Mở rộng: Bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh và những câu thơ dùng để liên hệ, so sánh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Mở rộng: Bài thơ "Sóng" - Xuân Quỳnh và những câu thơ dùng để liên hệ, so sánh



    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi. Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng..

    Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm? Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là phải biết vận dụng liên hệ so sánh thêm với những ngữ liệu có liên quan đến tác phẩm nghị luận.

    Chú ý: Khi liên hệ, so sánh, ta phải chỉ ra điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các ngữ liệu để đi đến những nhận xét, khái quát cần thiết.

    Ví dụ: Với bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

    - Khi cảm nhận khái quát về hình tượng sóng, ta có thể liên hệ:

    Mượn sóng để bày tỏ tình yêu vốn là tứ thơ quen thuộc xưa nay. Ca dao từng mượn sự vĩnh hằng của sóng tỏa mặt ghềnh mà buông lời vàng đá: "Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh/ Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em". Chàng Xuân Diệu mê đắm, si tình cũng từng thổi hồn vào sóng: "Cho anh làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em" (Biển). Xuân Quỳnh cũng vậy, mượn con sóng rào rạt giữa biển xanh, nữ sĩ da diết bày tỏ những khát vọng tình yêu của trái tim phụ nữ rạo rực mà chân thành. Nét riêng của Xuân Quỳnh là tạo ra con sóng vừa nữ tính lại vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng sâu lắng, lại vừa dữ dội, ồn ào.

    - Khi phân tích hai câu cuối của khổ 1:

    "Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể"

    ta có thể liên hệ:

    Nói đến sông là nói đến sự nhỏ hẹp, bình thường. Còn bể gợi ra cái mênh mông không giới hạn. Bể đồng nghĩa với sự vĩ đại, khoáng đạt, bao dung, không chấp nhận những giới hạn chật chội, tầm thường. Con sóng dứt khoát tìm đến những bến bờ mênh mông, vô tận, tìm đến không gian lớn lao, khoáng đạt, bao dung. Trong bài thơ "Biển", Xuân Quỳnh cũng từng thể hiện nhận thức ấy:

    "Suốt cuộc đời biển gọi những ước mơ

    Nỗi khát vọng những chân trời chưa đến"


    Bản chất của sóng đồng nghĩa với bản chất của tình yêu đích thực, đó là tình yêu không chấp nhận sự bằng phẳng, nhạt nhẽo, tầm thường, nhỏ hẹp. Tình yêu đồng nghĩa với khát khao vươn đến những chân trời cao rộng, lãng mạn, vươn đến cái chân - thiện - mĩ. Chính vì vậy mà "sông không hiểu nổi mình" thì "sóng tìm ra tận bể". Người con gái mang khát vọng tình yêu mãnh liệt cũng dứt khoát tìm đến một tình yêu vĩ đại, bao dung. Trong "Thuyền và biển", nữ sĩ cũng đã khẳng định quy luật muôn thuở của tình yêu là sự vận động không ngừng:

    "Bởi tình yêu muôn thuở

    Có bao giờ đứng yên"


    - Khi phân tích hai khổ 3, 4:

    "Trước muôn trùng sóng bể

    Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ nơi nào sóng lên.

    Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau".


    ta có thể liên hệ:

    + Trước không gian biển mênh mông, rộng lớn, mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi lại có một cảm nhận riêng: Người già - hay nghĩ về sự hư vô, nhỏ bé của kiếp người, kẻ tráng chí hùng tâm thì: "Muốn vượt bể đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi", người đa cảm lại thấy: "Vắng cánh buồm một chút cũng cô đơn".. Còn Xuân Quỳnh, "trước muôn trùng sóng bể" lại nghĩ một cách cụ thể và giản dị:

    "Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ nơi nào sóng lên".


    + Khi tình yêu đến, con người luôn luôn có khát vọng mãnh liệt là khám phá, lí giải tình yêu. Bao nhiêu đôi lứa, bao thế hệ yêu nhau đã tự tìm hiểu, cắt nghĩa về tình yêu: Tình yêu là gì? Tình yêu bắt đầu từ đâu? Vì sao người ta yêu nhau? Cái điều mà thi sĩ Xuân Diệu từng băn khoăn đi tìm câu trả lời: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?", thì nay đến lượt thế hệ thi sĩ như Xuân Quỳnh lại day dứt và cố gắng đi tìm lời giải đáp: "Khi nào ta yêu nhau"

    Với nhận thức đầy nữ tính, khi cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu, nhà thơ liên hệ đến cội nguồn của sóng. Người con gái tự đặt ra câu hỏi: "Từ nơi nào sóng lên?", rồi tự nhận thức "Sóng bắt đầu từ gió" - nhận thức có lẽ là ai cũng biết, cũng hiểu. Nhưng rồi "Gió bắt đầu từ đâu?" thì nữ sĩ đành lắc đầu khe khẽ: "Em cũng không biết nữa". Nhận thức của con người có giới hạn, còn tri thức nhân loại thì vô biên, nên không phải ai cũng lí giải cặn kẽ cội nguồn của sóng, biển, gió trời..

    Điều thú vị ở đây là nữ sĩ mượn sự "bất lực" trong nhận thức hiện tượng tự nhiên để nói về những bí ẩn của cội nguồn tình yêu. Nếu như sóng biển, gió trời - những gì tuân theo quy luật tự nhiên là vô cùng, vô tận, khó có thể hiểu hết được, thì tình yêu của con người cũng đầy bí ẩn như vậy. Tình yêu có thể có nguyên cớ trực tiếp để bắt đầu nhưng không phải lúc nào người ta cũng có thể cắt nghĩa một cách thật chính xác nguồn gốc của tình yêu. Tình yêu có thể bắt nguồn từ những thứ tưởng như không có gì đặc biệt, hệt như trập trùng sóng biển dậy lên từ những cơn gió vô hình. Thiên nhiên bí ẩn khó cắt nghĩa, nhận thức đầy đủ, tình yêu cũng vậy: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?".

    Đây là cách cắt nghĩa về tình yêu rất nữ tính, rất "Xuân Quỳnh". Thì ra, dù tò mò, nhưng người phụ nữ ít khi triết lí trong tình yêu. Họ cứ yêu, và yêu bằng cả trái tim nhân hậu với nhịp đập hồn nhiên muôn thuở. Họ sẵn sàng đầu hàng những nhận thức lí trí khô khan để đổi lấy bao nhiêu thắm thiết, ân tình. Nếu Xuân Diệu, khi cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu có lí giải:

    "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

    Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

    Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

    Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu"


    Đã cố dùng lí trí để cắt nghĩa từ hiện tượng bên ngoài, thì Xuân Quỳnh lại nhìn thẳng vào lòng mình và thú nhận sự đầu hàng của trí tuệ, chỉ nhận thức bằng tình cảm, trái tim. Nhận thức mới nữ tính, đáng yêu làm sao!

    - Khi phân tích nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ trong hai câu:

    "Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức".


    ta có thể liên hệ:

    Thực ra, tình yêu luôn song hành cùng nỗi nhớ. Nỗi nhớ càng sâu sắc thì tình yêu càng mãnh liệt. Ta nhận ra trong những dòng thơ mộc mạc mà cuộn trào cảm xúc này một tình yêu thiết tha, nồng cháy của em dành cho anh. Tình yêu ấy đã thôi thúc ở em nhu cầu phải tự bộc bạch lòng mình, bởi trạng thái cảm xúc đặc biệt này không đựng vừa trong hình tượng "sóng" qua tầng nghĩa ẩn dụ nữa. Nên không phải ngẫu nhiên mà khổ thơ lại có đến sáu câu thơ, và trở thành khổ thơ dài nhất trong cả bài.

    Ta có thể bắt gặp trong thơ đương thời rất nhiều những câu thơ hay biểu đạt nỗi nhớ:

    "Anh nhớ em như đông về nhớ rét

    Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng".

    (Tiếng hát con tàu
    - Chế Lan Viên)

    "Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

    Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn".

    (Nhớ -
    Nguyễn Đình Thi)

    "Anh yêu em chỉ nhớ em thôi

    Lúc đứng lúc ngồi lúc nào cũng nhớ".


    Ai từng yêu mà chưa từng nhớ, chưa từng trải qua trạng thái bồn chồn, xao xuyến, bứt rứt như cắn xé, cào cấu như giục giã lòng người vậy chứ? Người con trai vì nhớ người yêu mà đứng ngồi không yên thì ở đây Xuân Quỳnh lại ngủ, thức không yên. Cũng thổn thức, cũng cồn cào không kém. Đã yêu nhau thường nhớ, thường mong, thường đợi chờ nên không thể không có những phút giây chơi vơi trong biển nhớ như vậy. Điều đặc biệt là nữ sĩ đã vượt qua tâm trạng ngại ngùng thường thấy của người phụ nữ trong tình yêu để mạnh dạn, thẳng thắn bộc bạch nỗi nhớ đang trào dâng mãnh liệt trong lòng mình. Trong "Thuyền và biển" nữ sĩ cũng mượn hình ảnh thuyền - biển để chân thành giãi bày nỗi nhớ ấy:

    "Những ngày không gặp nhau

    Biển bạc đầu thương nhớ

    Những ngày không gặp nhau

    Lòng thuyền đau rạn vỡ".

    (Thuyền và Biển)


    - Khi phân tích khổ thơ:

    "Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam


    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh một phương"


    ta có thể liên hệ:

    Nói đến phương Bắc - phương Nam là nói đến những xa xôi, cách trở trong không gian. Không gian Nam - Bắc thường được lấy làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu, trong cuộc đời:

    "Vừa thoáng tiếng còi tàu

    Lòng đã Nam, đã Bắc"


    (Sân ga chiều em đi -
    Lưu Quang Vũ)

    Các động từ ngược hướng như "xuôi - ngược" lại thể hiện những éo le, trắc trở khó tránh trong tình yêu. Tình yêu nào chẳng từng trải qua giông tố. Đó chính là thử thách của tình yêu. Nếu thử thách ấy làm cho không ít tình yêu tan vỡ, thì ngược lại, nữ sĩ lại khẳng định một cách đinh ninh: Tình yêu đích thực không phụ thuộc vào sự cách trở "nam - bắc", không lung lay bởi nghịch cảnh éo le "xuôi - ngược", tình yêu đích thực là mãi mãi thủy chung:

    "Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh một phương"


    Phương hướng, khoảng cách đặt ra xa bao nhiêu, sóng gió tình yêu vần vũ bao nhiêu: "Dẫu", thì lòng người càng bản lĩnh, kiên cường bấy nhiêu: "Một phương". Câu thơ như một lời khẳng định rắn rỏi, mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng. Lời thơ Xuân Quỳnh khiến ta nhớ đến câu ca xưa:

    "Yêu nhau mấy núi cũng trèo

    Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"


    (Ca dao)


    Tình yêu đích thực luôn song hành cùng tấm lòng thủy chung, son sắt. Người con gái mang trái tim tình yêu chung thủy luôn vững vàng trong hành trình của mình. Dù hành trình ấy, như sóng biển ngoài khơi, khi dịu êm lặng lẽ, khi bão tố phong ba, người con gái cũng chỉ hướng về "một phương". Đó là phương anh! Phương anh như hoa tiêu, như đèn biển để con thuyền tình yêu của em kiên định hướng về. Tình yêu đắm say, mãnh liệt được tô điểm thêm sắc màu của tấm tình thủy chung càng trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Lời thơ Xuân Quỳnh như có sự cộng hưởng của lời hát ngân nga: "Dù thời gian xa xôi, dù đường dài xa xôi. Em vẫn như ngày xưa. Mến yêu anh trọn đời". Thơ Xuân Quỳnh cũng hướng về điều đó. Tuy cách diễn đạt có khác, ta đều cảm nhận thấy qua câu từ là vẻ đẹp của tình yêu thủy chung, son sắt - vẻ đẹp làm sáng lên phẩm chất người phụ nữ trong tình yêu.

    - Khi phân tích khổ thơ:

    "Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ".


    ta có thể liên hệ:

    Nói đến sóng, đến biển cuối cùng nhà thơ chỉ nhằm đến cái đích cuối cùng đấy là khát vọng tình yêu. Sóng và biển chỉ là cái cớ, là vật để Xuân Quỳnh chất chứa vào đó tình cảm tha thiết của mình. Có lẽ nhà thơ đã nhận ra được sự mỏng manh của tình yêu và cuộc sống nên chỉ ước một điều tình yêu sống mãi. Điều này ngẫu nhiên trùng hợp với những vần thơ của thi sĩ Đức Hai – rích Hai – nơ:

    "Chỉ một ước mơ thôi

    Ngày ngày anh lặp lại

    Sau khi anh chết rồi

    Tình yêu còn mãi mãi".


    - Khi khái quát tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ "Sóng", ta có thể liên hệ đến các câu thơ khác:

    "Em trở về đúng nghĩa trái tim em

    Là máu thịt đời thường ai chẳng có

    Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

    Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi".

    (Tự hát
    - Xuân Quỳnh)

    "Trái tim nhỏ nằm trong lòng ngực

    Giây phút nào chẳng đập vì anh".


    (Chỉ có sóng và em -Xuân Quỳnh)

    "Chỉ có thuyền mới hiểu

    Biển mênh mông nhường nào

    Chỉ có biển mới biết

    Thuyền đi đâu, về đâu

    Những ngày không gặp nhau

    Biển bạc đầu thương nhớ

    Những ngày không gặp nhau

    Lòng thuyền đau - rạn vỡ".


    (Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)..

    - Khi kết bài, ta có thể liên hệ:

    Nữ sĩ đã đi xa, để lại bao tiếc nuối ngẩn ngơ trong lòng những bạn đọc yêu tiếng thơ Xuân Quỳnh, nhưng ấn tượng về một hồn thơ nhẹ nhàng, nữ tính cất lên từ tiếng lòng người phụ nữ nhiều trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường thì vẫn còn mãi mãi:

    "Những năm đáng sống nhất

    Chị đã trải qua rồi

    Sống hết mình để sống

    Yêu hết mình để yêu.."


    (Hà Phương)

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem thêm:

    Phân tích bốn khổ đầu bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

    Phân tích năm khổ thơ cuối Sóng - Xuân Quỳnh
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...