Huyền Ảo Nậu - Nguyễn Xuân Lai

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nguyễn Xuân Lai, 30 Tháng mười một 2018.

  1. Nguyễn Xuân Lai

    Bài viết:
    6
    Nậu

    Tác giả : Nguyễn Xuân Lai

    Một buổi trưa rực rỡ, cây cối chan hòa trong nắng và gió. Dưới những tán cây, muông thú nô đùa chạy nhảy vì đây vốn là nơi mà chúng ưa thích. Tuy vậy, đôi lúc cũng hơi phiền lòng vì mấy người thợ săn quái ác. Hình như có tiếng rên rỉ. Cả bọn chạy xô lại. Trời ơi, một cô bé Hươu vàng đang bị sập bẫy. Hươu nằm lê trên đất, giẫy giụa, hai chân trước bị ép chặt xuống đất, càng giẫy càng đau. Mấy anh chàng lợn rừng đánh bạo đến gần. Không thể giúp gì được. Rất nguy hiểm, nếu gỡ không được, Hươu sẽ bị gẫy chân mất thôi.

    Đúng lúc ấy từ phía ruộng, có một người chạy đến. Người này quen lắm, không phải thợ săn. Tất cả tản ra, nhìn ngó. Người thanh niên đó có tên hẳn hoi, một cái tên rất lạ: Nậu – mà những người dân ở đây vẫn quen gọi là "Thằng Nậu". Dáng người gầy, đen, khoảng chừng trên hai mươi tuổi, tóc búi, sau vai một chiếc mũ tre đã rất cũ như chủ của nó. Anh ta vốn người hiền lành, chất phác, nhà ở xóm Mẫu Sơn – xã Chu Điện, cũng gần chân núi. Mấy hôm nay anh lên thăm khu ruộng vỡ hoang ở trên này. Trời hơi nóng nhưng được cái có gió. Đang làm bỗng anh nghe văng vẳng có tiếng hươu nai kêu rất lạ. Anh ngẩng lên, chạy đi tìm. Thật chẳng có gì thương xót bằng chứng kiến cảnh một con hươu rất đẹp bị sa bẫy đang nằm tuyệt vọng. Nậu chạy vội đến, hai tay kéo mạnh, kéo mạnh nữa, mạnh nữa, được rồi, hai thanh sắt mở ra. Hươu vội vàng rút đôi chân rớm máu, nhảy lò cò, khập khiễng, nó quay lại nhìn kĩ con người tốt bụng đã cứu nó thoát chết, rồi theo đám bạn chạy khuất vào rừng.

    Chuyện ấy xảy ra lâu lâu rồi. Chính Nậu cũng chẳng để tâm mà nhớ nữa. Nhưng con gái của thần Cao Vương (chính là cô bé Hươu vàng bị sa bẫy hôm trước) thì không thể nào quên được. Nàng đã xin cha thưởng cho Nậu một huyệt đất tốt.

    Thấm thoắt tháng ngày trôi đi, hè qua, thu tới. Cuộc sống lặng lẽ hay rộn ràng sinh nở, cái thiện hay cái ác, tốt bụng hoặc xấu bụng, đều cùng tồn tại, cùng nhau đi qua bốn mùa như luật đời vốn thế.

    * * *

    Có một ông thầy địa lý từ lâu đi lang thang khắp nơi tìm đất tốt. Núi rừng, sông suối, đồng ruộng mênh mông. Tìm được một thế đất quý cũng chẳng dễ dàng gì. Một hôm ông tới vùng đất này. Ở đây địa thế quả thật có nét khác lạ. Dẫy Núi Non như một con mãng xà lớn trườn từ ngàn Bảo Đài ra phía sông Lục Nam. Mạch đất dẫn lưu huyền bí. Nhưng đối với một người dầy dạn và cao tay như ông thì vẫn có thể tìm ra cái đẹp của một huyệt đất dồn tụ khí thiêng. Ông leo lên đỉnh cao nhất, chính là đầu con mãng xà, rồi đi xuống, quanh co hồi lâu. Ông dừng lại bấm độn và tính. Nhất định huyệt đất ở đây rồi. Không thể tả hết nỗi vui mừng của người đi tìm mạch đất. Bằng bí quyết và pháp thuật đã công phu, ông khấn Thổ thần cho được xin huyệt đất quý ấy. Nhưng lạ quá, khi tưới rượu lên lá bùa âm dương độn pháp, ông chỉ nhìn thấy mấy nét vân nổi như móc vào nhau. Xin mấy lần không được, buồn bực quá, ông bèn đi xung quanh núi với hi vọng có thể tìm được chỗ khác.

    Đi một lúc bỗng ông phát hiện phía chân núi có người đang đốt lửa, nhìn rõ một làn khói bay lên, ông chợt nảy ra ý định thử lại lá bùa qua khói xem sao. Đến gần, ông thấy một người đang hun đống đất cỏ. Chào hỏi vài lời kiếm cớ, ông thầy rút lá bùa có vân nổi hình móc câu ban nãy ra, đưa qua đưa lại giữa làn khói. Cái khói của đất hun cũng đầy những hình móc câu xoắn vào nhau rồi lan tỏa, mờ đi trong nắng và gió nhè nhẹ của buổi trưa. Bỗng một cơn gió từ đâu thổi mạnh. Lá bùa bay khỏi tay ông thầy địa lý và dán chặt vào ngực áo của người thanh niên lúc này đang chống cuốc cạnh đó đứng nhìn. Ông thầy giật mình, định thần, quay lại. Thật vô cùng ngạc nhiên thấy một người đàn ông đang mặc Triều phục ngay trước mắt. Rõ rang trên áo có hình thêu nổi vân hổ phù, uy nghi, mờ ảo. Những nét móc câu ban nãy đã hóa thành nét đầu hổ in rõ trên lá bùa mầu vàng chói nổi bật giữa nền áo nâu.

    Chợt hiểu ra sự huyền bí mà Thổ Thần mách bảo, ông thầy từ từ đứng lên, chắp tay vái chào và xin lại lá bùa giấy. Lúc này ông mới ngắm kỹ dung mạo của người nông dân. Đúng là có nét quý tướng. Nhưng sao hình như vẫn phảng phất một cái gì chưa thật sáng ở giữa đôi lông mày. Hỏi thăm quê quán, tên tuổi và gia cảnh, Nậu (tên người thanh niên) vui vẻ giới thiệu về mình. Hai người ngồi dưới bóng cây trò chuyện. Đến bữa, anh Nậu mở nắm cơm ra mời ông khách lạ cùng ăn. Câu chuyện càng lúc càng cởi mở. Ông thầy địa lý bây giờ đã có thể quả quyết rằng con người thanh niên chất phác này chính là người đã được thần ban cho huyệt đất quý ở đây.

    Nghĩ vậy, lát sau ông thầy địa lý bảo Nậu vác cuốc theo mình lên núi. Đến đúng chỗ đất đẹp, hai người dừng lại. Ông thầy bèn nói rõ đầu đuôi và ý định của mình, muốn chỉ cho Nậu một huyệt đất quý. Quá ngỡ ngàng và vô cùng mừng rỡ, anh cảm ơn ông thầy bằng những cử chỉ vụng về. Ông thầy dặn: "Anh nhìn kia, ta đã cắm ba tàu lá móc ở ba chỗ khác nhau, ngày mai lên thấy tầu lá nào xanh là chính huyệt". Tiếp đó ông thầy bày cách cho Nậu: Trước hết phải chiếm chỗ đất đó để dành, khi nào cha mất thì sẽ an táng ở đó, nhìn xuống núi phía Lục đầu (Phả Lại- nơi có sáu con sông hợp lưu) ; Huyệt đào tròn, người chết táng ngồi; Nhất thiết phải cắt hai chân (từ đầu gối) rời khỏi thân; Khi hạ người xuống huyệt thì đặt chân vào bụng. Dặn dò cẩn thận xong, ông thầy địa lý từ biệt ra đi.

    Anh Nậu, vốn cha mẹ sinh ra được hai chị em: Chị gái cả lấy chồng cùng làng, Nậu là em trai. Năm Nậu mười tuổi thì mẹ mất. Khi được thầy địa lý cho huyệt đất tốt thì mừng lắm. Nậu đã lên chiếm chỗ đất đẹp nhất và dấu kín chuyện không cho ai hay biết. Mọi việc rồi lại bình thường diễn ra. Thấm thoắt đã được gần ba mùa lúa rộc. Bỗng nhiên cha Nậu ốm nặng qua đời. Hai chị em thương cha lắm, nhưng cảnh nhà nghèo, họ hàng lại ít, nên mọi thủ tục cũng chỉ làm đơn giản. Nhớ lời ngày trước của ông thầy địa lý kia, Nậu nhất định đòi đem cha lên táng ở trên núi. Đêm trăng sáng, Nậu một mình cõng cha lên núi, mặc cho chị gái, anh rể lẽo đẽo chạy theo sau.

    Khi sắp sửa đặt cha xuống huyệt, Nậu dùng dao cắt một chân của cha mình đúng như lời căn dặn. Còn người chị gái thì không đành lòng làm thế. Chị vừa khóc vừa nói: "Một chân là của cậu, một chân là của chị. Chị không cho cậu cắt nốt chân kia". Nói đoạn người chị dùng dây mây trói chặt chân của cha lại, với hy vọng làm như vậy cũng có thể táng ngồi.

    Khi hạ huyệt, cha Nậu được đặt ngồi, hướng về phía Phả Lại, địa thế rất đẹp, hai chân: Một trói gập lại, một đặt vào lòng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Hai chị em Nậu sau khi làm tròn bổn phận của người con xong thì hồi hộp chờ đợi. Ít ngày sau quả nhiên long mạch chuyển động, khí đất vận lên, tưởng như trong lòng núi có một sức mạnh lạ kỳ. Thể xác của cha Nậu dưới huyệt đã cựa mình, hai chân duỗi ra làm sợi dây mây bị đứt, một chân còn nguyên vẹn đã đạp thẳng vào tổ tinh con Chiền Chiện.

    Không biết từ bao giờ ở khu đất này đã tụ tinh của loài chim Chiền Chiện lắm điều. Thấy có kẻ đạp vào đất tổ linh thiêng của mình, lũ Chiền Chiện căm tức lắm. Để trả thù, chúng tìm cách báo tin cho nhà vua.

    Ở kinh đô, một hôm nhà vua đang dạo trong Ngự hoa viên, bỗng thấy một con chim từ đâu bay tới và hót rằng: "Chà chà chiện chiện, ở đất Chu Điện phát tích Đế Vương"; Một con khác lại hót rằng: "Mả cha thằng Nậu táng đầu Núi Non, sinh cái sinh con, tranh quyền cướp nước". Nhà vua nghe rõ ràng nhiều lần như vậy lấy làm lạ lắm, bèn sai người ghi lại và sau đó cho đòi các vị cao tăng đến để giải nghĩa. Khi đoán được lời báo của con chim lạ, nhà vua lập tức cho đi dò tìm khắp đất nước xem ở đâu có "Mả cha thằng Nậu ở đất Chu Điện". Chẳng bao lâu các quan địa phương đã tâu về: Có một địa danh là Chu Điện, ở đó đúng là có mả cha thằng Nậu táng đầu Núi Non. Nhà vua cho người về tận nơi thấy quả như vậy bèn hạ chỉ phá mả cha thằng Nậu và triệt bằng được mạch đất thiêng. Dân trong vùng xôn xao, sợ hãi, nhưng lệnh vua đã ban ai mà dám cưỡng.

    Để triệt mạch đất ấy, các thầy địa lý bắt dân đào một con ngòi lớn cắt đứt long mạch (bây giờ con ngòi này vẫn còn nó dài khoảng chừng vài cây số). Họ hàng nhà Nậu chạy trốn biệt xứ. Cùng lúc một tốp quan quân khỏe mạnh, hung dữ, trang bị tốt được đưa đến để đào mả cha Nậu. Lạ kỳ thay, trên nền đá cứng, bọn quan quân đào ngày hôm trước thì qua đêm đất đá lại chảy xô xuống, lấp kín lại. Đào mấy ngày liền không có kết quả, quân lính tỏ ra mệt mỏi, chán nản và hoang mang, lo sợ. Đã qua nhiều ngày, đất đá đào lên đùn xuống chân núi như một quả đồi to. Chúng nhìn thấy đầy lên hình thù giống như một trăm thúng gạo, một trăm thúng kim (gạo về sau có thể biến thành người, kim về sau có thể biến thành giáo mác). Thấy trên một phiến đá có một vết chân, rõ cả năm ngón; cạnh đó có một lỗ to, sâu, giống như đầu một cây gậy cắm xuống mà thành. Cả bọn quan quân tớ thầy vô cùng lo lắng, tâm lý hoảng sợ cứ lan dần, lan dần.

    Hôm ấy, vào khoảng cuối chiều, mọi người đều quá sức, có một tên lính chẳng may bị một hòn đá bắn vào chân, máu chảy ra be bét. Hắn luôn miệng rên rỉ, kêu la. Những tên khác băng bó tạm cho bạn và đưa hắn vào ngồi trong một bụi cây ở gần đó.

    Trời dần tối, không khí oi bức, bọn đào mả quá mệt mỏi, chúng lần lượt ra về hết bỏ quên một tên bị thương ban chiều, lúc này đang thiu thiu ngủ.

    Nửa đêm, tên lính giật mình trở dậy. Đêm tối đen, lạnh lẽo, những tiếng người, tiếng chân rầm rập chạy xung quanh làm cho hắn bừng tỉnh. Quái lạ, làm sao nhiều người thế? Những người cao lớn, kỳ dị, thoăn thoắt vụt qua, vụt lại, mà hình như chẳng nhìn thấy chân của họ đâu. Trời ơi! Chuyện gì thế này? Hắn nhìn vào chỗ ngôi mả, đất đá ở đâu đã lấp rất đầy. Thôi chết, đúng là thần rồi! Trong tiếng các âm binh trò chuyện, tên lính nghe rõ ràng có tiếng nói: "Được rồi, không sợ gì nữa. Chỉ có cứt gà và vôi đổ xuống đây thì chúng mới đào được thôi". Tên lính nghe vậy thì hoảng sợ, muốn bỏ chạy nhưng chân cứ ríu lại, toàn thân mềm nhũn ra, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, không biết bò đằng nào được, hắn cứ thế dụi xuống, dụi xuống mà ngất đi, chẳng còn biết các âm binh xong việc đã biến mất khi nào.

    Cả một màn đêm bao phủ xuống dãy núi chứa đựng những điều đang còn ẩn dấu ở bên trong. Sức mạnh thần bí và những gì hoang dại đầy hấp dẫn nhiều khi con người làm sao mà biết được.

    Sáng hôm sau, tên lính bị thương kia đem sự việc diễn ra trong đêm thuật lại. Nghe chuyện, bọn quan quân hết thảy đều sợ hãi vô cùng. Cả những tên có tiếng là táo tợn và tàn ác nhất cũng phải chùn tay. Đứa bàn tới, đứa bàn lui. Song không dám trái lệnh nhà vua. Bàn đi tính lại hồi lâu, chúng quyết định tìm phân gà và vôi, thử liều xem linh nghiệm thế nào. Đến mãi quá trưa các thứ mới được đem đến.

    Điều gì đã xảy ra trong cái buổi chiều ảm đạm ấy? Khi bọn lính đổ thứ dơ bẩn xuống, từ dưới huyệt mộ, một luồng khói trắng bay lên, tỏa ra mờ bụi. Đá như đang nở ra, mềm ra, tan vỡ. Hơn bảy thước chiều sâu lúc này đã quá đơn giản. Bọn đào mả đã làm được cái việc mà chúng phải làm..

    Rồi bóng đêm trùm xuống. Tất cả đều im lặng. Dãy Núi Non không còn một bóng người. Cây cối, chim thú ngơ ngác và kinh sợ. Có lẽ chúng không thể hiểu được những điều phức tạp, tàn bạo của con người. Họ yêu gì, ghét gì, thích những ai và sợ những ai. Chúng càng không thể hiểu được về những mưu mô của kẻ ác đối với người lương thiện.

    Tin đào được mả ông Nậu lan đi rất nhanh, ai ai nghe được cũng đều hãi hùng, khiếp sợ. Người dân muốn gọi là "Mả Ông Nậu" (cha mẹ được gọi theo tên con), nhưng quan lại thời ấy coi Nậu là một hiểm họa, chúng bắt mọi người gọi là "Mả cha thằng Nậu". Cái tên ấy còn giữ mãi đến ngày nay.

    Dân quanh vùng đồn rằng nếu con cháu của Nậu phát tích thì có thể triều đình sẽ bị lật đổ, và một Kinh Đô mới sẽ được xây dựng ở Hữu Ngạn sông Lục Nam, song song với dãy Huyền Đinh hùng vĩ.
     
    Ân Tĩnh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười một 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...