Thần phi Nguyễn Thị Anh hay còn được biết đến với phong hiệu Tuyên Từ Hoàng hậu là một trong những người phụ nữ uy quyền bậc nhất ở cả hậu cung lẫn tiền triều thời Hậu Lê. Tuy nhiên, nhiều sử gia cho rằng, để đạt đến đỉnh cao quyền lực, bà hậu này đã không từ một thủ đoạn tàn độc nào. Tuyên Từ Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Thị Anh (1422 – 1457) - người xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) - một trong những phi tần rất được Lê Thái Tông hoàng đế sủng ái. Bà là mẹ đẻ của vua Lê Nhân Tông, đồng thời là vị Hoàng Thái hậu tại vị đầu tiên và cũng là Hoàng Thái hậu duy nhất của triều đại nhà Hậu Lê thực hiện Thùy liêm thính chánh (nhiếp chính) việc quốc gia thay Hoàng đế. Theo như ghi chép của Đại Việt thông sử, Tuyên Từ Hoàng thái hậu hội tụ đủ mọi tố chất cần có của bậc mẫu nghi thiên hạ. Bà là người xinh đẹp, thông minh và vô cùng sáng suốt nên được vua Lê hết lòng sủng ái. Bằng chứng đến từ việc, khi vừa mới nhập cung, bà đã được phong làm Thần phi – một vị trí tương đối cao và quyền lực trong hậu cung ở thời điểm lúc bấy giờ. (Ảnh minh họa) Tuy nhiên, trái ngược với những ghi chép sử sách, lời đồn trong dân gian và ý kiến của một số sử gia cho rằng, Nguyễn Thị Anh là một trong những phi tần nham hiểm, vì vinh sủng và tham vọng quyền lực mà không từ thủ đoạn. Phi tần thủ đoạn bậc nhất hậu cung: Mưu hại Hoàng tự, "tác giả" của thảm án Lệ Chi viên Nhập cung khi vua Lê Thái Tông đã lập con của Ái phi Dương Thị Bí là Lê Nghi Dân làm Thái tử, quyền lực của Nguyễn Thị Anh ban đầu rất yếu. Tuy nhiên, do Dương Thị "ỷ sủng sinh kiêu" nên bị vua Lê Thái Tông chán ghét, giáng xuống làm Chiêu nghi rồi thứ dân và giam vào lãnh cung đồng thời truất ngôi vị Thái tử của Lê Nghi Dân. Về phần mình, sau khi sinh hạ được hoàng tử Lê Băng Cơ, Thần phi Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái hơn gấp bội. (Ảnh minh họa) Năm 1441, Thái Tông truất ngôi của Thái tử Lê Nghi Dân mà lập Bang Cơ. Tuy nhiên, có lời dị nghị rằng Nguyễn Thần phi đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con của Thái Tông. Có tin đồn trước khi vào cung làm cung tần của Thái Tông, Thần phi đã gian díu với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng - ông nội của Thái Tông. Từ khi Thần phi gặp Thái Tông tới khi sinh Bang Cơ, thời gian chỉ có 6 tháng. Cùng thời điểm, một phi tần khác của vua Lê là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao cũng đang mang long thai. Sợ chuyện bại lộ, ngôi Vua sẽ thuộc về con của Tiệp dư nên Nguyễn Thần Phi lập tức bày mưu, trừ đi hậu họa. Bà cấu kết với hoạn quan tâm phúc bên cạnh mình là Đinh Thắng làm giả một hình nhân rồi lấy bảy mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua. Là chủ mưu nhưng đóng vai trò người bị hại, Nguyễn Thần phi khiến tất cả mọi sự chú ý tại thời điểm đó đổ dồn về Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao mà không có chút sơ hở. Thái Tông vô cùng băn khoăn trước sự việc này và hạ chỉ khép vào tội phát lưu - đày đi xa. Phát hiện điều bất thường, quan hành khiển Nguyễn Trãi lập tức can gián. Ông cho rằng một vài chứng cứ không xác đáng chưa đủ để có thể kết tội Tiệp dư, đồng thời xin phép vua để mình đích thân điều tra sự việc này. Được sự đồng ý của Thái Tông, ngay trong đêm, Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi đưa Tiệp dư Ngô Thị ra ẩn náu ở chùa Huy Văn, chính là ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng ngày nay. Câu chuyện đến đây chưa kết thúc. Nhiều nhà sử học ngày nay đã nghi vấn rằng, hành động sau đó của Nguyễn Thị Anh thậm chí còn độc ác hơn và bà cũng chính là "tác giả" của án oan Lệ Chi viên nổi tiếng một thời: Sau khi Ngô Tiệp dư đã sinh hạ con trai chính là hoàng tử Lê Tư Thành, lời đồn đại về dòng máu của thái tử Bang Cơ ngày một nhiều. Vốn đã căm phẫn với Nguyễn Trãi, nhân thời điểm con trai mình còn đang ở ngôi Thái tử, Nguyễn Thần phi chủ động ra tay trước. Nhân dịp Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên bà sai người sát hại Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi. Thảm án Lệ Chi Viên năm đó đã khiến gia đình của Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc và tạo nên nỗi oan ngàn đời cho một nữ học sĩ tài danh. 17 năm ngồi trên đỉnh cao quyền lực, Hoàng Thái hậu sát hại nhiều công thần Năm 1442, Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi khi chỉ mới 2 tuổi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, tức là vua Lê Nhân Tông. Thần phi Nguyễn Thị Anh được quần thần mang kim sách dâng tôn hiệu Hoàng Thái hậu. Do tân vương tuổi đời còn nhỏ nên Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính, trực tiếp quản lý chuyện chính sự. Tài trị quốc của Thái hậu họ Nguyễn bắt đầu được thể hiện rõ rệt. Chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần cho quân tấn công, quấy nhiễu bờ cõi nước ta, triều đình cũng đã không ít lần phát binh nhưng vẫn không thể dẹp yên. Năm 1446, Thái hậu lệnh cho Trịnh Khả, Lê Thụ, Trịnh Khắc Phục dẫn binh chinh phạt khiến Bí Cai ra hàng. Năm 1448, Bồn Man quy thuận, trở thành châu Quy Hợp của Đại Việt. (Ảnh minh họa) Mặc dù là hai công thần có công rất lớn trong giai đoạn nhiếp chính của Thái hậu nhưng Trịnh Khả và Trình Khắc Phục cũng không tránh được họa sát thân khi bị Thái hậu ban chết vào năm 1451. Bên cạnh đó, bà còn nghe lời gièm pha để rồi cách chức Nguyễn Xí năm 1445, tới năm 1448 mới cho phục chức. Năm 1453 vua Nhân Tông lên 13 tuổi, thái hậu Nguyễn Thị Anh rút vào Hậu cung, giao lại triều chính cho con. Nhưng mọi chuyện chưa chấm dứt ở đây, lời đồn Bang Cơ không phải là con ruột của vua Lê Thái Tông năm xưa vẫn còn văng vẳng khiến cho huynh trưởng của vua Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân có ý làm loạn, đoạt lại ngai vàng. Theo Đại Việt thông sử có ghi chép, vua Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng gì cả. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân trong đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết vua Nhân Tông. Hôm sau Hoàng Thái hậu cũng bị giết, thọ 38 tuổi (Ảnh minh họa) Trong chiếu lên ngôi của mình, Lê Nghi Dân nêu rất rõ lý do dẫn đến chính biến và những việc liên quan tới Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm khi bà còn sống, trong đó có cả việc giết đại thần diệt khẩu trong thời gian nhiếp chính. Sau khi lên ngôi được 8 tháng, Lê Nghi Dân bị giết bởi các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng trong cuộc binh biến. Hoàng tử thứ tư là Lê Tư Thành lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thánh Tông. Thánh Tông chính thức làm tang lễ cho Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, truy tôn là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng thái hậu, thường gọi là Tuyên Từ Hoàng hậu. Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Nhìn lại sử Việt