Nghệ thuật thể hiện trong Ông già và biển cả - Hemingway

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngày Mai Nắng, 7 Tháng mười một 2021.

  1. Ngày Mai Nắng

    Bài viết:
    14
    1. Phân tích tâm lý nhân vật, kết hợp giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời kể và văn miêu tả.

    Giữa biển khơi mênh mông, rộng lớn, Hemingway khéo léo nhào nặn, khắc tạc hình ảnh Ông lão đánh cá. Ngòi bút gắn liền cuộc đời lẫn xen nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, đi sâu vào từng lát cắt tâm lí, tâm trạng, tâm hồn, khiến tác phẩm bật lên những giá trị riêng biệt, mới mẻ. Nhớ về Ông lão Xantiago, ta đâu chỉ nhớ về vẻ ngoài với đôi bàn tay "nứt nẻ vì dây câu", "gầy gò giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn".. mà còn là diễn biến nội tâm, những màn độc thoại ngắn gọn nhưng chứa đầy ý nghĩa. "Cá ơi, mày không biết mệt thì quả mày là tay khác thường đấy", "Cá ơi đằng nào rồi mày cũng phải chết mà thôi. Mày cũng muốn tao chết theo mày hả sao?".

    Nhân vật của Hemingway không bao giờ chịu buông xuôi, khuất phục. Dù đã rơi vào cảnh ngộ sức tàn lực kiệt đến đâu chăng nữa, nhưng hễ còn sống, họ phải dốc toàn lực ra mà chiến đấu để có thể tồn tại. "Tâm sự" với cá, "chuyện trò" cùng khó khăn càng khiến ông khẳng định ý chí, nghị lực kiên cường của mình trước bão giông cuộc đời. Hay khi ông nói với bàn tay: "Nào tay ơi, bây giờ mày ra sao rồi. Hay vẫn còn đang chưa hoàn hồn hả mày?". Phải chăng ông đang vực dậy bản thân, an ủi tâm hồn để tiếp tục chiến đấu. Khát vọng, ước mơ dần hình thành hối thúc những chuyển biến tâm lí, tâm trạng nội tâm của một tâm hồn đứng bóng xế chiều. Đối với Xantiago, sự vận động là dấu hiệu của sự sống. Tất nhiên ông lão không muốn chết, ít nhất là khi chưa chinh phục được ước mơ của mình. Vì thế tâm hồn của ông luôn trong thế chủ động, linh hoạt đến từng suy nghĩ, cử chỉ, lời nói. Và Hemingway đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ tính cách, tư tưởng của bản thân. Ngôn từ trong tác phẩm được kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối thoại với độc thoại nội tâm, giữa lời kể với văn miêu tả cảnh vật. Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật giúp ta "lặn" sâu hơn xuống đáy đại dương để kiếm tìm, khám phá "phần chìm" của tảng băng thật rõ ràng, sâu sắc.

    2. Xây dựng hình ảnh mang nghĩa hàm ẩn, biểu tượng.

    Để có được "bến đỗ" trong lòng bạn đọc, tác phẩm không chỉ nhờ vào nghệ thuật phân tích tâm lí, tâm trạng nhân vật, sự hòa hợp thống nhất giữa kể, tả mà còn là sự xây dựng hình ảnh mang ý nghĩa hàm ẩn, tương trưng. Trong tác phẩm có các cặp nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng, đầu tiên và nổi bật nhất chính là cặp Xantiago – cá kiếm. Con cá kiếm chính là biểu tượng cho giấc mơ, nó long lanh, nó đẹp đẽ, nó lấp lánh, nó cuốn hút người ta để con người ta si mê nó, rồi dùng toàn bộ sức lực để đuổi theo, với một mong muốn duy nhất là chiếm đoạt được nó.

    Hình ảnh con cá được khắc họa như một bản thể khác của ông lão Xantiago vậy. Qua mối quan hệ của Xantiago và con cá kiếm, nhân vật của Hemingway chỉ tìm được sự đồng cảm, tri âm khi quay trở về với thiên nhiên. Sức mạnh để chiến thắng con cá của Xantiago không phải là một dạng sức mạnh tràn trề sinh lực mà bắt nguồn từ tất cả những gì còn lại, còn tỉnh táo, từ những đau đớn khắp cơ thể: "Cố nén cơn đau, dồn hết tàn lực, dốc hết lòng kiêu hãnh còn lại, lão mang ra đương đầu với nỗi đớn đau vô bờ của con cá..". Đó chính là giá trị đích thực của con người trên cuộc hành trình khẳng định bản thân: Vượt qua nỗi đau của chính, hiên ngang đứng dậy đối mặt với khó khăn cuộc đời. Bởi con đường đi đến hạnh phúc chưa bao giờ bằng phẳng, đòi hỏi người ta phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt. Và có được "cá kiếm" cũng chính là lúc ta "vươn tới", "bắt lấy" ước mơ. Hiện thực cuộc đời luôn là những biến số khó lường, tựa "đàn cá mập" trong tác phẩm vậy. Con cá mập, hình ảnh ẩn dụ cho những kẻ có địa vị, quyền lực trong mọi thời đại. Chỉ cần nghe "mùi" của của phúc lợi thì có thể sẵn sàng cướp đoạt bất cứ lúc nào. Hay chúng đại diện cho cái xấu, cái ác ẩn hiện xung quanh ta. Hình ảnh đàn cá mập góp phần lên án những bất công trong thời đại mà những con người như ông lão Xantiago phải chịu đựng. Chống trả quyết liệt để bảo vệ thành quả lao động của mình để rồi cuối cùng nhận lại chỉ là sự tuyệt vọng. Nhưng dẫu cho chỉ còn bộ xương khi trở về, tinh thần, ý chí vẫn không chịu nguôi ngoai, khuất phục.

    Ông lão đánh cá Xantiago, chính là biểu tượng của người lao động – những con người luôn luôn hăng hái đi tìm kiếm và chinh phục ước mơ của bản thân mình. Họ mưu trí, gan dạ, dám đương đầu và không chùn bước trước khó khăn. Bản lĩnh ông lão dạy chúng ta rằng: Con người có thể bị hủy diệt chứ không bao giờ chịu khuất phục.

    3. Đặt con người trong thế đơn độc.

    Có thể thấy Xantiago là biểu tượng của thân phận con người cô độc, xa lạ giữa cuộc đời nhưng khát khao khẳng định sự tồn tại của chính mình. Điều đó được thể hiện ở chỗ tuy một mình đơn độc nhưng ông không chịu khuấ phục trước số phận nghiệt ngã. "Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng Nhiệt lưu và đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào." Tác giả đã đặt nhân vật trong một hoàn cảnh cô độc để chính mình đối diện, chiến đấu với tự nhiên ác liệt bằng chính sức lực, khả năng vốn có. Khi mà không một ai bên cạnh, không nhờ vả, con người càng có điều kiện phát huy hết sức mạnh của mình. "Có dạo bức ảnh tô màu của vợ lão cũng được treo trên tường nhưng rồi lão đã tháo xuống bởi nó khiến lão càng cô đơn hơn khi nhìn thấy, lão để nó trên giá trong góc dưới chiếc sơ mi sạch của lão."

    Bốn mươi ngày đầu có một thằng bé đi với lão, nhưng sau đó thì hoàn toàn một mình, khi mà trận chiến càng gần đến hồi kết. Và hình như cả cậu bé cũng đơn độc, đi lang thang, rồi gặp lão, rồi bắt chuyện. Đó là những người đi tìm lý tưởng, mang trong mình khát vọng chinh phục.

    4. Lời văn có nhiều khoảng trống.

    Đây là điều không thể thiếu trong thơ Hê- ming- uê khi mà ông chính là tác giả của nguyên lý tảng băng trôi, 1/8 nổi, 7/8 chìm dưới nước. Khoảng trống là phương tiện để nhà văn thể hiện tư tưởng, để người đọc có những khoảng lặng suy nghĩ, suy ngẫm. Đó là những câu văn mở ra nhiều chiều kích khác nhau, làm cho ý thêm phong phú, quá trình tiếp nhận thêm đa dạng. Khoảng trống còn được thể hiện qua những lời đối thoại độc thoại đã nhắc đến ở phần trên. Ngoài ra khoảng trống còn thể hiện qua việc xây dựng biểu tượng, những nghĩa hàm ẩn.

    Tác phẩm tiểu biểu cho lối viết "tảng băng trôi" : Dung lượng câu chữ ít nhưng "khoảng trống" được tác giả tạo ra nhiều, chúng có vai trò lớn trong việc tăng các lớp nghĩa cho văn bản (tác giả nói rằng tác phẩn lẽ ra dài cả 1000 trang nhưng ông đã rút xuống chỉ còn bấy nhiêu thôi). Đây đích thực là một tác phẩm nghệ thuật chân chính và đã minh chứng cho chính tuyên ngôn về nghệ thuật của ông.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...