Khi tôi và bạn ở tuổi 18 – độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chúng ta đều có những ước mơ, khát vọng và chấp niệm trong chuyện tình cảm. Đặc biệt, đối với tình yêu, chúng ta thường bất giác tự đặt ra những nguyên tắc và giới hạn cho riêng mình. Nhưng rồi đến một ngày bạn nhận ra, mộng tưởng và hiện thực cách nhau rất xa.. thật sự rất xa, có khi còn chẳng hề ăn nhập với tưởng tượng của bạn chút nào. Thời cấp hai, những cuốn truyện teen trao cho chúng ta ba cụm từ khóa để mở ra một câu chuyện tình lãng mạn : Soái ca, những câu chuyện thú vị, và một kết thúc có hậu. Sau này, ngôn tình lại gieo vào lòng ta một loại chấp niệm. Đó là sự thủy chung. Nhưng tất cả những kịch bản bạn viết sẵn trong đầu, tất cả những nguyên tắc bạn vì tình yêu mà đặt ra, khi lên cấp ba, lên đại học, thậm chí khi bước vào tuổi trưởng thành, đều sẽ lần lượt sụp đổ, hoặc bị hiện thực mài mòn từng chút một. Đầu tiên, khi bạn bước vào cuộc sống cấp ba, bạn sẽ cảm thấy rất éo le khi nhận ra rằng cụm từ `` soái ca `` sẽ bị ngắt ra làm ba phần gần như tách biệt. Trong lớp, cậu bạn đẹp trai ngồi cùng bàn thường sẽ hát hay và hay hát, hay ngủ và hay chép bài bạn. Trong khối bạn đang học, những cậu bạn học giỏi thường sẽ có những đặc điểm như sau : Trông thư sinh, mảnh khảnh và nhẹ cân hơn bạn ; độ dày của kính không bao giờ dưới ngưỡng 0, 5 ; và đặc biệt luôn tỏa ra một loại khí chất rất khô và lạnh. Đương nhiên trong trường cũng sẽ có những đàn anh, những cậu bạn đẹp trai, tài ba, học giỏi nhưng đều không tới lượt bạn nữa rồi. Thất vọng là đương nhiên. Thất vọng là dễ hiểu. Thất vọng chẳng có gì là sai, nhưng đừng vì vậy mà vội buông bỏ tất cả mọi nguyên tắc và giới hạn bạn đặt ra trước đó để tìm kiếm một người bạn trai lý tưởng cho riêng mình. Biểu hiện phổ biến nhất của việc dễ dãi trong tình cảm và buông bỏ nguyên tắc ở tuổi 16-17-18 chính là : Một người lạ tỏ tình, một người thấy người đó cũng được, nên đồng ý. Khi đó, phải chăng chúng ta đã quên mất rằng tình yêu không nên đến từ một người bạn có thể sống chung, mà nên đến từ một người bạn không thể sống thiếu, hoặc không nỡ rời xa. Khi bạn vì cô đơn mà cố ôm chặt lấy một người xa lạ, nghĩa là bạn đã tự tạo ra cho mình một lời nói dối. Và hạnh phúc dựa trên trên một lời nói dối, thường sẽ không bao giờ đi tới đâu cả. Thứ hai, đó là những câu chuyện thú vị, đa phần đều là do tự chính chúng ta ảo tưởng, và gắn mác cho chúng hàng ngàn ý nghĩa. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng xung quanh bạn có rất nhiều câu chuyện hay ho khi bạn bè của bạn sắp bước vào giai đoạn hẹn hò với một bạn nam nào đó. Những cuộc gặp mặt tình cờ mà hữu ý, những biểu hẹn thẹn thùng, đáng yêu, những cử chỉ thăm dò tình cảm, ghen tuông thầm kín hay lạt mềm buộc chặt thường gặp trong tiểu thuyết sẽ xuất hiện với tần xuất rất cao, khiến cả những người ngoài cuộc và trong cuộc đều thấy hứng thú. Đó có thể là biểu hiện của một tình yêu ngọt ngào, trong sáng như ngọc, hoặc đơn giản chỉ là một trò đùa tán tỉnh nhưng lại khiến chúng ta hy vọng, để rồi lại một lần nữa thất vọng. Thất vọng quá nhiều sẽ khiến chúng ta đánh mất niềm tin vào tình yêu. Vậy nên, khi đứng trước bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta đều cần phải bình tĩnh quan sát và suy nghĩ thấu triệt. Cuối cùng, điều khiến chúng ta thất vọng nhất với tình yêu của giới trẻ, trong đời sống thực đó là sự thiếu thủy chung. Một người bạn đã tâm sự với tôi rằng : `` Nhìn bạn bè xung quanh cứ hết yêu rồi lại chia tay, mình thật sự rất nghi ngờ, rốt cuộc đâu mới là bản chất chân thực của tình yêu? Đó là tình yêu mà mình từng đọc, từng nghe thấy, từng mơ hồ cảm nhận được hay là tình yêu mà mình đang nhìn thấy đây? `` Tôi rất hiểu sự hoang mang trong lòng bạn ấy. Tuy đó chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng lại rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người sau khi chia tay còn quay ra ghét bỏ đối phương, khiến cho những ngày tháng tươi đẹp bên nhau trong phút chốc trở thành nắm tro tàn. Sự thủy chung mà chúng ta tôn thờ như tín ngưỡng lại vấp phải thất bại ngay từ cuộc tình đầu tiên. Sự thủy chung mà ta gát gao ôm lấy, cố gắng bảo vệ, cố gắng thực hiện lại bị hủy hoại chỉ vì những lý do chia tay không đâu của đối phương. Sau đó, bạn nhận ra mình đã chọn sai người, sai thời điểm. Không hẳn là như thế. Mà phải chăng, nguyên tắc lựa chọn của bạn ngay từ đầu đã sai rồi. Quả thực phải dựa trên diện mạo và năng lực để tìm kiếm cho mình một người yêu lí tưởng nhưng đó vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một tình yêu bền vững. Ở thời thanh xuân, thời điểm mà cái tôi phát triển nhanh hơn cả chiều cao và nhận thức, sẽ chẳng ai trong chúng ta thực sự hiểu được thế nào là nhường nhịn, thế nào là bao dung với đối phương. Nhưng ít ra trong tình yêu, chúng ta cần thẳng thắn, quan tâm, và thấu hiểu. Đó là điều cần thiết, để giữ cho tình yêu tuổi học trò trong sáng, thuần khiết, không kết thúc trong im lặng, hoặc đổ vỡ không vui. Lúc 13-14 tuổi, tôi tự hỏi tại sao mẹ lại cấm không cho mình đọc truyện teen, truyện ngôn tình hay truyện tranh thiếu nữ, mẹ nói đó là những phế phẩm rác, và thứ mình nên đọc là những tác phẩm văn học lớn trong và ngoài nước. Nhưng, tôi lại thấy chúng rất hay với những câu chuyện tình lãng mạn và cả những thông điệp ý nghĩa của tình yêu đều được viết dưới một văn phong rất mĩ miều, uyển chuyển và lôi cuốn. Vậy lại thêm một xung đột thầm kín về tư tưởng, giữa ba mẹ và con cái. Giá như khi đó, mẹ nhẹ nhàng nói với tôi rằng :`` Đọc ngôn tình, hay đọc bất cứ thứ gì đều không hề sai. Đọc để trưởng thành. Ở tuổi này, con đã có nhận thức, có khát khao đi tìm kiếm những cảm xúc đẹp đẽ và ngọt ngào cho riêng mình. Ngôn tình cho con thấy được nhiều khía cạnh khác nhau của tình yêu, những tiêu chuẩn tìm kiếm một người yêu lí tưởng. Nhưng mẹ lo, nó sẽ vô tình khiến con nhầm lẫn trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. Ví dụ nhé, bất cứ câu chuyện nào đều bắt đầu bằng việc một anh chàng đẹp trai, tài hoa, phong cách, yêu một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, tốt bụng ; và cuối cùng là hai người bên nhau hạnh phúc tới già. Như vậy là diện mạo, tài năng, phẩm giá đã được ưu tiên trong lòng người đọc hơn sự thủy chung không biết bao nhiêu lần. Mạch truyện đều sẽ phát triển như vậy, không ai có thể cải biên. Vậy lỗi sai là ở người đọc hay người viết? Sẽ chẳng ai sai cả nếu người viết không thần thánh hóa nhân vật và người đọc đủ tỉnh táo để phân biệt và sắp xếp các ý nghĩa sao cho phù hợp. Mẹ hy vọng con sẽ suy nghĩ thật kĩ những lời mẹ nói, trước khi đọc. `` Bạn cũng đã từng nghĩ như vậy, giống tôi, có phải không? P/s: Bài viết còn nhiều thiếu sót về mặt lập luận logic, với một vài ngôn từ mang tính phiến diện ; mong nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bạn đọc.