Một số câu hỏi phụ trong câu nghị luận về bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 17 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    MỘT SỐ CÂU HỎI PHỤ TRONG CÂU NGHỊ LUẬN VỀ BÀI THƠ TÂY TIẾN

    Đề thi môn Ngữ văn THPTQG ngoài mục đích hướng đến xét tốt nghiệp là chính, còn có mục đích phân loại để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên trong câu hỏi của phần nghị luận văn học (câu 5 điểm) cũng sẽ có phần vừa sức cho thí sinh ở mức học trung bình (vế đầu của đề bài) và phần khó hơn cho thí sinh khá, giỏi (vế sau của đề bài).

    [​IMG]

    Ví dụ: Câu 5 điểm trong đề thi THPTQG năm 2018:

    Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu ). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam ) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

    Phần in đậm trong đề ví dụ trên là vế câu hỏi phụ chủ yếu để phân loại học sinh. Phần này, đa số những học sinh khá, giỏi, nắm vững kiến thức bài học, có kĩ năng khái quát kiến thức.. mới có thể làm trọn vẹn.

    Tùy từng văn bản mà câu hỏi kèm theo có thể là một vấn đề về nội dung, có thể là một vấn đề về nghệ thuật.

    Câu hỏi phụ kèm theo này thường chỉ yêu cầu thí sinh viết với dung lượng vừa phải, thường là một đoạn hoặc một vài đoạn nhỏ khoảng 10 – 20 dòng sau khi nghị luận vấn đề trọng tâm ở phần đầu bài viết. Tuy chỉ 10 -20 dòng, nhưng phần này có thể chiếm 0.75 – 1 điểm trong biểu điểm của câu nghị luận văn học.

    Những chia sẻ sau đây là một số câu hỏi phụ - yêu cầu phụ bài Tây Tiến thường gặp trong đề thi, đề kiểm tra bên cạnh các câu hỏi chính.


    1. Nhận xét về ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng (14 câu đầu)

    Cảm hứng lãng mạn trong khổ thơ thể hịên ở cái tôi tràn đầy xúc cảm. Xúc cảm ấy chính là nỗi nhớ ngập tràn: Tác giả nhớ về rừng núi, nhớ bước quân hành của đoàn quân Tây Tiến, nhớ những hi sinh gian khổ, những giây phút đồng đội nằm xuống nơi biên cương.. Tất cả cứ theo dòng hồi ức mà hiện lên cùng với trí tưởng tượng phóng khoáng, bay bổng.

    Cảm hứng lãng mạn trong khổ thơ còn thể hiện ở cách nhà thơ xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến. Dẫu phải trải qua gian khổ, hi sinh, họ vẫn anh hùng bất khuất, vượt lên trên hoàn cảnh với một tâm hồn rất mực hào hoa. Người lính có những rung cảm đậm chất lãng mạn trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền Tây. Qua con mắt hào hoa, nghệ sĩ của những chàng lính Hà Thành, thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa thơ mộng, trữ tình. Con người miền Tây hồn hậu, chất phác, đậm tình nghĩa quân dân.. Cảm hứng lãng mạn đã chi phối thế giới quan của người lính, mang đến trong thơ một thiên nhiên Tây Bắc mĩ lệ, mang đến những khoảnh khắc hạnh phúc, hân hoan giữa những tháng ngày bom đạn.

    Để giúp cho trí tưởng tượng bay cao, bay xa và tình cảm, cảm xúc được diễn tả một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, nhà thơ đã vận dụng thủ pháp nghệ thuật tô đậm cái phi thường, gây ấn tượng mạnh về cái hùng vĩ, dữ dội cũng như cái tuyệt mĩ, thơ mộng. Một trong những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng đắc địa nhất là thủ pháp đối lập - đối lập giữa cái hùng vĩ, dữ dội với cái tuyệt mĩ, thơ mộng, đối lập giữa gian khổ, vất vả với anh hùng, bất khuất, đối lập giữa cái bi và cái hùng..

    Cảm hứng lãng mạn không chỉ nâng đỡ cho tâm hồn con người vượt qua những khắc nghiệt của hiện thực chiến tranh, mà còn mang đến vẻ đẹp, sức truyền cảm đặc biệt cho lời thơ cách mạng.


    2. Nhận xét về cách nhìn hiện thực của nhà thơ Quang Dũng (đoạn 3)

    Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng qua ngòi bút đậm chất lãng mạn Quang Dũng, người đọc vẫn nhận thấy những nét thô tháp của hiện thực cuộc sống, cuộc chiến đấu nhiều gian khổ, hi sinh của người lính Tây Tiến.

    Đã có một thời, người ta tránh nói về cái chết và về cái mất mát nhưng Quang Dũng đã không né tránh điều đó, bởi lẽ có chiến thắng nào mà không trả giá bằng máu và nước mắt. Và "không có gì cao cả hơn một nỗi đau buồn lớn" (An-phrét dơ Muýt-xê). Vậy nên, hơn một lần trong khổ thơ, Quang Dũng đã nói về cái chết: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"; "Áo bào thay chiếu anh về đất". Ông đã nhìn thẳng vào hiện thực để viết lên những khốc liệt của chiến tranh, dù điều này có khiến bài thơ một thời từng bị gắn mác "ủy mị", "yếu đuối".

    Nét đặc sắc của khổ thơ là viết về hiện thực, nói về cái chết nhưng không gợi cảm giác bi thương, bi lụy. Cảm hứng lãng mạn, khiến ngòi bút của ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng. Hay nói cách khác, chính hiện thực về sự hi sinh mất mát kia đã trở thành đòn bẩy để nâng tầm vóc oai hùng của người lính thêm một tầng cao nữa.

    Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi dã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cái sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả manh chiếu che thân qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tâm áo bào sang trọng. Và rồi cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã.

    Như vậy, khổ thơ đã thể hiện cách nhìn chân thực, dũng cảm của Quang Dũng về hiện thực chiến tranh. Điều đặc biệt là hiện thực ấy đã được nâng đỡ bởi hồn thơ lãng mạn nên bi mà vẫn hùng, đau thương mà không làm con người lui thoái..


    3. Nhận xét về đặc sắc trong hình ảnh thơ Quang Dũng (đoạn 14 câu đầu)

    Đoạn mười bốn câu thơ đầu thể hiện những nét đặc sắc trong hình ảnh thơ Quang Dũng. Hình ảnh trong đoạn thơ được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau, tạo nên những sắc thái thẩm mỹ phong phú. Đoạn thơ có hai hình ảnh chính: Thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến, đồng thời cũng còn có hình ảnh về cụôc sống của đồng bào miền Tây gắn với người lính Tây Tiến. Ở mỗi loại hình ảnh ta nhận thấy có những nét vẽ đối lập nhưng bổ sung cho nhau tạo nên sắc thái thẩm mỹ đặc biệt.

    Hình ảnh thiên nhiên vừa có cái dữ dội, khắc nghiệt, hoang sơ, hùng vĩ với "sương lấp" bao phủ mênh mông, với dốc cao, vực sâu "khúc khuỷu", "thăm thẳm", với tiếng "gầm thét" của thác ghềnh, với hiểm nguy rình rập đêm đêm "cọp trêu người".. lại vừa có những nét vẽ thơ mộng, trữ tình: Cả một không gian tan loãng trong màn mưa núi, lãng đãng trong khói lam chiều, mơ màng trong "đêm hơi" tĩnh lặng..

    Hình ảnh con người cũng hiện ra với vẻ đẹp hào hùng và hào hoa, anh hùng và nghệ sĩ. Hào hùng ở ý chí, tư thế hiên ngang, coi thường gian khổ. Hào hoa ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm tình người..

    Như vậy, hệ thống hình ảnh trong khổ thơ trên không làn lạt một màu, mà đa dạng, phong phú, nhiều góc cạnh, tạo nên vẻ đẹp trọn vẹn, đầy đủ cho cảnh vật và con người.


    4. Nhận xét về đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Quang Dũng (đoạn 14 câu đầu)

    Nếu như âm nhạc tạo nên hình tượng bởi giai điệu, âm thanh, nếu như hội họa tạo nên hình tượng bởi màu sắc, đường nét, nếu như kiến trúc tạo hình tượng bởi các mảng, khối.. thì văn học lại xây dựng hình tượng bởi ngôn từ. Ngôn từ là chất liệu của tác phẩm văn học. Macxim Gorky đã nói: "Ngôn từ là yếu tố thứ nhất của văn học". Ngôn từ là một trong những phương diện làm nên sức sống của tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm thơ. Sức sống của bài thơ "Tây Tiến" có sự đóng góp của nghệ thuật ngôn từ.

    Đặc sắc ngôn ngữ của Tây Tiến nói chung và đoạn mười bốn câu đầu nói riêng là sự phối hợp, hòa trộn của nhiều sắc thái phong cách ngôn ngữ với những lớp từ vựng đặc trưng.

    Đoạn thơ có lớp ngôn ngữ trang trọng, mang màu sắc cổ kính, chủ yếu miêu tả hình ảnh Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ, lại có lớp từ ngữ sinh động của tiếng nói hàng ngày, in đậm phong cách người lính.

    Đặc biệt, nét độc đáo trong ngôn từ của đoạn thơ được tạo nên bởi những từ ngữ tạo hình, biểu cảm, giàu chất họa, chất thơ. Khi viết về dốc núi miền Tây, Quang Dũng đã tung ra hàng loạt những từ láy tạo hình: Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút.. Khi miêu tả thiên nhiên miền Tây đậm chất trữ tình, ông lại có những kết hợp từ độc đáo mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới: Đêm hơi, hoa về, mưa xa khơi, cơm lên khói..

    Đoạn thơ còn sử dụng lớp từ chỉ địa danh vừa tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người vừa gợi được vẻ hấp dẫn của xứ lạ phương xa.

    Như vậy, với vẻ đẹp và sức biểu đạt đặc biệt của ngôn ngữ thơ, đoạn trích đã tái hiện bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, mĩ lệ, vừa thơ mộng trữ tình. Đằng sau bức tranh thiên nhiên ấy là những chặng đường hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến.


    5. Nhận xét về sự hài hòa giữa chất thơ, chất nhạc và chất họa trong đoạn 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

    Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc là một trong những vẻ đẹp riêng của thơ. Chất liệu của hội họa là đường nét, màu sắc, hình khối.. Chất liệu của âm nhạc là âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu.. Khi nói đến nhạc và họa trong thơ, nghĩa là nhà thơ đã dùng màu sắc, đường nét, âm thanh làm phương tiện diễn đạt tình cảm của mình.

    Nếu văn học sử dụng chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật thì hội họa sử dụng những gam màu, những nét vẽ để kiến tạo nên những bức tranh, âm nhạc lại dùng ca từ, giai điệu để ngân lên bài ca tuyệt diệu. Mặc dù là những loại hình nghệ thuật riêng biệt nhưng giữa văn học, hội họa và âm nhạc luôn có sự giao thoa, cộng hưởng.

    Tây Tiến của Quang Dũng cũng có sự kết hợp hài hòa giữa nhạc và họa nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo.

    Đoạn thơ mười bốn câu đầu sử dụng nhiều từ ngữ tạo hình, kết hợp với nghệ thuật tương phản và những nét vẽ gân guốc: Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, súng ngửi trời, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.. Lớp ngôn từ giàu tính tạo hình đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên mang đậm chất hội họa với vẻ đẹp hùng vĩ qua những con đường quanh co, những dốc núi cheo leo hiểm trở cùng những đỉnh đèo khuất sau làn sương của mây trời. Chất họa của đoạn thơ còn được thể hiện qua sự thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên tạo vật: Xen vào những nét vẽ gân guốc giàu tính tạo hình là những nét vẽ mềm mại, gam màu lạnh xoa dịu cả khổ thơ.

    Chất nhạc được tạo ra bởi những âm hưởng đặc biệt. Đó là lời gọi tha thiết trong câu thơ đầu như ngân lên những giai điệu của nỗi nhớ. Mặt khác, những thanh trắc liên tiếp trong câu "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" còn tạo cảm giác trúc trắc, gồ ghề kết hợp với những thanh bằng "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" làm nhịp thơ trầm xuống tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Cảm giác đoạn thơ mang âm điệu của một đoạn nhạc, khi trầm khi bồng, khi dồn dập, lúc khoan thai..

    Trong thơ có nhạc, trong thơ có họa là như thế!

    6. Nhận xét về giọng điệu thơ: Cả bài thơ được bao trùm trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy gợi về những kỉ niệm, những hình ảnh với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp với mỗi trạng thái cảm xúc.

    Đoạn 1 chủ đạo là giọng tha thiết, bồi hồi, được cất lên thành những tiếng gọi những từ cảm thán.

    Đoạn 2 tái hiện kỉ niện về những đêm liên hoan thắm tình quân dân, giọng điệu chuyển sang hồn nhiên, tươi vui; sau đó bâng khuâng, man mác khi gợi lại một cảnh chia tay trong một chiều sương mờ bao phủ Châu mộc.

    Đoạn 3 giọng thơ trang trọng bi tráng, tái hiện hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh cao cả của họ.

    Đoạn 4 tha thiết bồi hồi..


    7. Nhận xét về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến (đoạn 3)

    Trong bức tượng đài nghệ thuật về đoàn binh Tây Tiến, vẻ đẹp lãng mạn đi đôi với tinh thần bi tráng. Ngòi bút Quang Dũng đã rất mạnh dạn khi đề cập đến phương diện bi kịch của chiến tranh. Nhưng đồng thời nhà thơ cũng tô đậm vẻ đẹp hào hùng của những chàng lính trẻ. Cái bi và cái hùng hòa quyện vào nhau tạo nên tinh thần bi tráng của hình tượng thơ.

    Trong từng cặp câu thơ có sự sóng đôi giữa cái bi và cái hùng. Sau câu thơ nói về nỗi đau và cái chết là lời thơ khẳng định ý chí chiến đấu quên mình của người lính. Người đọc không khỏi ngậm ngùi khi tiếp nhận câu thơ nói về những nấm mồ chiến sĩ nơi rừng hoang biên giới. Nhưng ấn tượng bi thảm này đã bị xóa mờ bởi tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Chẳng tiếc đời xanh". Câu thơ cuối đoạn lần nữa nhắc đến cái chết "anh về đất". Nhưng câu thơ "Sộng Mã gầm lên khúc độc hành" như một tiếng khóc lớn của thiên nhiên dưa anh linh người lính vào cõi vĩnh hằng đồng thời nâng sự hi sinh của họ lên tầm sử thi hùng tráng.

    Như vậy, Quang Dũng không lẩn tránh cái bi, nhưng đem đến cho cái bi màu sắc và âm hưởng tráng lệ, hào hùng để thành chất bi tráng. "Cái tráng" này là của Quang Dũng và cả một lớp trai trẻ thời ấy, mang trong lòng một bầu máu nóng, "một ra đi là không trở về" - như hình mẫu những anh hùng trong truyện cổ mà họ từng ôm ấp, lại được luồng gió yêu nước thời đại anh hùng rực lửa lúc bấy giờ thổi vào, nên càng trở nên hào hùng, rực rỡ. Đúng là "bài thơ này đã được khí phách của một thời đại ùa vào, chắp cánh" để chất bi tráng ấy bay lên như một nét đẹp hiếm có.


    8. Nhận xét về vẻ đẹp lí tưởng của người lính Tây Tiến (đoạn 3)

    Khổ thơ thứ ba là những sự thật được viết lên bằng máu và nước mắt của các chiến binh. Nhưng ấn tượng bi thảm này đã bị xóa mờ bởi tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Câu thơ là điểm hội tụ vẻ đẹp rực rỡ về lí tưởng sống của những chàng lính Hà thành. Người lính Tây Tiến là những con người biết sống đẹp trong từng phút giây, biết ước mơ và hi vọng nhưng khi Tổ quốc cần đến họ thì họ đã sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân, thậm chí cả sinh mạng mình cho đất nước, cho nghĩa vụ quốc tế cao cả. Dù sống và chiến đấu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nhưng họ vẫn luôn giữ vững tinh thần anh dũng, lạc quan. Dù biết "Cổ lai chính chiến kỉ nhân hồi" (xưa nay chinh chiến có mấy người trở về), nhưng họ vẫn không hề lung lay quyết tâm, ý chí. Đó chính là vẻ đẹp lí tưởng hào hùng của người chiến binh Tây Tiến. Vẻ đẹp ấy làm sáng bừng lên cả đoạn thơ, bài thơ, mang đến sức sống lâu bền cho bài thơ "Tây Tiến".

    Xem thêm:


    Cách làm một số câu hỏi phụ trong câu nghị luận văn học của đề thi THPTQG
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười một 2023
  2. Cuộn Len

    Bài viết:
    475
    Hay lắm ạ, cô làm thêm câu hỏi phụ bài việt bắc được không ạ *vno 23*
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Vậy chờ nha em!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...