Tên truyện: Người bố của bạn tôi. Tác giả: Phưn nè (Thanh Phương) Thể loại: Gia đình, Tình cảm, Truyện ngắn. Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Phưn nè * * * Có một lần, con gái 12 tuổi của tôi mang một quyển vở màu xanh nhạt có in hình cỏ bốn lá, con bé nói rằng đã tìm thấy nó trong kệ sách. Đã nhiều năm rồi, quyển vở đấy đóng một lớp bụi và giấy đã ngả vàng, tôi chậm rãi dùng khăn lau sạch đi những vệt bụi trên bìa, con bé nhà tôi bám theo tôi, luôn miệng hỏi tôi rằng: "Bố ơi, người trong đấy là ai hả bố? Chú ấy là bạn của bố ạ?", vừa nói, con bé vừa trỏ vào tấm hình phai màu cũ mèm, trong hình là ảnh chụp gia đình, một người con, hai vợ chồng. Ánh nhìn của cậu bé trong tấm hình trông thật e dè, ánh mắt của người đàn ông kia thì sâu thăm thẳm, còn ánh nhìn của người mẹ thì bối rối đến lạ. "Ngồi xuống đây, bố sẽ kể cho con kia một câu chuyện." "Chuyện gì vậy bố?" "Chuyện về người trong ảnh và quyển nhật ký này." * * * Tôi có một người bạn tên Nhân, cậu ấy học giỏi, đẹp trai, nhưng có phần rụt rè so với những đứa con trai khác. Tôi vẫn hay chơi cùng Nhân mỗi khi ra chơi, chúng tôi đã thân nhau từ lớp ba cho tới lớp năm, tôi biết Nhân không có một gia đình hoàn chỉnh như những đứa trẻ khác. Bố Nhân mất vì ung thư khi Nhân được bảy tuổi, mẹ Nhân một mình nuôi con, cả hai mẹ con sống trong nương tựa qua ngày. Nhân kể với tôi rằng: Tuy bố nằm ở bệnh viện nhưng khi nào mẹ con Nhân tới, bố đều cố gắng chịu đau đớn để có thể nói chuyện và chơi với Nhân nhiều hơn để Nhân không cảm thấy buồn. Nhưng rồi ngày đó cũng tới, thân xác vì đau đớn do bệnh tật dằn vặt ngày qua ngày, không thể sống mãi như vậy, bố đã ra đi trước khi nói lời tạm biệt với mẹ con Nhân. Nhân từ lúc đó trở nên rụt rè đến lạ, cậu không nói nhiều, không hoạt bát, không cười nhiều, cậu u sầu và khép mình. Nhiều người độc mồm miệng bảo do bố Nhân chết oan ức hại đến con trai, có người lại nói rằng bố Nhân mất do bùa ngải, có người lại kể do bố Nhân không tích đức khi còn sống, thậm chí bọn trẻ con quanh đó còn luôn miệng gọi Nhân là "Thằng Nhân điên, Nhân khùng..", bố mẹ bọn trẻ ấy còn không cho chúng nó chơi với Nhân vì nghĩ cậu bị tâm thần. Miệng đời không nói thì thôi, nhưng nói rồi lại chỉ gieo rắc toàn đau thương. Nhân đối với những lời đồn đó rất gay gắt, thậm chí là phát điên lên và đánh trả, quát tháo ầm ĩ lại. Nghĩ lại lúc đấy, Nhân hẳn phải đau lòng, phẫn nộ và bất lực đến thế nào, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt của cậu ngập nước nhưng không khóc được, tôi nghẹn ngào không cách nào thốt ra được. Đó chính là nỗi đau của Nhân, của một đứa trẻ còn non dại. Tôi thân với Nhân vì những lời đồn đại quanh cậu, ban đầu, Nhân rất gay gắt với tôi. Nhân cho rằng tôi kết bạn với cậu là vì lòng thương hại, nhưng tôi bền lòng muốn làm bạn với cậu, tôi thật sự muốn Nhân cảm thấy rằng mình không bị người trong xã hội này bỏ rơi, sẽ có những người giống như tôi, muốn kết thân, chia sẻ và bầu bạn với Nhân. Từ đó, Nhân dần dần chấp nhận sự tồn tại của tôi, cậu thích làm bài tập, ăn cơm, thả diều, bắn bi, lội sông bắt cá, trèo cây hái quả.. chúng tôi đã làm nhiều thứ cùng nhau, mẹ Nhân đặc biệt thích sự có mặt của tôi, vì Nhân như một con người khác, nói nhiều hơn, hoạt bát hơn, cười nhiều hơn. Nhân nói với tôi rằng sau này Nhân cũng thi vào trường cấp hai và cấp ba cùng tôi, kể cả là Đại học hay đi làm, tôi cũng rất vui khi tưởng tượng rằng chúng tôi sẽ có thể ở bên nhau nhiều hơn, chúng tôi sẽ thân thiết như anh em ruột thịt. Những tưởng cuộc vui vẻ của cả hai đứa sẽ kéo dài, cho tới một ngày, khi tôi đang ăn cơm cùng Nhân, thì mẹ cậu lại đưa về một người đàn ông cao to, người vạm vỡ, bắp tay cuồn cuộn, chiếc áo ba lỗ tưởng chừng như muốn rách ra với những thớ thịt rắn chắc, tưởng tượng nếu ông ấy đấm tôi thì tôi dính vào vách tường mất. Tôi khe khẽ lên tiếng: "Cháu chào chú ạ." "Chào cháu." Ông ấy nhìn tôi và Nhân bằng ánh mắt sắc lẹm, khiến cả hai đứa sởn gai óc, mẹ cậu kéo ghế mời vào dùng cơm cùng. "Anh ngồi đi." "Ừm." "Anh đi đường xa có mệt không?" "Không. Trong đây đứa nào là con trai của em?" Mặt mẹ Nhân thoáng chút bối rối, mẹ cậu cười cười, tôi cảm thấy có chút không ổn nên ăn vội bát cơm, rồi chào cô chú, chào Nhân chạy về nhà. Không khí của bàn ăn ngày hôm đó có chút gì đó không đúng, khiến tôi cảm thấy mình bị dư thừa, không nên có mặt trong hoàn cảnh đó. Về nhà, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi tách hạt me, tôi rửa tay ở lu nước rồi vào lấy dao tách hộ mẹ, mẹ ngạc nhiên hỏi: "Không phải xin đi tới ba giờ chiều à? Về sớm thế?" "Không, nhà Nhân hình như có chuyện gì ấy. Con thấy không nên ở lại." "Chuyện gì?" "Con không biết, nhưng mà kỳ lạ lắm, nên thôi, con về phụ mẹ cho rồi." Mẹ tôi không hỏi nữa. Hai mẹ con im lặng ngồi tách hột me, lâu lâu mẹ quay lại hỏi tôi mấy câu hỏi linh tinh, trong buổi trưa hôm ấy chỉ còn lại tiếng lá lạo xạo ngoài vườn với tiếng chó sủa inh ỏi mấy con gà qua lại trong sân. Sáng hôm sau, Nhân lại trở về với trạng thái khép kín, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi đảm bảo đó không phải là chuyện vui vẻ gì. Hôm nay bọn trẻ con trong xóm đứng dọc con mương trêu Nhân, cậu chả thèm quan tâm, tôi cầm cây rượt chúng, Nhân vẫn cứ cúi đầu im lặng đi. Nhân như người mất hồn cả ngày hôm đấy, bài tập thầy giao cũng không làm, thầy mắng cũng cúi gầm mặt xuống, lặng thinh. Giờ ra chơi, tôi thấy Nhân nằm gục trên bàn, không thèm cùng tôi xuống mua bánh như mọi hôm. "Nhân, bánh tráng, si rô đá bào nè." Tôi mua đồ ăn Nhân thích, dỗ dành cậu bạn của mình. Nhân ngước nhìn tôi, rồi cùng tôi ra khỏi lớp, tới chỗ bí mật chúng tôi vẫn hay tâm sự - cây phượng vàng của trường. Cây phượng vàng này có nhiều sâu nên bọn học sinh thường không lui tới nhiều, chúng tôi đã phát hiện chỗ bí mật và chiếm dụng làm "căn cứ bí mật" của cả hai. Vào mùa, hoa phượng rơi đầy nền đất, vàng ươm một vùng, chúng tôi vẫn hay chơi bằng cách nhặt nhạnh từ đất lên những hoa phượng và tung nó lên trời, sau đó giả anh hùng kiếm hiệp múa may loạn xạ. Nhân ngồi ngay xuống thềm xi măng, tôi cắm hộp sữa cho cậu uống, một lúc sau tôi thấy Nhân ngẩng đầu nhìn tôi: "Mẹ mình sẽ lấy một người chồng mới." "Gì cơ? Dì lấy chồng? Là cái ông hôm qua tới nhà sao?" "Ừm.." Tôi sốc. Hóa ra linh cảm hôm qua của tôi là đúng. Rõ ràng có gì đó bất thường nhưng tôi lại không nghĩ nhiều đến thế. Nhưng đây là chuyện vui mà? Nhân có bố mới, người bố vừa lực lưỡng vừa khỏe mạnh, sau này không ai dám bắt nạt Nhân hay chê Nhân là con rơi, mồ côi bố nữa. Cớ sao Nhân lại buồn đến như vậy? Tôi giương ánh mắt khó hiểu nhìn Nhân, cậu dường như thấu được câu hỏi của tôi, khe khẽ nói: "Mình đã cãi nhau với mẹ, mình không muốn có bố mới." "À.." Tôi vừa dứt lời, thì có một đám trẻ tới trêu chọc Nhân, tôi lại bắt mấy con sâu đang bò ném vào chúng nó, khiến chúng nó chạy tán loạn. Thầy giáo gõ đầu tôi, gằn giọng nói với tôi rằng đừng có bắt nạt những đứa nhỏ hơn nữa. Tôi bĩu môi, hậm hực quay trở lại với Nhân, nói vu vơ: "Sau này Nhân có người bố mới, ông ấy vừa cao, vừa to, nhất định sẽ không để Nhân bị bắt nạt!" Tôi không biết, lời mình nói giống như gián tiếp chạm vào nỗi đau của Nhân, cậu rơm rớm nước mắt, sau đó cậu òa khóc. Ngày hôm đấy, Nhân khóc rất nhiều, đến tưởng chừng như đấy chính là ngày bố của Nhân mất. * * * Tôi trở về nhà, hôm đấy Nhân được bố mới đưa về, mặt cậu lạnh tanh, thậm chí là xa cách. Người bố đấy khiến cho cả trường náo loạn, có người không tin được còn cho rằng đấy chỉ là họ hàng của cậu. Những đứa trẻ khác nhìn bố của mình, sau lại nhìn bố mới của Nhân, rồi bĩu môi. Không đứa nào dám chọc Nhân mồ côi bố nữa, chúng nó len lén chạy vội đi khi người đàn ông cao lớn ấy đi cùng Nhân. Tôi đi về một mình, dù vậy, tôi cũng rất vui vì người bố mới này có lẽ dành thời gian cho Nhân hơn. Ông ấy cứ lặng thầm đi theo phía sau bước chân nhỏ bé của Nhân, vòng qua mấy con đường làng, rồi mất hút sau mấy đám cây tràm. Tôi đem chuyện về kể cho mẹ nghe, mẹ nhìn tôi, rồi hỏi tôi: "Con nghĩ thế, nhưng nếu con là Nhân, thì con có muốn bố mình là một người khác không?" "Không, sao lại là một người khác chứ? Bố con tuyệt nhất trên đời!" "Thế thì con hiểu vì sao rồi đấy." Lúc này, tôi mới nhận ra, lúc tôi nói như thế, tôi đã vô tình làm tổn thương Nhân, khiến Nhân không chịu được mà khóc. Hình ảnh về người bố trước đây của Nhân là người rất yếu đuối, còi cọc và bệnh tật dằn vặt, nhưng những điều đó cũng không hề gì so với tình yêu của bố dành cho Nhân. Cậu chỉ chấp nhận mỗi hình ảnh đấy, yêu thương mỗi người bố đấy và khó chấp nhận rằng mình sẽ có một người bố mới là một người đàn ông cao to, xa lạ và không có ánh mắt trìu mến như bố khi xưa. Nhân không muốn có ai đó thay thế vào tình yêu của bố, cho dù mẹ Nhân có ép như thế nào, thì đối với cậu đó cũng chỉ là một tình yêu ràng buộc, không hề tự nguyện chút nào. "Mẹ ơi, con sang nhà Nhân." "Nhớ về ăn cơm chiều, riết ở mãi nhà người ta ăn chực đi!" "Dạ!" * * * Tôi ghé tiệm tạp hóa mua mấy viên kẹo sữa con bò, rồi sang nhà Nhân. Lúc này Nhân ngồi ở ngoài hè, chồm hổm bắn bi một mình. Khi tôi sang, ánh mắt Nhân sáng lên, ra mở cổng cho tôi. "Chơi bi không rủ nha." tôi đưa mấy viên kẹo cho Nhân, rồi cùng ngồi bắn bi với cậu. Nhân cười xòa, tuy mắt vẫn còn sưng lắm. Tiếng bi ve va vào nhau cạch cạch, trời nóng hơn mọi ngày nên cả hai chơi một tí là phải vào nhà ngồi bật quạt cho mát. Nhân mời tôi nước cam, rồi bật ti vi cho tôi xem cùng. Chúng tôi vẫn thích coi Tây Du Ký, thời ấy, tôi và Nhân ở nhà, xem xong phim sẽ diễn lại y hệt, có hôm thì tôi là Đường Tăng, có hôm là yêu quái, chỉ hai chúng tôi chơi rất vui, nhưng cũng bày bừa khá nhiều. Nhưng hôm nay, Nhân không diễn cùng tôi, cậu chỉ lặng xem phim, rồi từ trong phòng đem ra một quyển vở bìa màu xanh có in hình cỏ bốn lá, dúi vào tay tôi, sau đó cậu tắt tivi. Tôi ngạc nhiên nhìn Nhân, giống như bản thân mình đang chứng kiến một ai đó chứ không phải cậu ấy. Nhân không nói gì nhiều, chỉ nói là lần trước tôi mượn vở học của Nhân để chép cho đủ bài. Tôi nghĩ là vở học thật nên cũng không mở ra xem, chỉ đồng ý giữ giùm cho cậu. Sau đấy Nhân cùng tôi ra sau con sông nhỏ hái mấy trái bình bát, ném tõm xuống nước, chốc, cậu lại nhặt đá chơi ô ăn quan với tôi, chúng tôi say sưa đến khi mẹ Nhân về nhà. Chợt thấy trời đã sẫm tối thì hốt hoảng xin phép đi về, tay giữ lấy quyển vở của Nhân, ra tới cổng, Nhân vẫy tay chào tôi, cậu cười tươi như chưa từng. "Chào Nhân nhé! Chép xong bài mình đem vở cho Nhân." Nhân không nói gì, chỉ mỉm cười tít mắt. * * * Tôi đem quyển vở đấy về nhà, định chủ nhật rồi hẵng hãy chép bài, thứ bảy để chơi bời, vả lại, hai ngày nghỉ cuối tuần là ngày mà bố tôi sẽ về nhà chơi với tôi. Bố đi làm cho một công ty vận tải trên Sài Gòn, mỗi lần bố về đều mua cho tôi đồ chơi và quần áo mới. Sáng thứ bảy bố về thì chiều chủ nhật bố lại đi rồi. Nghe tin mẹ nói bố về khiến tôi mừng rơn, tôi quấn bố cả ngày sau đó, hai bố con cùng đi kéo lưới, bắt ếch, mò cua.. Bố kể chuyện cho tôi nghe rằng Sài Gòn có gì vui, khiến lòng tôi cảm thấy nôn nao tưởng tượng tới một thành phố nô nức, ồn ã, tấp nập, buổi sáng đầy những món ngon vật lạ và buổi tối lấp lánh những ánh đèn từ các tòa nhà cao ốc. Tôi nói với bố, tôi cũng muốn sống ở đấy. Con người thành phố qua cách bố kể rất sang trọng, rất thông thái, khiến tôi mê mẩn. Nghĩ tới tôi ở Sài Gòn về quê, tụi bạn sẽ gọi tôi là trai thành phố và quấn quýt với tôi. Lần nào về, anh em rủ nhậu, bố ngà ngà say, vừa nhâm nhi râu mực nướng vừa kể về những chuyện ở Sài Gòn, tôi chạy việc cho mấy chú bác được thưởng mấy đồng mua quà vặt, lại còn được nghe chuyện hay nên thích lắm. Và rồi khi bố đi, mọi thứ lại vào trật tự như ban đầu. Tôi chán nản nằm phè ra ván, chả muốn làm gì cả, mẹ bảo: "Lần nào cũng thế." "Con muốn chơi với bố cơ." "Bố mày phải đi làm, không làm thì lấy gì mà ăn. Dọn dẹp lại bàn học đi." Chợt tôi nhớ tới quyển vở của Nhân, tôi mê chơi quá quên khuấy mất chép bài. Vội vàng mở tủ lấy quyển vở đấy ra, vừa mở ra định chép thì thấy từng dòng chữ nắn nót của Nhân. Tôi ngơ ngẩn, quyển vở này là cả một quyển nhật ký từ lúc Nhân mất bố, cậu không chia sẻ được với ai, nên đành phải viết lên giấy, như lời tâm sự với người bố đã khuất mặt đấy. Nhân kể những lần học bài, những lần bị mẹ mắng, những lần bị bạn bè trêu chọc ra sao, mỗi lời nhắn đến bố đều ngay ngắn, thẳng hàng, từng nét chữ đều trau chuốt và đẹp đẽ. "Bố ơi, con được 10 điểm này, bố thấy con có giỏi không?" "Bố ơi, bố có khỏe không? Hôm nay con bị sốt. Mẹ không có để ý lắm.. nhưng con tin rằng con sẽ khỏe lại ngay thôi." "Bố ơi, con hoang là con gì ạ? Sao các bạn lại nói con là con hoang?" "Bố.. các bạn bắt nạt con.. các bạn nói con không có bố, con đã cãi lại các bạn và đánh nhau. Con xin lỗi.." Tôi nhìn thấy những con chữ đã nhòe đi, vì nước mắt của Nhân, tình cảm của Nhân dành cho người bố của mình sâu đậm vô cùng, đến mức không thể kiềm chế lại mà rơi lệ. Nhân đã cảm thấy tủi thân như thế nào chứ? Cậu chịu đựng tất cả mọi thứ, nếu là tôi, tôi sẽ không thể mạnh mẽ nhiều như vậy. Thời gian không thể xóa nhòa đi hình ảnh người bố ấy trong tâm trí của Nhân. Cậu đem mọi chuyện viết vào trong nhật ký, kể cả chuyện cậu biết mẹ đã phải lòng một người đàn ông lạ mặt được một thời gian, cho tới ngày đem ông ta về nhà ra mắt với cậu và nói rằng họ sẽ cưới nhau vào tuần sau. Những con chữ càng mờ đi, càng nhòe đi, Nhân đã khóc rất nhiều, càng lật về sau, những con chữ càng mờ nhiều hơn. "Bố ơi, mẹ sẽ bán căn nhà để đưa con cùng sống ở nơi khác, trong căn nhà của người đàn ông lạ.. Bố ơi, con phải xa trường, xa bạn con. Mẹ đã khóc mong con tha thứ.. tha thứ vì điều gì chứ bố ơi? Vì chưa từng nghĩ tới cảm giác của con? Là chưa từng lắng nghe con? Hay vì đứa trẻ trong bụng mẹ?" "Bố ơi, con phải dọn đi rồi, con không muốn đâu.. Nhưng mẹ khóc nhiều lắm, con không thể làm mẹ buồn. Con xin lỗi bố." Tới đây, Nhân không viết nữa. Nước mắt của tôi cũng theo nỗi đau xót mà rơi xuống, đây là những lời không thể nói được của Nhân, là nỗi lòng mà Nhân đã giấu, là tất cả những gì mà Nhân đã chịu đựng. Cậu giấu với tôi, giấu với mọi người. Tôi ôm lấy quyển vở đấy chạy tới nhà của Nhân. Trời chiều chủ nhật hôm ấy, đã quá muộn màng để nói lời vĩnh biệt, căn nhà mới ngày hôm trước chúng tôi cùng chơi bắn bi, cùng xem phim, bây giờ đã đóng kín cửa và tối om, tôi chạy ra sau vườn, cũng không thấy sự tồn tại của Nhân trong căn nhà ấy nữa. Nhân đi rồi. Mọi người xung quanh không ai biết rằng họ đã đi đâu, lúc nào. Giống như thoáng qua mà chưa hề tồn tại. Có nhiều người còn cảm thấy nhẹ nhõm vì "Nhân khùng" không còn ở đây nữa, con cái của họ sẽ an toàn hơn, mấy đứa trẻ bĩu môi vì không còn ai cho chúng nó phỉ nhổ. Nhưng có ai hay biết, cậu ấy đi, nhưng nỗi đau dai dẳng vẫn còn ở lại, nỗi đau của một đứa trẻ thiếu sự yêu thương mãi mãi tồn đọng lại. * * * Vài năm sau, tôi hay tin có bưu kiện gửi đến nhà, là một tấm ảnh cũ. Tấm ảnh chụp cả gia đình trong đám cưới. Nhân đứng giữa người bố mới và mẹ, mặc áo sơ mi trắng và chiếc quần tây, mặt cậu vẫn lạnh tanh, thậm chí là e dè. Còn mẹ Nhân lại bối rối, tay đặt trên vai Nhân, có chút siết vai cậu, qua tấm ảnh thì cái bụng của dì ấy đã hơi to. Còn người bố mới, vẫn là phong thái cũ, mạnh mẽ và khó đoán. Một tấm ảnh chụp gia đình rất quái dị. Tôi lật sau ảnh lên, có dòng chữ nắn nót của Nhân, đọc dòng chữ ấy, tôi bật cười. * * * "Bố ơi, sao bố lại cười?" "Vì bố biết, khi gửi tấm ảnh này, cậu ấy đã có một người bố nối tiếp tình yêu thương ấy. Con gái.. dù cho sau này có bất kỳ chuyện gì, hãy tin rằng bố luôn luôn yêu con và mong con sẽ hạnh phúc." "Bố.. con cũng yêu bố.." Sài Gòn, bố tớ bảo tháng sau sẽ về. Ký tên: Nhân. END