Có một câu nói rất hay cho rằng: "Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ". Một tác phẩm trác việt là một tác phẩm làm bất hủ nỗi thống khổ của con người. Với Nguyễn Công Hoan, đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, Với Thạch Lam, đời là miếng vải có lỗ thủng, những vết ố, nhưng vẫn nguyên vẹn. Với Nam Cao, đời là tấm áo cũ bị xé rách tả tơi từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia đình, mỗi số phận. Và có lẽ đúng như Lê Huy Bắc từng nói: "Nghệ thuật chỉ đạt đến đỉnh cao khi nó được chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời". "Nghệ thuật" là một hình thái ý thức xã hội, thông qua nghệ thuật người ta có thể phản ánh tồn tại xã hội cũng như những quan điểm, tư tưởng về con người trước cuộc sống. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực xã hội, khám phá đời sống con người thông qua những hình tượng văn học. "Đỉnh cao" là sự phát triển cao nhất, thành tựu rực rỡ nhất. "Chắt lọc từ những nỗi đau" là những đau khổ, bế tắc của con người trước những vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc. Hướng ngòi bút đến những nỗi đau của con người, văn học không chỉ thể hiện được tính nhân văn cao cả khi hướng về con người, bênh vực con người mà từ những hoàn cảnh mang tính bi kịch ấy, bản chất sâu xa nhất của con người sẽ được bộc lộ, từ đó mà văn học thể hiện được những triết lí sâu xa nhất về con người và cuộc sống. Nhận định của nhà phê bình Lê Huy Bắc đã đánh giá được đúng giá trị cũng như nhiệm vụ cao cả của nghệ thuật nói chung và của văn học nói riêng. Ông khẳng định việc phản ánh những "nỗi đau đích thực của cuộc đời" chính là tiêu chuẩn làm nên tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Từ thời xa xưa văn học không phải ngẫu nhiên mà đến với con người. Trải qua nhiều cuộc chuyển biến của xã hội, văn chương từ đó mà theo con người lớn lên. Văn chương bầu bạn và đồng hành cùng con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Bởi chất liệu của văn học được lấy từ chính đời sống xã hội, nó là tấm gương phản chiếu rõ nét hiện thực cuộc sống và con người. Hiện thực đời sống là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác, là đối tượng, là chất liệu, từ đó làm nên văn chương. Người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát vững chắc thì mới mong văn chương có giá trị ở đời. Văn học là bức tranh đại diện của cuộc sống, đó không chỉ là những gì đẹp đẽ, hoàn mĩ mà còn được tạo nên bởi chính những nỗi đau, sự thống trị, bi kịch của con người. Văn học đã đi sâu khám phá vào phần sâu kín nhất bên trong con người để phát hiện ra những nỗi đau thầm kín nhưng dai dẳng trong mỗi con người. Người nghệ sĩ làm thơ như có máu ghỉ trên đầu ngọn bút, như chắt lọc những nỗi đau từ trong tâm can đau khổ, tuyệt vọng, xót xa, giận hờn và bâng khuâng. Nỗi đau là những cảm xúc dữ dội nhất nhưng cũng khắc sâu nhất trong tâm hồn con người bởi niềm vui thì dễ quên nhưng nỗi đau thì luôn khắc khoải. Văn chương phải là một cố máy biết đào sâu và khai thác mọi ngóc ngách của cuộc sống, trước mọi đau đớn từ những vực thẳm của cuộc đời, văn chương cho ta một loại cảm giác đồng cảm, một thứ cảm xúc nghẹn ngào, xót xa.. Từ đó, con người con người mới biết đồng cảm, yêu thương trước những số phận đáng thương và tội nghiệp, văn chương nuôi dưỡng tâm hồn của con người thành một trái tim biết suy nghĩ, biết nhận thức về cái xấu và cái tốt, biết vun đắp những tình cảm của chính mình từ thái độ căm hờn, xót xa, đau đớn. Những tác phẩm vĩ đại nhất là những tác phẩm đưa người ta đến những nỗi đau, sự day dứt tột cùng để rồi sau mọi cảm xúc mỗi người có những nhìn nhận, đánh giá và bài học cho riêng mình. Tôi được biết đến ở nước Pháp xa xôi kia có một con người có trái tim nhân hậu, có tấm lòng yêu thương nhưng đã phải chịu một kiếp sống khốn khổ (Những người khốn khổ, Vicyo Huygô). Xã hội tư sản Pháp đã làm cho những em bé như Côđet phải chịu đọa đày từ trong bụng mẹ, đã làm cho những con người xinh đẹp như Phăngtin phải lìa bỏ cuộc đời giữa tuổi thanh xuân, đã làm cho Giăng Vangiăng trở thành con người khốn khổ giữa biết bao những người khốn khổ. Chính những nỗi đau ấy đã làm nên dư âm khắc khoải trong lòng người đọc bao thế hệ ngày nay. Tầm mắt ta lại hướng sang Nga, và trái tim ta lại cùng nhịp đập với nỗi thổn thức, niềm đau khổ vô tận của Anna Karênina (Anna Karênina, Lép Tônxtôi) – một người phụ nữ giàu sức sống và khát vọng nhưng lại bị xã hội khắc nghiệt quý tộc giam hãm. Với văn học, trái tim ta được rung lên những cảm xúc mãnh liệt khác nhau, ta đau trước nỗi đau của con người, buồn trước nỗi khổ của con người. Tuy nhiên, không phải bất cứ tác phẩm nào viết về nỗi đau cũng có giá trị bởi "nỗi đau ấy phải được chắt lọc". Nỗi đau ấy chỉ thực sự có giá trị khi được siêu thăng dưới tưởng của thời đại, khi nó được phát hiện và dẫn dắt bởi một tư tưởng tầm vóc. Nỗi đau ấy phải mở đường cho những ý nghĩa, triết lí nhân văn để từ nỗi đau của một người có thể thấy nỗi đau của nghìn người. Để mang đến một tác phẩm như thế còn phải phụ thuộc vào cách thể hiện, phản ánh, nghệ thuật hóa của người nghệ sĩ.