Đề: Nghị luận về chữ tôi và chữ ta trong bài "Một thời đại thi ca" Hoài Thanh từng viết: "Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi.". Nếu như trong văn học trung đại, hay gọi là cái thời thơ cũ, các thi nhân luôn núp mình giữa cộng đồng, dùng cái chữ "ta" thay cho cái chí hướng của mình, để chạy trốn cái bơ vơ giữa một thế giới rộng lớn. Họ nép mình trong một đại thể để thể hiện một phần của mình. Rượu đến cội cây ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Mà đến cái thời thơ mới, cái chữ "ta" dần chìm vào quên lãng, cái chữ đó đã chẳng còn bộc lộ được cái hồn của thi sĩ nữa. Cái chữ "tôi" lại ra đời. Cái tôi là bản ngã của mỗi con người mà ai cũng có, là sự tự ý thức về mình. Nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy: Quan niệm cá nhân. Cái chữ "tôi" đem trong mình cái buồn rười rượi của một tâm hồn thi nhân, nó thu nhỏ lại để chỉ một người có thể nép vào, chỉ để gieo vào chữ "tôi" cái cảm xúc của riêng mình. Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa! Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo". (Chế Lan Viên)