Ngẩng mặt khóc kẻ không anh hùng Mạc Vấn Y họ Trác, tên Đông Lai, giang hồ quen gọi Tử khí đông lai, lấy từ câu thơ cổ "Tịch dương chính Tây hạ, Tử khí khước đông lai". Tử ở đây là màu tím, nghĩa là khí tím từ phương Đông đến- đây là loại khí tốt lành, mang lại bình an và may mắn. Tử cũng có nghĩa là chết. Bình an may mắn cho người thân, bằng hữu của y. Và cái chết cho đối thủ của y. Y là nhị đương gia của Đại tiêu cục, là người an bài mọi việc, trù tính mọi chiến lược cho tiêu cục của y. Lý tưởng của y là một Đại đương gia Đại tiêu cục Tư Mã Siêu Quần vĩnh viễn bất bại, vĩnh viễn là anh hùng thần tượng số một của anh hào trong thiên hạ. Cuộc sống của y, võ công của y, mưu trí của y, lực lượng của y, bản lãnh của y, tất cả đều chỉ vì một mục tiêu đó. Có thể nói y là người khí ngạo nhất thiên hạ, nhưng cũng lại là kẻ tự ti số một trong nhân gian. Khí ngạo vì y là người thực sự có bản lãnh. Hùng Sư đường uy chấn Lạc Dương, y phẩy tay là tan rã. Đệ nhất sát thủ Tiêu Lệ Huyết, đến trước mặt y, cơ hội xuất thủ cũng không có. Kế của Kế tiên sinh thâm độc khó lường, cũng bị y nhìn ra. Vũ khí mạnh nhất của y là trí tuệ, với trí tuệ của y, mọi việc trong thiên hạ dường như đều nằm trong vòng bàn tay. Y chưa cần dùng đến võ công, đối thủ của y đã gần như gục ngã. Đến lúc y dùng đến võ công, lại càng thực sự kinh hồn. Kiếm của Cao Tiệm Phi, đã xuất ra là chưa ai tránh kịp, y lại đã tránh dễ dàng. Ám khí của Kế tiên sinh, xuất ra là có người gục, tiếc rằng Trác Đông Lai lại không phải là người dễ dàng gục ngã như thế. Và chân chính quang trọng nhất, chân chính bi thương nhất, là y đã phải dùng võ công với lý tưởng của y – anh hùng bất bại Tư Mã Siêu Quần, và y đã đánh bại Tư Mã chỉ sau một chiêu. Câu nói của y sau khi kề sống đao lên cổ Tư Mã, đã khiến tôi ngậm ngùi rất nhiều: Không phải lâu nay ngươi rất muốn biết nếu hai chúng ta giao thủ với nhau thì kết quả sẽ thế nào? Nhưng mà ta không muốn biết, ta luôn luôn không muốn biết! – bi thương, thực sự bi thương.. Tự ti vì y sinh ra là kẻ đã có bệnh, chân trái của y không được như người thường, và suốt thời niên thiếu y đã phải cắn răng chịu đựng đau đớn để tập luyện để đi đứng được bình thường. Tuy bề ngoài y có thể đi đứng bình thường, nhưng trong tâm y vẫn in hằn mình là một con người khiếm khuyết. Vì lẽ đó, y đã tốn tâm huyết cả đời để xây dựng nên một hình tượng anh hùng vĩnh viễn bất bại Tư Mã Siêu Quần, còn y y chấp nhận lùi về phía sau làm cái bóng an bày mọi việc. Y đã không thể (và cũng không muốn) bước ra ánh sáng, nên y lùi vào bóng tối, âm thầm bày mưu, sách lược kế hoạch. Phía trước là ánh sáng, thì phía sau là bóng tối, đó là lẽ dĩ nhiên của vạn vật, xưa giờ đều thế. Đáng lẽ ra Tư Mã đã có thể vĩnh viễn bất bại, và y cũng không cần phải bước ra ánh sáng, chỉ tiếc thay mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Thế gian này, người hay mượn câu "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" thì nhiều, nhưng có thể đi đến tận cùng câu nói nào có mấy ai. Nếu Trác Đông Lai không đủ tư cách, e rằng trên đời này chẳng còn ai đủ tư cách. Nói Trác Đông Lai là anh hùng, e rằng cả thiên hạ không ai phục, nhưng nói y là tiểu nhân, ngay cả kẻ thù của y cũng phải phỉ nhổ vào lời nói đó. Nói y là gian hùng, vị tất. Nói y là kiêu hùng, nhưng y nào có vô tình? Bất kể thế nào, tin rằng người khóc vì y, cho dù không nhiều, tôi tin cũng là hơn đại đa số những nhân vật khác của Cổ Long. Viết đến đây tôi lại chợt nhớ đến một câu nói của một bằng hữu, câu nói mà trong bài viết của bằng hữu này, dù tôi có quên cả bài, cũng không thể quên câu nói ấy, xin trích ra đây thay kết cho bài viết: "Ngẩng mặt khóc kẻ không anh hùng"