Nguyên phi Ỷ Lan - Phượng hoàng Thổ Lỗi, Lý triều thịnh hưng

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi TienPhat2k2, 29 Tháng mười một 2021.

  1. TienPhat2k2

    Bài viết:
    6
    Lời rằng:

    "Người phụ nữ hai lần nhiếp chính, cả hai lần đều làm nên sự phồn thịnh của giang sơn Đại Việt, đưa cơ đồ nhà Lý đạt đến đỉnh cao. Thật là không dễ. Đó chính là Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - hành trình từ một người thiếu nữ thôn Thổ Lỗi đến người phụ nữ quyền lực bậc nhất vương triều Lý thật khiến cho hậu thế phải ngưỡng mộ."

    Bà là Nguyên phi, không phải Hoàng hậu, nhưng thực quyền của bà hơn cả Hoàng hậu. Hơn nữa, con trai đẻ của bà sau này lên làm vua, bà được phong làm Hoàng Thái hậu (thuật ngữ chỉ mẹ Hoàng đế). Vì vậy, khi nói đến các vị Hoàng hậu Việt Nam không thể không nói đến bà. Mặt khác, khi nói đến Hoàng hậu Thượng Dương - vợ vua Lý Thánh Tông thì cũng không thể không nhắc đến bà. Bà chính là Nguyên phi Ỷ Lan, sau này là Thái hậu Ỷ Lan, hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng Thái hậu.



    Với Ỷ Lan, cội nguồn của bà không phải không có nét huyền ảo, phải dò tìm mới hé rõ ra được. Đại Việt sử kí toàn thư không ghi cụ thể ngày tháng năm sinh, cha mẹ, quê quán, họ tên thật của bà nhưng chỉ nhắc lại các tên hiệu của bà: Ỷ Lan phu nhân, Thần phi, Nguyên phi, Hoàng Thái hậu.. mà thôi. Nhưng Thần tích xã Dương Xá ghi rõ: Ỷ Lan người thôn Thổ Lỗi (tục gọi là làng Sủi), huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Theo truyền thuyết về bà, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (7-4-1044). Thân sinh Ỷ Lan họ Lê, làm quan tại Thăng Long nhưng vẫn thanh bần nên vợ ông là Tĩnh Nương (Vũ Thị Tĩnh) phải ở quê làm vườn. Bà Tĩnh sinh được một con gái họ tên là Lê Thị Khiết, theo sách "Mộng Khuê bút đàm" của Trung Hoa do Thẩm Hoạt thời Tống soạn lại gọi Thị Khiết là Lê Thị Yến Loan, phải chăng đó là biến âm của Ỷ Lan. Năm Ỷ Lan 12 tuổi thì mẹ ốm mất, cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau cha bà cũng qua đời. Kể từ lúc ấy, bà sống với người mẹ kế, hai người rất hòa thuận, dựa vào nhau mà sống.

    Và rồi, Ỷ Lan càng lớn càng xinh đẹp, rất mong tìm được người tình lý tưởng "trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi" nên thường thầm kín, lén đến chùa ban đêm, cầu Phật cho được toại nguyện. Cho nên dịp đâu may mắn lạ thường: Vào tháng Hai năm 1061 (niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ ba) có việc vua Lý Thánh Tông chọn con gái dân gian 12 người vào hậu cung. Tục truyền rằng, năm 1063, vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Khi được vua yêu rồi, Ỷ Lan có con với vua, đó là sự kiện năm 1064, lúc này vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức, tức vua Nhân Tông sau này.

    Để được nhà vua yêu quý, sủng ái không chỉ đơn giản là chuyện sinh được Thái tử, trau chuốt nhan sắc như bao cung nữ khác, với Ỷ Lan phu nhân, đó còn là việc trau dồi cho bản thân học vấn sâu rộng. Điều đó đã nâng tầm vóc của bà từ một cô thôn nữ ít học, trở thành một người thông tuệ ngang tầm với nhà vua vốn được đào tạo, học tập cẩn thận từ tấm bé. Cho nên, trong cặp mắt xanh của nhà vua trí thức, bà càng được coi trọng. Đọc sách tự học như thế cũng là cách để chuẩn bị cho Ỷ Lan khi ở cương vị điều hành quốc gia, sẽ có những quyết định sáng suốt lập nên nhiều công trạng trên các lĩnh vực nội trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự. Đó cũng là bước chuẩn bị tri thức để khi đàm đạo với các cao tăng thì bà đã chiếm được tình cảm và sự kính trọng của họ. Bởi thời đại bấy giờ, nắm được tăng đạo Phật giáo là nắm được tri thức, nắm được quyền lực. Phật yêu mến thì vua Thánh Tông, ông vua mộ đạo Phật, cũng yêu mến.

    Đó chính là những bước đầu tiên bắt đầu hành trình từ một cô thiếu nữ hái dâu thôn Thổ Lỗi dần dần vươn lên trở thành vị Hoàng Thái hậu quyền lực bậc nhất vương triều, là một bậc "mẫu nghi thiên hạ" với những vệt sáng cũng như vết đen trong sự nghiệp hai lần nhiếp chính, gánh vác giang sơn Đại Việt của bà - Nguyên phi Ỷ Lan.

    Từ khoảnh khắc đó, Phượng hoàng đất Thổ Lỗi ấy từ từ dang rộng đôi cánh rực sáng của mình, sánh vai cùng mệnh Rồng mà vươn tới những tầng mây cao vút của non sông gấm vóc Đại Việt, chạm đến sự thịnh hưng của Lý triều, tạc những ánh hào quang vào trang sử truyền mãi đến hậu thế.

    Vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông cầm đại quân đi đánh Chiêm Thành với sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt. Nhà vua trao việc nước cho Nguyên phi Ỷ Lan chứ không phải là Hoàng hậu Thượng Dương hay là các quan lại khác ở trong triều. Đại việt sử kí toàn thư ghi: "Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liêm, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa phù hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói:" Nguyên phi là đàn bà, còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao? ". Vua bèn quay lại đánh, quả nhiên là thắng được. Với sự kiện này, sách cũ có khen, những nhà bình luận và sáng tác thời hiện đại ca ngợi Nguyên phi Ỷ Lan có tài trị quốc là có căn cứ nhất định.

    Chắc rằng là vua Thánh Tông yêu Ỷ Lan rất nhiều, bởi vẻ đẹp và trí tuệ uyên bác của bà, hơn nữa bà lại sinh con trai cho vua là một diễm phúc may mắn. Song vẫn còn lý do sâu sắc hơn nhiều: Vua sáng lập nhà Lý là Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đã đặt ra lệ chỉ phong tước vương cho các con của mẹ đích, còn các con của mẹ thứ chỉ phong tước hầu và không đặt ngay ngôi Hoàng Thái tử. Làm như thế để khuyến khích các con chăm làm việc thiện, qua đó có thể chọn được người kế vị ngôi báu xứng đáng nhất. Tuy vậy, nạn Loạn Tam Vương sau khi vua Thái Tổ mất đã phá vỡ ước mộng ấy của người vua cha. Còn với Lý Thánh Tông, nhà vua thấy rằng khó có thể trao chức" Lưu thủ kinh sư "cho ai khác ngoài Ỷ Lan được. Bởi chỉ có người mẹ ruột mới bảo vệ ngôi vị cho người con của mình tốt nhất trong khi người khác chỉ là sự phân tâm và lợi dụng mà thôi. Chẳng may chinh chiến mà Thánh Tông qua đời, thì chính Ỷ Lan sẽ tôn con mình lên ngôi báu và hết mình bảo vệ tốt nhất ngôi vua ấy không rơi vào tay các vương khác. Thế là cơ may, vận hội lớn đã nằm trong tay của Ỷ Lan và con trai của bà. Kể từ đấy, bà có thể thi triển mọi tài năng (kể cả những mưu đồ quyền lực, ý muốn xảo nguyệt) trước tất cả bàn dân thiên hạ, vì vậy mà cũng có thể làm nên công lớn vang dội lưu danh thiên cổ và cũng gây nên những tội trạng không thể xóa sạch trong trang sử của cuộc đời bà.

    Ỷ Lan có những công lớn. Nếu chồng bà (vua Lý Thánh Tông) là vua đầu tiên xây dựng Văn Miếu năm 1070 thì theo đề nghị của Lý Thường Kiệt, bà cũng là người đầu tiên mở liền hai khoa thi là Minh kinh bác học và Nho học tam trường năm 1075. Khi mới làm Nhiếp chính (1073), cũng theo đề nghị của Lý Thường Kiệt, bà đã cho các công thần 80 tuổi được chống gậy ngồi ghế khi lâm triều. Trong hai lần đánh Tống, ba lần bình Chiêm, bà có công đầu trong việc lãnh đạo, phê duyệt, huy động nhân lực trên toàn quốc. Về nội trị, bà cho đắp đê sông Như Nguyệt (1077), sửa đê Đại La quanh Thăng Long (1078), và phát tiền cho nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã bán mình đem gả cho những người góa vợ (1103). Trước khi mất (1117), bà nhắc vua con mình phải thi hành nghiêm lệnh cấm giết trâu bò - một chính sách rất có lợi cho sự phát triển của nông nghiệp.

    Tuy nhiên, tội bà cũng không nhỏ.

    Tháng Giêng năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà. Đại Việt sử kí toàn thư ghi:" Hoàng Thái tử Càn Đức lên ngôi ở trước linh cửu.. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Hoàng hậu làm Hoàng Thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự. Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc ". Dù là Hoàng đế, vua Thánh Tông có thể rất yêu, rất say mê Ỷ Lan nhưng không thể chống lại những quy tắc của triều đình: Hoàng hậu, người đứng đầu tam cung lục viện, không có lỗi gì khi vua mất, vua mới lên phải tôn làm Hoàng Thái hậu; Thái sư, người đứng đầu bá quan cũng không tội gì, phải làm phụ chính. Khi tang tóc, vua mới lên phải yên vị ngôi báu của mình, vì thế mà Ỷ Lan phải chấp nhận cách sắp xếp như trên để ổn định ngôi vua của Nhân Tông con mình. Vì thế mà lúc đấy Ỷ Lan dù có manh tâm cũng không thể làm khác đi được, bà phải chờ một năm thì mới ra tay. Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại:" Năm 1073, giam Hoàng Thái hậu họ Dương, tôn Hoàng Thái phi làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không dự chính sự mới kể với vua rằng: "Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này ở đâu?". Vì thế, vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông.

    Ôi, thật bao công lớn không bằng một vết nhơ, giết chết Thái hậu cùng 76 người cũng đủ liệt vào đại tội của sử sách. Chẳng phải là tính ghen thường tình của đàn bà như sử thần Ngô Sĩ Liên đời sau đã bàn chăng? Dương Thái hậu buông rèm nhiếp chính cũng là hợp lẽ với điển lễ xưa, người đời sau không thể làm trái đi được. Cũng do Nguyên phi Ỷ Lan buồn vì sự đời bất như ý, từ đó đâm ra ghen tức mà ép con mình bức hại mẹ đích. Đó là cảm xúc thường tình mà người đàn ông đàn bà nào cũng có cả. Ỷ Lan có biết bao nhiêu cống hiến cho nhà Lý, sử sách đều ghi đủ, nhưng việc bức hại Thái hậu cùng 76 người, sử sách cũng không quên. Do việc ấy mà tâm nhân li tán, kẻ thù lợi dụng, thử hỏi lúc ấy trong tay của Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan không có những Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành thì cơ đồ Đại Việt sẽ ra sao?
     
    Tôn Nữ, Kiệt, Linh Chip4 người khác thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...