỉnh thường trực. Đó là phút giây hồi ức trỗi dậy, nữ nhân vật cảm thấy "quả tim như thắt lại, vật vã: Nó biết rằng tôi yêu Tr, yêu thực sự, vậy mà tại sao một góc sâu thẳm trong lòng tôi vẫn chẳng thể quên K?" Đó là lúc sắp rời Hà Nội trở lại Paris, Lan Chi "bắt chợt mình ghen tị với dòng người hối hả ngược xuôi trên đường phố. Ghen với sự thanh thản của một tình yêu trọn vẹn không bị giằng xé làm đôi. Ghen với cái hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương là một". Thế nhưng, quá khứ là quá khứ, nói như Lan Chi, giờ đây "tất cả đã an bài". Và dù tâm hồn đôn hậu của cô không thôi day dứt, "mặc cảm có lỗi với Kiên". Không chỉ cô đơn trên đất khách, ngay cả khi được trở về, được đứng trên mảnh đất quê hương, những người xa xứ vẫn thấy mình như người khách lạ. Lan Chi "vừa ngượng ngùng, vừa buồn bực vì phải hỏi và nghe ông xích lô giải thích cặn kẽ cho cô như cho một khách du lịch nước ngoài về những đường phố mà cô không thể nhận ra". Nhân vật đã có những chia sẻ rất độc đáo về nỗi nhớ của một con nguời xa quê. Đối với cô, nỗi nhớ là một hạnh phúc và một cực hình không sao dứt bỏ được của cuộc sống tha hương. Đôi lúc, nó là một cảm giác nhức nhối không tên gọi, không đường nét. Cũng có khi, trái lại, nó hiện ra có tên có hình cụ thể nhưng kèm theo một dư vị bẽ bàng: "Tôi thấy mình nhớ hương hoa sữa đường Nguyễn Du, Tháp Rùa in bóng nước, dáng cong của cầu Thê Húc, liễu rủ chiều Hồ Tây.. và bàng hoàng chợt hiểu rằng nỗi nhớ của tôi đã nhạt nhòa đến mức phải chui vào một cái vỏ vay mượn để tồn tại. Nó đã mong manh đến độ phải hóa thân vào những công thức khuôn mẫu trong sách vở, nó không còn là nỗi nhớ của riêng tôi. Vậy là không tránh khỏi một cuộc phiêu lưu nhọc nhằn, lo âu, đôi lúc hoang mang và thậm chí gần như tuyệt vọng nhưng bao giờ cũng tràn đầy thôi thúc: Một cuộc lục tìm trong nỗi nhớ". Thông qua nỗi buồn tha hương, những cuốn sách kể trên đặt ra vấn đề lớn hơn, mang tầm triết học hơn: Đâu là giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống? Tôi là ai? Tôi đến từ đâu và sẽ đi về đâu? 2.2. Khuynh hướng viết về hành trình tìm kiếm bản thể Suy cho cùng, sự thờ ơ, vô cảm, mất niềm tin ở cuộc đời không đáng sợ bằng mất niềm tin vào chính mình. Do vậy, hành trình tìm kiếm bản thể, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai trở thành tâm điểm mà các tác phẩm văn học hải ngoại hướng tới. Sinh ra, lớn lên, lang bạt, vật lộn với cuộc sống rồi "cát bụi cũng trở về cát bụi", con người sẽ ra sao trong cuộc lưu đày xa xứ? Hay trong Chinatown của Thuận, nhân vật bị cuốn vào một cuộc truy tìm hồi ức, truy đuổi tưởng tượng để tìm điểm thượng nguồn số phận mình, cái khởi sinh cho hiện tại: 40 năm trôi qua của đời người phụ nữ tha hương, những gì cô ta viết, những lớp không gian thời gian xáo trộn của Hà Nội, Leningrad, Paris.. Ở bề sâu, đó cũng là một ưu tư kiếm tìm bản thể, một ưu tư mang màu sắc hiện sinh.. Hồi ức bị truy đuổi ấy là Bí Ẩn: Thụy là một bí ẩn, Chinatown là một bí ẩn, Yên Khê là một bí ẩn. Viết cũng là một bí ẩn. Hành trình của nhân vật tôi trong I'm yellow (một truyện lồng ghép trong Chinatown) thực chất cũng là một dạng chạy trốn, để thoát khỏi cái bí ẩn của quá khứ như số phận như ác mộng. Một nữ nhân vật mê mải truy tìm quá khứ, một nam nhân vật trốn chạy nó, tất cả đều hành động theo nỗi ám ảnh của số phận. Thuận viết về Việt Nam với góc nhìn của người sống tại Pháp, và viết về Pháp với góc nhìn một người di dân, từ đó đưa ra mẫu hình người di dân mới. Nhân vật của Thuận rong ruổi cùng đứa con mang dòng máu Việt - Hoa đi tìm chồng và ngóng trông mỏi mòn, khắc khoải để rồi chẳng biết tìm điều gì và ở đâu. "Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới biết viết để làm gì. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới hiểu được Thụy.. Tôi đã yêu Thụy như yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn.. Yên Khê là bí ẩn đầu tiên. Chinatown là bí ẩn cuối cùng" (Chinatown). Bằng việc xây dựng những nhân vật không chỉ khuyết thiếu về tên tuổi, ngoại hình mà còn cả nguồn cội, quê hương, các tác giả như Thuận hay Đoàn Minh Phượng đều hướng tới những con người vô danh trong xã hội. Đó dường như là bi kịch trớ trêu nhất của kiếp người nói chung và những thân phận tha hương nói riêng khi "chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này". Đoàn Minh Phượng đều thấy xuyên suốt một nỗi ám ảnh "tôi là ai". Nỗi ám ảnh ấy là ám ảnh về cội nguồn là nỗi ám ảnh chung của người Việt xa xứ. Trong phoảng vấn với báo Tuổi trẻ, nữ nhà văn chia sẻ: "Người ta khi bỏ đi cái rễ của mình thì cũng không thật sự bám rễ ở đâu được. Mỗi người chỉ có một tuổi thơ. Kinh nghiệm, tình yêu, sự ràng buộc với cuộc sống mà người ấy học được lúc nhỏ sẽ trở thành nền tảng cho tương quan của người ấy với thế giới sau này, dù là ở đâu. Tuổi thơ của mỗi người là thứ không lặp lại được nên nền tảng đó cũng không thể làm lại. Ít có nỗi cô đơn nào lớn hơn nỗi cô đơn khi người ta tự cắt rời mình khỏi những năm đầu tiên làm người của mình, cắt rời mình khỏi cội nguồn." Không khó để nhận ra rằng, người phụ nữ là nhân vật trung tâm trong các tác phẩm in đậm dấu ấn những thân phận xa xứ. Tất cả chỉ là ảo vọng khi trước mắt họ là cuộc sống cơ cực về vật chất, đảo lộn về tinh thần, còn sau lưng con đường trở về quê huơng đã ngày một xa dần. Nếu như trước đây, khi ở trong nước, họ tự bó buộc trong khuôn khổ gia đình, thì nay rất nhiều người đã phải dấn thân ra ngoài xã hội, bị cuốn vào những cơn lũ xiết của "đồng đô la vĩ đại". Bi kịch của họ xuất phát trước hết từ chính bản tính "giới". Càng mỏng manh yếu đuối thì càng dễ bị những cơn bão táp nơi xứ người quật ngã, họ dễ thích nghi song bao giờ cũng phải chịu nhiều va dập, tổn thương hơn nam giới. Xuất phát từ tâm thế sáng tác và từ một điểm nhìn khác, việc nhận diện và gợi ra được những bản tính cố hữu của người Việt có thể coi là một thành công rất đáng chú ý của tiểu thuyết hải ngoại. Đọc mảng sáng tác này, người đọc có cơ hội được soi chiếu lại những đặc tính vốn đã định hình phần nào trong mỗi người Việt: Tâm lí mặc cảm nhược tiểu, duy tình hơn duy lí, ưa co cụm song lại thiếu đoàn kết.. Không chỉ giải thoát trong tư tưởng, nhân vật còn có những phá phách đầy bất cần, quyết liệt để tự vệ và chống trả lại thực tại kìm kẹp. Có người lao vào cuộc tình ngang trái, bị cấm đoán, phản đối như nhân vật nữ chính trong Chinatown. Có người sống cuộc sống nổi loạn, đi ngược đạo đức truyền thống, thậm chí buông thả trong những cuộc tình trụy lạc, rã rời như Mai Lan, con gái Mai Lan trong Paris 11 tháng 8.. Môtíp con người ra đi, vì vậy, xuất hiện nhiều lần, rất đáng chú ý, nhất là trong tiểu thuyết của Thuận. Rõ ràng, nền văn học Việt Nam sau Đổi mới đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những nhu cầu và xu thế thời đại ở cả hai phía sáng tác và tiếp nhận. Qua một số tiểu thuyết hải ngoại đương đại, chúng ta nhận thấy các nhà văn đã tỏ ra nhạy bén trước những cách tân, vừa "kết nối" với văn học trong nước, vừa giao lưu, đối thoại với một số nền văn học trong khu vực và trên thế giới, trong đó có việc biểu đạt bi kịch của thân phận con người. 2.3. Những cách tân về nghệ thuật Tiếp cận bút pháp hiện đại, nghệ thuật xây dựng nhân vật trong nhiều tác phẩm hải ngoại được thể hiện thông qua hình thức giấu mặt và những mảnh vụn tâm lí rời rạc. Với chủ đích xây dựng kiểu nhân vật vắng mặt, các tác giả dường như muốn thể hiện sự thiếu hụt, trống rỗng, không hoàn thiện cũng như nỗi cô đơn hoang vắng thường trực của con người hiện đại. Một cách khái quát, xóa bỏ ngoại hình và tính cách là một trong những thủ pháp hữu hiệu để xây dựng kiểu nhân vật vắng mặt, nhân vật vô danh và nhân vật bị "tẩy trắng". Tác giả không chủ đích đặt ra những sự kiện, tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách, mà lại thông qua những mảnh vụn tâm lí, kí ức rời rạc không liên kết. Việc kể lại, tóm tắt lại Chinatown (Thuận) hay Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) quả là rất khó khăn khi tất cả mạch truyện chỉ là những dòng hồi tưởng miên man không dứt của người kể chuyện về chính mình và cuộc sống, về các nhân vật xung quanh mình. Để tránh lối kể chuyện khá đơn điệu từ một điểm nhìn, tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói chung và tiểu thuyết hải ngoại nói riêng những năm gần đây đã tìm cách làm mới hơn phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất. Trong nhiều tác phẩm, câu chuyện không chỉ được kể bởi một nhân vật tôi, mà có nhiều vai giao tiếp cùng ở ngôi thứ nhất kể những chuyện khác nhau từ những điểm nhìn khác nhau. Những cái tôi kể chuyện đồng đẳng này góp phần tạo nên tính chất đa thanh của tiểu thuyết. Chinatown của Thuận có hai người kể chuyện xưng tôi. Tác phẩm này là một tự sự kép: Câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ Việt tha hương tên Phượng, ám ảnh trong khát vọng tìm lại và nhận chân về người chồng gốc Hoa của mình cũng như khu phố Tàu ở Sài Gòn có tên Chợ Lớn, và câu chuyện về người đàn ông khát khao trốn chạy người vợ tên Loan, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu trừ Chợ Lớn trong tác phẩm I'm yellow của Phượng. Dạng người kể chuyện đa thức cũng được vận dụng trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. Kể chuyện từ ngôi thứ nhất, tác phẩm dung chứa cùng lúc hai cốt truyện được triển khai theo cấu trúc song tuyến. Cốt truyện (1), người kể chuyện - nhân vật tôi, tên là An Mi, có chồng vừa bị tai nạn - kể về hành trình đi tìm cái chết của chính mình. Cốt truyện (2) là chuyện về gia đình mình của Michael Kempf, một nhân viên khách sạn. Tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng thành công ở nghệ thuật trần thuật luân phiên điểm nhìn với nhiều người kể chuyện và "sự chiếu sáng các nhân vật" (Kundera). Một trong những đặc điểm khá nổi trội của tiểu thuyết hải ngoại đương đại là khám phá và diễn tả dòng ý thức. Cụ thể hơn là tăng cường độc thoại nội tâm và giản lược đối thoại. Tăng cường độc thoại thể hiện thông qua tần số xuất hiện các cụm từ "tự nhủ", "thầm nghĩ", "tự hỏi", "tự trả lời".. chính là yếu tố tạo nên sức sống cho các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận, khiến họ cho dù có vắng mặt nhưng người đọc vẫn thấm thía nỗi cô đơn bất khả chia sẻ đầy bi kịch và ám ảnh. Đứng trước những tình huống đối thoại, các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận hầu hết đều chọn giải pháp hoặc giản lược, hoặc khước từ. Sự giản lược đối thoại thể hiện khá rõ thông qua những tín hiệu "im lặng", "gật đầu", "lắc đầu".. Thế giới nhân vật đó, ít nhiều gợi dáng dấp những con người tự kỉ - một căn bệnh đang có nguy cơ gia tăng ở xã hội hiện đại với nền văn minh kĩ trị. Nhằm tô đậm cảm giác cô độc của con người trong không gian, các nhà văn hải ngoại đã gặp nhau trong cách thức đặt nhân vật vào những chuyến đi. Câu chuyện Và khi tro bụi diễn ra ở châu Âu và Ấn Độ trong thời hiện tại với những địa danh như Paris, Frankfurt hay Rajasthan.. Chinatown, Paris 11 tháng 8 của Thuận xuất hiện vô số các cảnh sân bay hay nhà ga và đa dạng các loại phương tiện giao thông mà nhân vật sử dụng. Theo bước chân nhân vật, không gian luôn có sự biến đổi liên tục. Gắn với sự dịch chuyển của không gian, thời gian cũng được sắp xếp không theo một trình tự cố định nào, khiến nhân vật chới với trong ba chiều quá khứ - hiện tại - tương lai. Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai là tác phẩm có những ghép nối uyển chuyển giữa quá khứ của "tôi" và hiện tại của Lan Chi. Bảy chương lẻ (1, 3, 5, 7, 9, 11, 13) là những năm 80 thế kỉ XX đầy lãng mạn và hoài bão của thời sinh viên Moskva qua lời của cái tôi hồi tưởng hay tưởng tượng. Bảy chương chẵn (2, 4, 6, 8, 10, 12, 14) là những tháng ngày yên bình đến đều đặn của cuộc sống tha hương tại miền Nam nước Pháp - những gì đang diễn tiến trong hiện tại của nhân vật tôi. Có thể nói, không gian dịch chuyển, thời gian biến đổi là một đặc điểm tiêu biểu của các tác phẩm hải ngoại. Cảm thức xa xứ, tha hương in hằn lên cách cảm, cách nghĩ của mỗi nhân vật - cứ đi và không biết đâu là bến đỗ. Các nhà văn hải ngoại đã "viết cái gì mình hiểu rõ, chia sẻ với những người muốn hiểu, và cất tiếng nói hộ cho những người có tâm thế giống mình mà không có điều kiện hay thời gian để nói" (Nguyễn Văn Thọ). Phản ánh cuộc sống, thân phận của người Việt xa xứ là một hướng khám phá mang chiều sâu nhân bản. Đọng lại trên từng trang viết, vượt lên mọi biến cố dồn dập, vượt lên cả những bi kịch của sự vỡ mộng, khổ đau, qua những mảnh đời và những năm tháng nhọc nhằn, chúng ta cảm thấu được một tinh thần Việt trong hành trình sống, đối mặt và nếm trải những thăng trầm của đời tha hương. Đó là "kênh giao tiếp" để chúng ta hiểu sâu sắc hơn đời sống cũng như thân phận của người Việt xa xứ - một phần máu thịt của cộng đồng dân tộc. Văn học hải ngoại nói chung và tiểu thuyết với đề tài tha hương nói riêng đang ngày một xác lập vị trí không thể thiếu trong bản đồ văn chương Việt Nam đương đại. C. KẾT LUẬN Văn học hải ngoại được hình thành từ những môi trường, những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau; từ tâm trạng của những thế hệ cuối cùng đã sinh ra trong chiến tranh, phải rời xa đất nước và mang trong mình một phần ký ức về quê hương. Vậy nên, hơn ai hết những con người tha hương ấy cảm nhận sâu sắc nỗi đau, sự cô đơn và đổ vỡ trên mảnh đất xa lạ. Nhà văn nữ hải ngoại không chỉ có ưu thế khi tiếp cận hiện thực tha hương bởi cảm thức về thân phận, nỗi khao khát bộc lộ gốc rễ của mình chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với những người xa quê. Đồng thời, những nhà văn lưỡng biên, lưỡng quốc tịch ấy còn có cái nhìn khách quan, bớt định kiến hơn trước mọi vấn đề xảy ra tác động tới tính cách, tâm hồn người Việt. Bên cạnh những giá trị về nội dung, nói đến dòng văn học hải ngoại, ta không thể không nhắc đến những sáng tạo, cách tân nghệ thuật, với vai trò là phương thức, công cụ để các tác giả đi sâu khám phá vào thế giới bên trong của con người. Sự kết hợp nhuần nhuyễn cả về nội dung và nghệ thuật góp phần đưa các tác phẩm đến gần hơn với người đọc. D. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Trung Đạo, Nhà/quê nhà trong văn chương vô xứ Việt Nam. 2. Linda Lê (Đào Trung Đạo dịch và giới thiệu) (1999), Văn chương vô xứ. 3. Thượng Văn (2012), Hai nhà văn nữ Việt Nam. 4. Mai Kim Ngọc. Vài cảm nghĩ về văn học hải ngại // Tạp chí Văn học (California). 1995, số 109. Trang 4, 6. 5. Ở đây muốn nói đến những loại tị nạn được lập ra trên lãnh thổ Hoa kỳ: Tại các bang California, Arcanzas, Florida, Pensilvania. 6. Mai Kim Ngọc. Vài cảm nghĩ về văn học hải ngoại (tldd). Trang 12. 7. Ngày nay (Huston). 15.08.1987. Số 142. Trích dẫn theo: Nguyễn Mộng Giác. Hai mươi năm văn xuôi ở hải ngoại // Tạp chí Văn học (California). 1995, số 109. Trang 16. 8. Muộn hơn một chút, vào năm 1988 hai tác phẩm này cùng với truyện vừa "Ngài đàn ông" được in trong Hợp tuyển "Tiểu thuyết 2". 9. Dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc Hai mươi năm văn học Việt nam hải ngoại. Tuyển tập Hai mươi năm văn học Việt nam hải ngoại 1975-1995 / Chủ trương Trương Đình Võ. Nhà xuất bản Đại Nam California, 1995. Tập 1. Trang 15. 10. Nguyễn Hưng Quốc. Sống và viết như người lưu vong // Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại. California: Văn nghệ, 2000. Trang 222-234.