Tản Văn Người Ra Đi Đầu Không Ngoảnh Lại, Sau Lưng Thềm Nắng Lá Rơi Đầy - Tiểu Thiên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TiểuThiênTH, 15 Tháng mười 2021.

  1. TiểuThiênTH

    Bài viết:
    24
    Người Ra Đi Đầu Không Ngoảnh Lại, Sau Lưng Thềm Nắng Lá Rơi Đầy

    Tác giả: Tiểu Thiên

    Thể loại: Tản văn

    * * *​

    Mấy nay gió về! Mưa rả rích khắp vùng Bắc Bộ. Hạt mưa nhỏ xíu, dày đặc giống như một màn sương trắng xóa, trải lê thê, não nề trên bức tranh phong cảnh hiu hắt. Vì tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng, chỗ tôi cũng bị phong tỏa nên tôi chỉ có thể ở nhà làm vài thứ hàng thủ công, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giết thời gian. Hai tay tôi thoăn thoắt đan từng mũi len, thi thoảng hạ xuống múc một thìa khúc bạch làm từ chùm nhãn ngập nắng từ vườn sau nhà, bỏ vào miệng nhai tóp tép. Thịt nhãn ngọt lịm, giòn sần sật ăn sướng đến tê cả người. Cái thời tiết mát mẻ, thậm chí có chút se lạnh như vậy thì còn gì tuyệt hơn khi ngồi thơ thẩn thưởng thức hương cảnh lẫn mỹ thực!

    Đang mải mê trôi theo tiếng mưa tong tỏng rớt từ trên mái ngói thì phía cổng xuất hiện bóng người cao gầy, lưng gù, ru rú một cái áo khoác nỉ dày cộp, tay run run cầm chiếc ô bạc màu tiến vào. Cụ vừa vào tới sân, nhìn thấy tôi, chợt mỉm cười tươi rói, khóe mắt in cộm lên một đống vết chân chim:

    - Nay 2/9, nhỏ không đi đâu à?

    Cụ gọi tôi là nhỏ. Điều này tôi cũng chẳng xa lạ gì nữa, từ cái ngày về quê, cụ gặp tôi, cụ vẫn luôn gọi tôi như vậy.. bởi.. tôi giống ngoại tôi.. tôi giống người cụ thương nhất trên đời! Cụ đã xấp xỉ một trăm, cụ giống như một ngọn đèn dầu lay lắt có thể bất chợt cô độc tắt đi bất cứ lúc nào khiến tôi chẳng nỡ mà vạch trần ra sự thật. Cụ lom khom tiến lại chỗ tôi, ngồi bệt ngoài hiên nhà:

    - Hay cha mẹ không cho nhỏ đi? Để anh xin cô chú cho nhỏ nhé.

    Cụ cụp ô lại, chống ô xuống đất gật gù cười. Đáy lòng tôi thắt lại, sống mũi cay cay nhìn cụ:

    - Cụ ăn chè này!

    Nói rồi, tôi đứng dậy, chạy ra ngoài giếng lấy vội cái bát, cái thìa đem vào, cẩn thận múc chè rồi đưa cho cụ. Cụ có vẻ hơi bất ngờ nhìn nồi chè, hai tay đen đuốc, nhăn nheo chìa ra:

    - Nhỏ cũng ăn đi, anh xin!

    Cụ kéo thật dài chữ cuối cùng, rồi mơ hồ đưa từng miếng chè lên miệng chẳng rõ ràng. Thoáng chốc, dường như nước mắt cụ đã rơi, tôi ngạc nhiên nhìn giọt nước mắt trong veo đó, càng ngạc nhiên hơn với những lời cụ nói phía sau:

    - Cái Linh đấy à? Cụ lại nhầm rồi, chè này làm từ cây nhãn ngoại con trồng đúng không?

    Cụ đặt bát chè xuống, tôi bật khóc gật gật đầu, hai tay vội vã lau đi nước mắt, sụt sịt hỏi:

    - Sao cụ lại nhận ra?

    - Cụ ngoại mày, nấu mặn lắm, không ngon như này. Hơn tám mươi năm rồi, quên.. làm sao được.

    Cụ vừa nói, vừa rơm rớm. Ánh mắt đục ngầu ngước lên, trông về một nơi xa xăm như đang nhìn thấy một vầng sáng rực rỡ trong màn sương mờ mịt này vậy. Có những câu chuyện qua đi.. không chỉ là phù du mà còn là vết thương hóa hình mãi mãi. Vết thương đọng lại sâu thẳm trong tiềm thức mỗi con người, giống cụ vậy.. tất thảy đều quên chỉ còn duy nhất ngoại tôi là cụ nhớ mãi mãi. Câu chuyện bắt đầu từ cái thuở xa xăm. Cụ ngoại tôi là con gái nhà địa chủ, đẹp người, đẹp nết khiến bao nhiêu chàng trai yêu say đắm, thậm chí cả quan Pháp cũng đã từng dòm ngó tới cụ tôi.. nhưng.. cụ chỉ yêu một người, một chàng trai sát vách. Vì để gần cụ tôi, chàng trai ấy đã tình nguyện vào nhà địa chủ làm thuê. Hai người mặn nồng, thắm thiết, yêu đến chết đi sống lại mặc cho muôn ngàn luân lý của xã hội, sự cấm cản của cha mẹ. Cho tới năm 1942, chàng trai ấy muốn nhập ngũ. Cụ tôi đã khóc như mưa, dùng hết lời lẽ khuyên ngăn, khóc lóc, van xin.

    Nhưng.. có lẽ lý tưởng cao cả hơn tình cảm, và tình quê hương lớn hơn tình yêu đôi lứa, người con trai ấy.. dứt áo ra đi. Ngày chia li là một ngày mưa tầm tã, cậu ta dúi vào tay cụ tôi một cái trâm bạc, đó là toàn bộ số tiền mà cậu tích góp trong mấy năm ròng:

    - Nhỏ ở nhà, đợi anh. Đến khi chiến thắng, nước ta độc lập, anh rước nhỏ về!

    Kỉ vật, hẹn ước đều đã trao! Một người ở lại, một người quay lưng đi. Kẻ ở lại sống trong nỗi nhớ nhung, day dứt, kẻ ngoảnh đi mang trong mình là cả lí tưởng lẫn trách nhiệm cao cả. Nhưng.. hai con tim.. có ai là không đau, có ai là không thương.. Và có lẽ, đây cũng là lần cuối cùng hai con người yêu nhau được cạnh nhau không cách biệt!

    Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khắp nơi toàn là hoa lá đẹp tươi hòa cùng sắc cờ đỏ thắm rực rỡ. Ai cũng diện những bộ quần áo đẹp nhất, cũng mang trong mình vô vàn niềm hân hoan, phấn khởi trong đôi mắt. Nắng thu chiếu rọi, nắng Ba Đình lịch sử đã đi vào trong thơ ca biết bao đời. Ngày toàn quốc vui cũng là ngày biết bao người bật khóc, trong đó có cụ- chàng trai quay lại tìm người con gái năm xưa!

    Làng mạc nào bây giờ cũng đầy hân hoan, háo hức. Cụ đi lại những bước chân bồi hồi tìm đến căn nhà cũ. Cây đã héo, nắng đã úa vàng, từng cánh chim mệt nhọc đậu lại trên mái gianh. Cụ đi khắp nơi dò hỏi về tin tức của cụ tôi nhưng chẳng một ai hay, may thay cũng có một người biết!

    Thì ra.. khi cụ đi, cha của cụ tôi đã ép cụ lấy quan Pháp, cụ không chấp nhận, quyết từ chối bằng mọi cách nhưng lại bị hắn cưỡng ép đến có thai.. cuối cùng, sau khi đứa bé tròn một tháng.. cụ chọn cái chết! Dây thừng dài treo lủng lẳng trên gốc cây gạo đầu làng. Cụ đặt đầu vào đó, mái tóc dài buông xuôi cùng tà áo bay phơ phất, cho tới lúc tinh sương, có người dậy sớm đi cày thì phát hiện, lúc phát hiện ra là lúc cụ đã mất, tay cụ cứng đờ vẫn nắm chặt chiếc trâm bạc. Người ta thương xót, chôn cụ ngay gốc cây gạo, đặt chiếc trâm bạc như kỉ vật ở mộ cụ. Cũng có vài người nảy sinh lòng tham, lấy cắp chiếc trâm về, sau bệnh tật triền miên phải đem trả lại, từ đó, không một ai dám xúc phạm hay trộm cắp ở mộ cụ nữa.

    Tháng 9 năm 45, giữa biển niềm vui vỡ òa là những giọt nước mắt xót xa lăn dài, nắng chiều hiu hắt đọng lại trên từng giọt nước mắt trong veo. Dưới cành gạo khẳng khiu, xụi lơ có bóng người lặng lẽ quỳ ở đó. Gió heo may xao xác thổi qua, những chiếc lá vàng oạch cuối cùng cũng lìa cành mà rơi xuống. Người ta chỉ nhìn thấy lúc cụ quỳ ở đó nhưng không ai nhìn thấy cụ đứng dậy, và đã đi đâu. Chỉ biết rằng, chiếc trâm bạc chẳng còn, chỉ còn một thảm lá nhuốm màu nắng đổ dài trên mặt đất. 30 năm sau, ngày thống nhất đất nước, cụ quay về nhưng.. lại không lập gia đình. Cụ đi tìm đứa trẻ năm ấy.. đó cũng chính là bà ngoại của tôi, bây giờ.. bà tôi đã mất, mẹ tôi lại là một câu chuyện khác, căn nhà này chỉ còn mình tôi ở lại. Giữa mênh mông cô đơn, trống trải, văng vẳng tiếng cụ kể những chuyện thuộc về quá khứ. Mỗi lần nghe, là một lần chua xót, là một lần tôi lặng thinh, câm nín.

    Ngày hôm nay, ngày này 76 năm trước, ngày toàn đồng bào vui ca, ngày cụ rơi những giọt nước mắt đớn đau, chua xót. Bát chè vừa hết, cụ đứng dậy, ánh mắt tôi mờ mờ qua từng giọt nước bỗng trông thấy phía đông đang hừng nắng. Mưa đã tạnh, cụ cầm lấy ô đứng dậy, ra đâu cho tôi cụ về rồi lững thững đi ra phía cổng. Nắng lên, từng tia nắng ấm áp sau chuỗi ngày lê thê mưa dầm ướt áo, bóng cụ khuất xa dần, một trận gió nổi lên cuốn lá bay xào xạc. Khung cảnh này khiến lòng tôi yên bình tới lạ, khiến tim tôi man mác nhớ tới câu thơ:

    "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy!"

    [​IMG]

    Tiểu Thiên
     
    chiqudollThùy Minh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 15 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...