1. Atlat rất quan trọng Điều đầu tiên, bạn cần phải học cách sử dụng và đọc hiểu Atlat. Cá nhân mình thấy việc này không quá khó. Bạn cần xác định đối tượng nghiên cứu để khai thác biểu đồ trong Atlat một cách hiệu quả. Ví dụ: Khi tìm hiểu vị trí, địa hình ta sử dụng các biểu đồ địa hình, sự phân bố vùng. Khi tìm hiểu sự tăng trưởng kinh tế hay sản xuất, ta vận dụng các biểu đồ tròn, cột.. trong Atlat. Nếu cần sử dụng số liệu, Atlat chình là một nguồn cung cấp uy tín nữa đó! Khi cần thiết, bạn cũng phải kết hợp các chú thích trong Atlat để xem biểu đồ. 2. Mẹo khi làm bài tập vẽ biểu đồ. Để vễ chính xác dạng biểu đồ, bạn cần phân tích sơ qua bảng số liệu và yêu cầu của đề bài. - Biểu đồ cột: Chọn biểu đồ này để so sánh dữ liệu được phân loại thành các nhóm riêng biệt. Bảng số liệu thường có nhiều nhân tố và nhiều năm. Đề bài thường có các cụm từ như: Thể hiện sự phát triển, thể hiện động thái, so sánh quy mô.. Biểu đồ cột cũng có thể biểu hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể (biểu đồ cột chồng). - Biểu đồ tròn: Sử dụng biểu đồ này để tìm hiểu mức đóng góp của các phần trong cả tập hợp. Bảng số liệu thường có ít nhân tố và dưới 3 năm. Đề bài thường có các cụm từ như: Thể hiện cơ cấu, thể hiện cơ cấu thành phần, đơn vị là %. - Biểu đồ miền: Tương tự biểu đồ tròn nhưng sử dụng khi có 3 năm trở lên. - Biểu đồ đường: Chọn biểu đồ này để trực quan hóa xu hướng của tất cả các chuỗi dữ liệu trong mọi khoảng thời gian. Đề bài thường có các cụm từ như: Thể hiện sự thay đổi, thể hiện tốc độ tăng trưởng.. - Biểu đồ kết hợp: Chọn biểu đồ này khi bạn có hỗn hợp các loại chuỗi dữ liệu. Bảng số liệu có từ hai đại lượng khác nhau. Một số bài sau khi vẽ ta cần nhận xét và giải thích. - Nhận xét: Cần nhận xét từ cái chung nhất, cái tổng quan nhất như: Qua bảng số liệu đã cho và biểu đồ đã vẽ, ta có thể thấy nền kinh tế/.. nhìn chung phát triển nhanh. Có thể nhận xét khái quát trước rồi đi vào chi tiết sau, chú ý các mốc cao nhất – thấp nhất, sự thay đổi đột ngột và nhận xét phải đi đôi với số liệu chứng minh. Sau đó ta nhận xét thông qua biểu đồ đã vẽ, kèm số liệu chính xác ở bảng số liệu đề bài cho. - Giải thích: Cần giải thích cho mỗi ý ở phần nhận xét. Ví dụ như nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong giai đoạn.. là do chính sách của chính phủ, áp dụng khoa học kĩ thuật.. 3. Kĩ năng tính toán Địa lý không yêu cầu những phép tính toán phức tạp nhưng cần phải thật chính xác. Khi cần làm tròn, nếu đề bài không yêu cầu ta nên làm tròn đến chữ số thập phân thứ hai sau dấu phẩy. + Mật độ dân số (người / km2) = Dân số / diện tích + Tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) = Tỷ suất sinh – Tỷ suất tử + Biên độ nhiệt = Nhiệt độ tháng cao nhất – Nhiệt độ tháng thấp nhất + Cân bằng ẩm = Lượng mưa – Lượng nước bốc hơi + Độ che phủ rừng = (Diện tích rừng x 100) / Diện tích tự nhiên + Bình quân lương thực/người (kg / người) = Sản lượng/dân số + Năng suất lúa (tạ, tấn / ha) = Sản lượng / Diện tích + Cán cân xuất nhập khẩu = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu 4. Dạng bài tập giải thích hiện tượng Dạng này có rất ít bài, ta chỉ cần học những hiện tượng cơ bản như thủy triều, nguyệt thực, nhật thực.. rồi dựa vào đó để giải thích. 5. Dạng bài phân tích khí hậu, địa hình Cần học thuộc các dạng địa hình chính ở Việt Nam, mỗi miền sẽ có một loại địa hình riêng, phần này dựa vào Atlat ta có thể phân tích rất đơn giản. Về khí hậu, khi đã nhận biết địa hình của vùng miền thì khí hậu dựa vào địa hình để phân tích. Ví dụ như các vùng giáp Lào và Campuchia sẽ có gió Lào khô, nóng; giáp biển gió mang hơi ẩm.. 6. Dạng phân tích kinh tế Dựa vào điều kiện tự nhiên như khí hậu địa hình, ta có thể phân tích được thuận lợi, khó khăn trong kinh tế. Ví dụ vùng giáp biển thuận lợi đánh bắt, nhưng thường có bão lũ.. 7. Nên đọc lý thuyết trong sách giáo khoa và học thuộc những phần trọng tâm. Như các bạn đã biết, Địa lý thuộc dạng môn học thuộc chứ không phải tính toán, chính vì vậy nhất thiết cần phải học thuộc những kiến thức cơ bản để áp dụng làm bài tập, không thể ỷ lại quá nhiều vào Atlat. Bạn cần gạch ra những kiến thức trọng tâm, đơn giản hóa kiến thức và ghi nhớ nó. Chúc các bạn học tập thật tốt!