Thơ của cái thuở ban đầu thường rất nồng. Nồng đến vụng dại! Nồng nét ngây thơ, hồn nhiên nhưng chẳng kém đi sự chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ. Nồng những tình cảm rất đỗi mộc mạc, đơn sơ, lại chất phác, thật thà. Nồng của những kỉ niệm, kỉ vật, của ngọt bùi, đắng cay hòa quyện cùng uất hận, khát khao hồi nhỏ. Phải chăng ta gọi đó là những mầm thơ đầu tiên và cũng là mầm thơ duy nhất đến với ta chỉ bằng hai chữ "đam mê"? Giữa dòng đời bon chen, đầy cám dỗ, liệu có ai có thể tự tin đứng dậy vỗ ngực mà rằng mình chẳng tham lam muốn nhiều hơn một chút gì đó? Không một ai cả! Ai chả có hi vọng mình sẽ sống tốt hơn, ai chả có dục vọng tham lam, chiếm hữu, đó vốn dĩ là bản chất của mỗi phần con trong người, chúng ta hơn nhau ở cái bản lĩnh để thể kiềm chế phần nguyên sơ ấy. Đến đây.. còn ai có thể đảm bảo rằng thơ của mình chỉ đơn giản là tiếng lòng hay không? Không! Làm vì đam mê thì ta nuôi sống chính mình bằng cái gì? Tài năng đâu chỉ phục vụ đời sống tinh thần, nó còn phải đi đôi với sự tồn tại của vật chất. Đó là thực tế chứ không phải thực dụng! Thơ có thể nuôi sống tâm hồn nhưng ta phải biến hóa thơ thành thứ nuôi sống thể xác. Thế mới nói, thật nhất là trẻ và trong trẻo nhất là hồn thơ những ngày đầu! Hồi ấy, tôi dại đến mức cẩn thận nắn nót từng nét chữ vào trong quyển vở mới. Tôi tìm tòi, sáng tạo từng họa tiết trang trí trong tập thơ, cách điệu bên ngoài từng chữ: "Những cánh hoa bay"! Và đó là tập thơ đầu tiên tôi viết bằng cả con tim lẫn lí trí. Tôi mơ hồ nhớ lại cảnh non nước hùng vĩ của đập thủy điện sông Đà, nét bút yêu kiều viết "Anh ơi cho em hỏi". Tuy nhiên ngày đó tôi còn quá nhỏ, tôi thầm nghĩ trong lòng một câu mượn cảnh tỏ tình như thế liệu có đi xa so với lứa tuổi của tôi không? Suy đi tính lại cả đêm, tôi trằn trọc chẳng thể ngủ được, trong trí óc cố tìm kiếm những từ ngữ gợi cảm giống câu thơ tôi đã viết nhưng phải cực kì tinh tế và hợp với tuổi của tôi. Cuối cùng, tôi bước đến sự bất lực của thơ ca, tôi vẫn lựa chọn sự phù hợp so với lời thơ gợi cảm, đặt bút xuống, tôi do dự sửa lại "Ai ơi cho tôi hỏi". Chỉ cần một câu thơ mở đầu nhưng nội dung bài thơ của tôi lại thay đổi hoàn toàn. Vốn là mượn cảnh tỏ tình nhưng lại biến thành bài thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước. Thật ra thì.. chủ đề này cũng không tệ, tôi còn đang loay hoay không biết diễn đạt làm sao với tình yêu đó, ấy vậy mà một phút vô tình lại mở ra cho hồn thơ của tôi một bài thơ hoàn toàn mới trong chủ đề đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Thường thì thơ về quê hương sẽ mang theo dư vị ngọt ngào, tiếc nuối nhưng "Cảnh đẹp Hòa Bình" của tôi lại là lời thơ của quê hương hiện đại: Một đất nước đang trên đà phát triển đầy hùng mạnh! Lời thơ vui tươi, hồn nhiên tới mức tôi năm lần bảy lượt hỏi "Đó là ở đâu đấy?". Suy cho cùng, những câu hỏi của tôi đều để khẳng định vị thế của một địa điểm nước non hùng vĩ, nơi mà tượng Bác dựng lên với những câu thơ: Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên! Năm lên lớp sáu, tôi đã dùng bài thơ đó để trả bài cho tiết tập làm thơ năm chữ. Quay trở về buổi tối còn đang hì hục soạn bài làm thơ bốn chữ, tôi nghĩ đủ đề tài, nào là tình yêu quê hương, hay tình bạn bè, thậm chí tôi còn cố đọc thật nhiều thơ bốn chữ để bắt chước theo nhưng chẳng thể nào làm được. Thơ tôi khác.. họ khác.. mỗi người lại có một hồn thơ khác- một phong cách mà chẳng có người thứ hai làm theo được. Từ đây, tôi nhận ra cái gì là tiếng nói riêng của từng tác giả, tôi bắt đầu cảm thấy thất bại xen lẫn nhục nhã khi có ý nghĩ bắt chước theo một ai đó. Tối hôm ấy, tôi thức đến gần mười giờ, từng trang giấy nham nhở bởi viết lại gạch. Thì ra.. không phải cứ muốn làm là làm được, thơ cần phải có nguồn cảm xúc, có rồi thì phải từ chính bản thân ta đang khai thác cảm xúc ấy thế nào. Viết ra được câu chữ thì dễ nhưng thổi hồn vào câu chữ để người đọc cảm nhận được xúc cảm của mình ngay thời khắc đó thì lại khó vô cùng. Đúng lúc này, trong tiềm thức của tôi bỗng vang vọng lời một bài hát. Ca khúc này là nhạc phim Việt "Thương nhớ ở ai" mà ông, bà tôi hay xem: "Hoa gạo đỏ tháng ba Và sóng sánh nơi bến chờ, bến đợi Sông sâu, cây cầu chưa bắc Em lội một mình, nước nhòa vỗ mặt Trầu xanh chưa hái, cau đã úa vàng Thêm một người sang, thuyền không về bến Nửa đời tìm kiếm mái chèo đa đoan Nghìn dặm tơ vàng, ai người biết gỡ?" Tôi dần dần nhớ lại, trong trí mù mịt đột nhiên nảy ra một tia sáng chói lóe lên. Như một kẻ bộ hành đã lâu trên sa mạc mà may mắn vớ được nguồn nước xanh tươi, tôi nhảy vồ lên ghế, tay cầm bút bắt đầu mơ tưởng: "Đây trầu, đây cau Đây duyên, đây nợ Đây vương, đây vấn Đây nhớ, ai thương?" Đó là khổ thơ mở đầu cho lời thơ trách móc, nỉ non, ai oán của người con gái thời phong kiến. Nàng có thể đang là một chinh phụ chờ chinh phu trở về, cũng có thể là người con gái đang mười tám đôi mươi nhưng lại đơn phương kẻ khác như nàng trinh nữ tên Thi, hoặc.. là lời của phận thiếp, phận ở lẽ sao dám so đo cùng người vợ cả, sao dám sánh vai cùng người mình vẫn luôn thương. Lời thơ vừa dứt, nước mắt tôi đã tuôn rơi ướt đẫm một trang giấy, nhòe đi nét mực tím tươi rói. Có thể rằng độc giả sẽ không cảm nhận hết nhưng lúc này tôi lại tự hào rằng tôi đang viết bằng chính tâm tư, cảm xúc của mình, bằng tất cả những gì tôi đã và đang có. Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu tập trung vào làm thơ. Tôi kén chọn hơn trong việc lựa chọn một tập thơ nào đó để đọc hay là cách dùng một từ ngữ trong thơ của tôi. Tôi cố gắng để thơ hoa mĩ, nghệ thuật nhất có thể. Ví dụ điển hình có lẽ là cánh hoa bạch hạc trong thơ của tôi. Tôi cố gắng chắt lọc những từ đắc để đưa vào làm sao có thể lột tả hoàn toàn vẻ đẹp của cánh hoa mong manh, thuần khiết: "Tung bay màu áo trắng tinh Hao hao giọt nước lung linh sắc trời" Hay: "Đỉnh núi cao mây trắng ngậm ngùi Nhẹ lướt qua chui vào vách đá" Tôi tự dương, tự đắc với những vần thơ gần như là hoàn hảo đó, tôi cứ giữ mãi phong cách cho tới khi xảy ra biến cố đầu tiên trong cuộc đời. Cuộc sống của tôi dường như bị đảo lộn hoàn toàn sau vụ việc đó. Tôi chán nản với việc thơ ca, dần dần lãng quên cách trêu đùa những câu từ tinh tế, hoa mĩ. Tôi lại làm thơ, nhưng theo cảm xúc của tôi một cách thật thà, tôi chẳng ngại việc đưa ngôn ngữ sinh hoạt vào trong thơ. Từ đó trở đi, thơ của tôi nhưng dung hòa giữa hai giai đoạn mở đầu cho cuộc đời của tôi: Có chút văn vẻ, yểu điệu, kĩ lưỡng cũng có nét nghênh ngang, bất cần, đôi khi lại nặng trĩu nỗi buồn chen chúc trong một câu thơ. Nói thế nào thì nói, suy cho cùng, thơ của tôi đã không còn nét vô tư như hồi nhỏ. Cái vô tư bộc lộ ra với danh nghĩa "ngông cuồng" lại là sự che dấu cho biết bao nỗi đắng cay, uất hận chồng chất lên nhau: "Một áng mây, một bầu trời Ta thong dong chẳng quản đời Người xấu người tốt ta không biết Chỉ biết trọn kiếp với trời xanh" Thậm chí, tôi còn đưa cái chết vào trong thơ qua một cách ám chỉ hoa lệ: "Trời lạnh lòng buốt không ai hay Đêm nay có rượu đêm nay say Ngày mai có gì mặc kệ nó Cứ phải thưởng hết chén rượu này Hoa rơi lặng lẽ dày mặt cỏ Tại sao hoa nhỏ vẫn cứ rơi? Phải chăng cuộc đời đau buồn quá Hoa muốn hóa vào cõi hư vô" Hay: "Đêm nay có rượu ta uống say Ngày mai có hoa ta chơi tiếp Đêm nay hay mai đều là một Ngu chi để lỡ ánh trăng này" Đọc lại từng câu thơ, cõi lòng tôi vẫn nhói lên như ngày ấy. Các bạn nghĩ sao về mấy câu thơ đó? Nếu nghĩ rằng tôi đã bỏ lỡ một thứ gì thì các bạn đã đúng. Hồi nhỏ, tôi có thể ngàn sai, vạn sai, sai thì sửa, nhưng một quyết định sai lầm lại dồn tôi vào bước đường như vậy. Đó chưa phải là đường cụt, nhưng với tôi khi đó thì đã cụt lắm rồi, tôi như chênh vênh giữa sự sống và cái chết, vùng vẫy như không vùng vẫy, đắm chìm dần dần vào trong hố đen của sự tuyệt vọng. Có lẽ khi đó, thơ với tôi chỉ để nói ra nỗi lòng cho vơi bớt, hoặc thơ là thứ thế thay một thứ khác gặm nhấm mảnh tâm hồn lẻ loi của tôi. Thậm chí đôi khi tôi còn viết vài câu thơ cụt ngủn, cái phong cách trong câu thơ ấy bây giờ gọi thô là "bố đời" : "Anh biết không, Hà Nội mưa rồi đấy Mát thấy mẹ chứ có buồn chi đâu" Hoặc những vần thơ ngắn nhưng chua xót, đớn đau: "Say rượu còn có thuốc để tỉnh Say tình bất tỉnh hàng vạn năm" Dần rồi thời gian trôi qua, tôi học được cách buông bỏ quá khứ. Thơ của tôi vừa mất đi nét ngây thơ, cũng mất đi nốt sự phập phồng, bất ổn của cảm xúc. Một nền thơ của sự chín chắn xen lẫn chút hoài niệm, tiếc rẻ ra đời: "Nếu tin em một lần là khó Thì thôi vậy.. cứ để gió cuốn đi Giữ làm chi tình chẳng còn nữa Người hứa rồi, người cũng quên thôi" Tôi sống cho tôi, cho một cuộc đời tự do, tự tại. Tôi chẳng lo những muộn sầu, ưu phiền kia quay lại, cũng chẳng sợ mất đi tâm hồn tinh nghịch của thuở bé. Tập thơ đầu tiên của tôi, cũng là tập thơ kết tinh trọn vẹn của con người tôi từ quá khứ tới hiện tại. Tập thơ duy nhất tái hiện chân thực từng giai đoạn cảm xúc của tôi, tập thơ phản ánh những trái ngang, ái oan trong quãng đời tôi còn trẻ. Hơn tất cả, tôi gọi đó là "Mầm thơ"! Tiểu Thiên