Tản Văn Năm Dài Tháng Rộng Nhưng Lại Ngắn Ngủi Đến Ngỡ Ngàng - Đông Tàn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Land of Oblivion, 25 Tháng mười hai 2020.

  1. Land of Oblivion

    Bài viết:
    359
    Năm Dài Tháng Rộng Nhưng Lại Ngắn Ngủi Đến Ngỡ Ngàng

    [​IMG]

    Tác giả: Đông Tàn

    Thể loại: Tản văn

    [Thảo luận - Góp ý] - Tuyển Tập Sáng Tác Của Các Tác Giả Bang Land of Oblivion

    Năm dài tháng rộng nhưng lại ngắn ngủi đến ngỡ ngàng. Trải qua có bao lâu đâu mà đã qua hết hai từ "mãi mãi". Bên nhau có được vài năm đâu mà đã vội vã hết "một đời".

    Mỗi lần tôi nghe ai đó nhắc đến hai từ "mãi mãi" hay là "một đời" tôi lại chạnh lòng, nước mắt không kìm được mà rơi xuống.

    Có một cô bé hỏi tôi rằng "mãi mãi" là bao lâu? Tôi không biết nữa. Tôi từng đọc ở đâu đó có người từng đùa rằng "mãi mãi" là hai năm. Đó là câu kết luận sau cuộc hôn nhân đẹp như mơ của hai diễn viên nổi tiếng nào đó của Hàn Quốc kết thúc sau hai năm hẹn ước "mãi mãi".

    Nếu hai chữ "mãi mãi" đều kết thúc như vậy thì có gì mà chạnh lòng, có gì mà rơi nước mắt. Nhưng, câu chuyện của cô bé lại khác, hoàn toàn khác.

    Tôi cũng đã đọc vài mẫu chuyện theo kiểu: Năm tớ mười bảy tuổi, cậu mười bảy tuổi. Năm tớ mười chín tuổi, cậu vẫn mãi mười bảy tuổi. Lúc ấy tôi cứ nghĩ đó là những câu chuyện chỉ có trong câu chuyện. Cho đến khi tôi nghe tiếng khóc của cô bé ấy, tôi mới ngộ ra rằng: Những câu chuyện thường bắt đầu từ cuộc đời. Nước mắt tôi cứ thế rơi xuống.

    Hai từ "mãi mãi" mà người yêu của cô bé hứa với cô bé đã mãi mãi nằm yên dưới lòng đất lạnh. Người ấy ra đi để lại hai chữ "mãi mãi" đầy đớn đau cho cô bé. Người ấy không cố ý thất hứa nhưng lại không giữ được lời hứa. Nếu người ấy đừng hứa thì có tốt hơn không? Nếu người ấy không hứa thì cô ấy đã không thốt lên: Anh ấy bỏ rơi em rồi. Tôi nghe hai chữ "bỏ rơi" mà rụng rời tay chân. Lúc đó tôi chỉ muốn vượt cả nghìn km để đến ôm cô bé vào lòng mà vỗ về: Có chị đây rồi!

    Mấy hôm sau đó tôi lại vô tình nghe câu chuyện của một chị lớn hơn tôi vài tuổi. Chị ấy nói với tôi rằng: Anh ấy nói với chị sẽ ở bên chị "một đời", nhưng lại không nói "một đời" của ai. Có lẽ anh ấy quên nói hay anh ấy không kịp nói. Có khi chính anh ấy cũng không ngỡ được rằng cuộc đời của anh ấy và cuộc đời của chị dài ngắn khác nhau. Anh ấy vội vã ra đi bỏ lại chị một mình chống chọi với cuộc sống, một mình gánh vác gia đình, một mình nuôi dưỡng con cái. "Một đời" của anh ấy đã qua, nhưng "một đời" của chị lại còn rất dài. Dài trong nhớ thương, dài trong hoài niệm, dài trong cả cô độc.

    Tôi là người mau nước mắt. Trong những cuộc chia ly như thế này tôi không tài nào ngăn được cảm xúc của chính mình tuôn trào qua dòng lệ. Như lúc viết những dòng này tôi cũng khóc.

    Nếu tôi khóc cho người đi là một, thì tôi khóc cho người ở lại đến hai ba. Bởi người đi đã đi rồi, tôi chỉ có thể khóc cho nỗi nhớ niềm thương, khóc cho sự xót xa, sự bạc bẽo của số phận, khóc cho những năm tháng đã từng. Còn người ở lại, họ là người đau đớn nhất, đáng thương nhất, vật vã nhất. Họ mất đi một người mà họ không bao giờ nghĩ, hay không bao giờ dám nghĩ là sẽ mất đi. Họ phải sống tiếp những tháng ngày không có người đã mất. Họ sẽ không bao giờ quên được ngày người ra đi, ngày người vẫn còn bên cạnh, càng không bao giờ nguôi được nỗi nhớ thương. Người ở lại mới là người hiện diện.

    Lần mà tôi khóc thương tâm nhất cho những người ở lại là đám tang của ông Ngoại. Ông ngoại mất khi vẫn chưa đến được cái tuổi mà người ta gọi là hiếm, bảy mươi. Lúc đó nhà ngoại nghèo, nhà tôi, nhà các cậu, các dì cũng nghèo, chưa có khả năng lo cho sức khỏe của ông như lo cho bà bây giờ. Ông lúc nào cũng chắt chiu tiền bạc, đồ ăn, của cải để dành cho con cháu. Ông bệnh mà không chịu đi khám, đến khi phát hiện bệnh thì đã là giai đoạn cuối mất rồi. Từ lúc ông phát bệnh đến lúc ông mất, chóng vánh đến nỗi không ai trong nhà chấp nhận được.

    Đám tang của ông mọi người đều khóc thương ông. Ông rất hiền rất thương con cháu, ông nhớ sở thích của từng đứa con, từng đứa cháu nhỏ. Ông biết tôi thích ổi chua nên mỗi lần tôi chuẩn bị về chơi là ông lại hái sẵn mấy trái, bảo là chừa cho tôi. Ông mất rồi sẽ không còn những trái ổi chua chừa riêng cho tôi nữa.

    Tôi nhớ hôm đó, mọi người đang chuẩn bị cho hiệp kinh chiều, thì em trai tôi, con của cậu tám của tôi, lúc đó nó chừng năm sáu tuổi, đang ngồi một góc, bỗng nó cất giọng hỏi: Ông nội mất rồi ai uống trà với con? Ai nghe cũng òa khóc chỉ có nó là không khóc. Nó vẫn chưa hiểu tại sao mọi người lại khóc, nó chỉ biết ông không còn bên cạnh nó nữa thôi. Sẽ không còn mỗi buổi tối nó theo ông, cùng ông uống trà. Ông uống trà đặc, nó uống trà giảo bỏ thêm mấy muỗng đường. Có lẽ bây giờ nó cũng chẳng nhớ nó từng có thói quen uống trà mỗi tối. Bởi nó vốn không thích uống trà mà là thích uống trà cùng ông.

    Tôi nhìn sang mẹ, người đàn bà ngoài bốn mươi bất chợt mồ côi cha. Hơn bốn mươi năm ông ngoại thương yêu mẹ nhất nhà, giờ thì mẹ mất ông rồi. Sức khỏe của mẹ vốn chẳng tốt nên ông thương mẹ lắm. Ông lo cho mẹ mọi thứ. Mẹ trưởng thành rồi thì lấy chồng, sinh con, vẫn đang chật vật với cuộc sống, phải lo lắng cho gia đình nhỏ, vẫn chưa lo được cho ông, chưa trả hiếu được mấy ngày, thì ông còn đâu để mẹ báo hiếu. Tôi lúc ấy cũng đã hai mươi rồi, chỉ đành bất lực ôm lấy mẹ mà khóc. Mẹ mồ côi cha, còn tôi mồ côi ông. Đột nhiên tủi thân đến vô cùng.

    Tôi tự hỏi ông có hứa hai từ "mãi mãi" hay hẹn "một đời" với bà không? Mẹ kể hồi ông sang nhà xem mắt bà, bà chỉ mới mười sáu tuổi, vẫn còn đang trèo cây chơi nhà chòi. Một cô gái mười sáu tuổi, vẫn còn ngây ngô đã về làm vợ ông. Hơn bốn mươi năm sau, bà thành góa bụa.

    Từ lúc ông mất, bà tôi đổi tính hẳn. Trước kia bà ít nói lắm, ít nói đến độ mấy mợ tôi đều nghĩ bà khó nên rất sợ bà, nhưng bà hiền lắm, thật sự bà hiền lắm. Giờ bà nói rất nhiều, đôi khi chỉ nói một chuyện rất nhiều lần. Có lẽ bà đã bắt đầu có dấu hiệu đãng trí của người già, cũng có lẽ là vì bà buồn. Bởi, ông đi rồi, người bên cạnh bà hủ hỉ sớm tối đã đi rồi. Bà và ông vốn một đôi, giờ đây bà chỉ còn một chiếc.

    Con cháu giờ đây đã có chút đỉnh tiền lo cho bà, chăm sóc bà chu đáo. Con cháu vẫn thường xuyên về thăm bà, sum họp một nhà vào cuối tuần hay lễ tết. Tôi chợt nghĩ, dẫu con cháu có về đông vui chắc vẫn không bằng có ông bên cạnh, có bạn đời ở bên vẫn tốt hơn.

    Sau này nếu có ai đó hứa với tôi "mãi mãi" hay "một đời", tôi sẽ hỏi thật rõ: "Mãi mãi" là bao lâu và "một đời" là "một đời" của ai? Tôi không muốn năm dài tháng rộng mà "mãi mãi" lại ngắn, "một đời" lại cạn.

    End.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng một 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...