NGƯỜI VỀ VỚI THIÊN KHÔNG Thể loại: Ngôn tình ngược, Hiện đại, Trùng sinh Tác giả: Tri Ức Văn án: Tôi bước lên những bậc thang cũ kĩ chừng vô tận, bắt gặp bóng dáng tĩnh lặng của anh. Một Người Cây to lớn làm sao, to lớn hơn tất cả những Người Cây tôi từng gặp qua. Cành ngọn to lớn, vươn dài, phủ bóng tối lên cả một vùng trời. Người Cây? Sao lại nhớ đến từ này nhỉ? À, nhớ ra rồi, tôi đã từng thấy từ đó trên một bản tin truyền hình về những căn bệnh hi hữu. Có một người đàn ông đã bị biến thành Người Cây sau một ca phẫu thuật đầu gối. Tôi vẫn còn nhớ dáng vẻ anh ta, từ khuỷu tay trở ra, khắp bàn chân đều là những lớp vỏ cây sần sùi khô rông rốc bung tỏe; trên đầu gối, trên cổ và trên mặt thì chi chít đốm nứt như những hốc cây lồi lõm teo tóp. Lúc đó tôi đã nghĩ, có lẽ giống như những dũng sĩ hóa đá khi đụng phải ánh mắt của Medusa, anh ta đã dính phải lời nguyền của một mụ phù thủy nào đó, dần hóa thành một cái cây, một cái cây thực thụ. Chẳng ai biết căn bệnh đó rốt cuộc bắt nguồn từ đâu. Có người đoán nó là một biến thể của chứng Dày sừng quang hóa, một sang thương da gây ra bởi tia tử ngoại trong ánh nắng Mặt trời. À, thì ra đó là lý do những Người Cây thường trầm mình trong bóng tối, thì ra là vì họ sợ hãi ánh sáng Mặt trời sẽ khiến họ kết vẩy nhanh hơn. Tôi nghĩ, thật ra chúng tôi cũng là những Người Cây. Những Người Cây trong tâm hồn, do loài thực vật Tuyệt Vọng gây ra. Hạt Tuyệt Vọng đó, một khi đã nảy mầm sẽ bén rễ từ trái tim người ta mà hút cạn huyết mạch. Những cành ngọn của nó sẽ sinh trưởng trong xương tủy người ta, từng chút từng chút một ăn lần ăn mòn sinh lực, máu thịt, sừng hóa người ta, biến người ta thành một Người Cây. Anh đứng đó, trên giàn giáo cheo leo, giữa bầu thiên không vút cao chếnh choáng, bất động. Khói thuốc trắng vấn vít quanh gương mặt, chẳng nhìn rõ biểu cảm. Có lẽ là kiêu ngạo, giống như vị đế vương cuối cùng, lẳng lặng đứng trên đống hoang tàn đổ nát của những thành trì từng một thời hoàng kim, chứng kiến sự sụp đổ của triều đại, thấy trước sự sụp đổ một ngày không xa của chính mình. Cũng có lẽ là hèn nhát, giống như một gã hề tập sự đứng vắt vẻo lấy thăng bằng trên sợi dây thừng mỏng manh, chần chừ đắn đo mãi cũng chẳng dám hạ bước. Rất mâu thuẫn, cũng rất đồng nhất: Cả đế vương và gã hề đều muốn tiến thêm một bước. Chỉ cần một bước nữa thôi, họ đều tìm được sự giải thoát cho chính mình. Giải thoát cho chính họ, dù sẽ xiềng xích những người yêu thương họ với đau khổ, mãi mãi. Thế rồi một người đã về với bầu trời, một người quẩn quanh giữa thời không tìm kiếm một tình yêu đã bị lãng quên. Bị lãng quên, hoặc giả, chưa từng tồn tại. Link góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Những tác phẩm của Tri Ức
CHƯƠNG 1: GIỐNG LOÀI TUYỆT VỌNG Bấm để xem Cây đèn này, có người nói nó là đèn thần hoàn thành ước nguyện, lại có người nói nó chỉ là một cây đèn cũ nát không chút tác dụng. Thần kì hay không, là từ tâm của mỗi người. Đèn thần vốn đã là một thứ viển vông. Thế mà người này lại còn chẳng thèm tô vẽ thêm chút thần kì nào thuyết phục người ta mua. Càng viển vông hơn là tôi lại mua nó. Chà xát đủ kiểu cũng chẳng có động tĩnh gì, đúng là lừa đảo rồi. Những lúc cùng quẫn, người ta lại làm những điều viển vông. Chẳng phải vì tin, chỉ là vì hi vọng. Bám víu hi vọng, cho dù là vào một thứ viển vông đi nữa, cũng tốt hơn tuyệt vọng. Tôi ngơ ngẩn nhìn ra cửa sổ kính cũ kĩ trước mặt, nhìn những cành ngọn đâm chỉa từ cơ thể héo hon của mình. Tiếng chuông đánh thức tôi khỏi những suy nghĩ mông lung. Đến giờ rồi. Tôi cầm cà mèn đi trên đường, nhìn những gốc rễ tuyệt vọng khô khốc bao quanh họ. Chẳng có ai không có, dù ít dù nhiều, dù họ có đang bày ra biểu cảm gì trên mặt, vui hay buồn, cười hay khóc. Hóa ra giống loài tuyệt vọng đã lẳng lặng chiếm lĩnh cả thế giới này. Hóa ra chẳng phải chỉ mình chúng tôi phải đau khổ, phải tuyệt vọng. Hóa ra, chúng tôi đều là những Người Cây. Người Cây? Sao lại nhớ đến từ này nhỉ? À, nhớ ra rồi, tôi đã từng thấy từ đó trên một bản tin truyền hình về những căn bệnh hi hữu. Có một người đàn ông đã bị biến thành Người Cây sau một ca phẫu thuật đầu gối. Tôi vẫn còn nhớ dáng vẻ anh ta, từ khuỷu tay trở ra, khắp bàn chân đều là những lớp vỏ cây sần sùi khô rông rốc bung tỏe; trên đầu gối, trên cổ và trên mặt thì chi chít đốm nứt như những hốc cây lồi lõm teo tóp. Lúc đó tôi đã nghĩ, có lẽ giống như những dũng sĩ hóa đá khi đụng phải ánh mắt của Medusa, anh ta đã dính phải lời nguyền của một mụ phù thủy nào đó, dần hóa thành một cái cây, một cái cây thực thụ. Chẳng ai biết căn bệnh đó rốt cuộc bắt nguồn từ đâu. Có người đoán nó là một biến thể của chứng Dày sừng quang hóa, một sang thương da gây ra bởi tia tử ngoại trong ánh nắng Mặt trời. À, thì ra đó là lý do những Người Cây thường trầm mình trong bóng tối, thì ra là vì họ sợ hãi ánh sáng Mặt trời sẽ khiến họ kết vẩy nhanh hơn. Tôi nghĩ, thật ra chúng tôi cũng là những Người Cây. Những Người Cây trong tâm hồn, do loài thực vật Tuyệt Vọng gây ra. Hạt Tuyệt Vọng đó, một khi đã nảy mầm sẽ bén rễ từ trái tim người ta mà hút cạn huyết mạch. Những cành ngọn của nó sẽ sinh trưởng trong xương tủy người ta, từng chút từng chút một ăn lần ăn mòn sinh lực, máu thịt, sừng hóa người ta, biến người ta thành một Người Cây. Rồi một lúc nào đó, những Người Cây sẽ biến thành Cây. Những lớp sừng bất động, vô cảm, quắt quéo. Tôi bước lên những bậc thang cũ kĩ chừng vô tận, bắt gặp bóng dáng tĩnh lặng của anh. Một Người Cây to lớn làm sao, to lớn hơn tất cả những Người Cây tôi từng gặp qua. Cành ngọn to lớn, vươn dài, phủ bóng tối lên cả một vùng trời. Anh đứng đó, trên giàn giáo cheo leo, giữa bầu thiên không vút cao chếnh choáng, bất động. Khói thuốc trắng vấn vít quanh gương mặt, chẳng nhìn rõ biểu cảm. Có lẽ là kiêu ngạo, giống như vị đế vương cuối cùng, lẳng lặng đứng trên đống hoang tàn đổ nát của những thành trì từng một thời hoàng kim, chứng kiến sự sụp đổ của triều đại, thấy trước sự sụp đổ một ngày không xa của chính mình. Cũng có lẽ là hèn nhát, giống như một gã hề tập sự đứng vắt vẻo lấy thăng bằng trên sợi dây thừng mỏng manh, chần chừ đắn đo mãi cũng chẳng dám hạ bước. Rất mâu thuẫn, cũng rất đồng nhất: Cả đế vương và gã hề đều muốn tiến thêm một bước. Chỉ cần một bước nữa thôi, họ đều tìm được sự giải thoát cho chính mình. Giải thoát cho chính họ, dù sẽ xiềng xích những người yêu thương họ với đau khổ, mãi mãi. Chỉ cần một bước nữa. Anh sẽ bước thêm sao? Sẽ bước ra, lao vào bầu trời cao rộng này, xé toạc hoàng hôn đẹp đẽ này, ngay trước mắt em sao? Sẽ bước ra, tuyên án em chung thân trong ngục tù thống khổ, không giảm án, không ân xá sao? Sẽ sao? - Lại nghĩ vẩn vơ gì rồi mít ướt thế, cô ngố? – Chẳng biết từ lúc nào anh đã bước vào trong, cười xoa mớ tóc rối bù của tôi. Lại cười như thế. Tôi ghét cay ghét đắng nụ cười này của anh. Anh biết rõ rằng trước mặt tôi không cần ngụy trang, thế mà vẫn cố ý đeo lớp mặt nạ ấy lên. So với nét mặt buồn khổ, nụ cười của anh càng khiến tôi tan nát cõi lòng hơn, tố cáo tôi đã chẳng thể cho anh đủ cảm giác an toàn hay thân thuộc, tố cáo rằng tôi với những người ngoài kia cũng chẳng có gì khác, đều khiến anh toàn lực mà khoác lên một lớp ngụy trang vui cười để đối phó. Nếu đã bị cây Tuyệt Vọng ăn sâu đến thế, nếu đã buồn khổ rã rời đến thế, xin anh hãy khóc. Cho dù phải vờ vĩnh cười cợt, bình tĩnh trầm ổn với cả thế giới này, thì ở trước mặt em, xin anh hãy cứ khóc đi. Không phải đã nói sẽ cùng nhau gánh vác, chịu đựng mọi thứ hay sao? Thế mà anh lại lẳng lặng thu lấy mọi buồn khổ, chẳng chịu nói với em một lời. Nếu như em không nhìn thấy được những nhánh cây khô khốc kia trong anh, có phải anh định sẽ cứ như vậy, dối gạt em cả đời hay không? Anh mở cà mèn cơm chậc lưỡi khen tài nghệ nấu nướng, vừa ăn vừa kể những chuyện đâu đâu, cốt để lung lạc tôi. Nhưng tôi lại chẳng có cách nào sảng khoái mà đáp lại lời anh. Anh vẫn còn ngồi bên cạnh tôi, không phải tôi nên vui mừng sao? Nhưng thật ra, so với vui mừng, thì thấp thỏm càng nhiều hơn. Nếu như chẳng phải là hôm nay, thì cũng sẽ là một hôm nào khác. Trái tim của tôi sẽ mãi lơ lửng nhìn theo chàng trai đứng hờ hững bên mép vực, bất cứ lúc nào cũng có thể gieo mình xuống. Cà mèn nhanh chóng được giải quyết xong, gọn ghẽ chẳng sót lại gì, cả hành. Từ khi tôi biết ngay cả hành củ anh cũng có thể không chút nhíu mày mà và vào miệng, trong lòng tôi liền có chút vô cớ sụp đổ rồi. Khi chúng tôi còn nhỏ, anh không thích ăn cà, mướp vì quá nhũn, không thích khổ qua vì quá đắng, không thích mồng tơi vì quá nhớt, không thích các món mắm, đặc biệt kiêng kị các loại hành, hành lá, hành củ, hành tây, không bao giờ động đũa tất cả những thứ liên quan đến hành, dù là chỉ ngửi thấy. Còn tôi, đã sớm được dì tôi luyện cho thói quen dễ ăn uống, có thứ để no bụng đã là tốt lắm rồi. Dì tôi thường nói, đừng có bắt chước cậu chủ, chỉ có những người có điều kiện mới được quyền kén chọn. Thực ra không kén ăn cũng tốt. Nhưng tôi lại cảm thấy, anh vẫn kén ăn thì tốt hơn. Cho dù thế giới bên ngoài có đổi khác thế nào, chỉ cần anh không thay đổi, tôi sẽ cảm thấy mọi thứ chỉ là tạm bợ. Chúng tôi chỉ tạm nghèo khổ một lúc, đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ trở về đúng quỹ đạo, anh cũng vẫn là một cậu chủ kén cá chọn canh mà cao cao tại thượng của lúc ban đầu. Nhưng mà bây giờ, ngay cả hành anh cũng có thể ăn rồi. Ngay cả hành. Ngay cả phòng tuyến cuối cùng này cũng bị tháo gỡ rồi. Chúng tôi đều không quay về được nữa rồi.
CHƯƠNG 2: CHỐNG CHẾNH THIÊN KHÔNG Bấm để xem "Có thể hay không, để em đi cùng anh, vì anh đã nói chẳng thể ở lại đây thêm nữa Con đường trở về quá tối tăm, chẳng an lòng để anh độc bước. Em nghĩ, là do em không đủ dịu dàng, chẳng thể cùng anh chia sẻ muộn phiền Những điều chẳng thể nói ra, sẽ thành nỗi hối tiếc ghim sâu trong tim. Mọi đau thương xin lưu lại cho chính em, những điều tốt đẹp xin hãy theo anh đi Em nghĩ nếu em có thể chịu đựng được mọi đau thương, có chăng lúc nào đó anh sẽ nghĩ đến em? Em nghĩ em có thể chịu đựng được mọi đau thương, giả vờ rằng trong đời chưa từng có anh Từ nay về sau em sẽ lưu lại nơi này, đêm ngày lặng lẽ dõi theo anh." (1) Bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay lác đác vang lên, tôi cúi chào, uể oải thu dọn đồ đạc. - Giọng hát của em rất hay, nếu chọn những bài thịnh hành hay vui tươi hơn đã sớm nổi rồi. – Trong căn phòng, người đàn ông châm điếu thuốc vào gạt tàn nói. - Giọng em mà hát những bài đó thì sẽ không còn hay nữa đâu sếp. – Tôi đáp. Anh ta nhìn tôi vài giây, thở dài một lượt: - Em phải cảm ơn Tầm tiểu thư đấy, nếu không phải cô ấy thích em, em trụ không nổi đâu. À, cả chuyện của Nghiêu thiếu nữa. Ánh mắt anh ta dường như đang tự thấy đáng tiếc cho tôi chẳng biết nhìn tình thế. Nhưng thật ra loại người như tôi làm sao lại không biết nhìn tình thế chứ? Nếu không phải vì Tầm tiểu thư kia thích những bài thể loại đó, tôi dám ngoan cố hát mãi hay sao? - Sếp yên tâm, em sẽ ôm chặt cái bắp đùi bự này. – Tôi nháy mắt, rời đi. Qua hết đoạn hành lang kiểu cách, tôi thấy được "bắp đùi bự" của tôi. Toàn bích. Từ đó có lẽ là thích hợp nhất để miêu tả. Trong thanh thoát nhã nhặn vẫn toát lên lộng lẫy kiêu kì, giống như một kiệt tác nghệ thuật được trưng bày trong bảo tàng, người người ngưỡng vọng. Cô gái ngồi trên băng ghế, chiếc kẹp đính đá tinh xảo trên mái tóc xoăn dài uốn lượn bắt lấy ánh đèn và lấp lánh khắp phía, tạo ra ảo giác rằng cô ấy đang được bao phủ trong một vầng hào quang nhàn nhạt. Hoặc có thể là chính cô ấy đang tỏa ra hào quang, và dùng chiếc kẹp tóc để đánh lừa người ta. Tôi không thích cô ấy. Tôi không thích cô ấy một chút nào. Mỗi lần thấy cô ấy, tôi lại cảm tưởng mình là một giống loài nào khác chứ không phải một cô gái, thậm chí, còn chẳng phải một con người. Cô ấy bất giác đưa mắt về phía này, khóe miệng tôi liền ngoác lên, đưa tay lên vẫy vẫy, ai không biết còn tưởng chúng tôi thân thiết đấy. Có một câu tục ngữ gì ấy nhỉ, tôi ngẫm nghĩ, à, là "Thấy người sang mà bắt quàng làm họ". Tôi bước ra ngoài, trùng hợp nhìn thấy vị thiếu gia mà Tầm tiểu thư gọi là "Lỗi" lại đứng dựa vào chiếc Rolls Royce trắng tinh chờ đón cô ấy. Biểu tượng "Spirit of Ecstasy" trên nắp capo trông như một vị thần với đôi cánh bạc, kiêu kì, đẹp đẽ như chính chủ nhân của nó vậy. Tôi nhớ có một lần Lãm chạy con Wave nát tươm đến đón tôi (lúc đó chúng tôi đều không hề cảm thấy nó nát tươm), cũng vô tình nhìn thấy cảnh tượng này, thế là từ đó anh ấy chẳng bao giờ chạy xe đến đón tôi nữa. Tôi vẫn luôn tự hỏi anh ấy là do cảm thấy xấu hổ, hay là do cảm thấy sự xấu hổ của tôi? Tầm tiểu thư đã bước ra, khoảnh khắc hai người đứng cạnh nhau dưới ánh đèn, mọi màu sắc xung quanh lu mờ. Đó phải là vầng hào quang rực rỡ chói lòa của các vị thần trên đỉnh Olympus. Rốt cuộc bọn họ xuống trần gian này làm gì vậy, để khiến những phàm nhân như tôi cảm thấy xấu hổ tự ti chăng? Tôi bước về nhà, nhìn thấy anh lại ngồi trên bệ cửa sổ, không biết là vì ngẩn người hay vì tiếng phát thanh bên ngoài quá rè mà chẳng chú ý đến tiếng mở cửa của tôi. ".. tai nạn máy bay thảm khốc..", cả tháng nay đi đâu cũng nghe tin tức đó, với đủ thể loại thuyết âm mưu. Đường sắt, hàng hải, hàng không, cứ vài ba tháng lại xảy ra tai nạn "thảm khốc", thương vong ít nhất cũng là hai chữ số, cảm giác như Địa cầu đang bước vào thời kì suy kiệt, và sinh mệnh con người trở nên mong manh như chỉ mành treo chuông. Trước mặt anh là bầu trời đêm, mặt trăng khuyết nấp sau những rặng mây dày và những vì sao lẻ tẻ với những ánh sáng yếu ớt, nhưng tôi biết anh chẳng phải đang nhìn ngắm tất cả những thứ đó, cũng chẳng phải đang suy nghĩ cái gì, anh chỉ đang thẫn thờ. Bất động, vô hồn, như một cái cây. Thậm chí, chẳng phải như cái cây của những người khác đang dần sinh trưởng, cái cây của anh đang dần mục ruỗng. Gốc rễ của sự tuyệt vọng đã cắm sâu vào vùng đất linh hồn anh, hút cạn nguồn mạch sự sống. Điếu thuốc trên môi anh đã cháy quá nửa, tàn thuốc nặng trĩu lặt lìa muốn rụng xuống theo gió, cũng giống như sinh mệnh đã đi qua bên kia con dốc, chực chờ lao xuống. Đáng lẽ anh không phải là bộ dáng này mới phải. Bắt đầu từ lúc nào thế, hạt giống đó đã đâm chồi trong tim anh? Nghĩ lại, những khoảnh khắc đau khổ quá đầy, chẳng cách nào chọn ra một cột mốc. Lãm, hãy nói cho em biết đi, là bắt đầu từ khi nào thế? Là từ lúc người ta thông báo ông chủ đã bất trắc qua đời trên chuyến bay; hay là lúc bà chủ không chịu được cú sốc, quẫn trí đi theo ngay sau buổi nhận xác? Là từ khi những người thân cận lừa phỉnh anh, những người họ hàng chưa bao giờ biết đến đột ngột thay phiên xuất hiện lôi kéo anh, đều vì để xâu xé gia sản béo bở; hay là từ đêm mưa chúng chúng ta ôm cái bụng rỗng và thân mình đầy thương tích mà quyết định bỏ nhà ra đi? Là vào lúc anh học được cách cúi đầu mà khoác lên bộ trang phục công trường, đồng phục nhà hàng, đủ thể loại áo thú, khom lưng bó gối, để mình nhễ nhại, lấm lem, bầm tím, rã rời; hay là từ khi anh học được cách ăn mọi thứ cốt để no bụng, ngay cả những phần cơm được phát nguội ngắt, hoặc khô cứng hoặc nhão nhoét, nhạt nhẽo, đầy hành? Hãy nói cho em biết đi, là bắt đầu từ khi nào thế? Lại một ngày mưa nữa. Tôi bước lên những bậc thang, nghe những âm thanh kẽo kẹt nặng nề nghiến dưới gót chân, chỗ trồi chỗ sụp. Tay vịn có chỗ đã tróc lớp sơn xanh lơ, để lộ những phần đỏ nâu gỉ sét, mưa bay đọng từng giọt từng giọt chậm chạp rơi xuống. Thật giống những vết loét đang rỉ máu. Những bậc thang cũ kĩ vẫn chừng như vô tận, tôi cứ bước lên, bước lên mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng anh. Một bậc lại một bậc nữa, bóng dáng quen thuộc đó vẫn không xuất hiện. Một bậc lại một bậc nữa, có lẽ vì càng lên cao không khí càng loãng, bắt đầu cảm thấy khó thở. Một bậc lại một bậc nữa, có lẽ vì thấm mệt rồi, trái tim bắt đầu dộng thình thịch trong lồng ngực. Những người thợ kia vẫn chuyên chú làm việc, chắc chắn là chẳng có gì bất thường cả đâu. Chưa có. Tôi lôi điện thoại ra, bấm nút cũng không trơn tru. Mãi vẫn không gọi được đầu bên kia. Tắt. Gọi lại. Lại tắt. Những tiếng phím bấm, những tiếng chuông chờ. Bíp bíp bíp bíp. Những âm thanh quẩn quanh vô tận. Một người ngăn tôi đi lên nữa. Tôi gấp gáp hỏi tung tích của anh. Thì ra đã về trước rồi. Nếu về phòng, nhất định đã phải gặp nhau giữa đường rồi. Anh rốt cuộc là đi đâu rồi? Chưa nói với tôi một lời đã muốn đi rồi? Tôi quay đầu đi xuống, bị người ta túm lại nghiêm khắc cảnh cáo. Tôi đã chạy sao? Không, dĩ nhiên là tôi không muốn chết rồi. Được rồi, tôi sẽ cẩn thận hơn. Làm ơn cho tôi đi. Làm ơn. Vừa đặt chân xuống mặt đất, tôi liền chạy. Sao hôm nay khu này lại rộng lớn thế này, chạy mãi vẫn chưa ra ngoài? Có tiếng máy bay ù ù trên đỉnh đầu, tôi ngước lên, tầm mắt vừa thoát khỏi những bức tường tôn cao ngất của công trường, lại đột ngột cảm thấy khiếp sợ. Cảnh vật bốn phương tám hướng như xoay mòng mòng quanh tôi, không gian cao lớn hoang hoải, bầu trời vần vũ như muốn đổ ập xuống. Người xe từ đâu túa ra, đại lộ tắt nghẽn. Tiếng còi, tiếng động cơ, tiếng đồ đạc va chạm, tiếng người dồn dập khiến tôi muốn nôn mửa. Có những giọt nước lạnh buốt rơi trên đầu, tôi ngước lên nhìn. Trời đã lất phất mưa bay. Và trên tòa nhà cao ngất kia, bên cạnh tháp giả Effel đồng đỏ nhọn hoắt như đâm thẳng vào lòng người, tôi đã nhìn thấy một bóng người. Bóng ai đứng trên tầng thượng chót vót, giống hệt cây đại thụ đứng sừng sững trên ngọn đồi cô độc.. KHÔNG! Tôi gào lên, chạy đến đó. Một loạt tiếng còi dữ dội vang lên, và một cơn chấn động mạnh ập đến, tôi thấy mình bay lên. Khoảnh khắc cuối cùng, trong mắt tôi chỉ còn phản chiếu đỉnh cao trống rỗng. Hình ảnh cậu bé với mái tóc chải ngược bóng loáng trong bộ Tây phục vừa vặn tinh xảo, đôi mắt lấp lánh ý cười ngạo mạn lại nhoáng qua miền kí ức. Đó là khi nào nhỉ? Chẳng thể nhớ nổi đã từ lúc nào chẳng thấy được nụ cười ấy nữa. Phải rồi, có lẽ là từ buổi chia tay hôm ấy. Có lẽ là từ độ ấy, hạt mầm kia đã bén rễ trong anh. Giá như có thể quay lại, nhất định tôi sẽ.. Giữa vũng máu đậm đang loang ra mặt đường, một ánh sáng cầu vồng bỗng lóe lên, trong hư không chợt có tiếng nói: - Người muốn gì? Tôi sẵn sàng vâng lời như kẻ nô lệ của Ngườỉ và tất cả những ai có đèn trong tay, tôi và những nô lệ khác của đèn đều thế. Và tôi đã đáp: - Anh ấy được hạnh phúc. (1) Bài hát Đem đau thương lưu lại cho chính em 把悲伤留给自己 - 孙露 (Ba bei shang liu gei zi ji - Sun Lu)
CHƯƠNG 3: THÁNG NĂM TRỞ VỀ Bấm để xem - Lãm! – Tôi gào lên, vùng dậy, nhìn thấy trước mặt mình có một vòng người rối rít: - Cô bé tỉnh rồi! - Cháu thấy đau ở đâu không? Có nhìn rõ không? - Anh ấy đâu? – Tôi nhìn quanh, không thấy bóng dáng quen thuộc, trái tim bất an đến tê dại, suy yếu hỏi. - Ai cơ? - Khúc Lãm, người đã nhảy xuống ngay trước chỗ tôi gặp tai nạn, anh ấy không sao, đúng không? - Đó là ai? Chẳng có ai nhảy xuống ngay đó cả, cháu gái à. - Thật không? – Tôi mở bừng mắt hỏi. Không có sao? - Chúng tôi nói dối cháu làm gì.. - Vậy tại sao anh ấy không ở đây? Mọi người không gọi cho anh ấy.. à người thân tôi sao? - Vẫn chưa, chúng tôi không có cách nào xác định nhân thân của cháu.. - Điện thoại của tôi chỉ có số mình anh ấy thôi.. - Lúc cháu đến đây cũng không thấy có đồ gì.. - Mất rồi sao.. Có thể cho tôi mượn điện thoại được không? Đầu dây bên kia cứ có những tiếng bíp bíp bíp không ngừng, và rồi giọng nói quen thuộc vang lên: "Số thuê bao quý khách vừa gọi không tồn tại." Sao? Tôi nhấn gọi lại, vẫn vậy. Những tiếng bíp quẩn quanh cứ chực tóm tôi vào vòng mòng mòng khiếp đảm lúc đó. Không phải là thuê bao đang bận, hay ngoài vùng mất sóng, mà là không tồn tại. Chuyện gì đang xảy ra thế này? - Cháu có nhớ nhầm không? – Người đàn ông đứng gần tôi nhất hỏi. - Sao có thể nhầ.. Tôi lẩm bẩm, nhìn thật kĩ dòng số trên điện thoại. Không thể sai được. Rốt cuộc là có ch- Khoan đã, có cái gì đó rất kì lạ.. Sao tay tôi lại nhỏ thế này? Tôi kéo chăn ra, sờ tay chân và mặt, sao lại nhỏ thế này? - Gương. Cho tôi gương! – Tôi hoảng hốt nói, lại khiếp sợ nghe giọng nói non nớt từ miệng mình phát ra. Tấm gương được đưa đến, tôi không tin được nhìn thấy gương mặt tái nhợt ốm yếu của một đứa trẻ xa lạ phản chiếu trong đó, run rẩy hỏi: - Ai thế này? - Cháu nói gì vậy? Là cháu mà? - Không phải tôi! – Tôi hét lên – Anh nhìn đi, sao tôi lại biến thành.. Tôi khựng lại một nhịp. Gương mặt trong gương không hoàn toàn xa lạ. Ánh mắt cô bé này rất quen. Tôi đã nhìn thấy ở đâu đó rồi. Chiếc điện thoại nắp gập lỗi thời lúc nãy bị tôi hoang mang ném xuống giường lọt vào mắt tôi. Trong tôi nảy ra một suy nghĩ quái dị. Tôi cầm điện thoại lên xem, thảng thốt hỏi: - Hôm nay là ngày nào? - Hả? Ngày 16 tháng 5. - Năm? - Hả? Tất nhiên là 2006 rồi, cháu mới hôn mê được ba ngày. Trong lòng tôi chấn động. Tôi hiểu rồi. Gương mặt này không xa lạ chút nào. Cô bé ốm yếu này chính là tôi. Tôi của tuổi lên mười! Tôi vội vã gọi về Khúc gia. Đã rất nhiều năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in dãy số này. Tiếng chuông quen thuộc vang lên, và có người bắt máy. Một giọt nước mắt nặng trịch lập tức rơi thẳng xuống má tôi. - Mộc Mộc! – Khoảng hai mươi phút sau, một người phụ nữ đã mở cửa xông vào, thảng thốt gọi tôi. Trước mắt tôi lập tức mờ nhòe, hô hấp đình trệ. Biết bao năm tôi nhớ đôi mắt hiền từ lo âu này, đôi tay ấm áp dịu dàng này, chất giọng cao vút hơi vội vàng này. Biết bao năm tôi cố gắng chấp nhận sự thật rằng mình đã mãi mãi chẳng bao giờ được nhìn thấy người trong cuộc đời. - Dì! – Tôi gào lên, nhào đến ôm lấy dì, khóc đến nghiêng trời lệch đất. Mặc cho tôi nôn nóng muốn về nhà, dì vẫn kiên quyết muốn tôi ở lại viện theo dõi thêm một thời gian, nên mấy ngày sau chúng tôi mới có thể về đến Khúc gia. Chiếc xe đỗ bên kia đường, tôi và dì bước xuống. Vừa nhìn thấy khung cảnh trước mắt, sương mờ đã lần nữa giăng ngập mắt tôi, chân tôi hơi run, không dám tiến thêm một bước nào. Chiếc cổng lớn bằng gỗ hổ bì màu đỏ nâu vẫn sừng sững đứng đó, những đường vân gỗ vàng đen uốn lượn vẫn rõ rệt như mới, và xuyên qua khoảng trống giữa những thanh gỗ dọc tinh xảo, tôi nhìn thấy mảnh vườn xanh mướt hai bên và những phiến đá vuông vắn lót đường ở giữa, hồ nước dập dềnh phản chiếu bóng cây chùm ruột trĩu quả, đằng sau là dinh thự màu trắng đẹp đẽ, mái xám cong cong và những người ăn vận tinh tươm đang tấp nập rộn ràng. Ông trời ơi, dì tôi vẫn còn, Khúc gia vẫn còn, thời gian thực sự đã quay ngược, tôi thực sự đã sống lại mười hai năm trước! Khi tôi còn bần thần trong miền miên man xúc động, cổng từ từ mở ra. Tôi ngỡ ngàng nhìn thấy cậu bé với mái tóc chải ngược bóng loáng trong bộ Tây phục vừa vặn tinh xảo, đôi mắt tinh anh ẩn chứa ý cười cao ngạo. Cậu chủ nhỏ của tôi. Lãm của tôi. Cậu đi giữa ông chủ và bà chủ đang từ phía sau cánh cổng hổ bì tiến về phía này. Gia đình ba người đẹp đẽ như một bức họa, người cha anh tuấn nhã nhặn đang nói gì đó, người mẹ xinh đẹp dịu dàng khe khẽ gật đầu, cậu con trai khôi ngô lanh lợi nhấp nháy cái miệng nhỏ, đôi mắt lấp lánh và nụ cười rạng rỡ càng tôn thêm ngũ quan tinh tế của họ. Trước mặt họ là giàn gia nhân tận tâm với những ánh nhìn tràn đầy ngưỡng mộ đang đứng đợi, sau lưng họ là tòa dinh thự nguy nga và khu vườn sống động; một làn gió thoảng qua, vài phiến lá hơi ngả màu cam đỏ của cây bàng lá nhỏ chao lượn bay xuống, vương trên những mái tóc đen mềm; mùi hương thanh mát tươi mới của những ngọn cỏ, những đóa hoa, lẫn quyện với mùi gỗ hổ bì lướt qua đầu mũi; đáy lòng tràn ngập một cảm giác mềm mại nhẹ nhàng, như thể những điều mĩ mãn nhất thế gian đều đã tề tựu nơi đây. Ba người đã ra đến trước xe, chếch một chút với chỗ tôi và dì đang đứng, nhưng dường như vẫn quyến luyến chưa muốn rời nhau đi. - Đồ ăn Thái cay nóng, anh đừng ăn ngoài quá nhiều nhé, dạ dày anh còn chưa hồi phục hẳn đâu. – Bà chủ mềm mại nói. - Anh biết rồi, em đừng lo. – Ông chủ ấm áp đáp, lại hiền từ xoa đầu cậu chủ nhỏ: - Lãm à, con vẫn chưa nghĩ ra thích món quà gì à? - Cha, đừng xoa đầu, con lớn rồi. – Cậu bé càu nhàu, lại nói – Hãy đem về cho con vài mẫu đất đá Bangkok. - Nhà chúng ta thiếu đất đá sao? – Ông chủ nói giọng khó hiểu. - Làm sao giống nhau được! Mỗi vùng.. Cậu bé cứ thao thao bất tuyệt nói về đất đá thổ nhưỡng chứng nhân lịch sử các thứ, một bộ ông cụ non, trông đáng yêu không thể tả, khóe miệng tôi kéo càng lúc càng cao. Nhưng đột ngột, một luồng điện xẹt dọc sống lưng tôi. Bangkok? - Hôm nay là ngày bao nhiêu vậy dì? – Tôi run run hỏi. Dì tôi đáp giọng hơi cười: - Ngày Tết thiếu nhi. Sao nào, muốn quà? Tôi nghĩ mặt mình chắc chắn tái nhợt rồi. Ngày này hằng năm không khí trong nhà chúng tôi đều rất buồn. Là ngày giỗ của ông chủ! Ông chủ qua đời vào ngày Tết thiếu nhi trong một tai nạn máy bay khi đi công tác ở Bangkok năm anh mười ba tuổi. Anh hơn tôi ba tuổi. Tôi hít sâu, một giờ chiều ngày 1 tháng 6 năm 2006! - Ông chủ, người đừng đi! - Chuyến bay sẽ gặp tai nạn, người sẽ chết đó! - Không, con sẽ không để người đi đâu! Tôi nghĩ mình đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần ba câu đó, ngang bướng bám chặt lấy chân ông chủ, bỏ ngoài tai mọi lời dỗ dành, khuyên bảo, dọa nạt, đến nỗi cả ông chủ ôn hòa cũng bắt đầu nhíu mày, bà chủ thì hơi hoảng hốt, còn cậu chủ thì nhìn tôi phiền chán. Chú quản gia bắt đầu nghiêm mặt quát tôi, còn dì dùng sức gỡ tôi ra, cuống quýt đến mức đánh vào tay chân tôi rồi lại bật khóc, nói rằng chắc chắn tai nạn kia đã khiến tôi bị tổn thương đầu mất rồi. Cả một nhà đang bình yên đều bị tôi làm cho náo loạn không chịu nổi. Cuối cùng họ kiên quyết gỡ tôi ra, giữ chặt tôi đưa về phòng, còn ông chủ nhanh chóng lên xe rời đi. Không một ai tin tôi. Tôi lừa dì đi nấu cháo, vội vã chui lỗ chó ra ngoài, bắt một chiếc taxi. Vừa đến sân bay tôi đã liều mạng mở cửa phóng ra ngoài, nhưng mới mấy bước đã bị bắt lại, người tài xế không nhịn được cho tôi mấy bạt tai, may nhờ có an ninh sân bay đến giúp. Tôi chạy vào sân bay, nhưng tìm khắp nơi vẫn không thấy người. Mười ba giờ ba mươi phút. Giờ này có lẽ đã làm xong thủ tục và sắp sửa bay rồi. Người tôi đẫm mồ hôi, chân muốn khụy xuống. Đã đến được đây rồi. Đã đến tận đây rồi. Chẳng lẽ lại vẫn giương mắt nhìn cha anh chết, nhìn những bi kịch của anh tái diễn hay sao? Không. Tôi phải làm gì đó. Bất cứ điều gì để ngăn bi kịch này lại. Tôi hoảng loạn nhìn quanh. Bất cứ điều gì. Bất c- ngay lúc ấy, tôi thấy tờ băng rôn chống bạo hành trẻ em. Tôi tập tễnh bước ra khỏi nhà vệ sinh, vòng băng trắng trên đầu đã ngả đỏ, gương mặt u sưng, khóe miệng rách toạt không ngừng chảy máu, ánh mắt vụn vỡ. An ninh sân bay ngay lập tức đến đỡ lấy tôi, tôi run rẩy bám lấy tay áo một người, bật khóc khẩn khoản: - Cứu em cháu với, ông ta đã bắt em cháu đi rồi! Quanh tôi đã có một vòng người, một người trong số đó cố giữ giọng ôn hòa hỏi tôi: - Người nào cháu có biết không? - Khúc Quân. Cháu nghe lén được, Khúc Quân, chuyến bay đến Bangkok lúc một giờ. – Tôi run rẩy nói. - Chờ chú một chút. - Chăm sóc cho cô bé. – Người dường như là đội trưởng nói với người bên cạnh, quyết đoán bước đi. Tôi thấp thỏm ngồi chờ, vừa dùng tiếng khóc đối phó với những câu hỏi, vừa âm thầm để ý bảng chuyến bay đằng xa. Một giờ đến Bangkok, có quá nhiều chuyến bay. Thời gian càng trôi qua, tôi lại càng lo lắng. Mười lăm phút sau, ông chủ đã được "mời" đến. Tôi lập tức nhào đến gào khóc: - Em tôi đâu? Ông bắt em tôi đi đâu? - Mộc Mộc? Mặt mũi cháu sao thế? Cháu đang nói gì vậy? – Ông chủ hoang mang hỏi. - Đừng giả vờ nữa, mau trả em cho tôi! – Tôi gào lên. Ông chủ vươn tay đến, tôi co rúm lùi lại, người đội trưởng lúc nãy lập tức bước lên đứng trước mặt tôi, đưa tay làm điệu mời: - Ngài Khúc, chúng ta đến sở cảnh sát một chuyến làm rõ vậy. - Không được, chuyến bay của tôi.. Cuộc làm ăn này rất quan trọng.. – Ông chủ nhíu mày, lại quay sang tôi: - Mộc Mộc, việc này rất quan trọng với chú, cháu ngoan ngoãn để họ đưa về nhà, được không? – Tôi lại ra điều sợ sệt ôm lấy chân của người đội trưởng. - Xin lỗi ngài Khúc, phải để ngài gác lại công việc vậy. – Người đội trưởng dứt khoát nói, lại đưa tay dắt tay tôi – Cháu gái, đi với chú. Thế là chúng tôi đến đồn cảnh sát. Ông chủ dần mất kiên nhẫn với câu chuyện vô căn cứ của tôi và thái độ của cảnh sát, gọi cho Khúc gia bảo chú quản gia đưa dì tôi và giấy tờ của tôi đến. Nhưng tôi sống chết không nhận, nói rằng dì tôi đã bán hai chị em tôi. Dì tôi oan ức đến phát khóc, luôn miệng hỏi tôi bị làm sao, muốn làm gì. Sau khi kiểm tra camera an ninh, phát hiện tôi xuất hiện thương tích trên mặt sau khi vào nhà vệ sinh, nhưng lúc đó rất rõ ràng ông chủ đang làm thủ tục bay, tôi khóc lóc thú nhận vì sốt ruột cứu em nên mới làm vậy. Chúng tôi cứ giằng co mấy tiếng đồng hồ cho đến khi câu chuyện bịa đặt của tôi sụp đổ hoàn toàn. Không kịp lên chuyến bay, ông chủ và chú quản gia tức giận rời đi, để lại tôi và dì bị vây giữa những người cảnh sát tức giận, có người luôn miệng hỏi động cơ, có người còn không nhịn được mắng tôi gây chuyện, hại người. Dì tôi khóc đến hạc cả người xin bọn họ tha cho tôi, vì tôi vừa gặp tai nạn nên mới bất thường như vậy. Cho đến mấy tiếng sau, chú quản gia một lần nữa vội vã trở lại, nói với chúng tôi chuyến bay vừa gặp nạn, tôi mới thật lòng bật khóc. Tôi được đưa đến bệnh viện tư nhân của Khúc gia chăm sóc vết thương. Ngày xuất viện về, cả gia đình đều đứng trước thềm đợi, bà chủ mắt đỏ hoe chạy đến ôm chầm lấy tôi khóc rất nhiều. Sau đó, tôi được cùng đến sống trong nhà chính và đi học với cậu chủ, lại bằng một cách khác đến bên cạnh Lãm của tôi.
CHƯƠNG 4: CƠN MƯA ĐẦU MÙA Bấm để xem KÉTTTT! CỐP! Đầu bị va vào cửa kính, tôi mở mắt dậy, vô thức đưa tay xoa đầu. - Xin lỗi cô chủ, có.. Người tài xế thấy tôi lắc đầu cười ý không sao liền ngừng lại câu nói, trong xe tĩnh lặng trở lại. "Thắm thoát, mười hai năm đã trôi qua", cái suy nghĩ đó đến với tôi rất tự nhiên, giống như cái dòng "Ten years later.." trên phim vậy. Và cũng rất tự nhiên, những ký ức mười hai năm qua như một dòng suối nhỏ chảy trôi qua mạng lưới sông ngòi chằng chịt trong não bộ và theo huyết mạch chảy khắp cơ thể. À, chẳng phải đã xuyên không đến mười hai năm sau nhỉ, chỉ là trong cơn mơ màng tôi lại thoáng quên đi mười hai năm này mà thôi. Hoặc là tôi muốn quên đi. Mười hai năm trôi qua, mọi chuyện đổi khác, tình yêu năm đó cũng chẳng trở lại. Tôi ngồi trong xe, trời chợt lất phất mưa bay, ánh đèn đường chếnh choáng lắc lư, phố xá ngất ngây trong sắc màu tươi mới. - Cô chủ, để tôi nâng kính lên. – Người tài xế nói. - Nâng của anh được rồi. – Tôi ngửa đầu dựa vào ghế, nghiêng mặt đón lấy những tia nước mát lạnh đi hoang chạy vào cửa kính. Bên ngoài, những chiếc áo gió đủ sắc màu đã tung cánh bay lên, những bước giẫm nước sóng đôi nhịp nhàng nghe đầy ý vị thanh xuân. Tôi như có thể nghe được giai điệu rộn ràng reo vui trong tiếng mưa. À, nhớ ra rồi, là trong bộ phim The Classic. Cơn mưa đầu mùa. Tình yêu đầu đời. Trong trẻo như thế. Tươi trẻ như thế. Khiến người ta đê mê như thế. Đầu cứ như bị người châm kim, âm ỉ nhói lên từng cơn, đau. "Đối với em, anh chỉ như ánh tà dương sắp lặn, chỉ còn là một phần ký ức đẹp đẽ Nhưng xin em hãy ghi nhớ những ngày tháng bên nhau Để không phải hối tiếc, để những ký ức mãi đẹp đẽ như tranh." (2) Chàng trai năm ấy đã lẩm nhẩm giai điệu ấy, khi chúng tôi sóng vai chạy dưới mưa. Anh nắm tay kéo tôi lại, bảo không cần chạy, cứ chậm rãi mà đi. Bên vai trái anh ướt rồi, tôi đẩy cán dù nghiêng qua anh, chẳng được bao lâu lại thấy độ nghiêng lại trở lại như trước, tôi lại chỉnh, anh chỉ cười bất đắc dĩ, kéo vai tôi sát lại: - Cô ngố à, những lúc thế này em nên đi gần anh hơn để cả hai cùng không bị ướt, chứ không phải lo chỉnh dù về hướng anh, hiểu không? Tôi hiểu rồi, đến bây giờ tôi mới hiểu được, nên giống như cô gái kia, thân ảnh mong manh nép vào lòng anh, bước chân thật chậm, nhu hòa trò chuyện, đáy mắt nụ cười đều tràn ngập hình bóng của đối phương, dường như muốn thời gian mãi mãi dừng lại tại phút giây hạnh phúc ấy. Tôi từng tưởng trong thế giới này, Lãm vô tâm. Tôi từng tưởng anh không để ý đến tình cảm của tôi, chỉ vì anh vô tâm. Thì ra, chỉ vì tâm của anh ấy không hướng về tôi mà thôi. Thực ra cũng chẳng có gì bất ngờ. Hôm đó, vô tình bắt gặp ánh mắt anh nhìn cô ấy tôi đã biết rồi, nên mới ngốc nghếch khó dễ cô ấy. Lúc đó anh tức giận nói tôi cuồng dại, không nói lý lẽ, giờ đã hiểu chưa? Tôi biết anh yêu cô ấy từ trước khi trái tim anh kịp nhận ra nữa. Lúc trước tôi từng thích một câu thoại trong phim The Vow, không nhớ nguyên văn, đại ý là: "Anh biết em yêu anh ta nhiều như thế nào. Bởi vì em từng dùng ánh mắt ấy để yêu anh." * * * tuyệt đối không thể! - Cô ấy cứu mạng cha, biết bao thứ để báo đáp, tại sao phải đem hôn nhân của con ra? - Con không yêu cô ấy! Lại thế nữa rồi. Vừa bước vào cửa đã nghe anh và cha cự cãi. Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, ầm ĩ mãi. Tôi biết, chẳng cần tôi ra mặt, chú và dì cũng sẽ chẳng bao giờ đồng ý với anh đâu. Bởi vì sự mê luyến của tình yêu, anh quên mất rằng vị trí của tôi chẳng ai có thể lay chuyển được, thêm nhiều lời to tiếng không hay cũng chỉ làm tất cả thêm mệt mỏi đớn đau mà thôi. Đầu lại nhoi nhói đau, tôi quay ra cổng phụ về phòng, vờ rằng mình chẳng hề nghe thấy gì. Buổi sáng, tôi bước vào thư viện màu trắng với những dãy kệ gỗ thật cao, vờ như mình là một tiểu thư trong bộ phim lãng mạn nào đó, nhấc lấy hết cuốn này đến cuốn khác, vừa xoay tròn vừa đọc những đoạn ngắn, dường như đang khiêu vũ cùng ngôn từ trong những ánh cầu vồng lấp lánh hắt xuyên qua những khung cửa sổ ngũ sắc trên cao. Đây là thói quen thanh nhã từ khi tôi dần quen với thế giới này. Mỗi khi muốn tìm về sự bình yên trong tâm hồn, tôi đều đến nơi này. Mặc dù vẫn như trước không thích đọc sách, chẳng đọc trọn vẹn được bao nhiêu cuốn sách, mùi hương lẫn quyện của giấy, gỗ và nắng của nơi này lại ngất ngây mê hoặc trái tim tôi. Đương khi tôi đang đắm mình vào vũ điệu, lại nghe giọng trầm thấp của anh: - Em đang làm gì thế? Tôi bày ra vẻ mặt ngây ngô cười nói: - Đang khiêu vũ. Anh xem, thầy nói điệu Viennese Waltz của em lợi hại lắm! – Tôi vừa nói vừa uyển chuyển nhảy về phía anh, nghiêng người: - Hỡi chàng con trai của thần mặt trời, vầng dương lấp lánh khoác trên người chàng khiến trái tim ta khát cầu, xin bước đến cùng ta hoan vui trong vũ điệu ánh dương. Anh hờ hững nhìn tôi, lạnh nhạt nói: - Nói chuyện nghiêm túc đi. Anh biết hôm qua em đã nghe. Em cũng biết anh cố ý chọn lúc đó nói để em nghe. - Nghe hay không nghe thì sao chứ? – Tôi đáp. - Chỉ cần em nói một tiếng, cha sẽ không ép chúng ta nữa. - Là ép anh, không phải ép chúng ta. Em sẽ không can thiệp vào tranh cãi của anh và chú đâu. - Cho dù em không ở bên anh thì Khúc gia vẫn luôn có chỗ cho em, sao phải miễn cưỡng một người không yêu mình? - Vì đó là người em yêu. - Nhưng anh không yêu em. Không đâu, anh từng yêu em. Ta từng yêu nhau rất nhiều. Anh chỉ quên mất thôi. - Em xin lỗi, mỗi người đều phải tranh đấu cho tình yêu của chính mình thôi. Anh có thể tìm cách gỡ tay em ra, nhưng em sẽ không tự mình buông tay đâu. - Trong đầu em rốt cuộc đang nghĩ cái gì vậy? – Anh nhíu mày, sập cửa rời đi. Căn phòng thật lớn, tiếng sập cửa rất vang, người đã rời đi, chỉ còn lại mình tôi. Tôi bước đến chiếc kệ áp chót, vớ lấy một cuốn. Chiếc kệ này là dành riêng cho tôi, toàn những cuốn sách quái lạ mà những người khác trong nhà chẳng bao giờ đọc đến. Tôi ngồi xếp bằng xuống sàn đọc, ô, truyện ngắn này lúc trước tôi từng đọc rồi, nhưng lại lười đứng lên đổi, chán nản lật giở. Mới được vài trang, tôi đã gấp lại, ngả người vào dãy kệ sách phía sau, ngây ngẩn nhìn trần nhà. Không khí truyện buồn quá, không đọc nổi nữa. Truyện kể về tâm tình của một người vợ, trong thời gian cô cùng các con đi di tản chiến tranh, người chồng ở lại đã nảy sinh tình cảm với người phụ nữ xin tá túc, trải qua nhiều giằng xé giữa tình yêu và người vợ trinh thục. Cả hai nhân vật đều quẫn bách. Người chồng thì "Chẳng thà phát điên lên còn vui hơn", người vợ thì "Em chẳng thà không được anh nghĩ đến, chẳng thà bị anh ghét, căm hận thì tâm tư em có lẽ còn thoải mái hơn. Nếu yêu người ta, xin hãy quên vợ mình đi mà yêu cho tận tụy, cho miệt mài!". Tình yêu đúng là một thứ quả độc, cho dù biết rõ vợ mình tốt đẹp đến thế, người chồng vẫn chọn một phương cách thật quyết tuyệt để theo đuổi tình yêu, dẫu ngoài luồng, cuối cùng còn quyết định quyên sinh cùng người phụ nữ kia. Cũng giống như câu chuyện Đồi thông hai mộ, tự tử đôi, nhưng trong truyện này, người chồng đã gặp người vợ trước, chia sẻ biết bao nhiêu ngọt bùi đắng cay, họ còn có những ba đứa con. Người chồng trong truyện là một người tử tế, anh ta bị dằn vặt bởi sự phản bội của mình, vẫn dành cho người vợ sự trân trọng dù tất cả tình yêu đều đã thuộc về người phụ nữ kia. Nếu anh ta không phải người tử tế thì đã chẳng phải dằn vặt bởi tội lỗi của mình đến thế; và người vợ cũng chẳng phải dằn vặt bởi những khoảnh khắc hạnh phúc ngụy tạo ngắn ngủi đến thế. Nếu anh ta không phải người tử tế, có lẽ phương thức chấm dứt mọi chuyện đã không buồn thảm đến thế. Có điều, thà rằng anh ta đừng tử tế. Sự tử tế chỉ càng tô đậm sự thay lòng của anh ta, khoét sâu vào vết thương của người vợ mà thôi. Lúc trước đọc xong, tôi từng tự hỏi chính mình, nếu như có một ngày Lãm phản bội tình yêu, dù chỉ trong ý nghĩ, thì tôi biết phải làm gì. Rồi anh cứ như những người đàn ông đó, ham chuộng mới lạ, bay nhảy phong lưu thì tốt; hay là vẫn si tình, nhưng là tình yêu với một cô gái khác thì tốt. Rồi không biết giữa việc anh biến tính, nhiễm thói bướm hoa, mê chuộng sắc dục; và việc anh vẫn là anh, mà lại đem tình yêu hướng về một cô gái khác, cái nào dễ chấp nhận hơn. Chỉ một chuyện đâu đâu như vậy cũng làm tôi nghĩ ngợi cả một buổi chiều, rồi buồn cả mấy ngày, đúng là chẳng phải vô cớ mà Lãm thường nói tôi đa sầu đa cảm, hay nghĩ vẩn nghĩ vơ. Lúc đó tôi nghĩ dù rằng có đau buồn đến thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ buông tay một trái tim đã không còn thuộc về mình. Hóa ra, tôi không làm được. Mà không, tôi lại nghĩ lung tung đấy thôi. Lãm của tôi đâu phải loại người như thế. Anh chưa từng phản bội tình yêu chúng tôi. Chỉ là anh ở trong thế giới này chưa từng yêu tôi mà thôi. (2) Bài hát Me to you, you to me - The Classic Ost
CHƯƠNG 5: VÌ SAO THẤT LẠC Bấm để xem Đêm đã về khuya, tôi xoay qua xoay lại trên giường mãi chẳng ngủ được bèn nhấc mình dậy. Đêm không trăng, chỉ có ánh đèn đường bên dưới gửi vào không gian tịch mịch chút ánh sáng vàng vọt. Chiếc kính thiên văn đã lắp sẵn bên cửa sổ chĩa thẳng vào bầu trời đen thăm thẳm như một khẩu súng đã nhắm thẳng vào mục tiêu vô hình. Tôi rời giường, đến ngồi vào ghế, mở nắp kính, bấm chọn một mục tiêu ngẫu nhiên trong bộ điều khiển, ống kính ro ro xoay chuyển. Nếu không có bộ tự tìm mục tiêu này, chỉ sợ tôi chẳng ngắm được cái gì ngoài mặt trăng. (Mặc dù những hố mặt trăng và vùng sáng tối trông cũng rất đẹp). Chiếc kính này chú đã mua cho tôi mấy năm trước, sau khi thấy tôi cứ chật vật chỉnh ngắm mãi con Meade Polaris mà cũng chẳng đâu vào đâu. Lúc trước phòng của tôi cũng không phải ở đây, nhưng cô chú cũng cho tu sửa lại căn phòng này và cả mái tầng này để tôi có một không gian tuyệt vời nhất để ngắm sao bất cứ lúc nào. Thật là những người tuyệt vời. Tôi ghé mắt vào ống kính, kinh ngạc nhận ra chòm sao đã chọn rất quen. Thực sự rất quen. Lãm đã chỉ cho tôi rồi. À, không phải là Lãm bây giờ, là anh đời trước. Lúc đó, anh rất thích ngắm sao, chòm sao nào anh cũng biết cả. Vào những đêm trời trong, chúng tôi sẽ lái xe lên núi, nằm trên thùng xe bán tải ngắm sao. Anh nằm cạnh tôi, đưa tay lên chỉ hết chòm sao này đến chòm sao khác, kể biết bao nhiêu câu chuyện, nào là các nhà khoa học đã tìm ra chúng như thế nào, họ cãi nhau vì chúng ra sao, họ đặt tên chúng theo vị thần nào, rồi thì vị thần đó như thế nào trong thần thoại Hy Lạp, ứng với ai trong thần thoại Bắc Âu, kể mãi kể mãi cũng không hết chuyện. - Có phải anh là hoàng tử của các vì sao không? À, là "vì sao đưa anh đến", đúng không? – Một nửa đêm nào đó, tôi bật cười hỏi anh. - Hả? – Anh ngạc nhiên nhìn tôi. - Là các vì sao đang kể cho anh nghe, sau đó anh chỉ thuật lại cho em, đúng không? Anh lắc nhẹ đầu, nói giọng bất đắc dĩ: - Lại nói ngốc nữa rồi. - Nếu không, làm sao anh lại nhớ nhiều thế được, giống như một quyển bách khoa toàn thư vậy, cái gì cũng biết cả. – Tôi quay sang, giả điệu một đứa trẻ mở to đôi mắt nhìn anh sùng kính, nói giọng ngây ngô. Lãm nhìn tôi, cười một tiếng, nhưng lại như đột ngột nhớ ra gì đó, hàng mi thoáng hạ xuống, giọng nói hơi lạc đi: - Biết mấy cái này có ích gì chứ? Nỗi buồn chỉ chờ có thế, tức thì len vào tim chúng tôi. Nhưng tôi nhìn lên bầu trời, reo lên: - Lãm, nhìn kìa, đám mây kia đã che mất chòm sao X rồi. - Là chòm Y. – Anh nhẹ cốc đầu tôi. - Lãm, là do chòm sao X đã không còn tỏa sáng hay sao? - Ôi cô ngố, là do mây ch- Dường như đã hiểu ra ý tôi, anh bỏ dở câu nói. Tôi tiếp tục: - Ta không nhìn thấy, đâu có nghĩa là những vì sao không tỏa sáng. Những vì sao sẽ chẳng vì không được loài người bé nhỏ nhìn đến mà không còn là những vì sao. - Lãm, em không tin những lời bi quan của anh đâu. Em biết anh vẫn luôn biết, cho dù tầng mây kia có rộng lớn đến mức che phủ bầu trời của ta mãi, thì ở sau nó, chòm X vẫn đang tỏa sáng rực rỡ. Khoảnh khắc đó, dường như đã có một đôi sao băng thình lình rơi vào đôi mắt của Lãm, ánh mắt anh lấp lánh thứ ánh sáng mê người, tiến lại gần đỡ lấy gáy tôi. Như thể cả vũ trụ đã chảy tràn giữa hai vành môi, chẳng còn tôi và anh, chỉ còn là cuộc hội ngộ vĩ đại của những hạt bụi sao đã thất lạc nhau hàng tỷ năm từ sau vụ nổ siêu tân tinh. Tất nhiên lúc đó chúng tôi sẽ nói tên các chòm sao, nghe rất lãng mạn, chứ chẳng phải X và Y. Chỉ là hiện tại tôi chẳng cách nào nhớ được tên chúng nữa rồi. Tôi lại nhìn vào ống kính, lục soát trí nhớ. Rốt cuộc là chòm sao gì nhỉ? Lãm rõ ràng đã chỉ cho tôi rồi. Hàng chục lần rồi. Mà tôi vẫn luôn không nhớ, thật tệ. Có lẽ vì tôi chẳng quá say mê ngắm nghía, chẳng bao giờ tập trung xem anh chỉ. Anh ngắm sao, còn tôi ngắm anh. Thật buồn, ngay cả trong ký ức hạnh phúc nhất, ánh mắt của chúng tôi cũng chẳng nhìn về một hướng. Mà không, có lẽ vì trong lòng tôi anh cũng là một vì sao. Tôi nhấc máy gọi cho Lãm, muốn hỏi anh tên của chòm sao, nhưng tiếng tút ở đầu bên kia kéo dài mãi. Tôi chán nản lại buông điện thoại nhìn vào ống kính. Thậm chí còn chẳng biết nên liên kết các ngôi sao thành hình gì để lên mạng tra, tệ thật đấy. Chiếc điều khiển và dòng chữ trên đó đột ngột lọt vào mắt tôi. Ôi, tôi điên mất rồi. May mà lúc nãy Lãm không nhấc máy, nếu không anh chắc chắn sẽ cho rằng tôi cố ý kiếm chuyện làm phiền. Tôi lên mạng tra về chòm sao Sirius. Nhắc tới cái tên này lại liên tưởng đến Sirius Black trong Harry Potter. À, cả hai đều là chó đen. Chòm sao còn có tên gọi khác là Thiên Lang. Không phải Thiên Cẩu sẽ đúng hơn sao? Có lẽ vì Thiên Cẩu nghe thô quá. À không, còn gọi là chòm Đại Khuyển này. Ồ, tôi ngẫm nghĩ, gọi là Thiên Lang vẫn hay hơn. Nhớ Lãm quá. Trong lòng tôi bật ra ý nghĩ chẳng liên quan đó. Có lẽ là vì nghĩ đến nếu có anh ở đây, tôi sẽ không cần tra trên mạng thế này. Thật nhớ Lãm, nhớ những đêm nằm trong thùng xe dưới bầu trời mênh mông vô chừng, anh nắm lấy tay tôi, từng bước dắt tôi vào thế giới rực rỡ của những vì sao. Hiện tại, cuộc sống của chúng tôi đã đổi khác quá nhiều nhỉ, chẳng cần phải lái xe tới ba bốn tiếng ra tận ngoại thành để tìm một khoảng trời ngắm sao. Tuy vậy, nỗi buồn vẫn chực chờ rình rập ở cửa ngõ cuộc đời, bất cứ lúc nào cũng có thể len thẳng vào tim, giống như lúc này. Thật buồn, bên cạnh đã có kính thiên văn tối tân, lại thiếu mất một người cùng ngắm sao. Đã có thể soi đến muôn ngàn vì tinh tú trên bầu trời, lại lạc mất bóng hình của vì sao trong tim. Tôi mở tủ, lôi ra chiếc Meade Polaris đã xếp xó được vài năm, lui cui lắp đặt, mãi cũng không xong, cũng chẳng biết để làm gì. Nhưng có quan trọng gì đâu. Dù sao thì cũng chỉ là tìm việc để làm để qua một đêm trống trải mà thôi. - Trong đầu em rốt cuộc đang nghĩ cái gì vậy? - Câu nói lúc sáng lại đột ngột vẳng vọng bên tai. Nghĩ về anh. Nghĩ về kệ sách áp chót chỉ có hai mươi mấy cuốn lẻ tẻ của cùng một tác giả. Thực ra lúc trước, vào những giờ nhàn rỗi trông coi thư viện, sau khi đã bày xếp, quét tước những giá sách, tôi cũng sẽ có đọc sách một chút. Mặc dù đó chưa bao giờ là sở thích, tôi vẫn mày mò tìm đọc các tác phẩm của Dazai Osamu, một trong những tác gia anh yêu thích thuở đó. Những câu chuyện của ông này tràn đầy một màu bi lụy và tuyệt vọng không lối thoát mà tôi chẳng thể thấm nổi. Tôi không hiểu nổi nhân vật Yozo, vì cớ gì lại chẳng thể suy nghĩ, hành xử như một người bình thường, xa cách loài người đến mức ngay cả những cuộc vui buồn bình dị nhất với những người ruột thịt cũng hung hiểm tới mức anh ta phải khốn đốn suy tính; vì cớ gì chẳng bao giờ nhìn thấy điều gì tốt đẹp mà nhất mực muốn dùng những cách thức cực đoan đoạn tuyệt với thế giới này; cũng không hiểu anh ta chật vật diễn không cát sê cả cuộc đời, để rồi cuối cùng mục đích của vở kịch là gì. Tôi không hiểu nổi nhân vật Yuuji, rõ ràng là một nhà quý tộc cao quý hơn người ta lại cố dìm mình vào những cuộc ăn chơi trác táng mà chẳng hề vui thú, chỉ vì để tỏ ra bại hoại, để hạ thấp mình xuống cho vừa nhập bọn với những người anh gọi là "phàm phu tục tử", trong sự kháng cự của tâm hồn thanh cao đến tận lúc tự kết liễu sinh mệnh. Tôi không hiểu nổi bản thân Dazai trong những câu chuyện tự thuật của ông, một người hội tụ đủ gia thế, tiền tài, dung mạo, tài hoa, chẳng phải hứng chịu biến cố nào mà lại năm lần bảy lượt tự hủy hoại tiền đồ để tìm đến cái chết, giống như ông ta đến thế giới này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tìm về cái chết mà thôi. Tôi càng không hiểu nổi vì sao anh lại thích ông ta, thích những câu chuyện khổ sở thế này; không hiểu là vì anh cứ đọc mãi những truyện này mới sinh ra những xúc cảm tiêu cực, hay là chính vì những cảm xúc tiêu cực sẵn có đã nên anh mới đọc mãi những thứ này. Tôi cứ như một đứa trẻ ê a tập đọc, cứ đơn thuần đánh vần rồi đọc ra, mà không hề hiểu ý nghĩa rốt cuộc là gì: Không hiểu nối nhân vật, không hiểu nổi câu chuyện, không hiểu nổi tác giả, cũng không hiểu nổi anh. Mặc dù luôn nghĩ về anh, tôi lại chưa từng hiểu được anh. Chẳng hiểu vì sao rõ ràng những đêm ngắm sao ấy, hạnh phúc đã tràn đầy đến thế, mà cuối cùng anh vẫn để hạt giống tuyệt vọng ấy len vào trong tim. - Biết mấy cái này có ích gì chứ? - Lãm, em không tin những lời bi quan của anh đâu. Em biết anh vẫn luôn biết, cho dù tầng mây kia có rộng lớn đến mức che phủ bầu trời của ta mãi, thì ở sau nó, chòm X vẫn đang tỏa sáng rực rỡ. Là vì những lời của tôi quá sáo rỗng sao? Hay là vì tôi đã không tin rằng anh bi quan đến thế? Hay là vì tôi chẳng thể hiểu cái hay trong truyện của Dazai Osamu? "Em nghĩ, là do em không đủ dịu dàng, chẳng thể cùng anh chia sẻ muộn phiền Những điều chẳng thể nói ra, sẽ thành nỗi hối tiếc ghim sâu trong tim" Câu hát ấy lại quanh quẩn trong lòng. Đáng lẽ lúc đó nên nghe lời sếp, đừng cứ hát những bài buồn bã cũ kĩ thế, hát mãi, nhớ mãi.
CHƯƠNG 6: HỒI ỨC BIẾN VỊ Bấm để xem Tôi quyết định đến nhà dì tôi chơi mấy ngày cho khuây khỏa. Hai năm sau sự kiện máy bay, dì tôi đã kết hôn với một người kĩ sư xây dựng rất hiền, chuyển về sống ở quê dượng cách thành phố chúng tôi khoảng bảy tiếng đi xe khách. Đến đầu năm nay thì dì tôi hoài thai con đầu lòng. - Tiếu Mộc, con định đi mấy ngày? – Lúc tiễn tôi ra xe dì Khúc hỏi. - Con cũng chưa biết nữa ạ, nhưng chắc sẽ trong tuần. - Dì sẽ rất nhớ con đó. – Dì Khúc nói, ánh mắt chân thật. Tôi sà vào lòng dì thủ thỉ: - Con cũng vậy. Chú và dì muốn tôi đi máy bay, hoặc để tài xế đưa tôi đi, nhưng tôi vẫn kiên quyết muốn đi xe khách, hại anh tài xế cũng phải đi xe khách cùng tôi. Xe vi vu chạy qua những cung đường có rừng cao su mùa lá đỏ đều tăm tắp, những rặng cúc quỳ vàng ươm lắc mình trong gió; lại băng qua cây cầu dài bắc ngang thung lũng với những ruộng bậc thang xanh mướt uốn lượn và những cảnh núi non bạt ngàn mờ hơi sương. Tôi chụp ảnh liên tục, vừa muốn gửi cho Lãm lại nhớ ra anh không dùng mạng xã hội, đành tự chụp tự xem. Bụng dì tôi đã khá tròn rồi, dì vừa xoa bụng vừa nói chắc là tôi sẽ có em gái, vì dì rất thèm ngọt. Dì còn vuốt mũi tôi nói nếu con bé xinh đẹp được như Mộc Mộc thì quá tốt, vừa nói xong liền như sực nhớ, vội vã bồi thêm câu, nhưng đừng nghịch ngợm lì lợm như tôi, sau đó còn cảm xúc dâng trào đem một ngàn lẻ một câu chuyện từ thời ông bà ông vả ra truy binh vấn tội tôi, khiến tôi không dám ngước mặt lên nhìn đời. Một lúc nữa thì xoa đầu tôi, nói ông bà chủ thật tốt, đã nuôi dạy tôi thành một tiểu thư thực thụ rồi, hỏi cậu chủ có đối tốt với tôi không, tôi có thể trả lời không sao? Tôi đến đúng dịp dượng đi công tác, trong nhà chỉ có hai dì cháu, dì tôi liền thiết kế một khóa đặc huấn nữ công gia chánh (địa ngục) toàn thời gian cho tôi: Mỗi ngày đều cùng đi chợ học cách chọn đồ tươi, chốt đơn, trả giá; cùng nấu ăn, từ món mặn như làm cá, rửa lòng, nhào bột nấu bánh canh, nặn bánh tai dạt; đến món ngọt như họ hàng hang hốc các loại chè, đặc có loãng có nóng có lạnh có, cả khuấy nước cốt dừa, đổ rau câu nhiều tầng; còn có cùng đan mũ tất cho em bé, một món đồ nhỏ xíu cũng tiêu tốn biết bao nhiêu mồ hôi xương máu của tôi. Sau đó, dường như thấy tôi hơi mất khí thế muốn tính bài chuồn về, dì tôi bèn làm đủ loại móc khóa hình thú treo thưởng, con nào con nấy ú na ú nần, biểu cảm sinh động, tư thế cũng đa đạng, moe mất máu! Rõ ràng là biết tôi u mê mấy thứ quỷ này, còn có bệnh nghiện sưu tập, không muốn sót một con nào, nên thả mồi mà! Vậy mà tôi còn rất hợp tác nhảy vào đớp lấy đớp để, đớp đến tận hơn một tuần mới đau! - Mộc Mộc, hay là ở lại đây với dì đi? Khi tôi đang cùng dì ngồi xem chương trình hài, cười đến lòng ruột xoắn cả vào nhau, bò cả ra đất, dì tôi đột nhiên nói. Tôi giật mình. Chẳng lẽ dì đã nhận ra cái gì? Tôi giơ tay lên trán làm điệu chào cờ, nghiêm giọng nói: - Tôi bỏ lính rồi, sĩ quan đừng có mà chèo kéo tôi vào huấn luyện địa ngục nữa. Thực ra, nếu như dì Khúc không hai ngày lại gọi một lần, dường như sốt ruột, có lẽ tôi vẫn chưa nhớ đến trở về. Mười ngày sau tôi cuối cùng cũng có mặt ở nhà. Tôi nấu lại món bánh canh cá dì dạy cho, chú dì Khúc khen ngon không ngớt, dì Khúc còn nói quá rằng lần này xuất đạo, viên ngọc thô là tôi đã được dì tôi mài giũa thành công, giá trị liên thành, chọc tôi cười không ngậm được miệng. Mấy năm gần đây dì Khúc bắt đầu nghiện xem phim truyền hình, nhất là cổ trang, khắp người đều là lời hay ý đẹp mà! Tôi khấp khởi ôm cà mèn nóng hổi đến chỗ Lãm, hôm nay anh lại tăng ca về trễ. Lúc trước anh thích nhất dì tôi nấu món này, mỗi lần ăn món này lại tiếc rằng một mĩ vị nhân gian như vậy lại đã bị thất truyền. À, là Lãm của đời trước. Vừa đến nơi liền thấy anh và cô ấy đứng bên ban công, cô ấy đang vươn tay chỉ lên bầu trời, không biết đang nói gì mà đôi môi anh đào không ngừng mấp máy, đôi mắt lấp lánh, gương mặt bừng sáng; còn anh thì thi thoảng lại nhìn trộm cô ấy, khóe miệng không tự chủ cứ giương cao, nhu tình dâng đầy đôi mắt; sau đó lại đến lượt anh nói rất nhiều, cô ấy chăm chú lắng nghe, trên môi luôn là nụ cười nhẹ ấm áp. Hai cái bóng giống như thấu tỏ tâm tư tình trong như đã mặt ngoài còn e của đôi người mà thấp thoáng lẫn quyện vào nhau, hòa hợp đến khiến khóe mắt tôi cay. Có lẽ cô ấy đang kể chuyện những vì sao. Cô ấy là công chúa đến từ những vì sao. "Em nghĩ, là do em không đủ dịu dàng Chẳng thể cùng anh chia sẻ muộn phiền Những điều chẳng thể nói ra Sẽ thành nỗi hối tiếc ghim sâu trong tim." Giai điệu ấy lại vẳng vọng. Nếu lúc đó như tôi cũng đồng điệu thấu hiểu anh như cô ấy, có thể cùng anh chia sẻ muộn phiền, có thể để anh nói ra, thì nỗi hối tiếc sẽ chẳng ghim sâu vào tim anh, thì Lãm của tôi.. đã chẳng trở thành một Người Cây, đúng không? Tôi không kiềm được cơn chua xót, quay đầu rời đi. Xe chúng tôi từ từ đi qua con đường năm đó. Tôi ngước nhìn lên, vẫn là tòa nhà màu xám cao ngất với cái tháp kim loại nhọn hoắt như chọc thẳng vào lòng người kia, hoảng hốt nhận ra năm nay là năm nó hoàn công. Còn cách thế giới cũ ba năm. Không hiểu sao gần đây lại thường nhớ về lúc đó. Có lẽ vì tòa nhà đó đã hoàn công. Vậy mà có lúc tôi tưởng mình đã quên. Mười hai năm sống trong thế giới tràn đầy tiếng cười khiến tôi có lúc lầm tưởng những năm tháng để nỗi buồn đóng rễ xưa kia chỉ là một hồi mộng hư vô. Nhưng những đèn hiệu, băng rôn, hàng quán ven đường, mùi hương hoa sứ của ngày hôm nay lại quen thuộc đến tận cốt tủy, như thể mười hai năm nay mới là một giấc mộng. Tôi cho dừng xe, tạt vào sạp hoành thánh quen bên góc đường dưới giàn hoa giấy ngũ sắc, gọi một ly sữa đậu bắp nóng và một dĩa quẩy, chọn một góc bàn vắng vẻ nhất ngồi xuống. Tiếc là có lẽ vì bộ trang phục trên người tôi quá nổi bật, ánh mắt của người đi đường vẫn như có như không rảo về hướng này. Tôi nhìn cà mèn vẫn còn nóng, tiếc thật, món bánh canh này thật sự rất ngon. Nếu như lúc đó tôi biết nấu thì tốt rồi, có thể nấu cho Lãm ăn, khi anh còn muốn ăn. Một bông hoa tím khẽ rơi xuống đậu trên đĩa quẩy của tôi, như một thức trang trí đẹp đẽ. Những cánh hoa mỏng manh khẽ phe phẩy trong những cơn gió nhẹ đến chẳng cảm nhận được. À, không phải cánh hoa nhỉ, Lãm đã nói rồi, đó là lá bấc, còn những sợi vàng gầy guộc này mới là hoa. Tôi gảy gảy những đầu hoa nhỏ xíu, một làn hơi ấm của thanh quẩy vàng rụm nhẹ thoảng qua đầu ngón tay. Ồ, đĩa quẩy còn đầy quá. Phải ăn hai người mới hết được. - Cô gái, cháu cũng tới quán mấy lần rồi, hay là thử một chút hoành thánh đi. Thực sự không tệ đâu. Lựa lúc vắng khách, cô chủ quán bỗng đến ngồi bên chiếc bàn chếch một chút về phía tôi nói. Tôi biết chứ, cả Lãm và tôi đều nhất trí đây là sạp hoành thánh ngon nhất trên đời. Dù đã có lúc nay đây mai đó chạy việc khắp các thành phố khác, chẳng tìm thấy nơi nào món hoành thánh ngon bằng ở đây. Tôi lăn ly sữa ấm trong tay, mỉm cười: - Cháu ăn no mất rồi.. Cháu không thể, cháu không dám, cô ơi. Mỗi khi ăn một món ngon, cháu lại ước giá anh ấy cũng được ăn. Mỗi khi ngắm một cảnh đẹp, cháu lại ước giá anh ấy cũng được ngắm. Mỗi khi quay lại những địa điểm thân quen, cháu lại ước giá anh ấy cũng ở đây. Nhưng anh ấy không ở đây. Nếu như cả hoành thánh cũng không như trước, cháu còn biết bám víu vào cái gì? Nếu vậy, cháu sợ rằng mình sẽ bắt đầu hoài nghi những hồi ức kia chưa từng xảy ra, cô ơi. Thực ra tôi cũng từng quay lại quán quen. Đó là một nhà hàng giá khá chát. Lúc trước Lãm và tôi từng có một con heo đất, ngày ngày đều bỏ tiền vào chỉ để được ăn một bữa thỏa thích ở nhà hàng đó vào Giáng sinh hằng năm. Thế mà ngần ấy năm vẫn chưa năm nào được ăn thỏa thích, lần nào cũng tiếc tiền, ăn ý nhìn nhau ra vẻ no rồi. Ngày quay lại đó, tôi đã gọi toàn bộ thực đơn. Hóa ra cũng chẳng phải rất nhiều tiền. Là do hiện tại tôi quá giàu sao? Không, có lẽ là do lúc đó chúng tôi quá nghèo. Hôm ấy tôi đã ăn rất nhiều, nhưng cũng chẳng thể tìm lại cảm giác ngon miệng năm xưa. Có thể vì cổ họng tôi nghẹn đắng. Có thể vì trong thế giới này, mùi vị quán ăn đã đổi khác. Cũng có thể vì chính tôi không còn như xưa, đã ăn quá nhiều sơn hào hải vị, sớm chẳng còn mấy hứng thú với những món thôn dã này. Hoặc cũng có thể vì bên cạnh tôi đã chẳng còn ai để sẻ chia mọi mùi vị và cảm giác tốt đẹp nữa rồi. Từ đó, tôi cũng không thử nếm lại thứ gì nữa. Nếu cứ phải nơm nớp lo sợ những món ăn biến vị, chi bằng giữ mãi những vị ngon trong hồi ức thì hơn. Mùi vị ngon nhất, là mùi vị trong hồi ức. Người tốt đẹp nhất, là người trong kỉ niệm. Tôi bước khỏi bóng phủ của giàn hoa giấy, ánh đèn đường chợt có chút chói mắt, khiến tôi trong một khắc váng vất. Trong lòng tôi đột ngột vang lên một câu hát: "Đêm hoang vu, yêu ngàn năm thiên thu. Nơi gấm bụi đường trần, tôi là con thiêu thân đứng trước cổng đèn vàng". (3) Ngàn năm thiên thu. Nào tôi có mong xa vời thế. Tôi chỉ mong một đời cùng người đã cùng tôi nhặt cho đủ các màu của hoa giấy, lại còn trêu đùa tôi, hoa này màu cam, hoa này cũng màu cam, nhưng chẳng màu cam nào giống với màu cam nào, em phải nhặt cho đủ mới được về đấy. (3) Bài hát Tôi ngàn năm đợi - Lam Trường
CHƯƠNG 7: ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN NĂNG LƯỢNG Bấm để xem KÉTTTT! – Một tiếng thắng gấp chói tai vang vọng khắp không gian, chiếc xe xoay vòng. - Xin lỗi cô chủ, có người đột ngột qua đường! – Tài xế hốt hoảng nói, vội vã xuống xe xem xét. Tôi nhìn theo, thấy anh ấy đỡ cô gái kia lên, trên chân cô ấy đã có chút xây xát, nhưng cô ấy đang lắc đầu, điệu bộ hình như là từ chối, lại ôm đàn tập tễnh bước đi. Người tài xế quay lại xe. - Sao vậy? – Tôi hỏi. - Dạ, tôi muốn đưa cô ấy đi xem vết thương, nhưng cô ấy nói là lỗi của cô ấy, hơn nữa chỉ là vết thương nhỏ, hình như là vội đến giờ biểu diễn. - Xin lỗi cô chủ, để cô phải đợi. – Anh ta nói thêm. Tôi lắc nhẹ đầu: - Không sao. Nhưng khoảnh khắc xe chúng tôi đi lướt qua cô gái kia, một cái nhìn vô thức, lòng tôi liền chấn động. Hơi khác một chút nhưng tôi vẫn nhận ra. "Bắp đùi bự" của tôi. À không, Tầm tiểu thư. Tôi lập tức kêu dừng xe. - Tầm tiểu thư, hay là lên xe đi, chúng tôi đưa cô đi. – Tôi nói. Cô ấy ngạc nhiên lắc đầu: - Tiểu thư nhận nhầm rồi ạ, tôi không phải Tầm tiểu thư. Khi tôi đang bối rối nhìn cô ấy, trời lại đổ cơn mưa. Tôi mở cửa xe, lùi người lại: - Vào đi, chúng tôi đưa cô đi một đoạn. Cô ấy chần chừ vài giây, cuối cùng bị tiếng mưa thúc giục, cũng bước vào xe. Xe chạy đến quán bar cách đó khoảng mười phút đi bộ thì cô ấy cảm ơn chúng tôi muốn xuống. Tôi hơi khó hiểu, lại nhìn thấy bộ trang phục cô ấy đang mặc và cây đàn sau lưng. Không thể nào cô ấy sẽ là.. một ca sĩ hát bar? Đây đã là lần thứ ba tôi đến quán bar này. Vẫn ngây ngẩn tự hỏi tại sao cô ấy lại ở đây. Là một ca sĩ hát bar. Cô ấy cũng không còn mang họ Tầm. Mà thực ra, chưa từng mang họ Tầm. "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao.." (4) Trong tiết trời ê ẩm lạnh của những trận mưa liên miên, những bài hát ấy, tiếng hát thiếu nữ ấy cứ như tiếng gọi của thời gian, như ảo ảnh của quá khứ chực chờ chồng chập lên những hình ảnh hiện tại, khiến đầu óc tôi cứ luôn ở trạng thái buôn buốt. Một giọng hát thật phiêu lãng tuyệt vời. Không ngờ cô ấy lại có giọng hát đẹp như vậy. Hay là kiếp này cô ấy mới có nhỉ? Nhưng ngay khi ý thức được mình đang phẩm bình giọng hát của cô ấy, tôi liền thoáng ngây người. Đảo ngược rồi, vị trí của chúng tôi ấy. Cuối buổi biểu diễn, ánh mắt chúng tôi chạm nhau, cô ấy nở một nụ cười, cúi nhẹ đầu chào. Nụ cười tươi tắn ấy lập tức gợi lên trong tôi một cái tên. "Bắp đùi bự". Tim tôi nhói lên một nhịp. Đảo ngược rồi, vị thế của chúng tôi ấy. Chẳng hợp với cô ấy chút nào. Cơn ê buốt trong đầu lại càng quá quắt hơn. Tôi về đến nhà, vội thay ra bộ váy đã hơi ẩm hơi mưa. Hình ảnh trong chiếc gương toàn thân trên cửa tủ vẫn khiến tôi thoáng giật mình. Đã bao nhiêu năm rồi, mà vẫn chưa thể quen gương mặt trong gương kia. Đường nét vẫn thế, nhưng làn da trở nên trắng nõn mịn màng, đôi mắt sáng rõ, bờ môi tươi mọng, từng đường mi nét mày đều được cắt tỉa, thêm lớp trang điểm tinh xảo, dường như đã trở thành một người đẹp. Mái tóc, làn da, vóc dáng, phục sức, từ đầu đến chân đều phản ánh được bảo dưỡng cẩn thận, diện mạo tinh tế, đài cát mà vẫn thanh tao, thật giống với những vị thiên kim trước đây tôi hằng ngưỡng mộ. Nhưng cũng thật khác với tôi của trước đây. Hóa ra, chỉ cần có điều kiện chăm chút, ai cũng có thể trở thành một người đẹp khí chất. Những ai nói tiền chẳng thể làm nên khí chất một con người, chẳng qua là họ làm sai cách mà thôi. Nhìn vào tôi đi, toàn thân từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, có chỗ nào không cần dùng đến tiền đây? Cả những danh xưng mĩ miều này, những giải thưởng danh giá này, nếu không có tiền, lấy ở đâu học phí và thời gian theo học đây? Tôi vừa yêu thích, vừa sợ hãi diện mạo này. Yêu thích việc bản thân đã trở thành một người đẹp cẩm y ngọc thực, được nhận những ánh nhìn ngưỡng mộ, được đối đãi cẩn trọng. Sợ hãi sự xa lạ và những suy nghĩ mông lung diện mạo này mang lại. Mỗi lần nhìn vào diện mạo này, tôi lại nghĩ, thế giới này thật bất công. Có những người từng giây phút vắt cạn sức lực mà vật lộn vẫn hoài khó nghèo, khốn nhục vô tận; cũng có những người ngày này tháng nọ chẳng cần tốn nhiều công sức vẫn có thể được trọng vọng, ung dung tận hưởng vinh hoa phú quý không ngừng. Có những người xa hoa đến thế, có những người bần cùng đến vậy. Có những con đường mờ mịt gian truân đến thế, cũng có những con đường tươi sáng dễ đi đến vậy. Dễ dàng đến mức, từng có lúc tôi tưởng rằng thế giới này đã trở nên tốt đẹp hơn, chẳng còn khốn khổ bức người đến thế. Nhưng không. Thế giới này chẳng hề thay đổi, vẫn hoa lệ như thế, hoa cho người giàu, và lệ cho người nghèo. Hóa ra, không có Mộc Mộc và Tầm tiểu thư thì sẽ có Diêu tiểu thư và Lạc Ân, thế giới này sẽ chẳng thiếu đi một ca sĩ hát bar và một cái "Bắp đùi bự" nào. (4) Bài hát Diễm xưa
CHƯƠNG 8: SINH NHẬT NĂM 2018 Bấm để xem Hôm nay là sinh nhật tôi, chú dì Khúc đã tổ chức cho tôi một bữa tiệc cực kì xa hoa. Mọi người đều ngưỡng mộ vẻ đẹp kiêu sa mà theo tôi là đã được thăng hạng theo cấp số nhân trong chiếc váy lộng lẫy được dì Khúc thiết kế riêng cho và bộ trang sức, bao gồm vương miện đính trên tóc được những người thợ tay nghề cao nhất Kim Hoàn Khúc Thị đích thân gia công, độc nhất vô nhị. Lãm đến trễ một chút, bị dì chú lệnh tháp tùng tôi suốt buổi, gương mặt cũng chẳng vui vẻ gì cho cam. - Em biết trong bộ trang sức của em, món nào giá trị nhất không? – Lãm đột nhiên bắt chuyện. Tôi vui mừng nhìn một lượt từ đầu đến chân mình, đưa tay chạm tóc cười: - Là vương miện đúng không? Anh liền cười, lắc ly rượu trên tay, buông ra hai chữ: - Là anh. Hô hấp tôi chững lại. Anh đưa mắt rảo một vòng những ánh mắt ngưỡng mộ đang nhìn chúng tôi khoác tay đi bên nhau rồi nhếch môi nói: - Em nhìn xem, không phải anh cũng là một món trang sức cực kì giá trị được họ đặc biệt đeo bên người em sao? Tôi nhìn bóng chúng tôi phản chiếu trên mặt kính, rơi vào trầm tư. Những ngày tháng đó, biết bao lần tôi đã tưởng tượng ra dáng vẻ trưởng thành của cậu chủ nhỏ. Hóa ra lại là dáng vẻ này. So với lúc đó thì cao và mảnh hơn một chút, chẳng biết là vì không phải lao động chân tay nhiều, hay là vì chẳng bao giờ phải khom gối cúi đầu. Tây trang đặt may chỉnh chu tôn lên được tất cả ưu điểm của đường nét cơ thể, mái tóc mềm chải ngược về sau, để lộ vầng trán cao và hàng mày kiếm ngạo nghễ. Ngũ quan như tượng tạc, ánh mắt sắc bén thường nhìn tôi bằng một vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Phút chốc tôi cảm thấy, đã có gì đó sai rồi. Nhưng là cái gì mới được? Sau đó chúng tôi khiêu vũ, nhưng có lẽ vì tôi đang đeo găng tay nên một chút độ ấm từ đôi tay anh cũng chẳng cảm thấy. Sau đó, chú dì đã tặng cho tôi một món quà lớn. Một chiếc Rolls Royce Wraith trắng ngọc trai. Ngay khi nhìn thấy chiếc xe, tôi gần như chết lặng. Spirit of Ecstacy vẫn kiêu hãnh đứng trên nắp capo, giống như một nữ thần chuẩn bị giương cao đôi cánh bạc. Sao trên đời lại có những chuyện trùng hợp đến mức này? - Trên xe có bầu trời sao đấy, chú dì nghĩ con sẽ thích. Trước đây tôi sẽ có lúc nghĩ, không biết khi chi những khoản tiền khổng lồ cho những thức xa xỉ ngoài tầm tưởng tượng kia, những người thượng lưu kia nghĩ gì, và muốn có được những giá trị gì. Hóa ra, chỉ vì một bầu trời sao mà có lẽ tôi sẽ thích. Mà có lẽ họ cũng chẳng cho rằng gần bốn trăm ngàn đô là cái gì khổng lồ xa xỉ. - Lãm, chở Tiếu Mộc đi một vòng đi. – Chú Khúc nói. Lãm không phản ứng gì, mở cửa xe cho tôi rồi lên xe. Bầu trời sao quả thực rất đẹp. Nhưng có lẽ những vì sao bằng đèn sợi quang này chẳng biết tâm tình, nên hoàng tử của những vì sao cũng trở nên lặng thinh. Lãm chạy đúng một vòng, hoàn thành nhiệm vụ liền lập tức rời đi. Tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, trở về phòng, thay đi lớp váy vóc trang điểm nặng nề, bầu bạn cùng chiếc kính thiên văn. "Đêm cô đơn, muôn vì sao không tên, như đám bạn thật hiền, thức cùng tôi thâu đêm, nhớ thương về một người..". Lại nữa rồi, những giai điệu. Khớp thật đấy. Khớp đến mức đáng sợ. (5) ".. khiến hạt mưa bay bay..", như để khớp với lời hát, những hạt mưa nhẹ tênh bắt đầu bay loạn trong không gian vắng lặng. Hình ảnh trong thấu kính bắt đầu rung lắc dữ dội. Và những vì sao cũng rời tôi đi. Để lại mình tôi trong đêm mưa thấu lạnh quạnh quẽ và những giai điệu dập dồn hỗn loạn. Tôi nhớ cũng là năm 2018, nhưng ở đời trước, vào ngày sinh nhật tôi đã muốn Lãm cùng tôi lên núi ngắm sao, thế là chúng tôi mượn chiếc xe bán tải mini cũ của gia đình anh Lý hàng xóm, mua một bình xịt muỗi và vài món ăn vặt, vừa xế chiều liền bon bon trên đường ngoại thành. Trên xe có đặt một chiếc radio cũ, suốt chặng đường chúng tôi nghe từ những bức thư tâm sự cuộc sống do người dẫn chương trình đọc, đến những cuộc gọi trực tuyến để kết nối làm quen với những người nói đủ các loại giọng địa phương, rồi những bài hát cũ từ thập niên 80-90 và nghêu ngao hát theo. Tối mịt chúng tôi mới đến nơi, thực ra có những ngọn núi gần hơn nhiều, nhưng Lãm tìm kiếm trên mạng cả ngày mới được chỗ này, xe có thể chạy thẳng lên núi, vì sức bền của tôi rất kém, mà ở trên núi qua đêm cũng không an toàn. Chúng tôi ra khỏi đầu xe, trèo lên thùng xe đã được tôi dọn dẹp gọn gàng và trải chiếu, Lãm lôi từ chiếc balo của anh ra một chiếc bánh kem nhỏ trông.. không được đẹp cho lắm, gãi đầu nói: "Anh học chị Lý làm", rồi thuần thục đốt nến, nâng trong tay cho tôi ước và thổi nến. Đôi mắt phản chiếu những ngọn lửa nhỏ lắc lư trong gió của anh khi đó; vị ngọt của bánh và vị chua những lát mứt hoa quả hòa quyện trong miệng khi đó, khiến lòng tôi ngất ngây vui sướng biết bao. Chúng tôi ăn bánh xong, anh dường như muốn gỡ tấm bạt che đồ trong góc thùng xe ra, tôi liền ngăn lại, nói rằng lúc nãy anh Lý đã dặn đừng đụng vào. Anh cười lắc đầu, gỡ lớp bạt ra, và tôi nhìn thấy một hộp đàn. Tim tôi chững lại. - Tặng em mảnh gỗ vui vẻ này. – Anh cười thật tươi đưa qua, tay tôi hơi run mở bao da, quả nhiên, là cây Takamine ED1-DC NS, tôi đã thích nó rất lâu rồi vẫn không dám mua. Tôi đưa tay sờ, đường cong của dáng khuyết, mặt trước là gỗ vân sam, mặt sau là gỗ Mahogany có một đường xẻ mảnh, một nàng thiếu nữ kiêu kì. Đầu ngón tay lướt trên dây đàn êm mịn, vừa gảy một tiếng, âm thanh tuyệt vời gảy thẳng vào tim. Tôi cẩn thận đặt đàn lại vào bao, kéo dây kéo, để sang một bên, nhào đến ôm lấy anh. - Anh tặng em mảnh gỗ vui vẻ chẳng phải để làm em khóc đâu. – Anh ôm tôi trong vòng tay, vuốt ve tóc tôi, dịu dàng nói. Sau khi xúc động qua đi, chúng tôi ngồi dựa vào thành thùng xe ngắm sao. Tôi lôi balo đến, lấy ra vài gói bánh, và hộp kính thiên văn Meade Polaris, đẩy đến trước mặt Lãm. Lần này đến lượt anh ôm lấy tôi. Thực ra không giống với Takamine trong giới guitar, Meade Polaris chỉ là dòng sản phẩm tầm thấp chẳng tiếng tăm trong thế giới của kính thiên văn, có lẽ chẳng thấy được nhiều. Lãm cảm động chỉ vì tôi cũng nghĩ đến mua cho anh đó thôi. Lúc nhỏ lúc dì kể cho tôi nghe truyện Món quà Giáng sinh, tôi luôn nghĩ truyện chỉ là truyện, không thực tế lắm. Đến tận lúc đó tôi mới cảm thấy, chỉ cần gặp đúng người, những câu chuyện đẹp sẽ không quá xa vời. Còn sinh nhật hôm nay, dĩ nhiên Lãm cũng có tặng quà cho tôi, chắc chắn rằng là một món quà giá trị hơn nhiều. Nhưng tôi đoán chính anh cũng không biết trong chiếc hộp trang trí tinh xảo đó chứa cái gì. Tôi đã mở hộp, là một chiếc kẹp tóc hình chiếc lá rất đẹp. Nhưng tôi nhớ chiếc bánh kem dị dạng khi đó. Nhớ Takamine. Nhớ Meade Polaris. Nhớ những đêm hoang cùng anh ngồi dưới bầu trời sao, tiếng kể chuyện lẫn quyện trong tiếng đàn, khúc ca tuyệt diệu nhất của cuộc đời. Nhớ cảm giác những ngón tay thon lướt trên dây đàn, rồi đan vào nhau, và vũ trụ chảy tràn trên vành môi. Cuộc hội ngộ của những hạt bụi sao thất lạc. Nhưng rồi, các hạt bụi sao đã lại bị gió thổi bay, lưu lãng trăm miền. Đã lạc mất nhau từ buổi tạ từ hôm ấy, khi hạt mưa ấy gieo mình từ đỉnh cao chếnh choáng mà sa khỏi bầu trời của tôi. Giữa hoàng tử của những vì sao và Người Cây, anh lại chọn vế sau. Để lại em cùng những vì sao em chẳng bao giờ biết tên. Tại sao? Tại sao anh nỡ? Mưa vẫn mưa bay. Mưa vẫn mưa bay. (5) Bài hát Tôi ngàn năm đợi - Lam Trường
CHƯƠNG 9: MÓN QUÀ Bấm để xem Tôi buộc tóc nửa đầu, để một làn tóc mái mỏng bồng bềnh cong cong phía trên đường chân mày, đem chiếc kẹp tóc Lãm tặng kẹp lên, không tệ. Trong bữa ăn, dì Khúc khen chiếc kẹp của tôi, còn nói kiểu tóc này rất hợp với tôi, rạng rỡ, ngọt ngào mà vẫn quý phái, khiến lòng tôi lâng lâng. Dì không phải người khéo nói nhất tôi biết. Nhưng sự khéo nói của dì kết hợp với nụ cười hiền từ và đôi mắt chân thật, lại đạt được hiệu quả cao nhất. Lãm của tôi phần nào thừa kế ưu điểm này của dì, không nói quá đâu, chỉ cần anh muốn, miệng lưỡi đó đủ để hàng ma phục yêu, quân lâm thiên hạ. Nhưng không giống tôi, những lời dối lòng sẽ nhai đi nhai lại trong lòng anh mãi, bức anh đến khinh thường chính mình, nên anh không nói nữa, lặng lẽ tìm những công việc chỉ cần cắm đầu làm thôi. Những công việc thuần tay chân thế lương thường không cao. Thế là anh lại quay ra khinh thường chính mình vì không cáng đáng nổi kinh tế, để tôi phải chịu khổ cùng anh, phải nói những lời dối lòng. Đồ ngốc đó cứ làm như tôi là tiểu thư sinh ra đã ngậm thìa vàng trốn cha mẹ theo tình yêu lang bạt kì hồ dãi nắng dầm sương không bằng. Điểm tốt là miệng lưỡi đó không có đất dụng võ khác nên đều tập trung trên người tôi, chỉ cần tâm trạng anh tốt, tôi uống café đen vẫn thấy dư ngọt đó! Dì Khúc vẫn tập trung hàng phục con yêu ma là tôi, chú Khúc thì cứ nhìn hai chúng tôi cười chừng bất đắc dĩ, chú à, may là có con san sẻ, nếu không chú chắc chắn sẽ bị tiểu đường đó! Còn Lãm đang ngồi đối diện thì từ đầu đến cuối chỉ vô thưởng vô phạt liếc qua một lần, ánh mắt nhạt nhẽo, từ chối góp lời. Quả nhiên, anh không nhận ra. Mà không, trí nhớ anh vốn rất tốt, bách khoa toàn thư của Địa Cầu (phong bởi tôi) cơ mà. Anh chỉ là chưa thấy qua mà thôi. Nhớ Lãm quá. Cái ý nghĩ này đột ngột vụt qua đầu tôi. Tôi ngước mắt lên nhìn anh đang ngồi trước mặt, hơi thần người, lại nghĩ ngợi kì quặc gì thế không biết? Tôi quyết định bao một phòng riêng để nghe Lạc Ân và An Lỗi đàn hát. Có lẽ vậy thì bọn họ sẽ dễ thở hơn một chút. Dây đàn của An Lỗi đột ngột phựt đứt, bọn họ rối rít xin lỗi tôi. Tôi lắc đầu, thư thả ngồi uống trà nhìn An Lỗi cặm cụi thay dây đàn. Cây đàn của anh ta đã rất cũ rồi, cũ hơn cây của Lạc Ân nhiều. Mỗi lần vô tình nhìn thấy ánh mắt của anh ta nhìn cô ấy, trong đầu tôi lại vang lên giai điệu của Lưu Đức Hoa: "Tiếng người và tiếng xe bắt đầu tan biến. Có tên nô lệ của tình yêu đang thầm lặng đấu tranh. Thật ra tôi đã rất nhớ cô ấy. Nhưng tôi chỉ có thể cất tiếng thở dài trong vô tận. Thật ra mỗi lần gặp em, anh đều đắm say. Tiếc rằng anh và em ai cũng có vị trí của mình." Tiếc rằng họ lại là anh em họ. (6) Đây đã là lần thứ ba Lạc Ân qua mặt gương trên tường trộm nhìn tôi. Tôi vô thức hướng theo ánh mắt của cô ấy, vừa nhìn thấy hình ảnh phản chiếu đã giật cả mình. Chiếc kẹp tóc đang lấp lánh trên đỉnh đầu tôi, hóa ra nó được đính đá phát quang. Ánh sáng ấy tỏa ra khắp phía giống như một quầng hào quang dịu nhẹ bao phủ khắp người tôi. Tôi nhìn quanh mình, một băng ghế màu trắng ngà. Có lẽ cô ấy cũng đang nhìn thấy tôi trong thanh thoát nhã nhặn vẫn toát lên lộng lẫy kiêu kì, giống như một kiệt tác nghệ thuật được trưng bày trong bảo tàng, người người ngưỡng vọng chăng? Có lẽ hiện tại trong lòng cô ấy cũng cảm thấy hệt như tôi của khi đó, chẳng thể thích người này một chút nào. Tôi gỡ chiếc kẹp trên đầu xuống, tóc liền phiêu miễu trượt xuống trước mặt, phải vén qua sau tai. - Tặng cô. – Tôi đưa chiếc kẹp về phía Lạc Ân. - Diêu tiểu thư! – Cô ấy hơi kinh hô, nhưng lại nói – Tôi.. cảm ơn Diêu tiểu thư, nhưng tôi không nhận được, hẳn là rất đắt tiền. - Không sao, cô đeo sẽ hợp hơn tôi. – Tôi cười. - Sao có thể thế được? - Không tin sao? Lại đây. Lạc Ân hơi chần chừ, nhưng cuối cùng cũng làm theo tiếng lòng tiến đến. Tôi xoay người cô ấy lại, vấn vài lọn tóc, cài chiếc kẹp lên. Thật đẹp. Quả nhiên cô ấy đeo vẫn hợp hơn. - Thật sự là không đẹp bằng Diêu tiểu thư. Lạc Ân nhìn gương nói, chẳng biết có thật lòng không, nhưng ít nhất ánh mắt của cô ấy nói với tôi rằng chiếc kẹp này cài trên mái tóc này thực sự đẹp đến khiến chính cô ấy cũng ngỡ ngàng. Hình ảnh hai người con gái trong gương khiến tôi thoáng mơ hồ. Đảo ngược rồi, ánh mắt của chúng tôi ấy. Lạc Ân, trên đời này làm gì có Di cung hoán số, đúng không? Tôi không ngờ rằng chỉ một chiếc kẹp tóc này cũng kéo đến cho bọn họ biết bao rắc rối. Vì giá trị của nó quá chênh lệch với thân phận hiện tại của cô ấy, rất nhiều vị sếp tổng, thiếu gia biết nhìn đồ đều cho rằng có thể dùng quy tắc ngầm với cô ấy, cô ấy phản ứng, thế là đắc tội vô số người. - Xin lỗi Diêu tiểu thư, hôm nay Lạc Ân và An Lỗi sẽ không biểu diễn. Tôi nghe người quản lý đến thông báo liền hơi ngạc nhiên, dù tôi không đặt hẹn, nhưng không phải đều ngầm hiểu là thứ ba và thứ bảy tôi sẽ đến sao? - Có vấn đề gì sao? – Tôi hỏi. - Không ạ. Chỉ là hôm nay ông chủ chúng tôi có khách nên mới mượn bọn họ một chút. - À. Tôi cũng không rầy rà làm gì, xoay người rời khỏi, đến khúc rẽ hành lang lại nghe tiếng người rôm rả bàn luận: - Hai người đó thực sự không sao chứ? - Không biết nữa, rõ ràng đắc tội người ta rồi. - Bắt người ta đàn hát bốn tiếng liên tục rồi, ác thật đấy. - Diêu tiểu thư. – Vừa nhìn thấy tôi ở khúc rẽ, họ thoáng giật mình chào tôi. Tôi cũng gật đầu bước qua, nhưng vừa đi được mấy bước lại đột ngột nghĩ đến, xoay người gọi lại: - Mọi người.. đang nói về Lạc Ân và An Lỗi sao? Khi tôi bước vào phòng, tiếng đàn của An Lỗi đã hơi suy yếu và giọng hát của Lạc Ân đã chút khàn. - Này, hai người có đang hát đàng hoàng không đấy? Thế này cũng dám theo nghiệp cầm ca sao? – Một giọng nam dài giọng giễu cợt. - Cô là? – Ai đó phát hiện ra sự tồn tại của tôi ở cửa, cất tiếng hỏi. Tôi đang định tiếp lời thì lại nghe một giọng khác kinh ngạc: - Tiếu Mộc, sao em lại ở đây? Tôi nhìn qua, phát hiện người nói là một trong những người bạn của Lãm, Thạch Đầu, liền cười nói: - Ô, Thạch Đầu, vậy thì dễ nói chuyện rồi. – Tôi chỉ qua An Lỗi và Lạc Ân, cười tươi – Em đến nghe hát mà ca sĩ yêu thích lại ở chỗ mọi người, nên muốn đến đàm phán một chút. - Sao em lại ở đây? Câu này lại một lần nữa vang lên. Sao ai cũng làm như tôi không thể ở đây vậy chứ? Tôi quay sang, ngạc nhiên nhìn thấy Lãm, và cô gái phía sau anh. À. - Em đến đây từ lúc nãy rồi. – "Không phải bám đuôi anh đâu". Tôi nói xong, lại nhớ tới tình huống hiện tại, trở lại với chàng trai đang nói chuyện lúc nãy – Vậy.. chúng tôi đi nhé? Cậu ta dường như cũng bối rối với mớ dây mơ rễ má vừa phát sinh, làm gì còn tâm trạng khó dễ người, bèn vội vàng nói: - Được, được. - Anh ở lại chơi nhé, em về trước. – Tôi nói với Lãm, gật đầu coi như chào những người khác, cùng An Lỗi và Lạc Ân rời khỏi. Ra bên ngoài, hai người rối rít cảm ơn tôi, tôi lắc đầu nói không có gì rồi lại sực nhớ, vỗ vai An Lỗi: - Ngày mai tôi nói chuyện với chủ quán, sẽ chẳng ai khó dễ hai người nữa đâu, không cần lo lắng gì cả, cứ hát thôi. Cả hai người đều nhìn tôi dường như hơi bất ngờ. Tôi vẫy vẫy tay, lên xe rời đi. Xe chạy rất êm, chỉ có thể cảm nhận được di chuyển bởi cảnh vật đang trôi qua ngoài cửa sổ, khác hẳn chiếc xe bán tải cà tàng đi mượn vừa xục xịch vừa ầm ĩ lúc trước. Hóa ra không có Mộc Mộc và Lãm, thì sẽ có Lạc Ân và An Lỗi. Lẽ nào đây là định luật bảo toàn năng lượng của vũ trụ, khi hai người trở nên giàu sang, thì sẽ có hai người khác lâm vào cảnh bần hàn hay sao? Kiếp trước, cũng vì một tình huống tương tự, mà Lãm bắt đầu chuyển hướng sang Rooftopping để liều mạng kiếm tiền, bước vào những canh bạc sinh mệnh. Dù có lẽ với một Người Cây như anh, đó là những canh bạc mà lúc trở về nhà an toàn thì không biết tính là thắng hay là thua. (6) Bài hát Lặng Lẽ Say Mê - Lưu Đức Hoa (暗里着迷 - 刘德华)