Tác giả: Nguyệt Thiền Tên tản văn: Nhà Đông Con Thể loại: Tản văn Link thảo luận và góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các Tác Phẩm Của Nguyệt Thiền Bạn có bao giờ hiểu được cảm giác nhà đông con chưa.. Sương Hoa, cô sinh ra trong một gia đình đông con, nhà cô là một gia đình thế hệ cũ, bố mẹ cô cũng không phải thành phần tri thức hay những người thuộc tầng lớp cao nhưng có một điều chắc chắn, họ yêu con của họ vô điều kiện. Ngày bé vì nhà đông anh chị em, Hoa thường vui chơi, chạy khắp xóm làng cùng các anh chị em, nhà cô có tận bốn người và cô là con thứ ba. Cô có hai chị lớn và một đứa em trai, đứa út cũng là đứa con được bố mẹ cưng chiều nhất. Khi học cấp một, cuộc sống Sương Hoa rất vui, vô lo vô nghĩ, tuy không được ăn sung mặc sướng nhưng bố mẹ chưa để cô phải chịu đói bao giờ, và đối với cô, chỉ cần như vậy là đủ. Trong suy nghĩ của Hoa, cô rất thích chị hai, vì chị hai là người xinh đẹp nhất, chị hai được mặc những bộ cánh rất đẹp, mà khi chị hai không mặc nữa thì những bộ cánh đó sẽ thuộc về cô. Cô cũng rất thích chị ba, vì chị ba hay cho cô mượn điện thoại cảm ứng để chơi game, thuở ấy có một chiếc điện thoại cảm ứng đã là rất hiếm có rồi, cô rất hâm mộ hai người bọn họ nhưng cô lại không thích em trai của mình vì cô nghĩ vì nó mà bố mẹ không còn thương cô như lúc trước. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, tâm hồn ngây thơ của Hoa luôn mến mộ hai người chị của mình, cô sẵn sàn mặc những bộ quần áo đã cũ của các chị cho đến khi lên cấp hai, ở cái tuổi nổi loạn ấy cô chợt cảm thấy bản thân là một người dư thừa trong cái ngôi nhà này. Hằng năm đến sinh nhật của em trai, mẹ đều mua bánh kem thật lớn, mua những món quà sinh nhật thật đẹp, còn cô thì sao? Cô dành dụm từng đồng tiền lẻ để đến ngày sinh nhật thì cô có thể mua một chiếc bánh kem nho nhỏ cho bằng bè bằng bạn. Khi đi giữa đám bạn cô trở thành kẻ bị lôi ra trêu chọc, vì cô không có áo mới như các bạn, không có kẹp tóc đẹp, cũng không có xe đẹp để đi học, xe cô đi học hằng ngày cũng là xe cũ của hai chị. Cô đã từng mở lời xin bố mua một chiếc xe mới nhưng bố lại nói: "Nhà mình không có tiền, đừng đua đòi." Cô muốn có một bộ áo mới, cô ngỏ lời với mẹ, thì mẹ lại nói: "Tao cho mày tiền đi học, học cái hay với cái ích chứ không phải học đua đòi." Cô đua đòi ư? Trong khi mọi thứ tốt nhất đều giành cho hai chị và em trai, còn cô thì chẳng có gì cả, không có gì.. Thời điểm ấy cô nghĩ vì cô chưa ngoan, chưa đủ tốt nên bố mẹ mới không mua đồ mới cho cô, thế là cô ra sức học, học thật giỏi. Đến năm cô lên cấp ba, thật trùng hợp năm đó chị hai cũng lên đại học còn chị ba thì học 12, cuối cấp. Cô đã thấy mẹ chu đáo mua sách mới cho chị ba, cặp mới, hộp viết mới.. Cô còn thấy mẹ mua rất nhiều quần áo cho chị hai, mua máy laptop, mua ipad.. Mẹ đã chuẩn bị đâu vào đấy cho hai chị, đến lượt cô, chỉ có một bộ sách lớp 10 cũ của chị ba, còn có vài trang sách bị rách, có những trang bị thấm nước mưa đến ngã vàng. Cặp sách cô sài cũng là cặp cũ của chị ba, đồng phục cũng là đồng phục cũ của chị ba, vì hai chị em học cùng trường nên mẹ bảo cô mặc áo cũ của chị ba để tiết kiệm. Khi ấy trường cấp ba cô học rất xa nhà, mẹ cô mua xe gắn máy cho chị ba còn cô thì chỉ có chiếc xe điện cũ, đi được dăm bữa lại hư một lần. Cô uất ức, rõ ràng mẹ hứa chỉ cần cô đậu vào trường điểm thì sẽ cho cô đi xe gắn máy nhưng kết quả lại như vậy. Vào ngày tiễn chị hai đi học đại học, mẹ cô chuẩn bị một bữa tiệc thật lớn, có rất nhiều món ăn ngon, ờ thì toàn những món ngon đối với họ nhưng với cô thì không. Hôm ấy có thịt lợn quay mà em trai thích nhất, có lẩu hải sản mà chị hai thích, và có rất nhiều món cay vì chị ba thích ăn cay nhưng không có món nào mà cô thích ăn cả. Cô bị dị ứng hải sản, cô bị loét dạ dày không ăn được cay, cô lại ghét ăn thịt mỡ. Nhìn mọi người cả nhà quây quần, ăn uống vui đùa, cô như lạc lỗng giữa không gian ấy, có đôi khi cô tự hỏi phải chăng cô không nên ra đời? Vì chỉ như vậy mọi thứ sẽ tốt hơn, bố mẹ cũng bớt đi một phần gánh nặng. Những uất ức, hờn tuổi cứ ập đến, cô đã òa khóc, cô rất tức giận cô đem hết mọi suy nghĩ phát tiết ra ngoài. Bữa tiệc vốn đang vui vẻ thì chỉ trong vỏn vẹn năm phút đã tan biến, mẹ cô nước mắt lưng tròng, bà hối hận, hối hận rồi, bà quá quan tâm đến hai người chị mà quên rằng cái Hoa cũng có những sở thích, những cảm xúc riêng. Cái Hoa quá hiểu chuyện, hiểu chuyện đến đau lòng, đến nổi suốt 15 năm qua bà chưa từng nghe nó bộc lộ tâm tư thật của mình.. Đêm đó bố đã tìm đến cô, bố tâm sự cùng cô cả đêm ấy. Bố kể cô nghe về sự vất vả của bố mẹ khi mới kết hôn, bố kể cô nghe về niềm vui và niềm tự hào của bố dành cho cô, bố kể cô nghe rất nhiều, khi đến tối muộn bố bước ra khỏi phòng, ánh đèn trên hành lang hắt lên toàn thân ông, cái bóng của ông kéo dài trên sàn. Ông đứng đấy hồi lâu, bỗng ông lên tiếng: "Bố xin lỗi con, bố xin lỗi vì bố không cho các con được cuộc sống ấm no, bố xin lỗi vì những năm qua đã bỏ bê con, tất cả là lỗi của bố, là bố bất tài không cho mẹ con con một cuộc sống dư dả, là bố vô dụng, tất cả đều tại bố.." giọng ông trầm thấp, vang vọng khắp căn phòng, từng câu từng chữ đánh vào tim cô, trái tim cô như bị bóp nghẹn lại, cô vỡ òa trong tiếng xin lỗi của bố, quả thật cô chưa từng trách bố mẹ bởi lẻ cô biết họ có nổi khổ riêng và cô cũng biết họ đã già rồi.. Hết.
Chào bạn, mình xin để lại một chút nhận xét nho nhỏ về tản văn của bạn nha. Trước hết về trình bày thì chỉ có một số chỗ bị sai chính tả, bạn soát và sửa lại nhé. Còn về phần nội dung thì nội dung của bạn khá hay, đặc biệt là đối với bản thân mình vì nhà mình cũng là một gia đình đông con và dường như ở đâu đó trong cảm xúc của nhân vật Sương Hoa, mình đã nhìn thấy chính bản thân mình vậy. Tuy nhiên càng về phần phía sau mình lại thấy có gì đó thiếu và chưa đạt đến điểm nút cho lắm. Như sau khi bố Hoa nói chuyện với cô thì bạn có thể viết tiếp những chuyện xảy ra sau đó chẳng hạn. Chứ việc kết thúc ở đây khiến câu chuyện trở nên hơi cụt lủn và dường như khiến cho mình dưới góc nhìn của một người đọc sẽ trở nên hụt hẫng. Nhìn chung thì về nội dung thì rất hay nha, mình thực sự rất thích chủ đề và cách diễn đạt của bạn, mong rằng bạn sẽ cho ra thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa nhé. Thân.