Ngày Tết (Phần 1) Tác giả: Sophie Ánh Trường Còn tầm ba tháng nữa là tết. Ấy vậy mà nhanh thật nhanh, mới đó mà đã mười mấy mươi năm cái xuân thì trôi qua hững hờ trên mái tóc dài của chị Xuyến. Năm nào cũng vậy, hễ đến gần tết, chị ra đồng mà rẩy hẹ, nhổ giá, đào kiệu. Xong xuôi, chị quần cái thành quả của mình tung tóe trong nước cho sạch, đợi nắng to mà trãi đều ra mâm lớn. Ở cái khu xóm quê đó, mâm tròn mâm dẹt, trên mái ngoài sân.. Đâu đâu cũng thấy nhà nhà làm như chị Xuyến. Từ đó, cái mùi hương ngày tết bao trùm, thoáng nhẹ cả một vùng quê nhỏ bé. Thoảng cái "mùi" Tết đó nhiều năm về trước, chị Xuyến nhớ lại những ngày tết cạnh má. Thời đó, chị cũng tầm tuổi chín mười như đám trẻ giờ vậy. Mỗi lần tết tới, cả nhà đăng đăng đê đê mà dọn dẹp, nấu nướng, sắm sửa.. rộn ràng hết cả một góc làng. Bé Xuyến ngày đó chạy ra chạy vào quanh sân, xem má lặt kiệu ngâm chua, nhìn bà đong nếp làm bánh mà hí hửng ca hát. Cái hương kiệu sống má làm, cái thanh âm đậu xanh nếp hạt lắc rắc vui tai từ bà cùng tiếng cười vang của lũ trẻ làng mà tạo thành một không gian náo nhiệt. Chị vẫn nhớ, Tết của những năm tháng đó rất đẹp. Nó đẹp hơn vì Xuyến gần má, má dạy Xuyến nhiều thứ trên đời, má dẫn ra chợ tết sắm cho cái áo hồng thêu con bướm mà nói "đó là Xuyến", tết của những ngày xưa còn má hạnh phúc dường nào.. Nhưng giờ thì không còn nữa bởi nó đã tan biến theo khói đạn bơm rơi. Chiến tranh đã xóa đi tất cả, xóa luôn cả những ngày tết có má cạnh bên. * * * Bé Xuyến lúc ấy chỉ biết chạy, chạy một mạch xa nơi chôn nhau cắt rốn đến một xứ khác. Trời xui đất khiến mà Xuyến gặp được người nhận nuôi là ông Tám Cải, sở dĩ ông có cái biệt danh như vậy là do nhà ông tự trồng cải mà đem ra chợ bán kiếm sống. Ông nuôi chị được tầm chục năm cũng mất vì ốm đau, để lại cho chị căn nhà cùng mảnh vườn rau nắng gió bạc màu. Hồi những ngày đầu tại cái miệt này, Xuyến cứ nhớ hoài về miền đất cũ. Cái nơi mà chiến tranh chia cắt, cái nơi chứa đầy những hồi ức và trong đó.. có má của Xuyến. Khoảng thời gian đầu tại đây, chị còn nhớ mình đã khóc ướt cái gối đang nằm, đêm nào cũng "hưng hức" đứt quản do khóc nghẹn không dám thành tiếng to vì sợ ông Tám tỉnh giấc. Nhiều khi, cái bọn trẻ trong làng này cứ túm tụm lại mà chọc ghẹo là "đứa trẻ đi lạc, đồ con nhỏ không có ba má, đồ bị má bỏ rơi, đồ xa xứ lạc đường.." mà vang um, rõ ràng hết cả một ngả đường trưa vắng. Dù khoảng thời gian đó Xuyến còn nhỏ, nhưng bản thân đã cảm thấy buồn tủi mà quặn lòng. Xuyến rơi nước mắt nhưng rồi cũng thoắt lấy tay quẹt mất, thui thủi mà bước đi. Thời gian cũng trôi qua, cái đau đớn ấy đã dần mai một theo năm tháng. Ngày Xuyến còn ở cạnh ông Tám, ông dạy Xuyến rất nhiều thứ về việc trồng rau bón đất, cứ thế mà học được cái nghề nuôi thân sau này. Dần một lớn hơn khi cảnh nhà không còn ông Tám nữa, cô bé Xuyến ngày xưa cũng trở nên cứng cỏi hơn nhiều so với thời chiến. Tự thân vận động, trồng trọt đủ loại cây trên cái mảnh vườn được nhượng quyền rồi quải gánh ra chợ bán mỗi sáng. Dù nắng gắt, mưa giông hay sương lạnh thì Xuyến vẫn ra chợ mà buông gánh bán bưng không ngại gian khó, vì Xuyến nhớ lời má dạy thời bé là "không được lười biếng" cùng mảnh vốn mà ông Tám đã dốc công gầy dựng nên bản thân không dám lơ là. Hôm nay cũng như mọi ngày, Xuyến thức dậy sớm ra vườn chọn những loại rau nào đã lớn xanh mà đem ra chợ bán. Không khí của buổi tinh sương, mưa nhẹ lất phất, gió đìu hiu rồi bất chợt bắt được cái mùi hương quen thuộc.. mùi kiệu. Lòng chị tự dưng thấy bồi hồi mà nghĩ đến chữ Tết. Hễ mỗi độ xuân về, cô bé Xuyến nhìn má làm kiệu mà học lõm được vài thứ hay ho. Nhớ lại những cách thức má làm, chị sắn tay áo mà tập tành thực hiện. Làm miết thành quen, vị cũng dần giống của má. Tết đến, chị Xuyến dọn mâm cơm cùng bánh tét cắt khoanh, đĩa thịt kho tàu óng mượt cùng dưa hành giá kiệu ngâm chua thoảng vị ngọt mà nhớ lại hồi ức về Tết của những ngày thơ bé. Hôm nay, chị biết có bạn đồng hương đến thăm mà dọn cơm ê hề. Đó là chị Chi, còn có biệt danh là "Chi sợ chó", đây là người bạn đồng hương duy nhất của chị. Hai người gặp nhau vài hôm trước Xuyến ra chợ bán bưng như ngày nào, bỗng có một bà chị đến chọn rau rồi nhìn Xuyến thật lâu và hỏi: - Em có phải Xuyến không? Bé Xuyến con dì Sương phải không? Chị Xuyến ngẩng mặt lên nhìn, không hẳn là nhớ ai nhưng đường nét của người đang hỏi gợi cho chị một thoáng quen thuộc. Ngẫm vài giây rồi Xuyến đáp lời: - Chị có phải chị Chi? Chi sợ chó đúng không? Vừa dứt câu, Xuyến lăn dài nước mắt vì cái gật đầu của chị Chi. Xuyến không ngờ rằng bản thân có thể gặp lại người cùng xứ, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh khiến tâm trạng chị bỗng trở nên rối bời. Xuyến ôm chị Chi vào lòng, Xuyến nói với chị rằng "em nhớ nhà nhiều lắm!". Chị Chi cũng thế, ôm Xuyến vào lòng mà nghẹn ngào vỡ òa bởi cái niềm hân hoan, đồng cảm mà tủi thân của những đứa con lạc xứ xa quê, tha phương cầu thực. Sau lần gặp định mệnh ấy, hai chị em dọn gánh về nhà, đi cùng nhau mà lòng cứ rộn ràng, hân hoan. - May quá vì em còn gặp lại chị đó chị Chi. - Chị cũng vậy, không ngờ là sau chiến tranh ngày đó chị cũng gặp lại em ở cái miệt xứ này. - Thời gian trôi qua cũng đã lâu rồi, giờ chị sống với ai? Gần đây không? - Chị sống cùng má, ngày đó chị chạy theo má đi tứ xứ rồi dừng chân tại vùng này, nhưng tận ngút ngàn đầu sông bên kia. Xuyến nghe xong chợt mắt hoen đỏ, lưng tròng nước mắt, chị cố kìm lại mà nuốt ngược vào trong. - E.. m.. Thì sống ở đây cùng ông Tám Cải, người nhận nuôi lúc em chạy nạn đến đây. Nhưng giờ ông cũng mất, em chẳng còn người thân nào ở đây cả, ngoài hàng xóm tối lửa tắt đèn với nhau. Thui thủi như vậy mà sống, ước gì em được ở cạnh má như chị.. nhưng tiếc thay, má em cũng mất theo tiếng bom đạn ngày đó. Ước gì.. má cạnh bên em! Nói đoạn, Xuyến ngước mặt lên nhìn chị Chi. Xuyến bắt gặp đôi mắt ngấn lệ cùng tiếng "hức" khẽ khàng của chị. Thương cho đứa em cô quạnh xứ người, không ai thân thích. Chị Chi mới giã lả đánh qua chuyện khác, giúp "bé" Xuyến năm xưa không còn cảm thấy buồn nữa. - Xuyến nè, em có nhớ tuổi thơ ngày xưa của tụi mình không? Những ngày đó, em là nhỏ con gái quậy như mấy thằng con trai trong xóm. Xuyến dần khô lệ, môi mỉm nhẹ mà đáp lời: - Em nhớ chứ, ngày xưa cái lũ trẻ con tụi mình sao mà phá thế không biết. Như em thì len lén hái xoài trước hàng rào nhà bà Năm, nghẹt nỗi là mấy con sâu róm rớt xuống tay làm kinh hãi mà xám hồn, rợn óc rồi khóc quá trời. Kể từ đó, đám tụi mình mới đặt cho em là Xuyến sợ sâu. Chị chi cười thành tiếng, nhanh nhảu rồi tiếp chuyện: - Nhớ lúc đó em khóc um trời vì sâu, làm kinh động đến con chó nhà bà Năm mà nó chạy ra rượt dí đám tụi mình quá trời. Thấy nó là chị kinh hãi, vắt giò lên cổ mà chạy rồi thấy được cái cây to mà phóng lên gần ngọn. Tụi em đứng trong lùm cây ha hả cười tít mắt mà trêu là Chi sợ chó. Sau buổi gặp hôm ấy, cả hai chị em ôn lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm từ vui đến buồn, từ ấu thơ đến lời thăm hỏi thực tại.