Ngoại Tác Giả: Phương Vy Năm tôi vào lớp 10, nhà ông Ngoại trong diện di dân trả đất cho quốc phòng, gia đình nhà bác cùng ông chuyển về ở bên cạnh nhà tôi. Trong kí ức trước đó, tôi không có nhiều tình cảm đặc biệt với ông, là một đứa trẻ con chưa trưởng thành, những ngày còn nhỏ tôi không thích về ngoại chơi theo mẹ. Tôi thích chạy đi chơi với mấy chị bên nội hoặc vài đứa trẻ trong xóm hơn là cùng mẹ đến nhà ông, những ngày tết cũng vậy, nếu mẹ rủ xuống ngoại luôn là những cái lắc đầu. Sau này lớn hơn tôi ý thức được việc tồi tệ đó nhưng những kí ức của tôi về ngôi nhà năm gian hai trái cùng chiếc giếng sau bếp của ông cũng không có nhiều. Ngôi nhà của ông Nội tôi bị phá từ khi tôi học lớp 2, nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh ông tôi ngồi đun nồi rượu trong bếp, chiếc radio đang tường thuật trực tiếp trận đấu bóng đá giữa hai đội tuyển nào đó được tôi nằng nặc đòi ông chuyển sang ca nhạc thiếu nhi. Thật tệ khi từ bé tình cảm trên bàn cân của tôi đã chênh lệch nhiều đến mức như vậy. Năm ông 70 tuổi, ông vẫn đủ sức đi cày mặc cho con cháu đã can ngăn, có những ngày chiếc cày được giấu đi nhưng bằng cách nào đó tới nửa buổi sáng người ta vẫn thấy bóng dáng một người đan ông lưng đã còng, mặc chiếc áo ba lỗ loại vải đông xuân đã chuyển sang màu cháo lòng rách lỗ chỗ, cùng với chiếc quần nâu đã bạc màu trên vai là chiếc cày tai dắt con trâu cái bước xuống từ trên núi phía sau nhà. Nhà bác tôi không nghèo nhưng ông vẫn cứ thích làm việc như thế. Từ ngày chuyển nhà, không có đất trống để cày, ông tôi thường gọi các cháu tới nhờ mua vịt mua ngan cho ông chăm. Nhưng các anh tôi thương ông, sợ ông mệt nên không chịu đưa ông ra chợ. Lần đó chắc là ông cũng giận. Không nhờ được các cháu, ông tôi đành nhờ người ngoài đi mua giúp. Bất lực các anh tôi đành chiều theo ý ông làm cho ông một chiếc chuồng vịt, nhưng ông không ưng, ngày ngày ông cũng cặm cụi đục rồi lại gõ cạch cạch cả ngày bên chuồng vịt. Độ ấy, tôi thấy gương mặt của ông hồng hào có sức sống hơn hẳn thời gian trước. Vịt lớn, ông không bán mà gọi em con cậu tôi đến thịt rồi gọi các cháu về ăn. Mùa đông chúng tôi hay ngồi sưởi bên chiếc bếp tự chế của ông rồi năn nỉ ông kể chuyện hồi ông đi chiến đấu. Bếp của ông được làm bằng cái chậu thau đã bị thủng một phần đáy, ông đặt củi trong đó rồi nhóm lửa đặt giữa sân. Ông thích ngồi đó vừa nhìn người đi đường, vừa có chỗ cho bọn trẻ con hàng xóm qua chơi, tôi nghĩ là ông buồn. Bọn tôi đi học hết, các bác tôi cũng đi làm chỉ về vào chút buổi trưa và tối. Ông có nhiều món đồ cổ kì lạ, tôi thích gọi như thế, tỉ dụ như chiếc thìa không còn rõ hình dạng đã gãy phần tay cầm ông tôi đem gò lại với mảnh gỗ thành tay cầm. Bác tôi đã mấy lần vất đi, nhưng rồi ông lại cầm về. Hay như con dao nhỏ xíu được làm bằng miếng sắt buộc vào thanh gỗ cũng nhỏ xíu, nhưng kì lạ là lũ chúng tôi luôn thích dùng con dao ấy. À, còn chiếc nồi sáng bóng ngày nào ông cũng cọ rửa tới mức mỏng manh như tở giấy, chiếc quai hai bên được chế bằng hai thanh nhôm buộc chắc chắn nhưng kì cục. Ông bảo nó bằng tuổi mẹ tôi. Có lần bác tôi đi công chuyện ở xa trưa không kịp về. Bác dặn là trưa tôi nấu cơm mang cho ông, nhưng tôi lại quên mất, tôi cứ mải xem phim, tới tận 11h mới cắm cơm, cho tới khi mẹ tôi ở đồng về tôi mới sực nhớ lời dặn của bác. Chạy sang thấy dưới bếp có nồi cháo đậu xanh đã vơi một nửa hãy còn nóng. Lên nhà tôi thấy ông đang nghỉ trưa. Tôi không gọi ông dậy sợ đánh thức giấc ngủ của ông. Lần đó tôi không dám kể với ai phần vì tôi sợ mắng, phần vì tôi thấy có lỗi với ông. Tôi không biết ông có giận tôi không, nhưng tới bây giờ tôi vẫn luôn áy náy và hối hận. Năm tôi vào Đại Học, sức khoẻ của ông tệ hơn, nhưng lần nào tôi về thăm nhà ông cũng ngồi ở cửa nhìn về hướng nhà tôi. Tôi hỏi ông khoẻ không, lần nào ông cũng bảo "Không biết có qua mùa đông này không" Ông tôi thích xem chèo, nhất là vở "Phạm Công - Cúc Hoa", nhưng chiếc đầu đĩa đã cũ kĩ bám đầy bụi không còn đọc được chiếc đĩa đã có vài vết xước. Tôi tự nhủ sau này đi làm dành đủ tiền tôi sẽ mua cho ông một chiếc đầu đĩa mới, mua cho ông đủ bộ đĩa chèo luôn. Nhưng ông tôi không đợi được tới ngày đó. Ông chống đỡ được mùa Đông lạnh căm, nhưng vào một ngày đầu xuân bố tôi gọi nhắn tôi về nhà ngay, ông đã yếu lắm rồi. Tôi bắt xe về luôn, lần này ông không còn ngồi ở cửa nhìn về hướng nhà tôi nữa. Phía sân nhà bác bắt đầu đã được kéo lên những tấm bạt xanh. Tôi không được nhìn ông lần cuối. Sau này, mỗi lần về nhà tôi đều nhìn lên sân nhà bác nơi ông vẫn ngồi, nhưng bóng dáng tôi mong đợi đã mãi mãi không còn xuất hiện nữa. Hàng xóm nhà tôi có đứa trẻ mới lên 2 tuổi, ngày nào nó cũng sang chơi với ông, ngày ông tôi mất, mẹ nó bảo "ông đi chơi mấy ngày nữa mới về". Về sau, cứ cách vài ngày nó lại sang hỏi bác tôi - Bác ơi. Sao ông đi chơi lâu về thế? End!