Tác Phẩm Của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Rùa Siêu Tốc, 14 Tháng bảy 2018.

  1. Rùa Siêu Tốc Rùa ngoan nhất

    Bài viết:
    453
    [​IMG]

    Trần Quốc Tuấn 陳國峻 (1232-1300) hiệu Hưng Đạo 興道, là con An sinh vương Trần Liễu, cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, được phong ấp ở hương Vạn Kiếp, thuộc huyện Chí Linh, châu Nam sách, lộ Lạng Giang. Sinh khoảng 1232.

    Theo truyền thuyết, từ nhỏ Trần Quốc Tuấn đã ham thích trò chơi đánh trận, sáu tuổi biết làm thơ. Lớn lên, học vấn rất uyên bác, vừa giỏi văn chương vừa hiểu thấu lục thao tam lược, cưỡi ngựa, bắn cung đều thành thạo. Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thùy phía Bắc. Ba chục năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chông Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-88), ông lại được đè bạt làm tiết chế thông lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng.

    Là một vị tướng tài kiêm văn võ, biết đánh giá đúng vai trò quan trọng của dân - nền tảng của xã tắc - và của quân - lông cánh của chim hồng chim hộc - Trần Hưng Đạo đã biết đề ra một đường lối quân sự ưu việt, có tính chất nhân dân, mà tiêu biểu là hai cuộc rut lui chiến lược khỏi Kinh thành Thăng Long, tránh cho nhà Trần những tổn thất lớn, và tạo thời cơ bẻ gãy lực lượng của địch. Những kế hoạch làm vườn không nhà trông trên hắp các nẻo đường mà giặc đi qua, những hoạt động phối hợp nhịp nhàng giữa hương binh và quân đội chính quy của nhà nước, những trận phục kích lừng danh như trận Bạch Đằng đã làm cho tên tuổi của ông sống mãi. Ngay đến kẻ thù cũng phải nhắc đến mấy chữ Hưng đạo vương với niềm kính trọng.

    [​IMG]

    Trận Bạch Đằng lịch sử​

    Bên cạnh tư tưởng quân sự đột xuất, Trần Quốc Tuấn còn nêu một tấm gương về lòng trung nghĩa sáng suốt, biết gạt bỏ mọi hiềm khích riêng để đoàn kết các tôn thất và tướng tá trong triều nhằm phò vua giúp nước, đánh bại kẻ thù. Sử sách từng ghi lại câu nói nổi tiếng của ông với vua Trần Thánh Tông, khi đát nước đang lâm vào tình thế nghìn cân treo sợi tóc: "Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sau sẽ hàng". Cho đến trước khi chết ông vẫn ân cần dặn vua Trần Anh Tông trong mọi chính sách của nhà nước phong kiến phải biết "nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Ông không những là một công thần của nhà Trần mà còn là một anh hùng lớn của dân tộc.

    Trần Quốc Tuấn mất ngày 20 tháng Tám năm Canh tý (3-9-1300) tại nhà riêng ở Vạn Kiếp. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng Thái sư thượng phụ thượng quốc công, nhân võ Hưng Đạo đại vương.

    Tác phẩm: Theo Đại Việt sử ký toàn thư , Trần Quốc Tuấn có soạn Binh gia diệu lý yếu lược (còn gọi là Binh thư yếu lược ) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư , nhưng văn bản nay đều đã gần như thất lạc. Tác phẩm thứ ba duy nhất còn giữ được của ông là bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn , vẫn quen gọi là Hịch tướng sĩ . Đây là bài hịch viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, nhằm kêu gọi tướng sĩ chăm lo luyện tập và nghiên cứu binh thư để kịp thời đối phó với âm mưu xâm lược của giặc. Bài hịch chứng tỏ tài năng văn chương trác luyện và nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của Trần Quốc Tuấn.

    Ngoài các tác phẩm trên, Trần Quốc Tuấn cũng để lại nhiều lời nói có ý nghĩa khuyên răn hay triết lý, được nhắc nhở và ghi chép như những huấn dụ quý báu đối với người năm vận mệnh xã tắc qua nhiều thời đại.
     
    Mạc Hồng ViênVân Mây thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng chín 2018
  2. Rùa Siêu Tốc Rùa ngoan nhất

    Bài viết:
    453
    Đáp quốc vương tặc thế chi vấn (Trả lời nhà vua hỏi về thế giặc)



    Phiên âm

    Ngã quốc thái bình nhật cửu, dân bất tri binh. Thị dĩ tiền niên Nguyên nhân nhập khấu, hoặc hữu hàng, tỵ. Lại tổ tông uy linh, bệ hạ thần vũ, khắc thanh Hồ trần. Bỉ nhược hựu lai, ngã sĩ tập ư công chiến. Bỉ quân đạn ư viễn hành, thả trừng Hằng, Quán chi bại, vô hữu đấu tâm. Dĩ thần quan chi, phá bỉ tất hỹ.

    Dịch nghĩa

    Nước ta thái bình đã lâu ngày, dân không biết đến việc binh, vì thế năm trước quân Nguyên vào cướp phá, cũng còn có kẻ đầu hàng hoặc trốn tránh. May nhờ uy linh của tổ tông và võ lực thần thông của bệ hạ nên đã quét sạch được bụi Hồ. Nếu nay bọn chúng lại sang thì quân lính của ta đã quen chiến trận, mà quân lính của chúng thì sợ phải đi xa, hơn nữa lại đã chờn về thất bại của Hằng và Quán, nên không còn lòng nào để chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem ra thì đánh thắng chúng là điều cầm chắc vậy.
     
    Mạc Hồng Viên thích bài này.
  3. Rùa Siêu Tốc Rùa ngoan nhất

    Bài viết:
    453
    Lâm chung di chúc (Căn dặn trước khi mất)

    Phiên âm


    Tích Triệu Vũ lập quốc, Hán đế gia binh, tiểu dân thanh dã. Đại quân xuất Liêm Khâm, kích Trường Sa, đoản binh phúc hậu. Thử nhất thời dã. Đinh Lê chi thế, bạt đắc hiền lương. Nam địa tân cường, Bắc phương bì nhược, thượng hạ đồng dục, dân tâm bất ly, trúc Binh-lỗ thành nhi phá Tống quân. Thử nhất thời nhĩ. Lý đế khai cơ, Tống xâm địa giới, dụng Lý Thường Kiệt công Khâm, Liêm, lũy chí Mai Lĩnh, hữu kỳ thế dã.

    Tạc giả Toa Đô, Ô Mã Nhi tứ diện bao vi, quân thần đồng tâm, huynh đệ hòa mục, quốc gia tịnh lực, bỉ tự tựu cầm, thiên sử nhiên dã.

    Đại khái bỉ thị thường trận, ngã thị đoản binh, dĩ đoản chế trường, binh pháp chi thường dã. Kỳ kiến bỉ quân biến chí, như hỏa như phong, kỳ thế dị chế. Nhược dụng tàm thực, hoãn hành, bất vụ dân tài, bất cầu tốc thắng, tắc bạt dụng lương tướng, quan kỳ quyền biến, như vi kỳ nhiên, tùy thời chế nghi; thu đắc phụ tử chi binh, thủy khả dung dã. Thả khoan dân lực dĩ vi thâm căn cố đế chi kế, thử thủ quốc chi thượng sách dã.


    Dịch nghĩa

    Xưa kia, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, dân chúng bèn làm kế "vườn không nhà trống". Rồi đại binh kéo sang châu Liêm, châu Khâm đánh vào Trường Sa, đoản binh thì tập kích phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê, đề bạt được bậc hiền tài, cõi Nam vừa húng cường lên mà phương Bắc thì đang mỏi mệt suy yếu. Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành bình lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Nhà Lý vừa mở mang cơ nghiệp, quân Tống đã xâm phạm vào bờ cõi. Bèn dùng Lý Thường Kiệt để đánh châu Khâm, châu Liêm, mấy lần đến tận Mai Lĩnh. Ấy là có cái thế đánh được vậy.

    Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói, đó cũng là do lòng trời xui nên như vậy.

    Tóm lại, giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự. Nếu chúng dùng lối tằm ăn lá, hành binh dần dà, không ham của dân, không cốt thắng mau, thì phải kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, giống như đánh cờ, phải tùy tình thế mà đưa nước chống cho thích hợp. Phải gây dựng được một "đội quân cha con" rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.

    Nguồn: Thơ văn Lý Trần , NXB Khoa học xã hội, 1977
     
    Mạc Hồng Viên thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...