Có một người cô từng hỏi học sinh mình: "Đất nước mình lạ lắm phải không em?". Quả là lạ thật. Lạ ở cái cách yêu thương nhau, lạ ở chỗ nó đằm thắm, tình nghĩa, không nghĩ mình là rách mà bỏ quên đi những chiếc lá rách hơn. Một dân tộc sống bằng yêu thương, sự mạnh mẽ, can đảm, đoàn kết vượt qua những khó khăn. Khi chiến tranh thì "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", rồi thì nạn đói, nạn dốt. Cho đến khi hiện đại rồi, lại một lần nữa đối diện với khó khăn bởi dịch bệnh đe dọa. Giữa giai đoạn cả dân tộc oằn mình chống giặc ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống covid-19". Quả là vậy, không đơn giản là một câu nói, nó đã chứa đựng nhiều thông điệp quý giá. Không ai bị bỏ lại tức là cùng nhau yêu thương, cùng nhau đoàn kết, trong một cuộc chiến mà không ai là người dư thừa cả. Khi covid ập đến, kinh tế ảnh hưởng, mà quan trọng nhất là sự đe dọa sức khỏe người dân. Nước chúng ta có lẽ chưa là một cường quốc mạnh theo ý nghĩa của một khu vực giàu kinh tế, nhưng tôi xin gọi Tổ Quốc chúng ta là một cường quốc, cường của sự kiên cường, gai góc, mạnh mẽ như vũ bão. Bác Hồ đã từng nói:" "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Giờ thì không chỉ là lòng yêu nước thôi, đó còn là lòng yêu người, nhà nước yêu dân, người dân yêu thương nhau, và có lẽ, nó đã đủ mạnh mẽ để kết thành cơn sóng lớn vượt qua những rào cản dù có là chông gai nhất, gian nan nhất, đôi khi là nguy hiểm nhất. Một dân tộc anh hùng sẽ tạo nên một đất nước anh hùng. Phải, sẽ không ai ở lại, tất cả cùng chung tay để nâng đỡ một trái tim đỏ, một dòng máu khỏe. Chúng ta đã chiến đấu như chưa bao giờ biết mệt. Dù rằng dịch bệnh đã cướp đi của chúng ta nhiều thứ, đó là ảnh hưởng về kinh tế, sức khỏe, công việc, sinh hoạt, nếp sống, đồng thời nãy sinh những lòng ích kỷ, sai trái.. Dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều, như một mối đe dọa tàn khốc, không chỉ về sức khỏe, mà còn là tinh thần, là trái tim, là những sự chai sạn trong cái gọi là đông cảm, sẻ chia. Nhưng không vì vậy mà nó hoàn toàn chứa đựng những tiêu cực, dịch bệnh đã cho ta biết thế nào là sức mạnh của dân tộc và những bài học quý giá. Các hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước, sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin, sự yên tâm trong xã hội và đại đa số người dân, tạo nên tâm thế chủ động trong phòng tránh dịch bệnh. Qua những giải pháp xử lý vấn đề, qua lời nói, hành động của những người có trách nhiệm, cho thấy sự gắn kết bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nói lên bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Với tiêu chí "Chống dịch như chống giặc", cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, dành mọi ưu tiên tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, giữ gìn sự ổn định, không để xảy ra những xáo trộn, lo lắng, hoang mang trong xã hội. Các nhà lãnh đạo thương dân thì phải lao đao lo cho dân cho nước, các chiến sĩ thì hết mình chăm sóc sức khỏe cho người dân, và đáng kể nhất đó là những người khoác lên mình chiếc áo trắng, màu áo được xướng lên hai chữ anh hùng. "Tưởng như cả nhân loại đang vác một cây Thánh Giá quá nặng mang tên Cô Vy, ngỡ như chúng ta đang cùng đi vào Cuộc Thương Khó não nề của Chúa, thì có lẽ những người đi đầu theo dấu chân Đức Giê-su chính là họ." Những bữa ăn tranh thủ, những giấc ngủ vội vàng cứ lững lờ trôi. Để rồi chính họ phải gác lại gia đình mình phía sau: "Thương Tổ Quốc, em hãy đợi Hết dịch rồi, anh sẽ lại về thôi.." (Nếu anh không về – Vũ Tuấn) "Chúng ta đều là thiên thần chỉ có một chiếc cánh, và ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay." Cả đất nước đã ôm lấy nhau, những vòng tay khép kín lại chống lại sự xâm nhập của dịch bệnh mang tính đe dọa, chúng ta đã dành thời gian, vừa chống dịch, vừa yêu thương nhau, luôn một lòng "dù có nhiều ca nhiễm, dù virus Covid-19 có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng". Tình yêu thương của ta đưa người khác đến đỉnh cao của thành công và đưa ta vượt lên trên những điều tầm thường. Tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời mà người với người có thể trao tặng nhau. Đặc biệt, một trong số những việc làm sáng tạo, có tính lan tỏa tích cực là ATM gạo, đã thu hút hàng trăm người tham gia với hàng chục tấn gạo, cứu giúp hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Bên cạnh đó, còn là hình ảnh hi sinh của những "siêu nhân xanh". Chiến sĩ bộ đội, công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhường doanh trại để tiếp nhận người cách ly, dựng hàng chục lều bạt dã chiến "ăn lán, ngủ rừng" để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, sẵn sàng vì nhân dân quên mình. Thật cảm động biết bao. Đó là cuộc chiến mà toàn dân, mỗi người đều là một chiến sĩ. Nhân dân đã cùng Đảng và Chính phủ chống "giặc dịch" bằng cách trong dân gian lưu truyền các câu ca, khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thuộc như: "Ở nhà là yêu nước", "yêu nước thì phải ở nhà"; "chống giặc thì phải xông pha, chống dịch thì phải ở nhà nghe chưa?"; lực lượng y sỹ cũng lan truyền các khẩu hiệu như: "Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi". Truyền thông quốc tế đánh giá "Việt Nam tận dụng tốt cơ hội" khi gần 90% dân số có điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động. "Chúng ta rước con dân chúng ta từ nước ngoài về, chúng ta chữa bệnh cho người dân miễn phí, chúng ta tổ chức các hoạt động phát khẩu trang miễn phí, chúng ta ca hát để tuyên truyền chống dịch.. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa. Báo nước ngoài đã nói về Việt Nam rằng:" Việt Nam là "một ban lãnh đạo quyết tâm, phản ứng nhanh chóng, thông tin chính xác, minh bạch và sự đoàn kết giúp người dân bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng". Đoàn kết sẽ chiến thắng. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, toàn thể dân tộc đoàn kết, đồng lòng chống giặc cứu nước. Toàn dân đoàn kết bảo vệ, gìn giữ nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Họ đã không ngần ngại gian khổ, hi sinh, quyết tâm chống giặc cứu nước. Giờ đối mặt với đại dịch, tinh thần ấy lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trải qua mấy nghìn năm, tinh thần ấy không ngừng lớn mạnh trở thành phẩm chất cao quý của dân tộc. Nó thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể. Nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn. "Có mối tình nào cao hơn Tổ Quốc" (Trần Mai Ninh). Có thể nói, chưa bao giờ khái niệm về lòng yêu nước lại được diễn tả chính xác và gợi cảm đến thế. "Tôi yêu đất nước tôi một tình yêu rất mặn.". Hào kiệt, anh dũng.. tất cả được gói gọn trong hai tiếng Tổ Quốc.