Nghị luận về tính trung thực

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi LoBe, 15 Tháng sáu 2020.

  1. LoBe Một là đừng gặp gỡ, hai là đừng biệt li.

    Bài viết:
    552
    Đề bài:

    Trong thư một người cha gửi hiệu trưởng của con trai mình, ông viết: "Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi".

    Từ ý kiến trên, hãy trình bày suy nghĩ của anh, chị về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

    [​IMG]

    Bài làm:

    Không một đất nước nào muốn giàu mạnh phát triển mà không cần có nhân tài. Không một sản phẩm nào muốn có được uy tín, chất lượng mà lại hàm chứa điều giả dối. Không một dối trá nào lại không có tác hại. Chính vì vậy, người ta luôn tôn trọng sự trung thực, thực chất, thực tài. Một người cha đã viết trong thư gửi hiệu trưởng nơi con trai mình theo học: "Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi." . Người cha đã thiết tha mong muốn nhà trường rèn cho con trẻ đức tính trung thực, trung thực trong học hành và sau này, khi những đứa trẻ ấy ra đời sẽ là những công dân trung thực. Chỉ bởi, trung thực là một đức tính tốt đẹp và cần thiết để xã hội phát triển.

    [​IMG]

    Vậy trung thực là gì? Tại sao trung thực lại quan trọng trong việc giáo dục trẻ nhỏ? Và thi trượt có thật sự vinh dự hơn gian lận mà được điểm cao hay không? Trung thực là thành thật, không giả dối, gian dối, dối trá. Trung thực trong thi cử là trung thực với đúng khả năng của bản thân, không coi cóp gian lận. Trung thực là một đức tính, một phẩm chất quý báu của con người. Trẻ em cần được giáo dục điều đó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và bắt đầu từ việc học hành, thi cử. Đã là thi thì đều có đỗ có trượt, phải biết chấp nhận thi trượt nếu mình thật sự chưa đủ tài, hoặc vì một lí do nào đó. Điều ấy còn vinh quang hơn là gian lận, quay cóp. Ăn cắp của người khác để biến thành của mình là vinh quang giả tạo. Có thể kì thi đó bạn được điểm cao, nhưng nếu lần sau vẫn không làm được bài thì sao? Bạn sẽ làm gì? Hay lại tiếp tục gian lận? Nếu việc ấy thường xuyên lặp lại sẽ trở thành bản chất xấu xa, tồi tệ và còn kéo theo bao nhiêu điều tồi tệ khác nữa, ví dụ như: Nói dối, tìm mọi cách để gian lận ngay cả việc uy hiếp bạn bè..

    Trong suốt chiều dài lịch sử của nền giáo dục, lúc nào cũng tồn tại sự gian lận, thiếu trung thực trong thi cử chứ không phải chỉ mới xuất hiện ở thời gian gần đây. Thiếu trung thực trong thi cử đã là một căn bệnh thâm niên, mà có lúc nó còn trở nên trầm trọng đến nỗi bùng phát, trở thành trung tâm của sự bàn tán, khiến mọi người bức xúc, bất bình. Hình thức gian lận rất đa dạng: Quay cóp của nhau, dùng "phao" cứu sinh, qua phương tiện nghe nhìn, thi hộ, thầy làm trò chép, nâng điểm.. Rất nhiều lần việc gian lận ấy được phơi bày ra, trong đó không thể không kể đến vụ việc nâng điểm cho 222 thí sinh tham gia kì thi THPT Quốc Gia năm 2018 tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Tin tức ấy hầu như đã chiếm trọn mọi trang báo, trở thành tâm điểm của xã hội, ngay lập tức cơ quan chức năng đã vào cuộc và giải quyết thích đáng. Nhưng liệu như vậy là hết, không còn bất cứ học sinh nào gian lận nữa? Không, tuy rằng đã có sự chấn chỉnh và khắt khe trong công tác coi thi cũng như chấm thi, song vẫn không triệt để do hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn.

    Mà muốn giải quyết vấn đề thiếu trung thực, gian lận trong thi cử thì ta phải biết được gốc rễ, nguyên do học sinh gian lận. Vì sao? Đó là do chủ quan của chính học sinh ấy. Học sinh lười học, học dốt, đi học không chú ý nghe giảng, không làm bài tập, ỷ lại vào người khác.. Nhưng liệu vì vậy mà học sinh gian lận hay không? Không hẳn, còn do nhiều yếu tố khách quan khác. Do sự kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ luôn muốn con cái của mình tài giỏi nhất, ưu tú nhất. Nhưng thay vì hướng dẫn con mình phương pháp học thì cha mẹ chỉ tìm cách "nhét" con mình vào các lò luyện ôn, còn nói những câu như: "Nếu điểm cao thì sẽ mua điện thoại." "Điểm cao muốn gì cũng được." Với những học sinh không quá thông minh mà muốn có những thứ đó thì không còn cách nào đơn giản, nhanh gọn bằng gian lận cả. Tiếp theo, nhà trường chạy theo thành tích, luôn bắt buộc học sinh phải tiếp thu quá nhiều kiến thức và điểm thi phải cao, số học sinh giỏi phải đạt chỉ tiêu định trước. Điều đó phần nào tạo áp lực đáng kể tới giáo viên chủ nhiệm cũng như học sinh. Và cuối cùng, chưa có sự sao sát, nghiêm minh từ các cấp lãnh đạo. Không chỉ học sinh có ý định gian lận, mà ngay cả người lớn cũng vậy. Nhiều bậc cha mẹ muốn con mình được điểm cao mà không ngần ngại đút lót hoặc tìm mối quan hệ cốt sao con mình có thể "ngẩng cao đầu trước chúng bạn." Lại nói về sự việc nâng điểm năm 2018 đã được nói ở trên, một bài báo trên trang Zing news đã viết: "Gia cảnh của các thí sinh được nâng điểm dần lộ diện và thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ. Điểm các thí sinh được nâng đều từ 28 điểm trở lên, bất kể điểm thực bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu hành vi chạy trường rất rõ. Phụ huynh thí sinh đều có chức vụ, cần làm rõ và là căn cứ để xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng bản chất vụ việc". Ngay cả cha mẹ, người lớn cũng gian dối thì thử hỏi trẻ em trung thực bằng cách nào?

    Gian lận khiến học sinh trở nên phụ thuộc, ỷ lại, không có chính kiến của bản thân, không biết mình có đúng hay không. Lần này gian lận, lần sau lại gian lận, và khi nó trở thành thói quen thì người học sinh ấy nghiễm nhiên đã hoàn toàn đánh mất bản thân, trở thành một cái vỏ rỗng, bên ngoài hào nhoáng nhưng bên trong trống không. Hơn nữa, họ luôn lo lắng rằng bản thân có bị phát hiện hay không, thần kinh luôn trong tình trạng căng thẳng như vậy mà nhiều học sinh mắc bệnh tâm lí. Và rộng hơn, dưới góc độ xã hội, vì gian lận trong thi cử mà những lứa học sinh ngu dốt, bất tài "ra lò" trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, gây rối loạn, làm đổ vỡ niềm tin của con người vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, làm cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Muốn giàu mạnh, đất nước cần phải có hiền tài.

    Sau đó thì sao? Từ thiếu chân thực trong thi cử sẽ dẫn đến thiếu chân thực trong cuộc sống. Mọi thứ đều có gốc rễ. Nếu cứ dung túng để hạt giống thiếu trung thực nảy mầm thì khi con người ta trưởng thành sẽ không có cách nào nhổ bỏ nó. Trong tất cả mối quan hệ của con người: Gia đình, nhà trường, công việc, bạn bè.. đòi hỏi cần có một chữ tín. Biết trọng chữ tín là biết trung thực. Trung thực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và được mọi người quý trọng. Cổ nhân có câu: "Thật thà là cha quỷ quái.".

    Chắc hẳn mỗi chúng ta đều được học câu chuyện "Đồng tiền vàng" kể về hai anh em Rô-be nghèo khổ, làm nghề bán diêm nhưng đã giữ đúng lời hứa trả lại tiền thừa cho khách. Rô-be được miêu tả là một cậu bé ăn mặc tồi tàn, rách rưới, mặt mũi gầy gò xanh xao - cho ta biết hoàn cảnh của chú bé rất nghèo khổ, đói rách, đáng thương. Lúc gặp khách chú chìa những bao diêm ra "khẩn khoản" mời mua giúp. Lúc khách không có tiền xu lẻ để mua diêm và "lưỡng lự" về đồng tiền vàng, thì Rô-be đã nói: "Không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng vàng. Cháu chạy đến hiệu buôn đổi rồi quay lại trả ông ngay". Sau đó, Rô-be đã khẳng định tính cách của mình: "Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là một đứa xấu". Nghĩa là không gian tham, biết giữ đúng lời hứa và trung thực. Mặc dù sau đó, Rô-be bị xe tông vào, gãy chân, phải nằm ở nhà, nhưng chú đã sai em trai đem tiền thừa đến trả cho khách. Qua đó, ta thấy Rô-be tuy nghèo khổ nhưng rất lễ phép, trung thực, tự trọng và biết giữ chữ tín, đã hứa là làm đúng. Vì thế ông khách sau khi nhận lại đủ số tiền thừa đã cảm động nói: "Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo". Từ nội dung câu chuyện, ta có thể thấy, trung thực chưa chắc đã giàu có về vật chất, nhưng đời sống tinh thần thì không thiếu. Luôn luôn tồn tại những đức tính cao đẹp xung quanh trung thực như thật thà, tử tế, giữ đúng lời hứa, công chính liêm minh.. Và đó đều là những thứ để tạo lên một con người tốt, một công dân có ích cho xã hội.

    Bởi vậy, giáo dục đức tính trung thực trong thi cử và trong cuộc sống cho học sinh là điều cần thiết, quan trọng. Học hành, thi đỗ là khát vọng của mỗi học sinh. Song, cần hiểu rằng thi thố phải có đỗ có trượt, biết chấp nhận thất bại khi mình chưa đủ tài để làm lại, có câu: "Thất bại là mẹ thành công." Trung thực, thẳng thắn với trình độ, khả năng, năng lực của mình sẽ cảm thấy tự hào hơn là tận hưởng niềm vui chiến thắng trong giả tạo, trên công sức của người khác. Kết quả thi trung thực cũng sẽ giúp người học, người dạy và các cơ quan quản lí kịp thời điều chỉnh biện pháp giáo dục sao cho phù hợp. Trung thực trong các mối quan hệ xã hội sẽ tạo ra uy tín cho chính bản thân và được mọi người tôn trọng, tin tưởng. Trung thực cũng là gốc của một xã hội văn minh, tiến bộ.

    Muốn đạt được điều đó thì mỗi học sinh, mỗi gia đình và nhà trường cần phải ý thức được tác hại của việc gian dối trong thi cử; cần phải xử lí nghiêm minh đối với những biểu hiện thiếu trung thực; trân trọng, khuyến khích thực tài và nghiêm khắc với những kẻ dối trá, háo danh, bất tài.

    Đức tính trung thực là nhân cách của mỗi người, là một trong những thước đo để người khác đánh giả chính bản thân mình. Muốn đất nước phát triển vững mạnh mỗi công dân cần chung tay góp cho xã hội lòng trung thực của mình, và cũng có thể coi đó như lòng yêu nước. Bản thân đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, em cảm thấy bản thân cũng như các bạn càng phải không ngừng trau dồi cho bản thân những đức tính quý báu để làm hành trang tốt nhất khi bước vào đời, nhất là tính trung thực.

    ~oOo~

    P/s: Be biết người gửi là tổng thống thứ 16 của Hoa Kì - Abraham Lincoln, nhưng đầu bài như kia nên không tiện nhắc tới tên ông.
     
    Nhigia, Mi An, Sua872648 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...