Người Đến Bao Giờ Mới Trở Về Tác giả: Tân Di Ngăn sách thật bề bộn. Nó dọn dẹp lại. Một tờ giấy rơi ra từ một cuốn sách đã cũ. Nó cuối xuống nhặt. Nó đọc và từ lúc ấy, khuôn mặt nó bỗng đổi khác. Đó là một bài văn với lời phê: "Bài viết có tiến bộ, tuy nhiên, ý văn chưa sâu sắc". Không biết tại sao nó bỗng ngồi im và dựa lưng vào chiếc tủ. Không gian vắng lặng đưa nó về những ngày xa xôi trong quá khứ. Dường như nó đã quên và ngỡ rằng sẽ không bao giờ nhớ đến. Nhưng hôm nay.. Đó là một ngày mà thật ra chính nó cũng không còn nhớ rõ. Người đến như một vì sao lạ và nâng nó lên khỏi cái bóng tối của sự nhút nhát, tự ti. Và với cương vị là một người gia sư kiêm một người giúp việc, người đã mang một thế giới khác vào ngôi nhà của nó suốt một mùa hè. Lớn hơn nó ba tuổi nhưng "thầy" chững chạc hơn nó nhiều và suy tư cũng nhiều hơn nó. Dù những điều "thầy" rầy dạy đôi khi làm nó bực mình, khó chịu và tự ái nhưng nó vẫn chăm chú lắng nghe hơn cả khi cô giáo giảng bài. Với tâm hồn trong sáng, nó làm sao hiểu được hết ý nghĩa trong những câu nói của "thầy", làm sao hiểu được những thăng trầm trong lòng của một người mà tánh tình khác xa nó vô bờ bến. Nó hay nhõng nhẽo, thích nài nỉ và van xin người khác. Nó trẻ con. Nó không thích văn lắm, vì thế trước những lời phê của "thầy", nó chẳng mấy quan tâm. Còn toán thì nó khá và lấy làm hãnh diện lắm. Vô tư, hồn nhiên, nhưng nhút nhát. Nó không có bạn thân. "Thầy" đã làm chiếc cầu kết nối nó với bạn bè xung quanh, và là luật sư mỗi khi nó và chúng bạn cãi nhau. Thế là mỗi khi "thầy" xử nó sai, nó nhăn nhó và cãi lại "thầy". Rồi trách cứ "thầy" hết chuyện này đến chuyện nọ. "Thầy" im lặng không nói gì. Thật sự nó không biết "thầy" không quan tâm hay là "thầy" giận. Và dường như nó cũng chưa bao giờ thấy "thầy" cười thật sự, vui vẻ thật sự. Những lần "thầy" cười, nó thường ghé tai "thầy" nói rằng: "Giả tạo. Miệng cười, mặt cười nhưng mắt không cười. Thầy không vui thì thầy cứ buồn đi.". Câu đó nó học từ những bộ phim. Nó nghĩ, có lẽ "thầy" chưa bao giờ vui thật sự. Bởi "thầy" đâu phải trẻ con như nó. Thầy có rất nhiều trách nhiệm huyền bí và cao siêu phải làm. Nó nghĩ vậy. Những chuỗi ngày bị gia sư kềm kẹp, quản thúc thật là khó thở đối với nó. Mỗi cử chỉ thiếu tế nhị của nó đều bị phê bình. Có nhiều lúc nó ghét "thầy" lắm, thậm chí những lúc "thầy" dạy nó giải bài tập, nó cứ giả vờ không hiểu để "thầy" phải giảng đến bốn năm lần. Nó trút xong cơn giận và chịu hiểu bài thì "thầy" cũng đổ mồ hôi. Nhưng nó không ác tâm lắm. Những lúc có đồ ăn ngon, mặc dù nó rất tham ăn nhưng vẫn để dành phần cho "thầy". Nó ăn ngốn ngáo vào miệng. Thầy nó ăn chậm rãi như người lớn. Có những khi vừa ăn vừa kể một câu chuyện tức cười nào đó, nó cười sặc sụa và thức ăn trong miệng nó văng tứ tung. Sợ "thầy" la, nó lấy tay che miệng lại và cùng lúc đó nhìn sang, "thầy" nó cũng cười. Nụ cười đó của "thầy" làm nó vui lắm. Nhưng rồi một ngày mà nó không mong chờ và cũng chưa từng nghĩ tới đã đến. "Thầy" nó phải đi. Nó buồn với cảm giác như trẻ con không được ăn kẹo. Nó biết tin, chạy ra gốc tùng sau nhà nơi "thầy" nó đang ngồi sửa lại mấy cái lồng đèn cho nó chơi trung thu và ngồi im lặng. Thầy nó hiểu ý nhưng vẫn hỏi nó: - Sao lại ngồi đây? - Tại thấy buồn buồn. - Nghe hát không? - Không muốn nghe. "Thầy" nó hát hay lắm, nhưng nghe thì buồn lắm. Vì thế, để tránh sự im lặng, nó bảo:" "Thầy" nói cái gì đi. Kể chuyện cũng được. ". Nó ngồi dựa đầu vào góc tùng." Thầy "nó ngồi cạnh bên, nhìn lên nhánh tùng và kể: " Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một chàng trai mồ côi cha mẹ và đi tòng quân đánh giặc. Vào trận mạc, chàng dùng toàn bộ sức lực và khả năng chịu đựng để chiến đấu với kẻ thù. Dù toàn thân rướm máu, chàng trai vẫn dũng mãnh xông pha cùng các anh em binh sĩ và bi tráng thay, giây phút mọi người hoan hô chiến thắng cũng là lúc anh ngã xuống vì kiệt sức. Những người còn lại trở về báo tin và có một người con gái đã không quản đường xa lặn lội ra chiến trường để mong gặp anh lần cuối. Trước thi thể của chàng trai, cô gái đã thốt lên những tiếng xé lòng: "Ta chưa hề cùng chàng thề nguyện, nhưng chúng ta đều rõ, cho dù sông cạn đá mòn, chàng là đấng anh hùng, còn ta chút phận thuyền quyên nhưng sẽ như chim phượng hoàng kia chỉ đậu nhánh cây tùng, quyết không đậu cành lan, cành trúc." Người con gái hái nhánh tùng đặt lên ngực của chàng trai và gục đầu khóc nức nở. Bất ngờ, nhánh tùng ấy bỗng chiếu sáng và trong phút chốc, nó ẩn vào mình chàng trai và anh được hồi sinh. Hai người cảm động ôm chầm lấy nhau và sống hạnh phúc đến hết đời. " Thầy kể xong, nó nói một câu:" Xưa như chuyện cổ tích, không hay! ". Hai người vẫn ngồi im. Một vài cơn gió vô tư thổi qua làn tóc mai vương vấn nỗi buồn. Chiều hôm đó," thầy "nó đi." Thầy "phải tìm một cuộc sống mới, một tương lai mới, tốt đẹp hơn. Nó tự nhủ như thế. Vì vậy mà nó không buồn lắm. Mà thấm thoắt cũng đã năm năm. Người đi rồi, những khoảng thời gian thật là trống vắng. Nó không nhớ mình đã trải qua nhưng thế nào. Nhưng hôm nay nó lại buồn. Nó đặt tờ giấy với những lời phê mực đỏ đã nhạt màu vào trong quyển sách. Khẽ thở dài, nó lê từng bước chân mệt mỏi ra vườn, ngồi lặng lẽ dưới gốc tùng xưa, nhìn nhánh tùng và lòng buồn nhớ điều gì không rõ." Người sẽ trở về? ". Nó biết câu chuyện" thầy "nó kể là bịa đặt." Thầy "nó vẫn hay kể cho nó nghe những câu chuyện mà tự mình là tác giả. Nhưng nó vẫn ôm âp một hi vọng từ câu chuyện kia, dù là còn mơ hồ lắm. Nó cầm bút vẽ, vẽ vềngày hôm qua của nó. Những ký ức bất chợt hiện về: Rồi nó thở dài, với tay khẽ chạm vào nhánh tùng và đọc hai câu thơ: " Người đã ra đi, mang theo bao kỷ niệm Để tôi một mình, chờ đợi nhánh tùng xưa . " Lần đầu tiên nó biết làm thơ. Và như một mạch cảm xúc từ đâu ùa về, nó chạy vào phòng, lấy tờ giấy ghi vội những dòng chữ tiếp theo như sợ sẽ trôi mất: " Năm tháng vô tình cứ đổi thay Người đi đâu mất, có ai hay. Còn chút tiếng lòng, vương víu lại Vì cơn gió lạnh, cuốn xa bay. Tôi nhớ bao lần kỷ niệm xưa Ánh tà dương nhuộm buổi chiều mưa Trang sách học trò cùng nhau mở Một cảnh chiều thôi, đượm mấy mùa. Da diết nhớ mong, ôi, gió lạnh U buồn, vỡ mộng, tuổi xuân xanh Người đi xa mãi, giờ tôi nhớ Một thoáng tình xưa, bỏ chẳng đành . " Nó lại thở dài, mắt nhìn về áng mây xa bên ngoài khung cửa sổ và tự hỏi:" Câu chuyện nhánh tùng ngày xưa là bịa đặt, nụ cười thường giả tạo. Liệu những tháng ngày ấy, giọng nói, ánh mắt và cả con người ấy nữa, có phải cũng chỉ là giả tạo hay không ? "Một vài cơn gió mạnh cuối mùa thổi qua. Ngoài sân, một vài chiếc lá vì gió và vì lạnh đã rơi xuống." Người đến bao giờ mới trở về ?"