Review Phim Mùa Len Trâu (Gardien De Buffles) - Nguyễn Võ Nghiêm Minh

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hoang0302, 5 Tháng hai 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    "Len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải, và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước sao mà ngủ được, và trưa thì làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao "– Nhà văn Sơn Nam.

    Hương rừng Cà Mau là tập truyện ngắn nổi tiếng của Sơn Nam – nhà văn miệt vườn Nam bộ. Xuất bản lần đầu năm 1962, với cái hồn sông nước và chất tình quê hương gửi gắm, Hương rừng Cà Mau trở thành tập truyện được nhiều người yêu thích. Nhiều đạo diễn cũng từng có ý chuyển thể thành phim, nhưng nghiên cứu một hồi lại thôi. Như nhà văn Sơn Nam kể lại:" Họ nói khó quá, hông làm được ". Nhưng ông vẫn coi đó là một" món nợ tinh thần ".

    Cho đến năm 2003, nghĩa là hơn 40 năm sau, đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh về nước, tìm kiếm chất liệu cho bộ phim đầu tay. Thời trung học, ông từng đọc tập truyện của nhà văn Sơn Nam và rất thích. Thế là Nghiêm Minh ngỏ ý và được sự chấp thuận của nhà văn lão thành. Kịch bản do chính Nghiêm Minh chuyển thể, viết trong chưa đầy 30 ngày, cho đến khi thành phim, hầu như không có thay đổi.

    Mùa Len Trâu tái hiện một thời kỳ lịch sử, tái hiện lại cuộc sống nông dân Việt Nam miền Tây sông nước những năm 30-40. Nhân vật chính là Kìm, con trai một gia đình nông dân nghèo. Miên sông nước hai mùa mưa nắng, mùa nắng là để gieo mạ, gặt lúc trước khi trễ, khi mưa về, ruộng đồng, đất đai ngập trong nước lũ, cứ thế hàng tháng ròng. Nước ngập từ 1-4m, lúc đó trời đất gì cũng mênh mông nước.

    Nước ngập thì cỏ ngập, mà cỏ ngập thì trâu đói. Con trâu là tài sản quí giá nhất của nhà nông, như lời tự sự của Kìm đầu phim. Có con trâu mới cày đất, mới trồng lúa, mới có cái ăn. Mấy tháng ròng rã, trâu gầy đi xơ xác, trâu không có cỏ đã đành, mà chỗ ngủ cũng chịu, đâu thể nằm trong nước. Thành ra có nghề gọi là" len trâu ", nhận dẫn trâu của nhà nông thành từng đàn mấy trăm con, đi đến vùng đất cao Bảy núi, có khi đi cả 40km, mấy tháng mới về.

    Kìm mới đầu còn là một cậu bé mới lớn ngây thơ. Bức bách, ba Kìm cho phép theo len trâu với những người khác. Từ đây, hành trình vào đời của Kìm bắt đầu. Những người len trâu giống như một nhóm giang hồ mãi võ, có nhậu nhẹt, hút thuốc, trai gái, nhưng cũng đậm đặc nghĩa khí Nam Bộ. Vừa chén chú chén anh, thổi sáo vỗ tay Dạ cổ Hoài lang, đêm đã thượng cẳng chân tay đâm nhau lòi ruột.

    Từ đây, Kìm mới trở thành một người đàn ông. Cậu học được cả những tính xấu, rượu chè, chửi tục và sẵn sàng đâm chém bất cứ lúc nào. Nhưng cùng theo đó, là sự cứng cáp, khẳng khái và gan lì để vượt qua hoàn cảnh. Kìm đã biết tự tổ chức len trâu, mặc cho nguy hiểm từ những người cũ. Kìm gặp lại thằng bạn ôm tiền chạy ngày trước và cho nó vào nhóm, bởi" ngày đó nó cùng quá, phải lấy tiền lo cho mẹ ". Cậu đã lớn, trở thành một người đàn ông đáng tin cậy.

    Nhà văn Sơn Nam nói về hành trình này:" Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn. Vì vậy đối với chúng tôi dân miệt dưới, tôi là dân miệt dưới, đó là một bài học cho thanh niên trở thành người lớn. "

    Nước là hình tượng trung tâm của cả bộ phim. Bắt đầu cũng là cảnh ngôi nhà ngập trong biển nước, những khung hình đặc tả con trâu bơi dưới làn nước xanh. Nước là bối cảnh cho cả bộ phim, nước ngập ruộng đồng, nước mưa từ trên trời, nước làm trôi đi ngôi nhà mong manh.

    Như lời đứa bé hỏi Kìm, nước từ đâu đến rồi sẽ về đâu. Nước từ trên trời sẽ chảy xuống ruộng đồng. Rồi từ ruộng đồng sẽ về đâu tiếp? Rồi sẽ ra biển. Ra biển rồi về đâu? Rồi sẽ lại lên trời. Cũng như hai mùa mưa nắng, cũng như sự sống kết thúc bằng cái chết, rồi bắt đầu từ cái chết. Hình tượng nước là một vòng tuần hoàn, cuộc sống luôn tiếp nối không ngừng nghỉ. Mùa len trâu hết, rồi lại đến, những nỗi cơ cực sinh ra và cứ thế quẩn quanh.

    Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh nói:" Trong Hương rừng Cà Mau, tôi đã thấy vẻ đẹp rất đặc biệt của một không gian bị nước bao phủ, mặc dù chưa từng đặt chân tới. Tôi rất thích hình ảnh và những triết lý về nước. "Nước là biểu tượng của sự chết, cuốn trôi mùa màng cây cỏ, người chết hay thú vậy chết cũng không có đất mà chôn, điều này được lột tả một cách cảm động trong phim. Nhưng nước cũng là biểu tượng của sự sống, vì người dân cũng nhờ nước để làm ăn, để sống.

    Con người Nam Bộ được lột tả ở nhiều số phận, ở nhiều khía cạnh, đều chân thực và sâu sắc. Một chút chấm phá thời cuộc khi cho vài tên Pháp xuất hiện, nhưng nhạt nhòa và mất hút giữa những chiếc ghe nhỏ. Nổi lên vẫn là những phận người chân chất miền quê, như Kìm, sinh ra trong mùa len trâu từ một tội lỗi của người cha, trở nên cứng cáp và giỏi chịu đựng. Cuộc sống trắc trở của hai vợ chồng Định và Bân. Bà Hai cùng ông chồng tốt bụng cưu mang Kìm khi mất cha.

    Cuộc sống" ba chìm bảy nổi "của người nông dân thời kỳ ấy được lột tả, của những người đàn ông" không làm chủ được được gì "bấp bênh và hiểm nguy, nhưng gây xúc động sâu sắc bởi ý chí sinh tồn mãnh liệt của họ. Dân tộc ta từ ngàn xưa, vẫn chưa bao giờ đầu hàng trước thiên nhiên khắc nghiệt hay họa xâm lăng. Đó không chỉ là truyền thống, mà còn là một sức mạnh kế thừa, cha ngã xuống thì con đứng lên, cũng như dòng nước hết đi lại về, như cuộc sống chưa bao giờ dừng lại.

    Tờ báo Le Figaro của Pháp đã nhận định về" Mùa len trâu ":" Một bộ phim đầy chất thơ với những cảnh tuyệt đẹp của miền Nam Việt Nam ".

    Xuất thân là giảng viên Vật Lý, nhưng bằng tình yêu điện ảnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã học tập để trở thành một đạo diễn xuất sắc. Với những kiến thức vật lý có được về bố cục, ánh sáng, chất liệu, màu sắc, ông đã tạo nên những khung hình ấn tượng trong phim. Ấn tượng là cảnh đàn trâu hàng trăm con di chuyển giữa dòng nước, mà vẫn không gây cảm giác lộn xộn, chóng mặt cho khán giả. Những góc quay bước chân trâu, giọt nước bắn lên không trung, góc cắt ngang, bổ dọc dàn dựng hợp lý, tạo nên một cuộc len trâu vất vả, rộng lớn nhưng vẫn theo một trật tự nhất định.

    Ông rất biết cách tạo ấn tượng, như ánh đèn leo lét phía xa từ những chiếc ghe giữa màn đêm đen, hay vẫn chiếc đèn đập nhanh trong gió khi bão về. Đó là một phong cách rất chỉnh chu, nghiêm ngặt và cẩn trọng. Đặc biệt có những sáng tạo ở cảnh tĩnh, mà vẫn có động, như những hạt nước, bong bóng mưa ngơi dần và biến mất, dòng nước đứng yên mà như trôi đi theo mây trời. Ai đã xem qua chắc chắn sẽ nhớ mãi hình ảnh ngôi nhà giữa biển nước mênh mông, như một hoài niệm về một thời quá vãng.

    Âm thanh được thu trực tiếp tại chỗ, nên vẫn vướng một vài lỗi khi đứa bé thể hiện thổi sáo. Nhưng nhìn chung, phần thu âm này đã rất thành công. Âm nhạc được nhạc sĩ Tôn Thất Thiết xử lý, nên vẫn đâu đó gợi nên âm hưởng từ các phim của Trần Anh Hùng. Tuy vậy, những đoạn nhạc sáo vang lên, những câu hát Dạ cổ hoài lang thì hoàn toàn thuộc về không gian Nam bộ.

    Mùa Len Trâu được sản xuất với kinh phí 1 triệu Đôla, giành được nhiều giải thưởng Quốc tế: Giải đặc biệt ở LHP Locarno, Thụy Sĩ; Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago, Mỹ; Giải cao nhất Grand prix của LHP Amiens, Pháp. Nói như nhà văn Sơn Nam:" Phim được nhiều giải thưởng chứng tỏ tính dân tộc của ta được thế giới nhìn nhận. Đối với dân mình, phim này như một trắc nghiệm tình yêu dân tộc".

    Đừng bỏ qua Mùa Len Trâu khi cần cảm nhận được cái hồn Việt, điều đang dần bị bỏ quên trong điện ảnh nước nhà, thổi về mạnh mẽ dù ở một thời quá khứ đã xa.




    Thông Tin Phim:

    Năm Phát Hành: 2004

    Thể Loại: Tâm Lý

    Đạo Diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh

    Biên Kịch: Nguyễn Võ Nghiêm Minh

    Diễn Viên: Hữu Thành, Kiều Trinh, Quang Trịnh

    Trailer Phim

     
    Always think positiveBụi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...