Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám ta. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ trung thu bao gồm những gì? Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai.. và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa. Một trong những thứ luôn có mặt ở trong mâm cỗ Trung thu truyền thống đó là bánh dẻo và bánh nướng. Trước kia thì bánh trung thu có hình vuông to, họa tiết hoa văn đơn giản và có nhân thập cẩm truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu bánh trung thu và để đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, các loại bánh trung thu được các thương hiệu tạo ra cũng trở nên phong phú và đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, hoa văn và nhân bánh. Do đó, bạn dễ dàng tìm thấy loại bánh trung thu với hình dáng, loại nhân, màu sắc mà bạn thích để mua về ăn, làm quà. Đèn truyền thống cũng là thứ cần thiết, góp phần làm cho mâm cỗ Trung thu truyền thống trở nên hoản hảo, bắt mắt hơn. Bạn có thể mua chiếc đèn kéo quân, đèn cù, đèn con thỏ, đèn ông sao.. để đặt vào mâu cỗ Trung thu. Chiếc đèn đặt trong mâm cỗ ngày tết Trung thu sẽ phát sáng lung linh ở trong đêm trăng tròn làm cho không gian xung quanh thêm phần gần gũi, ấm áp và giúp bé cũng như mọi người cảm thấy thích thú, có ngày tết Trung thu ý nghĩa. Sau khi phá cỗ, bé có thể lấy đèn đi chơi với bạn bè. Ngoài đèn truyền thống, bánh trung thu thì mâm ngũ quả cũng là thứ cần có ở trong mâm cỗ Trung thu truyền thống. Ngày trước, mâm ngũ quả ngày tết Trung thu thường có dưa hấu, hồng đỏ, hồng ngâm, đu đủ, bưởi, táo và có chú cún làm bằng quả bưởi. Nhưng với tay nghề khéo léo, óc sáng tạo thì con người đã tạo ra nhiều hình dáng con vật như là nhím lê nho, cá thang long, cua cam, cua táo.. làm cho mâm cỗ Trung thu thêm phần tươi mới, bắt mắt và ấn tượng hơn. Cỗ mừng trung thu còn bao gồm nhiều loại bánh kẹo, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau. Múa lân, sư tử ngày trung thu Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Chúng ta đều biết đến tác dụng của Lân đối với phong thủy là xua đuổi tà khí, trừ ma, cải vận giảm nhẹ tai ương cho gia đình . Ngoài ra Lân – Sư – Rồng là 3 con vật đại diện cho sự thịnh vượng, giàu có cho nên ý nghĩa của múa lân tết trung thu có lẽ chúng ta đã nắm được. Người ta tương truyền rằng việc múa lân trong dịp lễ Tết Trung thu là tập tục bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ phàm chế ngự lân bảo vệ dân lành. Ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn mua lân có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa, người ta hay gọi đó là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hóa thân thành để chế ngự con lân. Truyền thuyết kể vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật. Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi vui Tết trung thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Lân xuất hiện ở đâu thì ở đó tà ma bị loại trừ, nhân dân hạnh phúc, đất đai màu mỡ. Đám múa gồm một người đội chiếc đầu lân bằng giấy hoặc bằng vải màu sặc sỡ và múa theo nhịp trống. Nối liền với đầu lân là đuôi Lân được làm bằng mảnh vải dài do một người phía sau cầm phất theo nhịp múa của đầu lân. Múa Lân không chỉ đơn thuần là một hoạt động vui chơi, giải trí mà nó còn chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm của người xưa, Lân là linh vật trong bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng và thường được đặt ở những nơi trang trọng, tôn nghiêm như đền, đình, chùa. Vì vậy, múa lân trong quan niệm của dân gian thể hiện sự may mắn, bình yên và thành đạt. Với một số gia đình, họ xem múa lân tết trung thu là để xua đuổi tà khí mang lại may mắn cho gia đình và suôn sẻ trong công việc làm ăn. Với một số khác, họ lại nghĩ múa lân tết trung thu là tạo ra không khí vui tươi cho trẻ nhỏ đồng thời động viên chúng trong năm học sắp tới. Cũng có ý kiến cho rằng, múa lân tết trung thu để cho vui cửa vui nhà và ủng hộ các cháu bằng những bao lì xì cuối màn biểu diễn.. Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình." Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc như các hội đoàn người Việt hải ngoại đã và đang làm. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là "ăn kẹo hư răng." Làm đồ chơi Trung Thu Mặt nạ và đèn ông sao là hai loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 – 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng.. cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: Đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh.. Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước. Rước đèn ông sao, đèn cá chép Tại những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Tại Phan Thiết Bình Thuận, người ta còn tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi khắp các đường phố. Đây là lễ hội rước đèn trung thu được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Trong dịp Tết Trung Thu, trẻ em có dịp được học bài hát "Rước Đèn Tháng Tám" một cách thích thú: Tết Trung Thu rước đèn đi chơi Em rước đèn đi khắp phố phường Lòng vui sướng với đèn trong tay Em múa ca trong ánh trăng rằm Đèn kéo quân với đèn cá trắm Đèn thiên nga với đèn bươm bướm Em rước đèn này đến cung trăng Đèn xanh lơ với đèn tím tím Đèn xanh lam với đèn trắng trắng Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.