Tự Truyện Mùa Đoàn Viên - Ánh Tú

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi a_d_t_z_m, 21 Tháng chín 2020.

  1. a_d_t_z_m

    Bài viết:
    5
    Mùa đoàn viên

    Tác giả: Ánh Tú

    Thể loại: Hồi kí

    Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Thảo luận về các tác phẩm của Ánh Tú

    [​IMG]

    Một buổi sáng cuối thu trong veo, tôi bị đánh thức bởi tiếng trống "tùng dinh dinh" của đám trẻ con trong xóm, xen lẫn trong đó là tiếng nói đùa vồn vã, trong veo, lanh lảnh. Chưa vội tỉnh hẳn, tôi mơ màng về một mùa trung thu khi lên 7 của mình.

    Năm đó, trung thu không may vừa ngay đợt bão mạnh giữa mùa, cả xóm cúp điện tối om, chỉ le lói vài đốm sáng nhỏ trên những ngọn đèn cầy. Ấy vậy mà, chính những ánh sáng tưởng chừng như chỉ le lói ấy lại thắp sáng cả một bầu trời tuổi thơ của tôi.

    Bão vừa ghé, lũ lụt không ngừng ồ ạt tràn đến, cả xóm bập bềnh những nước là nước. Tụi trẻ nhỏ như chúng tôi thì tất nhiên không thể bỏ lỡ "cơ hội" này được rồi. Xắn ống quần thật cao, những đôi chân nhỏ nhẹ nhàng thả vào dòng nước đục ngầu vì lớp bùn non đọng dày đặc. Cứ thế, tiếng cười giòn tan xé toạc cái không khí buồn hiu sau bão. Chúng tôi gặp ai cũng chào, bất kể người già hay trẻ nhỏ - lời chào của những đám nhóc như đang vẫy vùng trong chính vương quốc của mình. Niềm vui là dùng để san sẻ, trẻ thơ làm gì hiểu lý luận đến như thế, nhưng chúng vẫn vô thức san sẻ nó, dùng niềm vui để đổi niềm vui, cả xóm bừng sáng rạng rỡ.

    Đầu giờ chiều, "băng hội" của chúng tôi lại tụ họp, lần này không còn phá làng phá xóm như người lớn hay nói nữa, chúng tôi làm một việc hệ trọng hơn thế nhiều. Gần chục cái đầu bâu vào nhau ríu rít, khiến không ít người qua đường phải ngoái lại nhìn. Dáng vẻ trông "già đời" trong khi vẫn đang cởi trần mặc quần đùi khi ấy, thật sự quá là dễ thương rồi! Thế là, trong chốc lát, chúng tôi đã chốt được "đề án", chuẩn bị bắt đầu "khởi công". Cứ thế, chẳng ai nói rằng gì thêm, ai về nhà nấy, bộ dạng vô cùng khẩn trương.

    Trời dần chầm chậm tối đen lại, nhà nhà ngừng những việc đang làm dở, cùng quây quần ăn bữa cơm gia đình. Khỏi cần nói cũng biết, những bữa cơm tối khi ấy ấm áp, đoàn viên như thế nào. Thời hiện đại bây giờ, tìm một dịp để cả nhà cùng ngồi lại vừa ăn cơm vừa tâm sự những chuyện đời tư rất hiếm, nếu không muốn nói là vô cùng hiếm. Đôi lúc tôi còn nghĩ, trẻ thơ ngày nay sẽ lại chịu khuyết rỗng trong tâm hồn như thế nào khi những món ăn tinh thần của một thời chưa phát triển đang dần dần bị lãng quên theo chiều phát triển của xã hội hiện đại? Khi ấy, chúng tôi chả có gì cả, không điện thoại, không wifi, không những dòng tin nhắn cứ nhảy suốt cả ngày, không có cả sự trưởng thành như người lớn. Nhưng thật kỳ lạ, niềm vui lúc nào cũng đong đầy, còn phiền muộn thì không tài nào chạm đến chúng tôi. Trong bữa cơm quần tụ, cha mẹ nói về con cái, con cái kể chuyện cho cha mẹ, tiếng cười luôn ngập tràn không lúc nào là biến mất. Thử hỏi những đứa con của thời đại phát triển, một ngày bạn nói bao nhiêu câu với cha mẹ mình? Có phải ngay cả những câu đơn như "Con yêu mẹ", "Con yêu ba" cũng khó lòng mà thốt ra thành lời?

    Bữa cơm tối sắp tàn, tiếng trống múa lân đã vang dội đến tận tai, làm trái tim nhỏ bé rộn ràng, không khỏi nôn nao. Mùa lũ kéo về nên đến trống, lân, đến cả mặt nạ và quạt của Ông Địa cũng là đồ dùng cũ. Chúng tôi dành cả một ngày trời để "tân trang" lại chúng, chỉ có điều, bây giờ nó chẳng ra hình thù gì cả. Cả đám vừa nhíu mày, vừa mường tượng, lòng đứa nào đứa nấy nhột nhột, cuối cùng lại cười phá lên không ngớt.

    Tôi buông đũa, thưa ba mẹ để được ra ngoài chơi, thế rồi, không biết lấy từ đâu ra, tôi cầm chiếc đèn lồng ngổn ngang là giấy báo, xắn ống quần lội nước đi rước đèn. Chiếc lồng đèn này cũng là một thành quả của một buổi chiều khác. Một đứa trẻ đứng lên vỗ ngực rằng biết tỏng việc làm lồng đèn vì hè nào nó cũng làm diều để thả cả. Mấy đứa còn lại ai cũng tin lấy tin để, vì thằng nhóc đó làm diều thật sự rất xịn, diều của nó lúc nào cũng bay cao nhất, còn diều của chúng tôi làm lúc thì không thể bay lên, lúc thì bay loạn xạ xong vèo một cái, bay thẳng đi luôn. Những cái đầu một lần nữa bâu vào nhau, hì hì hục hục xé giấy, lấy cơm làm keo dán, chẳng mấy chốc cũng ra được hình thù. Làm từ đầu chiều đến tận chập tối, nhóc "thánh diều" kia thì khàn cả cổ, còn chúng tôi thì cũng dần dần hoàn thiện "công trình" của mình, người ngợm đứa nào đứa nấy cũng bám đầy cơm, như vừa đi ăn vụng về. Xong xuôi, lồng đèn đứa thì tròn như trứng, đứa lại vuông vuông trông khá vui mắt, có đứa lại xiêu vẹo đủ đường vô cùng buồn cười. Chỉ có điều, ai cũng trân trọng thành quả mà mình nhận được, kể cả đứa làm ra chiếc lồng đèn xiêu vẹo ấy. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi tự làm ra một cái gì mà tốn nhiều công sức như thế, cũng là lần đầu tiên cảm nhận được sự trân trọng mồ hôi nước mắt của mình. Một đứa bỗng nhiên nói:

    "Tao làm cực như thế này đây, vậy mà năm nào tao cũng nằng nặc đòi ba tao làm diều cho tao."

    Câu nói đã khiến một cô bé mít ướt khóc òa lên, thấy vậy, tụi con trai, đặc biệt là nhóc "thánh diều" không chịu được mà lên tiếng:

    "Khóc cái gì mà khóc, năm sau tao làm diều cho hai tụi bây."

    Thế là cười hì hì lại ngay.

    Chẳng mấy chốc, cả đám đã tụ họp tại địa điểm định sẵn, ai nấy đều trông vô cùng phấn khởi. Chiếc lồng đèn làm từ giấy báo, bên trong le lói chiếc đèn cầy be bé trông yêu hết mức! Thời gian đã điểm, tụi nhóc xếp thành một hàng, bắt đầu đi rước đèn quanh xóm. Tiếng hát đậm đặc "Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu.." vừa vang lên thì tụi nhóc đã thấy kì kì, đèn kiểu này.. ông sao kiểu gì? Thế là tụi nó nhìn nhau cười ha hả, vô cùng sảng khoái. Cuối cùng, chúng quyết định bỏ qua tiểu tiết, đèn gì mà chả ông sao, mình nghĩ nó ông sao thì nó sẽ là ông sao, nghĩ gì nhiều, vớ vẩn! Tiếng hát một lần nữa vang lên, tên nhóc chỉ huy làm lồng đèn khi chiều cổ họng khàn đặc vẫn hát rất say mê, làm không ít bà cô phì cười. Khi ấy, cả xóm tôi chỉ có một nhà là có hai tầng, nhưng chủ nhà vô cùng gay gắt với đám nhỏ chúng tôi, ông Thành nói rằng chúng tôi chỉ biết quậy phá, ngoài ra chẳng biết gì cả. Vì vậy, lại là một buổi chiều khác, chúng tôi dành cả buổi để sang xin ông cho chúng tôi lên sân thượng tầng hai để múa lân nhưng ông nhất quyết không cho. Chúng tôi làm đủ mọi cách, thậm chí là bắt cả chó để uy hiếp ông nhưng cuối cùng lại bị ba mẹ đánh đòn, còn ông vẫn giữ vững quan điểm là không cho chúng tôi quấy phá nhà ông. Chỉ còn một chiêu cuối, đợi thả vào ngay đêm trung thu. Đêm đó, bằng một cách thần kì nào đó, tên nhóc nhanh nhảu nhất trong đám dụ được ông Thành ra ngoài, thế là cả đám như kế đã tính, túm tụm, vây quanh ông, chụm ông lại trong vòng tròn toàn những cậu nhóc lém lỉnh và cô nhóc tươi tắn. Chỉ cần ông muốn thoát ra là nhóc mít ướt lại khóc òa lên, nhà cô bé lại ngay gần đó, ông chẳng dám làm gì, dù gì cũng là hàng xóm với nhau, ông không muốn gây sự với mẹ cô bé. Đám còn lại nhận nhiệm vụ leo lên sân thượng lầu hai nhà ông Thành. Và rồi, bắt đầu đếm ngược.. 5.. 4.. 3.. 2.. 1.. Thằng nhóc nhỏ con nhất trong đám, tay cầm dùi trống chắc nịch, đánh tùng tùng vô cùng rộn ràng, vang dội. Cả một xóm mất đi cái dáng vẻ trầm lặng vốn có, người người không phân tuổi tác cũng ra trước hiên nhà chung vui, những ai không có bè trước hiên thì ngồi trong nhà trông ra, có người còn dùng muỗng, thìa gõ phụ họa vào xoong, chảo. Khung cảnh vô cùng đầm ấm, thậm chí, chúng tôi còn không cảm nhận được dưới chân mình là dòng nước lạnh ngắt, đứa nào đứa nấy cười tươi như hoa đầu xuân, tiếng cười tựa như vang đến tận trời cao, khiến trời cao cũng động lòng mà vui đùa. Không biết có phải do chúng tôi cảm xúc rung động hay thực sự như vậy mà bầu trời dường như trở nên trong hơn, từng ngôi sao như rõ ràng hơn, trong veo hơn. Cô bé mít ướt bỗng lên tiếng:

    "Lớn lên mình sẽ làm chị Hằng, mình sẽ sống ở cung trăng đợi chú Cuội của mình. Cậu làm chú Cuội của mình không?"

    Cô bé nhìn thằng nhóc hẹn ước làm diều cho nó lúc chiều, vừa nói lại vừa lộ ra dáng vẻ ngại ngùng, khiến đám trẻ chúng tôi khi ấy chỉ vô thức mà trêu chọc. Thằng nhóc đó thì hay rồi, ngượng ngùng quá mà nói to:

    "Ai thèm làm chú Cuội của cậu, đi mà làm thỏ ngọc đi!"

    Thế là chuyện gì đến rồi sẽ đến, một người không có gì dư ngoài nước mắt hiển nhiên sẽ khóc thôi. Chúng tôi không muốn bị phá vỡ bầu không khí, lại sợ mẹ của cô nhóc bên kia mặc dù mẹ của nó cũng đang cười lấy làm thích thú, giục thằng nhóc diều xin lỗi nó. Nhóc con đó không biết làm gì khác đành nói rằng chỉ cần nín khóc thì sẽ làm chú Cuội của cô bé. Tôi vô tình liếc nhìn mẹ của cô nhóc, thấy cô đang gật gù cười cười, sau này hai đứa đúng là thành một đôi thật. Trời về khuya, ai cũng chơi đùa đến lả, những chiếc đèn lồng cũng vì lội nước mà tả tơi, trôi dạt đâu mất.

    Tôi vẫn đang nằm trên chiếc giường của mình, tiếng cười của đám trẻ con khi xưa vẫn vang dội trong tâm trí tôi, ồ ạt, xô xát nhau, tạo thành một loạt mảnh hoa chạm khẽ trái tim tôi, rộn ràng tha thiết. Tôi sững người nhìn lên trần nhà màu trắng be, tiếng trống tùng tùng vẫn đang dội vào tai nhưng không còn tiếng cười đùa giòn giã như trước nữa, lòng tôi vì cảm thấy thiếu thốn mà trở nên ngứa ngáy. Mùa lân mỗi năm dần trở nên thương mại, còn những đoàn người nối đuôi nhau rước đèn thì dần biến mất. Đến cả tôi dường như cũng dần quên đi rằng trung thu là mùa đoàn viên, năm nào cũng hòa vào dòng người tấp nập ngoài phố để được chối bỏ cô đơn mà không biết rằng cô đơn sẽ biến tan khi ta ở bên cạnh gia đình mình. Vô thức, tôi cầm điện thoại lướt vào dòng facebook, ngập tràn là những status "trung thu này tôi cô đơn", "Ai ráp kèo trung thu với tôi không?", "Trung thu này không em/anh".. Tôi thấy thật nực cười, nực cười hơn nữa là khi facebook báo kỷ niệm năm trước, tôi cũng từng up status với dòng chữ "trung thu và chiếc yên xe trống không". Ừ thì, tôi hối hận rồi, chỉ muốn gào lên cho cả thế giới nhận ra rằng: Hãy tỉnh mộng ngay trong khi cha mẹ bạn vẫn còn khỏe mạnh và bạn vẫn còn những lưu luyến. Cứ như vậy, dường như có một cỗ sức mạnh bí ẩn, kéo tôi bước ra khỏi phòng, ôm chặt mẹ từ đằng sau:

    "Con yêu mẹ, cảm ơn mẹ vì luôn ở bên con mỗi mùa đoàn viên!"

    Hết!
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng chín 2020
  2. Uất Phong

    Bài viết:
    196
    Chào Ánh Tú!

    Mình thay mặt các thành viên trong BGK Event Trung Thu gửi đến bạn tổng hợp nhận xét của các BGK nhé. Quá trình chấm và nhận xét của từng người là riêng biệt nhưng lời nhận xét sẽ được tổng hợp lại để tránh trùng ý và bạn dễ theo dõi nhé.

    1. Ảnh bìa:

    Kích thước ảnh phù hợp, ảnh đơn giản nhưng đẹp, màu sắc tươi sáng, tổng thể tương đối hài hòa. Quote hay nhưng không có trong nội dung truyện.

    2. Nội dung:

    - Ưu điểm:

    + Đúng chủ đề event, lấy Trung Thu làm hình ảnh trung tâm để phát triển câu chuyện.

    + Cốt truyện sáng tạo với góc nhìn khác về Trung Thu - Trung Thu sau cơn bão lũ.

    + Truyện được đầu tư tốt, nội dung hay, ý nghĩa: Một hồi kí nhẹ nhàng, hấp dẫn, giản dị, chân thật, gợi lại những hình ảnh đẹp tuổi thơ nhưng cũng rất lạ lẫm vỡi nhiều người - hình ảnh bão lũ. Câu chuyện quen thuộc nhưng cũng lạ lẫm, lạ lẫm nhưng rất thân thương, khiến độc giả cảm động về tình người, tình láng giềng và thương cảm về cuộc sống con người sau thiên tai: Khó khăn nhưng vẫn nở nụ cười. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng mang đến nhiều ý nghĩa sâu sắc về gia đình.

    + Văn phong tốt, lời văn mộc mạc, được trau chuốt kĩ lưỡng, chỉn chu. Các yếu tố kể và miêu tả đan xen hài hòa giúp câu chuyện thêm chân thật và sinh động.

    + Ngôn từ chọn lọc, sử dụng khẩu ngữ nhưng không gây mất thiện cảm mà rất đáng yêu.

    - Nhược điểm:

    + Một số chỗ ngắt đoạn chưa hợp lý.

    + Kết truyện mang lại cảm giác hơi gấp nên hơi lạc nhịp so với đoạn trước đó.

    Trên đây là tổng hợp nhận xét từ BGK. Cảm ơn bạn vì đã mang đến event một bài dự thi hay và ý nghĩa. Mong rằng bạn sẽ tiếp tục phát huy những điểm mạnh của mình để có thêm nhiều bài viết hay trong tương lai.

    Thành phần BGK: @Phaledenvo @Nhật Thiên Thanh @Thiên Túc @Mạnh Thăng @Uất Phong
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...