Một vài dẫn chứng cho bài văn nghị luận về sự cố gắng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mưa nắng thất thường, 12 Tháng mười một 2021.

  1. NGUYỄN THẾ VINH.

    Nguyễn Thế Vinh (sinh 1970) tại làng quê nghèo xứ cát Bắc Bình, Bình Thuận. [1] Khi lên 8 tuổi, Nguyễn Thế Vinh bị ngã gãy tay và phải cưa cụt tay phải. Với một tay còn lại, anh có thể hòa tấu guitar và thổi Harmonica một cách nhuần nhuyễn. Để có thể điều chỉnh từng nốt nhạt trên cung đàn, anh đã mất hơn ba năm để tìm ra một cách riêng khi mình chỉ có một cánh tay.

    Và thật đau lòng, anh đã có lần gắn cánh tay giả để trông mình được bình thường như mọi người xung quanh. Nhưng ngay sau đó, anh đã tháo cánh tay giả xuống với lý do: "Tôi thấy khó chịu với mình. Chẳng lẽ vì cái cánh tay giả mà bạn bè thích tôi hơn ư? Hay tôi đang vỗ về nỗi tự ái cá nhân một cách vụng về? Tôi nghĩ, khi là thằng bé con 12 tuổi, tôi còn làm được cái việc xóa bỏ ranh giới giữa tật nguyền và lành lặn, thì tại sao khi là thanh niên gần 20 tuổi tôi lại không làm được việc đó?".

    Nhắc về Nguyễn Thế Vinh không thể không nhắc về ngôi trường Hướng Dương, ngôi trường anh dành trọn tâm huyết, để mang tới mái ấm và nơi học tập cho những em nhỏ mồ côi, khuyết tật. Từ đây, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, học lên đại học, trở thành người có ích cho xã hội; hàng chục em được sang Nhật học tập và làm việc.

    Nguyễn Thế Vinh là hiện thân của những điều thiện lương. Có lẽ câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả về con người anh: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi..".

    NGUYỄN THẢO VÂN.

    Chào đời trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An, Vân là em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất). Cũng như người anh mình, Vân mới sinh ra bình thường, càng lớn thì cơ thể càng biến dạng, teo tóp không phát triển được. Không chịu đầu hàng số phận và ý thức chỉ có việc học mới có thể cải thiện được cuộc sống của mình, Thảo Vân cùng anh trai đã vượt qua bao khó khăn, cực nhọc để học hết THPT tại quê nhà.

    Luôn ý thức được hoàn cảnh của mình và thương bố mẹ vất vả vì phải nuôi 2 con tật nguyền đi học, Thảo Vân cố gắng học hành, giành nhiều thành tích. Lớp 9 Vân đạt giải nhất cờ vua, năm lớp 10 đạt giải nhất cờ tướng khối THPT cấp tỉnh..

    Bước ngoặt trong cuộc đời Thảo Vân là khi tiếp xúc với những công nghệ về máy tính từ người anh trai của mình. Cô đã theo học một lớp đào tạo về tin học tại Hà Nội và bắt nhịp rất nhanh. Cô đã thành thạo việc thiết lập các phần mềm cơ bản trên máy tính. Tiếp sau đó, cô lại bắt đầu tự lập bằng việc nộp đơn tuyển dụng vào một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, chuyên cung cấp phần mềm các sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế với mức lương khá cao. Năm 2006, người anh khuyết tật của Vân cùng nhóm bạn mở Công ty Nghị lực sống ở Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho người khuyết tật. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là tin học và ngoại ngữ. Cô về giúp anh, sau khi anh cô mất, cô tiếp tục quản lý.

    Cô đã trở thành người truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

    LÊ CHÍ BẢO.

    Em là học sinh trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP. Cà Mau). Tuy là trẻ mồ côi nhưng tiêu biểu vượt khó trong học tập, được biểu dương tại Hội nghị Người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, năm 2016 tại Thủ đô Hà Nội. Em thiếu may mắn khi sinh ra trong gia đình bất hạnh, mẹ mất khi Chí Bảo mới lên 5, cha bỏ đi biệt xứ không có tin tức từ đó đến nay. Thấy cháu thơ dại bơ vơ côi cút, cậu mợ đem về cưu mang, nhưng hoàn cảnh gia đình cậu mợ cũng nghèo khó, túng thiếu, hàng ngày phải lo thuốc thang cho bà ngoại tuổi đã già và 4 đứa con nhỏ.

    Một lần nữa, những giọt nước mắt tình thâm đã rơi khi cậu mợ dằn lòng đưa Bảo vào Trung tâm Bảo trở xã hội tỉnh, với hy vọng cuộc đời đứa cháu mình sẽ tốt đẹp hơn. Chí Bảo nhớ lại: "Những ngày đầu ở Trung tâm, con vừa ngạc nhiên vừa lạc lõng, thiếu tình thương gia đình và người thân. Bao đêm con đã khóc vì tủi thân. Nhưng dưới" mái nhà chung "này, con như được" tái sinh "." Đáp lại sự yêu thương của các cha, các mẹ, sự đùm bọc chân thành của các anh chị em tại Trung tâm, bước qua khó khăn, không gục ngã trước số phận, nhiều năm liền Chí Bảo đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường Tiểu học Kim Đồng. Và khi chuyển lên THCS, em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi trong học kỳ I năm học 2015 - 2016 của Trường THCS Nguyễn Du. Chí Bảo chia sẻ: "Cuộc sống con đã gặp nhiều bất hạnh nên con sẽ cố gắng học tập để sau này trở thành giáo viên tốt, truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được cho đàn em, giống như con đã từng được dạy dỗ". Cô Mã Thị Ngọc Nhiều, cán bộ quản lý tại Trung tâm Bảo trợ xã hội: "Không chỉ học giỏi, Chí Bảo còn là tấm gương sáng cho các bạn, các em tại Trung tâm về nghị lực vượt khó, siêng năng, biết quan tâm giúp đỡ mọi người".

    HEINRINCH SCHLIEMANN (1822-1890)

    - Sinh ra tại Neuboukov, Đức. Sau đó gia đình ông chuyển đến Angkershagen- một ngôi làng có nhiều truyền thuyết bí ẩn, kì dị và ông sống ở đó suốt 8 năm với gia đình. Cha ông là một người rất thích cổ sử nên thường kể cho ông nghe về những huyền thoại của Hi Lạp và La Mã, đặc biệt là những trận chiến thành Troie. Kể từ đó giấc mơ tìm kiếm di tích thành Troie giống như một hạt giống nhỏ gieo vào tâm trí non nớt của cậu bé. Khi cậu bé nói về ước mơ của mình thì mọi người đều cười nhạo cậu, chỉ có chị em Minna là tin tưởng và ủng hộ. 9 tuổi thì mẹ ông mất. 14 tuổi, vì gia cảnh sa sút, ông phải bỏ học đi làm để phụ giúp gia đình. Đầu tiên, ông làm công ở một tiệm tạp hóa. Ở đây ông đã tiếp xúc với tiếng Hi Lạp và thơ của Homere. Ít lâu sau, vì công việc quá nặng nhọc nên ông đã xin thôi việc và làm thủy thủ trên chiếc tàu đi Nam Mỹ. Đi được vài ngày thì tàu gặp bão và bị chìm nhưng rất may là ông đã được cứu sống. Sau đó ông định xin vào quân đội Hà Lan nhưng vừa tới nơi thì được viên công sứ Đức giúp đỡ, tìm cho một công việc ở một hiệu buôn. Công việc này tuy lương không cao nhưng nhẹ nhàng. Thấy có thời gian rảnh nên ông quyết định học ngoại ngữ. Không được đến trường nên ông đã sáng tạo cho mình một cách học đặc biệt: Sau khi học xong một bài thi ông luyện viết về những vấn đề hàng ngày rồi nhờ người ta chỉnh sửa, sau đó học thuộc lòng bài viết đó. Ông luôn mang theo sách bên mình để có thể học mọi lúc mọi nơi. Nhờ vậy, trong sáu tháng ông đã có thể học xong một ngoại ngữ mà không cần qua bất kì trường lớp nào. Sau đó, ông bôn ba khắp nhiều nơi và nhiều công việc khác. 1846, ông đến Nga và có những thành công đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Khi có một tương lai tươi sáng hơn, ông nhờ người hỏi cưới Minna cho ông. Đau đớn thay! Người ta cho ông biết nàng mới vừa xuất giá mấy tuần trước. Trong những năm làm việc cật lực ở nơi đất khách quê người ấy thì chính Minna và giấc mơ thành Troie đã tiếp thêm cho ông nghị lực, niềm tin để tiếp tục sống và chiến đấu với số phạn thì đến nay, khi ông có đủ điều kiện để cưới nàng thì ông trời lại trao nàng cho một người khác.

    Ông chìm trong đau khổ một quãng thời gian thì vết thương cũng dần lành lại. Sau đó, việc kinh doanh của ông ngày một phát đạt, sự nghiệp ông lên như diều gặp gió. Từ năm 1856, ông quay lại học tiếng Hi Lạp và dành thời gian để đi du lịch nhiều nơi, trong đó có Sài Gòn. 1863, ông bỏ hẳn việc kiếm tiền để thực hiện ước mơ của mình. Sau đó ông còn học thêm 2 năm về khảo cổ. Năm đó ông 46 tuổi, mà ước mơ từ năm 8 tuổi đến giờ mới thực hành. Sau đó ông đếm Hi lạp và bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ của mình. Sau nhiều lần tìm kiếm thất bại thì ông đã thật sự tìm được di tích thành Troie, để lại một công trình lịch sử mang ý nghĩa lịch sử cho nhân loại.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Hắc Y Phàm Nhiếp Vương Linh Cảnh

    Bài viết:
    381
    Bài viết chia sẻ thông tin rất hữu ích <3
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...