Nghị luận văn học - 8 câu thơ cuối đoạn trích trao duyên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hoa Hoạt, 21 Tháng sáu 2020.

  1. Hoa Hoạt Hoa Hoạt

    Bài viết:
    28
    Đề bài: Có ý kiến cho rằng đoạn trích "Trao duyên" đã thể hiện tâm trạng bi kịch của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ từ đó toát lên nhân cách cao đẹp của nàng. Hãy phân tích 8 câu thơ cuối của đoạn trích để làm sáng tỏ ý kiến trên.

    Bài làm:

    "Ai làm cho khói lên trời

    Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly."

    Nỗi đau biệt ly chốn trần gian vốn đã là một nỗi đau âm ỉ mà không ai có thể thoát ra được, huống hồ đó còn là nỗi đau của một cuộc tình tan vỡ, nỗi đau khi mà con người ta đang say ngất trong niềm hạnh phúc lại bị kéo xuống vực thẳm đau thương của cuộc chia ly. Đó cũng chính là bi kịch cuộc đời nàng Kiều của Nguyễn Du được thề hiện ở đoạn trích "Trao duyên". Trong đó, đặc biệt nhất là tám câu thơ cuối, tám dòng thơ khắc họa chân thật, rõ nét tâm trạng của người con gái bạc mệnh Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ, từ đó tình huống lại càng toát lên nhân cách cao đẹp trong nàng:

    "Bây giờ trâm gãy gương tan,

    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

    Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

    Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

    Phận sao phận bạc như vôi!

    Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

    Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây."

    Nguyễn Du được chúng ta biết đến như một bậc đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và là một nhà thiên tài văn học với những đóng góp vô giá cho kho tàng văn học Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong cho chủ nghĩa nhân đạo, lòng cảm thương số phận của những con người tài hoa bạc mệnh, đồng thời cũng đề cao quyền tự do và hạnh phúc con người trong nền văn học nước ta thế kỉ thứ mười tám. Tài nghệ văn học của ông chính là vốn tri thức quý báu cho bao thế hệ. Tài sản văn học của ông thực sự đồ sộ với đa dạng các tác phẩm chữ Hán: "Thanh niên thi tập", "Nam Trung tạp ngâm".. và chữ Nôm: "Văn chiêu hồn".. Trong đó gắn liền với tên tuổi Nguyễn Du là kiệt tác "Truyện Kiều". Tác phẩm được lấy cảm hứng từ cốt truyện tiểu thuyết chương hồi "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy nhiên, nhờ vào tài năng và khối óc sáng tạo của mình, Nguyễn Du đã tạo nên tác phẩm truyện thơ "Đoạn Trường Tân Thanh" mang đậm chất riêng và cô đọng, sâu sắc trong từng câu chữ. Đoạn trích "Trao duyên" nói về việc Thúy Kiều nhờ em gái là Thúy Vân gán duyên với Kim Trọng trước ngày nàng ra đi, nàng đã phải trao đi cái mà người thường không thể trao được để từ đó hiện lên một Thúy Kiều với nhân cách cao thượng nhưng lại rơi vào tận cùng bi kịch của tình yêu đời mình.

    Ta có thể hiểu tâm trạng là chỉ trạng thái, cảm xúc, tâm tư suy nghĩ và bị kịch là những đau thương, mất mát, sự tiêu cực trước nghịch cảnh của số phận. Như vậy tâm trạng bị kịch của Kiều khi tình yêu tan vỡ là những cảm xúc thê lương, dằn vặt, mất mát và bất lực trước sự tan vỡ trong tình yêu. Nhân cách là tính cách làm người, là những giá trị phẩm chất đạo đức. Vậy thì nhân cách cao đẹp chính là những phẩm chất cao quý, đẹp đẽ trong tâm hồn Kiều.

    Trước tiên, tâm trạng bi kịch của Kiều thể hiện ở việc nàng nhận thức được rõ ràng một hiện thực rằng mối tình đầu ngọt ngào, thiêng liêng của mình và Kim Trọng đã chẳng thể cứu vãn, chính thức vỡ vụn:


    "Bây giờ trâm gãy gương tan"

    Trâm và gương là những vật dụng hàng ngày, dùng để làm đẹp cho người con gái. Thành ngữ "trâm gãy gương tan" được sử dụng trong câu thơ như một điềm báo gỡ, báo hiệu một tai ương, nghịch cảnh sắp xảy đến. Và cái nghịch cảnh ấy đối với Kiều lại đang hiện ra rành rành trước mắt, nàng hiểu hơn ai hết nghịch cảnh này đã không còn là điềm báo nữa, nó thật sự đang ứng nghiệm ngay lúc này. Cột mốc thời gian "bây giờ" như một ngọn giáo cắm thẳng xuống trái tim Thúy Kiều, đánh dấu sự hiện diện của hiện thực tàn khốc, rằng tình yêu đời nàng đã không còn nữa, nàng đã trao mối nhân duyên ấy cho em gái là Thúy Vân, để rồi bản thân phải gả đi cho Mã Giám Sinh. Câu thơ như đang phát ra âm thanh, chúng ta không chỉ nghe thấy tiếng vỡ tan của "trâm" và "gương" mà đó còn là tiếng lòng tan nát của nàng Kiều. Nàng ý thức được sợi "tơ duyên" gắn kết giữa nàng và Kim Trọng đã sắp đứt đoạn:

    "Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!"

    Từ láy "ngắn ngủi" kết hợp với cụm từ cảm thán "ngần ấy thôi" cùng dấu chấm than đặt cuối câu đã hòa quyện vào nhau một cách thật tinh tế, giúp dệt nên trọn vẹn bức tranh tâm trạng nàng Kiều. Đó là những đau đớn khôn nguôi, cảm giác mất mát tột cùng, Thúy Kiều khó có thể chấp nhận được hiện thực đang xảy ra. Dường như ta đang nghe thấy tiếng nàng Kiều khóc trong tâm tưởng, nàng khóc vì hiện thực tàn nhẫn, vì tiếc cho mỗi tình đầu dang dỡ "giữa đường đứt gánh tương tư", giọt nước mắt của nàng như thấm qua từng chữ viết. Tiếc cho tình yêu tan vỡ, Kiều càng thương xót, đau cho số phận của chính mình:

    "Phận sao phận bạc như vôi!

    Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng."

    Phép điệp từ "phận" hai lần xen giữa từ nghi vấn "sao" cùng dấu chấm cảm chính là lời than oán khắc khoải, đau đớn của Thúy Kiều. Nguyễn Du đã sáng tạo thành ngữ "phận bạc như vôi" từ phép so sánh "bạc như vôi" trong dân gian, qua đó nhấn mạnh số phận bất hạnh, đáng thương của nhân vật Thúy Kiều. Đó là nỗi bất hạnh của một người không thể làm chủ cuộc đời mình. Kiều đang trong độ tuổi xuân xanh, ở cái độ tuổi mà các cô gái đi tìm hạnh phúc, mở ra một cuộc đời mới, một tương lai tươi sáng trước mắt, ấy thế mà nàng lại phải từ bỏ chữ "tình" để làm tròn đạo hiếu, tự tay khép lại cánh cửa hạnh phúc của chính mình. Ai trong chúng ta cũng có quyền được hạnh phúc, vậy còn Thúy Kiều thì sai? Số phận ngang trái đã bức ép nàng vào thế "vạn kiếp bất phục", không cho phép nàng được thưởng thức dư vị hạnh phúc trọn vẹn với người mình yêu. Lời ai oán của Thúy Kiều cũng chính là lời than chung của những con người dưới đáy xã hội, những người con gái bạc mệnh. Thế mới nói Nguyễn Du đã cảm thương sâu sắc, đau nỗi đau của nhân vật thế nào mới có thể chắp bút viết nên những dòng thơ vang vọng tiếng lòng, khắc ghi vào sâu thẳm tâm trí người đọc đến thế. Oán giận là vậy nhưng liệu Thúy Kiều có thể làm gì để lấy lại công lí trước nghịch cảnh? Nàng hoàn toàn bất lực, trước lưỡi hái của số mệnh, Thúy Kiều chỉ có thể buông xuôi theo dòng chảy của cuộc đời. Hai từ "đã đành" sánh đôi với từ láy "lỡ làng" gắn liền cùng thành ngữ "nước chảy hoa trôi" nghe sao thật chua xót. "Hoa" ở đây phải chăng là Kiều đang nói chính mình, nói đến thân phận long đong không biết đi đâu về đâu của bản thân trong tương lai, trong vòng xoáy hỗn độn của cuộc đời.

    Nhận thức được hiện thực là thế nhưng Thúy Kiều vẫn không thôi khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc lứa đôi:


    "Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!"

    Thán ngữ "làm sao xiết" nằm cạnh số từ "muôn vàn" và từ Hán Việt "ái ân" như một lời bộc bạch của Thúy Kiều về những đoạn hồi ức tươi đẹp, những kỉ niệm thiêng liêng, son sắt giữa nàng và Kim Trọng. Đứng trước hiện thực "trâm gãy gương tan", Thúy Kiều lại đắm mình trong những suy tưởng của quá khứ, gợi lại tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà bản thân từng có. Có lẽ Kiều đang cố trốn chạy khỏi hiện thực đau thương bằng những tấm chắn quá khứ tươi đẹp. Đâu chỉ có thế, cái tài của "phù thủy ngôn từ" Nguyễn Du thật khiến cho người đời thán phục khi cụm "làm sao xiết" ấy còn thấp thoáng nỗi nuối tiếc của Thúy Kiều. Nếu như không có khát vọng thì làm gì có tiếc nuối? Sự nuối tiếc ấy càng hiện rõ hơn trong ba từ "ngần ấy thôi" :

    "Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!"

    Quả thật đến câu thơ này, tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận rõ nét tiếng lòng đang âm ỉ của Thúy Kiều, nàng đau, nàng tiếc cho đoạn nhân duyên dang dở, hạnh phúc đến với nàng chưa được bao lâu thì lại ra đi quá vội, chỉ "có ngần ấy thôi". Bởi lẽ Thúy Kiều đã khao khát thế nào về sự trường tồn của những đoạn hồi ức tươi đẹp, khao khát về một viễn cảnh hạnh phúc trong tình yêu thì mới càng đau đớn, tiếc thương cho nghịch cảnh trước mắt này. Có thể nói bao nhiêu lâm li, bất hạnh, thương tiếc và cả khao khát hạnh phúc của Kiều đều được gói gọn trong ba từ "ngần ấy thôi". Sự đối chọi, nét tương phản trong tâm trạng Kiều giữa nhận thức thực tại và khao khát tình yêu mới chính là bi kịch của nàng. Dẫu biết rằng đó là điều không thể, biết bản thân đã đánh mất hạnh phúc, nhưng Kiều vẫn không ngừng hi vọng, mơ ước cho bản thân. Cái chấp niệm bám víu lấy hạnh phúc ấy của Thúy Kiều cũng chính là nỗi niềm chung của chúng sinh. Nguyễn Du đâu chỉ thành công hóa thân vào nhân vật, tự trải nghiệm tâm tư của nhân vật mà ông còn thành công bước vào thế giới tâm niệm của con người chúng ta, từ đó càng gợi lên trong ta sự cảm thông sâu sắc cùng những trải nghiệm chân thực trước tác phẩm. Vậy nên Mộng Liên Đường Chủ Nhân mới từng nhận xét về Nguyễn Du rằng: "Nếu như không có đôi mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy."

    Trong tác phẩm "Lão Hạc" của Nam Cao, nhân vật vợ ông giáo hiện lên thật ích kỉ. Thế nhưng đó là sự ích kỉ đáng thương, đáng được cảm thông vì khi con người ta đang phải trải qua quá nhiều nỗi đau thì người ta khó mà có lòng nghĩ đến người khác. Đó âu cũng là lẽ thường tình. Thế mà nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du lại hiện lên hoàn toàn cao thượng, dù cho bản thân là người chịu cay đắng nhưng nàng vẫn nghĩ đến người khác, đặt người khác lên trên, giàu đức hi sinh, lòng vị tha và cả tấm lòng thủy chung son sắt, một nét đẹp vô giá của nhân cách người con gái trong xã hội cũ:


    "Trăm nghìn gửi lạy tình quân"

    Hai tiếng "tình quân" được Kiều thốt lên sao mà day dứt, đau đớn. Nhận thức được kết cục bi thương trong chuyện tình hai người, điều đầu tiên Kiều nghĩ đến chính là Kim Trọng, nàng nghĩ đến cảm giác và nỗi đau của Trọng trước cả sự thương xót cho số phận của chính mình. Nàng đã tự gán cho mình cái tội là là kẻ bội bạc, đã không giữ trọn lời thề nguyền nơi cuối mắt đầu mày giữa cả hai. Vậy nên trong tâm thức của Kiều, khi đối thoại với "người tình vắng mặt" Kim Trọng, nàng đã gửi "trăm nghìn" lạy. Số từ "trăm nghìn" của cái lạy là một sự tương xứng tinh tế và khéo léo trong cách Nguyễn Du dùng từ so với "muôn vàn" ái ân ở câu thơ trước. Nếu ở câu thơ trước, Kiều càng nghĩ đến những kỉ niệm tình yêu sâu đậm bao nhiêu thì trong câu thơ này nàng lại càng cảm thấy có lỗi, thấy đau đớn và dằn vặt bấy nhiêu. Bởi lẽ nàng đã đặt Kim Trọng lên trên bản thân, nàng ý thức được Kim Trọng sẽ đau khổ thế nào khi hay tin nàng bán mình chuộc cha. Cái "lạy" mà Thúy Kiều gửi cho Kim Trọng là cái lạy tạ từ cùng tạ lỗi. Giọng thơ tăng cấp, nức nở theo nỗi đau, ai oán của Kiều. Tiếng kêu xé lòng cuối đoạn trích đã đẩy mạch cảm xúc lên cao trào:

    "Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây."

    Càng nghĩ về tình quân, tâm can Thúy Kiều lại càng gào xé dữ dội. Thán từ "ôi", "hỡi" cùng phép điệp từ "Kim lang" kết hợp với cách ngắt nhịp 3/3 chính là minh chứng cho sự nức nở, nghẹn ngào đến bi thương của Kiều. Nếu Kim Trọng đau một thì có lẽ Kiều đã phải đau đến mười. Nỗi đau gặm nhấm lấy từng ngóc ngách tâm trí Thúy Kiều đến mức khiến nàng như điên loạn, rơi vào trạng thái mơ hồ tới mức gọi tên người yêu với tư cách là chồng. Ta ngỡ rằng đây đã là cực điểm của cảm xúc, tiếng gào thét ấy đã là cùng cực nỗi đau khiến người đọc phải tê tái. Thế nhưng nào phải, điều khiến cho ta càng thêm ngỡ ngàng đến sửng sốt chính là trong cái khoảnh khắc Thúy Kiều kêu lên đau đớn ấy, điều duy nhất nàng nghĩ vẫn chỉ có Kim Trọng, tiếng kêu thương tâm ấy đâu phải vì nàng, tiếng kêu ấy là vì Kiều đang đau cho nỗi đau của Kim Trọng. Từ "thôi" được điệp lại hai lần liên tiếp tạo nên một giọng điệu khắc khoải, nỗi tuyệt vọng cùng cực, nhịp thơ dài như một lời thống thiết, Kiều đã nhận tất cả lỗi lầm về mình, tự nhận mình là người đã phụ tình Kim Trọng. Nhưng sự thật nào phải là lỗi của Kiều, nghịch cảnh đã đẩy nàng đến bước đường này, buộc nàng từ bỏ tình yêu với Kim Trọng để làm tròn chữ "hiếu". Từ đây ta mới càng cảm nhận sâu sắc đức hi sinh và lòng vị tha của Thúy Kiều, nàng luôn đặt người khác lên trước bản thân, vì chung thủy và trân trọng tình yêu với Kim Trọng nên Thúy Kiều mới càng đau đớn, càng thấy tội lỗi vì đã là người chủ động cắt đứt đoạn tình duyên giữa hai người.

    Đoạn trích "Trao duyên" là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tấm lòng nhân đạo và nghệ thuật vô song của Nguyễn Du trong quyển "Đoạn Trường Tân Thanh". Theo Trần Đình Sử, đây chính là đoạn trích "lâm li nhất" của "Truyện Kiều". Đoạn trích đã khắc họa chân thực diễn biến tâm lí phức tạp của Thúy Kiều, từ đó tô điểm cho nhân cách cao đẹp ở nàng. Nguyễn Du đã thành công sử dụng bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật một cách sâu sắc và tình tế. Sự chọn lọc từ ngữ, sáng tạo thành ngữ, đan xen đối thoại và độc thoại nội tâm, kết hợp ngôn ngữ bình dân với bác học đã giúp tác phẩm đạt đến đỉnh cao của một kiệt tác văn học. "Truyện Kiều" vừa mang theo nội dung nhân đạo về bi kịch tình yêu tan vỡ của nhân vật và lòng cảm thương sâu sắc, tuyệt đối của tác giả, khẳng định khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người, cả ngợi vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều, vừa tố cáo xã hội phòng kiến tàn bạo đã chà đạp quyền sống, quyền được yêu thương và hạnh phúc của nhân loại.

    Tâm trạng bi kịch của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ được thể hiện trong tám câu thơ trên cũng chính là bi kịch của nhiều số phận trong xã hội cũ. Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được toàn vẹn tấm lòng nhân đạo và tài năng của ông thông qua cách mà ông đã hóa thân vào nhân vật Thúy Kiều. Qua đó chúng ta lại càng trân quý và thán phục những phẩm chất quý giá của nàng. "Truyện Kiều" xứng đáng là "tấm danh thiếp văn hóa" của Việt Nam, xứng đáng được bao thế hệ gìn giữ và trân trọng vì chính giá trị nhân văn, phù hợp với mọi thời đại của nó. Nhân vật Thúy Kiều, đặc biệt là diễn biến tâm lí chân thực của nàng sẽ mãi lưu đọng trong tâm trí người đời như cách mà Tế Hanh đã nói:


    "Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du, có gì đâu đáng trách,

    Một cái tên thường như bao cái tên khác.

    Nhưng cụ đã gửi lòng trong áng sách,

    Theo dõi đời Kiều từng đoạn, từng chương."
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...