Ma Trinh Nữ Tác giả: Liên Hoa Tử. Thể loại: Truyện ngắn kinh dị. Số chữ: khoảng 8000. Tình trạng: Đã hoàn thành (ngày 11/11/2023). Văn án:Truyện ma là những câu chuyện kể về thế giới tâm linh vô cùng bí ẩn. Ở nơi đó, có vô số linh hồn rong ruổi đau thương. Có khi là một hồn ma vất vưởng bên đường, ngoài nghĩa địa, trong căn nhà hoang vô chủ... hay là linh thức của loài vật thấp hèn như trâu, chó, heo, dê... Vì không cam lòng cho kiếp sống trái ngang, còn nhiều uẩn khúc, ra đi quá vội vàng, chưa một lần hạnh phúc yên vui. Không thể siêu thoát? Muốn trả thù rửa hận? Nơi hoàng tuyền, lạnh lẽo âm u. Có lẽ do không thể xa rời một tình yêu, người thân, gia sản, sự nghiệp, bạc tiền, bám víu linh căn. Trời đất có tình, sinh linh có nghĩa. Nơi u tối mê mờ, giấc mộng sẽ về đâu? Có thật là cõi Âm Tào - Địa Phủ bắt yêu ma. Khi sống ngay thẳng, hiền lương, quỷ thần cung kính. Chết đi ba hồn, chín vía liệu có thành tiên? Thân xác máu thịt gớm ghê, ai là khổ chủ? Cỏ cây hoa lá tuy nhỏ bé nhưng vẫn có linh hồn như ta không khác. Thương yêu vạn vật muôn loài, tim đỏ trinh nguyên. Xua đi lời ma mị Cho tâm trí quang minh Oán quỷ biết nghe kinh Khí thiêng trừ bá bịnh. Ba hồn cùng chín vía Đời sống ở bên kia Tiêu hết nghiệp trầm kha Tan ra thành mây trắng. Xin người đời đừng sợ hãi! Linh hồn là có thật. Âm giới ra sao, dương trần cũng vậy. Phật dạy câu nhân quả Con người nhớ tu theo Đừng làm việc chó heo Giữ lòng cho ngay thẳng. Nếu như trong lòng mình không có niệm ma, thì cho dù ma có đến thật, cũng không làm gì hại được chúng ta. Xung quanh ta, có không biết bao nhiêu linh hồn ma quỷ, họ nhìn thấy chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy họ, có đúng không? Sửa cho tâm ý thiện lành Hồn ma oán quỷ, cũng đành rời đi. *** Ma Trinh Nữ Gió quê thổi xạc xào qua con đường hoàng hôn khói phủ, cánh đồng đốt rơm cuối vụ mùa, nghe thơm nức hương yêu. Một cô gái hay buồn ngồi trên cầu trông đợi, ngâm thơ nhung nhớ một người quân tử đi xa. Cũng có khi, đó chỉ là kỷ niệm thoáng qua của thời thơ ngây, trong trắng. Các cô gái học trò, trong chiếc áo trắng dài, bay trong gió tung tăng, qua cầu cười khúc khích, lén soi mình in bóng dưới ao sâu. Mây trời phương xa đưa tới, chim hót gọi đàn về tổ râm ran. Từng ngọn cỏ quê nghèo như vàng vọt chưa từng có trong đôi mắt u buồn của người con gái đôi mươi. Cô Liên tự nói chuyện một mình trong tâm thức bâng khuâng: - Anh đi lâu rồi mà chưa về! Em nhớ anh! Lũ trẻ chạy thả diều bên kia náo nhiệt, hò hét kiểu gì, thì người đa cảm vẫn đau thương. Xem kìa, cá lội giữa dòng, vịt bơi nước chảy, bức tranh chân chất quê nhà, ai không nhớ ai sao? Có giọng cười từ xa đưa tới, nghe lạ mà cũng quen. Anh Lạc đứng trên bụi cỏ xanh rờn, đưa tay ra dấu, nói: - Nè em Liên! Anh về rồi nè! Qua đây cho anh nhìn thử coi! Qua đây! Liên quay cổ sang nhìn, vui mừng vì người yêu đã trở về như mong đợi, cười tươi như hoa nở mùa xuân, nói lời thiết tha thùy mị: - Anh Lạc! Sao không báo trước cho em là anh về? Mà sao anh về sớm vậy? Trên công trường chỗ anh đang làm có chuyện gì không? Mắt chàng thanh niên tự nhiên hơi chùn xuống, long lanh giọt ngắn giọt dài, khóe miệng run run. Có em gái bán vé số dạo chạy xe đạp lại gần, năn nỉ mời mua, mặt em cũng buồn rười rượi, nói: - Thời buổi gì mà kiếm tiền khó quá trời! Mời mọc cả ngày mà không có ai mua giùm mình tờ nào hết trơn! Nhà nghèo thì chỉ biết đi bán vé số kiếm tiền thôi, chứ làm gì nữa bây giờ! Chán quá à! Rồi bên kia đường, cũng có anh Ba bán bánh mì chạy rong, nhìn Liên mà hỏi: - Ê Liên, chỗ này buổi tối có ma quỷ, do gần nghĩa địa, mặt trời sắp lặn rồi, sao em không về nhà mà còn đứng ở đây? Coi chừng con ma gia ở dưới cái chân cầu chỗ em đang ngồi nó bắt em nha! Thiệt! Liên trước giờ tuy cũng tin chuyện ma cỏ ngoài đường, nhưng gan lì nói cứng: - Em không sợ! Lạc nhìn Liên, vừa cười gượng vừa nói: - Liên ơi, mua vé số cầu may đi! Lỡ như mà trúng thiệt thì mai mốt anh về đây sống luôn, chứ ở Sài Gòn làm ăn thấy nó sao sao! Thôi, đứng dậy, đi qua đây, ngồi thòng chân xuống nước hoài làm gì chỗ đó. Bé gái bán vé số mừng rỡ nói: - Phải rồi cô ơi! Mua giùm con đi, con có quen ông thầy pháp Tư Đồ ở bên kia sông, cô thương con mà mua hết mấy tờ vé số này, thì mai mốt con mời ổng qua bên này để bắt ma, chịu hôn? Anh Ba nhai ổ bánh mì, ra chiều trẻ nít, nhái theo bé gái hiền lành, thêm vài ba phần hù dọa cô Liên, nói: - Đúng rồi! Bữa trước tôi có nghe tiếng khóc của bà Năm Khổ khi làm đám một trăm ngày cho con của bả đó nghe! Nhiều người nói bả là ma chứ không phải người đâu! Bả hiện hồn về đây là để trả thù cho con gái bả đó! Thấy ghê lắm! Liên đâu phải là người nhẹ bỏng vía như vậy, nghe ai nói cũng tin. Cô thủng thẳng lại gần, rờ đầu bé gái dễ thương, hỏi: - Con bao nhiêu tuổi rồi? Tên gì vậy? Mà ông Tư Đồ là ai vậy cà? Bé gái nắm tay cô, nhìn Liên như người mẹ, hai mắt to tròn, nói giọng trong veo: - Dạ, con tên Mai, con chín tuổi rồi. Cô không biết ông Tư Đồ, thôi con cũng im luôn, từ từ thì cô cũng gặp ổng thôi à, tại vì ổng nói với con là cô có duyên với nghề thầy pháp này dữ lắm, sau này sẽ làm đệ tử của ông Tư Đồ nữa đó nha! Ờ thì bây giờ chắc cô chưa tin, nhưng mà cứ đợi thêm vài ba tháng nữa đi rồi biết. Liên nghe xong thì bụm miệng cười, không nói năng chi. Mua giùm bé Mai hết cọc vé số ế cả ngày, thong thả rời đi. Lạc đi theo sau lưng cô về nhà uống nước. Nhà của hai người chỉ cách nhau một khu vườn trồng xoài của người Ba Tàu họ Mã, tên Thương. Với lại, lâu rồi anh Lạc mới có dịp về lại quê nhà, thăm nom cha mẹ, đi xa tít tận miền ngoài, vất vả mưu sinh. Lạc làm nghề phụ hồ từ nam ra bắc, đi xây không biết bao nhiêu công trình lớn nhỏ đây kia. Cũng từng nghe nhiều câu chuyện ma rùng rợn trong lúc trà dư tửu lậu giữa đêm khuya, như là oan hồn người chết vì tai nạn giao thông ở tại ngã tư gần tòa nhà mà anh đang làm việc, hay xô xe ngã ra đường để bắt người thế mạng, chừng nào bắt đủ hai mươi mốt người, thì mới chịu đầu thai, nếu không thì sẽ không bao giờ siêu thoát được... rồi đến chuyện các đồng nghiệp của anh bị tai nạn lao động ngoài ý muốn, sập giàn giáo té chết, cũng do bị một ai đó căm ghét mà yểm bùa của xứ Khơ-me, xứ Tàu, xứ Thái, rồi còn có cả bùa yêu giữ chồng giữ vợ... Lạc là người nặng bóng vía, chưa bao giờ thấy ma. Hồi nhỏ, từng đi ngủ một mình ngoài nghĩa địa cả đêm, thậm chí, cậu bé còn dám trèo lên cái mả đất mới chôn xong, ngồi xếp bằng ở đó, giống như các vị hòa thượng ngồi thiền ở trong chùa, chắp hai tay lại, mắt nhắm nghiền, miệng đọc câu thần chú "Án ma ni bát di hồng" cả buổi tối, đặng chứng minh với lũ bạn gần nhà mình là một thằng mạng lớn, số cao. Cho đến ba giờ sáng, tự nhiên trời đổ mưa dầm, sấm chớp sáng trưng, cậu bé mới mò vào trong một mấy bụi lùm gần đó, ngủ như chết, ai nhéo cũng không hay. Cũng kể từ cái năm mười ba tuổi đó, Lạc trở nên ít nói lạ thường, sáng dạ, thông minh. Học gì cũng mau nhớ, mà lâu quên. Còn ưa thích đi chùa, nghe kinh, niệm phật. Liên kể từ đó cũng đã có cái nhìn khác về anh, thường hay đi chơi chung, không còn xa lánh như lúc trước, vì có người nói Lạc trong kiếp trước vốn là một viên võ tướng kiêu hùng, rất giỏi võ công, sống vào triều đại nhà Đường bên Trung Quốc, cùng thời với Võ Tắc Thiên, khi về già thì xuất gia dưới chân của Lục Tổ Huệ Năng, tu hành đắc pháp, trước khi qua đời đã có lời nguyện là sẽ trở lại cõi đời để cứu độ chúng sanh, nhưng khi chuyển sanh qua kiếp này thì bát tự xung khắc với mẹ cha, tuổi nhỏ khó nuôi, nên cả nhà mới sợ, bà con láng giềng cũng không có một người nào muốn cho con cái mình gần gũi, chơi chung. Cậu bé Lạc luôn yêu đời, luôn lạc quan, đúng với cái tên mà ông nội đã đặt cho mình là Võ Huyền Lạc. Cái đám ma nào mà có Lạc tới chia buồn thì vừa mừng, vừa sợ. Người thân của kẻ mới từ trần mừng vì biết anh là một người phúc đức, nhưng cũng hơi sờ sợ vì có rất nhiều ông thầy pháp nói rằng anh là người có ma quỷ đi theo. Có lần Lạc tắm sông vào buổi chiều chạng vạng, mấy đứa nhỏ đứng chơi ở trên bờ thấy trên người của anh chàng rực rỡ hào quang. Trong đám con nít đó, có một thằng Cu Giáp, chạy vô trong ngôi chùa Quan Thế Âm ở gần đó, kể lại với hòa thượng trụ trì chuyện lạ kỳ này, và hòa thượng chỉ cười tươi. Ngày hôm đó là ngày rằm tháng bảy, lễ vu lan báo hiếu. Liên cũng có mặt cùng với cha mẹ mình ở trong chùa, nghe Cu Giáp kể hết câu chuyện này, ra vẻ không tin, còn nói vui: - Mô Phật! Hòa thượng ơi, chắc anh Võ Huyền Lạc là bồ tát hạ phàm, sau này trừ ma diệt quỷ, cho nên lội xuống tắm sông, nước chảy đen ngòm, mà cũng phóng hào quang! Thầy trụ trì là Thích Đức Tuệ, từ bi đáp lời: - Mô Phật! Nước sông bị đen là do xà-lang cần cẩu móc bùn gần đó, cậu Lạc tắm rửa bụi trần, không có liên quan gì đến chuyện nước sông. Chàng trai này là người có nhiều kiếp tu hành, công to đức lớn, ngày sau nhất định viên thành đạo quả thiên chân. Lời nói của đại đức trụ trì làm cho tất cả mọi người vui lên như bắt được vàng, nơi ruộng lúa xanh mát mắt người, cầu vồng rực rỡ không trung. Ngôi chùa được xây trên một miếng đất vuông vuông, vừa gần sông, mà cũng gần đồng ruộng, xa xa là mấy chục công đất trồng dừa, bóng mát quanh năm. Gần chùa có bốn ngôi nhà, ăn chay niệm phật, họ đều là đệ tử của hòa thượng Đức Tuệ, trọn đời sống đơn giản tu tâm. Bốn nhà này mang bốn họ khác nhau là Vương-Nguyễn-Phan-Bùi, ai ai cũng tốt, dạy con trung hiếu làm đầu, trinh tiết chung thân. Nhà họ Vương sanh bốn cô con gái xinh đẹp, dịu dàng, tứ đức ôn nhu. Người con gái đầu là Vương Ngọc Tịnh, các em gọi là chị hai. Chị ba là Vương Ngọc Thanh. Chị tư là Vương Ngọc Hoa. Người con gái út là Vương Ngọc Liên, tức là cô Liên mà từ đầu truyện đến giờ, tác giả đã nhắc tới. Ba người chị gái của Liên đều đã xuất gia, làm ni cô nơi chùa phật. Liên năm nay đã bị ba lần chết hụt, hết mắc kẹt trong đám cháy, tới té giếng trước cửa nhà, sau nữa là đi chơi núi Sập bị đá lớn lăn dốc đuổi theo mình chạy xuống đất bằng, suýt nữa mạng vong. Gia đình dẫn cô đi xem bói, xem tướng ba lần, ai cũng buồn lo. Ông thầy tướng Tư Hảo khi nhìn ấn đường của Liên, đã phán như sau: - Kiếp trước con có tu, nên kiếp này mạng lớn, sống thọ đến già, không có chồng con. Tuy gặp nạn nhiều lần mà không chết, cũng do tiên tổ ở hiền, để đức lại cho cháu con. Con đừng lo! Sẽ không một người nào làm hại được con, trừ khi con tự mình có ý nghĩ không hay, nhưng mà đừng bao giờ làm như vậy, không có nên đâu con à! Con còn có cha mẹ, nên phải sống tới già để phụng dưỡng cha mẹ mình, làm tròn đạo hiếu, nhớ không? Nghe xong, Liên vui cười chắp tay đáp lễ, gửi lại chút quà, thanh thản đi chơi. Còn cha cô là ông Vương Minh Đạo cảm thấy không có đơn giản như những lời mà ông thầy tướng đã nói, nhưng ông là người đọc sách cả đời, có kế tinh thâm. Ngoài mặt, ông giả vờ như tin tưởng, lặng lẽ đi về nhà, nhưng lại sai mấy đứa nhỏ gần nhà theo dõi thầy Tư Hảo. Khi về đến nhà, ông gọi Liên lên giữa nhà mà hỏi lạnh tanh: - Con có muốn đi tu không? Liên nghe xong chỉ biết mỉm cười, không lời đáp lại. Cha cô lại hỏi nữa: - Nhà ông tỉ phú họ Kim có thằng con trai út tên là Kim Triều Đình, nó nói là nó thương con nhiều lắm, bảy ngày sau qua đây coi mắt con nè, con có chịu không? Liên chỉ thương một mình anh Lạc, mà nay cha lại thử lòng mình như vầy, biểu sao chẳng nghi nan. Bóng đêm bao phủ nơi này, ai biết rằng trong tim sáng rỡ, Liên bắt đầu cảm thấy mê mờ vì vật chất hay chăng? Không! Anh chàng Triều Đình kia không phải là hạng người tốt đẹp gì như lời đồn thổi, hắn hay đi đến những nơi bạc bài, ăn nhậu, gái trai... Lấy chồng giàu mà vô đạo đức, chi bằng ở giá còn hơn. Cả đêm đó, Liên nằm thức trắng suy tư. Sáng hôm sau, khi ra đồng để chặt buồng chuối già đã chín trên cây, dọc đường đi ngang qua ngôi mộ họ Tiền, chân Liên tự nhiên thấy lạnh tanh rồi cứng hẳn. Thấy có gì đó lạ lùng, bí ẩn, linh thiêng, cô chắp hai tay xá về hướng ngôi mộ ba lần để tỏ lòng cung kính người xưa, rồi đứng niệm phật thêm khoảng mười hơi thì hai chân bình thường trở lại, cô tiếp tục đi. Lúc đến chỗ bụi chuối cao sắp tới nóc nhà, lại thấy sống lưng mình gai ốc nổi lên, mắt mờ tối hẳn. Nhưng mà Liên không nghĩ gì nhiều, chặt buồng chuối mạnh tay, đặng đem về nhà cho mẹ cô cúng giỗ ông Ba. Lạ thường là khi đã đem buồng chuối già xuống, và chặt ngang gốc của cây chuối cho ngã xuống, nước từ trong ruột cây chảy ra có màu hơi đỏ. Liên nghĩ chắc tại đất ở đây gần bãi chiến trường hồi xưa đánh Pháp, đất sét ở dưới hơi nhiều, hoặc do giống chuối này bị đột biến kiểu gì, nên nước trong cây mới ngã màu hơi đỏ đỏ vậy thôi. Cho dù là biết dưới bụi chuối có hố chôn tập thể những người đã chết trong chiến tranh đi chăng nữa, thì chuyện cũ đã qua rồi, không ai muốn nhắc lại làm chi. Khi Liên quay lưng đi về nhà được chừng trăm bước, một luồng gió lạnh thổi ngang qua mái tóc dài đen nhánh của cô, gió thổi rất mạnh. Cô hơi giật mình một chút. Và tự nhiên nghe thấy tiếng khóc rất ai oán. Lúc này, Liên đã sợ đến tám phần, không dám quay lại nhìn cảnh vật phía sau. Đó là tiếng khóc của một người con gái tuổi cũng tầm đôi chín không hơn, phát ra từ trong bụi chuối lúc nãy, khóc được một hồi rồi im, im một chút thôi, rồi khóc nữa, và bụi chuối già cao lạ thường này cứ như có người xô đẩy ngã nghiêng, kêu lắc rắc bên này, cụp cụp ở bên kia, ai nghe mà không muốn bỏ chạy co giò, còn Liên thì đứng đó. * Vì là ban ngày, mới sáng sớm, nên trong lòng cô vững tin hơn, nghĩ bụng nếu như mà có ma thì cũng phải đợi tối trời, thì con ma nữ này mới xuất hiện, chứ bây giờ thấy xa xa có ánh mặt trời, ma quỷ đâu ra. Chỗ bụi chuối không phải là được sáng sủa như ngoài cánh đồng trồng lúa gần đó, mà nó khá âm u, ánh nắng chỉ vừa chiếu qua một chút, nên mát mẻ cả ngày, im ắng, cô liêu. Tuy mát rượi là vậy, nhưng mấy con bò mà người ta thả rong không bao giờ dám tới chỗ bụi chuối nằm nghỉ, cho dù là trong buổi trưa hè nóng nực ra sao. Lũ bò mẹ, bò con cứ chạy lòng vòng cả ngày, nhởn nhơ nhai cỏ, người lớn trong nhà cũng dặn dò kỹ lưỡng mấy đứa nhỏ trong nhà không được phép lại gần chỗ bụi chuối để chơi, bằng không thì bị bắt đem về nhà đánh đòn thật nặng. Con chó mực được nuôi trong nhà của Liên mỗi khi đi qua nơi này cũng gầm gừ, không dám sủa to. Mấy ông nhậu say bét nhè vì rượu còn không dám tè bậy vào bụi chuối này, sợ bị phát bệnh khùng điên thì hết phương mà cứu chữa. Gà trống thì lâu lâu cũng tới chỗ bụi chuối này mà nằm như ở chuồng của chúng, không có chuyện gì xảy ra hết. Liên cũng nghe nhiều người kể lại những chuyện này từ hồi còn nhỏ xíu, mà cô vẫn chưa tin. Bây giờ cô cũng đã lớn khôn, muốn tìm cái nghề gì đó để làm ra tiền tự nuôi sống bản thân mình, báo hiếu mẹ cha, phụ giúp xóm làng in kinh, tạo tượng, xây cất chùa chiền, dạy chữ cho thiếu nhi, chặt cây thuốc nam đem lên chùa làm công quả, trị bệnh cho người nghèo... làm mọi việc lành để cuộc sống thăng hoa. Tấm lòng của cô cao đẹp như ánh trăng tròn trên cao sáng rỡ, ai cũng yêu quý cô nhiều, muốn xin gì cũng được, cũng cho. Nhưng Liên cũng không biết mình phù hợp với nghề gì, suy nghĩ mông lung. Không lẽ cô cứ làm ruộng giống cha mẹ ông bà tổ tiên của mình hoài, cho hết kiếp giai nhân. Ôm buồng chuối già to tướng trên thân, nếu đem bán đi ở ngoài chợ cũng đâu có được bao nhiêu tiền, mà đem về cúng giỗ ông Ba thì hơi uổng công Liên đi bộ cả buổi sáng mới tới nơi này, mỏi cẳng tê chân. Cô quyết định đem hết buồng chuối già gồm mười hai nảy lên chùa, cúng phật cúng tăng. Khi đi, Liên quay đầu nhìn lại bụi chuối thêm một lần, tỏ ý mang ơn, mỉm cười tươi rói, răng trắng tựa ngọc ngà, môi thắm sắc hoa sen. Đôi chân của Liên cứ bước nhịp nhàng trong con nắng bình minh, hoa trinh nữ dọc đường cũng e thẹn thu mình khi cô bước đi qua. Ngược chiều của cô, bên kia con đường làng bé nhỏ, có một ông lão hiền từ, mặt hơi đỏ, lại có bộ râu dài tha thướt đang đi. Ổng vừa đi vừa nhìn Liên mỉm cười nhân hậu, ra dáng từng trải ở đời, biết rõ chuyện xưa nay. Liên đi khoảng ba mươi phút đồng hồ thì tới chùa Di Lặc, mang theo bó hoa cúc trên tay đi vào, lễ phật, thắp hương. Cô ngồi một mình cắt bông, cắm vào binh, mang lên chánh điện nhà chùa để cúng phật từ tôn. Khi ra về, thầy trụ trì của chùa là Thích Độ Trí sai chú tiểu mang ra cho cô một xâu chuỗi trường gồm một trăm linh tám hạt, một lá bùa bình an đeo ở cổ, một sợi dây chuyền mặt Quan Âm, một quyển kinh nhân quả ba đời và một pho tượng phật bằng đồng cỡ nhỏ trang nghiêm. Hòa thượng còn nói với Liên là sau này nếu trong nhà có xảy ra chuyện gì tâm linh, khó giải, hãy đi đến nơi này để sư phụ giúp cho. Liên nhận những món quà mà trong lòng vui vẻ lắm, cảm thấy mình có túc duyên với Phật tự bao đời, chân nhẹ bước như mơ. Cô không quên đi sang nhà đứa bạn học của mình gần đó để xin mấy nảy chuối về cúng giỗ ông Ba. Trên đường trở về nhà, Liên không nhớ tới chuyện tiếng khóc ai oán từ trong lùm chuối, vừa đi vừa ngâm vịnh thơ tình Hàn Mặc Tử năm xưa. Cô cứ đọc đi đọc lại câu: - Áo em trắng quá, nhìn không ra! Đọc được chừng chín lần thì cũng nngh có giọng của người con gái nào đó đọc theo mình y chang như vậy. Liên quay lưng lại nhìn đằng sau, không thấy ai. Xoay một vòng tròn ba trăm sáu mươi độ, cũng không thấy một người nào nữa, ngoại trừ bản thân mình mà thôi. Lúc đó, tầm khoảng chín giờ sáng. Liên hơi nghi ngờ về thế giới xung quanh. Đột nhiên, có một con rắn trắng dài chừng ba mét, có thể nói là rất dài, từ trong bụi mắc cỡ gần đó phóng ra chặn giữa đường, không muốn cho Liên đi qua. Chiều rộng, tức chu vi của con rắn dị thường này thì cũng bình thường như bao nhiêu con rắn khác, không phải là quá to, thậm chí có phần thanh mảnh, nhưng không biết vì sao mà nó lại dài một cách lạ lùng, khó hiểu như vậy? Hai mắt của con rắn này màu đỏ, trên trán có một chấm vàng, le lưỡi đỏ tươi. Mắt rắn tuy đỏ nhưng hiền lành, không như đa số đồng loại của nó. Con rắn cứ nhìn Liên chằm chằm, sau đó cúi xuống một hồi, cuộn tròn ba vòng, rồi lim dim hai mắt như buồn ngủ và nằm bất động ở đó. Liên không hề sợ. Đoạn đường chỗ này rất nhỏ, mà nay con rắn kỳ lạ này cứ nằm chắn như vầy, trinh nữ đứng đó chôn chân. Vì sợ rằng sẽ mạo phạm đến uy linh, hay trong vô thức đã trực nhận ra được điều gì, chỉ có một mình ai biết, ai hay. Lát sau, có một đám người cao to, uy vũ, mặt mày trang nghiêm đi tới, Liên đưa mắt lên nhìn, không biết họ là ai. Trong bảy người đàn ông đi chung ấy, có một người mặt đen như mực vậy, nhìn Liên như là người thân xa cách đã lâu ngày, nay mới được gặp lại, nói: - Tần ngần đứng đó làm chi Hương hoa trinh nữ thơm vì tim trinh Vương chi ân ái mê tình Ngọc liên tĩnh phú, tịnh bình bạch y. Liên nghe mà có hiểu được gì đâu! Ông mặt đen tự xưng mình là người tu hành cao tay ấn, hiện đang ở trên núi Công Bình, dạy chữ để mưu sinh. Sáu người còn lại thì cũng lạ luôn, người thì cầm trong tay quyển sách màu xanh ghi chữ Tàu, chữ Hán, người thì cầm kiếm như đi hát tuồng, nói chung không giống những nhân dáng bình thường hay gặp ở nhân gian. Chắc họ không phải là người mắc bệnh tâm thần lâu năm không chữa trị! Chắc không. Con rắn trắng dài ba mét kia khi nghe được bài thơ lục bát bốn câu của ông già mặt đen thì bò đi chậm rãi, có đôi chút lưu luyến, quay đầu lại nhìn Liên ba lần, hai mắt ướt long lanh. Liên mím môi hồng nhìn bảy người đàn ông lạ mặt, đôi mắt chớp chớp, cũng không biết nói gì, thở mạnh ba hơi. Anh chàng áo đỏ cầm kiếm vừa cười vừa nói một cách nghiêm nghị: - Hồi nãy, chúng tôi thấy sau lưng cô có một linh hồn của cô gái trẻ, đứng hai chân cách mặt đất, cũng không có ác ý gì, nhưng có ông Hoàng Ngọc cất nhà ở gần bụi chuối tiêu gần đây đang làm thầy làm tổ, ổng nói muốn đưa nàng ma nữ này đi về nam hải tu tâm. Chúng tôi đều là đệ tử của thầy Năm Linh, tức là Hoàng Ngọc, thấy cô có căn kiếp tu hành trong ba đời, nên tới để giúp thôi. Liên nửa tin nửa ngờ, hỏi ngược lại anh chàng áo đỏ: - Dạ, tôi cảm ơn các người! Nhưng các người từ đâu tới đây, có tên họ gì hay không, rồi sao mà thiếu gì nghề không làm, đi tin mấy cái chuyện mê tín dị đoan, làm thầy làm tổ vậy? Ông mặt đen chỉ ngâm một bài thơ như vầy: - Hi sinh hạnh phúc Nhân đạo trung dung Chiêu tụ hồn chung Sách trời hữu dụng. Hổ nha song chúc Triều đình năng dung Hán kiệt khiêm cung Long thần kính tụng. Sau đó, cả bảy người kia đi về hướng khóm trúc xa xa, nắng dần lên cao ấm áp. Liên tiếp tục ôm mấy nảy chuối về nhà, tâm thức như say. Anh Lạc qua nhà cha mẹ Liên phụ làm đám giỗ sáng giờ, đợi lâu mà chưa thấy cô về, trong lòng nóng nóng nao nao, chạy ra ngoài bờ dừa, leo lên chiếc xe đạp cà tàng chạy lên hướng đông nam để đón giai tình, hâm nóng lại tình yêu. Nhưng anh chạy hoài mà chiếc xe cứ đi theo chỉ một vòng tròn duy nhất, không ra khỏi bụi khóm xanh lè, ở gần cây vú sữa ba chân. Nghĩ cũng lạ, ngồi trên chiếc xe, đạp gần ba tiếng đồng hồ, bây giờ cũng là mười hai giờ trưa rồi, sao cứ ở chỗ kia hoài, có ai cản chân đâu? Mẹ của Liên là bà Quan Thanh Nhu, đang bưng mâm cơm chay lên cúng giỗ cho ông Ba, đi được giữa chừng, sao thấy hai mình cứ nặng trịch đáng nghi. Bà niệm A Di Đà Phật hoài luôn, mà không có tác dụng gì, đứng yên một chỗ cả nửa tiếng đồng hồ, hai mắt chết trân. Liên lúc này đã về đến cửa nhà, linh tính có chuyện gì chẳng lành, đi rón rén ra sau nhà, tới chỗ cái giếng, lấy gào múc lên ít nước, đổ ra cái tay cầm trong lu nước gần đó, rồi quay ngược trở ra đằng trước cửa nhà, trông thấy một bóng đen đứng hổng giò trên mặt đất. Liên không sợ, nói với cái bóng đen người lớn: - Mô Phật! Cho con hỏi người tới đây có việc gì hôn vậy? Sao hành mẹ của con? Con không biết sợ là gì đâu à nghen! Nếu mà không có chịu cư xử đàng hoàng, thì đừng có trách con à! Dáng vẻ nghiêm trang cùng thần sắc ôn hòa nhưng cương nghị của cô khiến cho vong hồn kia năm phần kính sợ, có lẽ đó là một người đàn ông đã chết rất lâu, đang cần giúp đỡ gì hay chăng? Bóng đen không dám ở trong nhà lâu hơn nữa, hóa thành luồng khí nhỏ màu đen, bay ra ngoài cửa sổ bên hông trái của căn nhà, biến mất trong bụi tre già cao chót vót đằng xa. Bà Nhu từ từ nói chuyện được, hai mắt có thần, gương mặt vẫn thản nhiên, quay người lại hỏi con gái: - Liên hả con? Sao con đi từ sáng tới giờ mới về, lâu quá xá! Thôi, qua đây, phụ mẹ đốt nhang cho mười tám chiếc lư hương trong ngoài, cúng giỗ gấp nhanh lên, gần qua khỏi giờ ngọ rồi. Nghe giọng nói của mẹ thì bình thường, nhưng Liên lạnh sống lưng, nhìn kỹ lại thì thấy sau lưng của mẹ đang có rất nhiều người đội mão thời xưa, đứng chắp tay cung kính. Cái cảm giác này hơi khác với gặp ma. Gặp ma thì tuy cũng lạnh lưng, ra mồ hôi hột, thậm chí sợ tới mức té đái trong quần, bất tỉnh hôn mê. Còn gặp thánh thần thì tuy cũng lạnh lưng, mà an lành cái bụng, biết họ chỉ xuất hiện để phù hộ cho những người hiền lành, không có ý hại ai. Liên mỉm cười như đứa trẻ thơ ngây, chắp tay xá các vị thánh thần trong giây lát, nghe trong hư không có tiếng chuông đồng, cảm thấy quá thiêng liêng. Bà Nhu cũng kính sợ trong lòng, nhưng dặn Liên không được nói chuyện này cho ai biết, kể cả cha cô. Còn anh Lạc cũng tự nhiên hết bị lạc đường một cách khó hiểu, nghe giọng nói của Liên vọng ra từ trong nhà, vui vẻ bước vô trong, nói: - Ủa, chỗ gốc cây vú sữa ba chân có cái gì kiêng kỵ không, mà nãy giờ con không đi ra khỏi đó được? Bà Nhu lắc đầu, không muốn nói chi hết. Lạc cũng im ru, cười hiền thêm cái nữa. Ba người đi ra vườn trầu cau sau nhà, hóng mát, suy tư. Tối đến, khi cha của Liên đi công việc ở trên ấp về, chạy xe đạp ngang qua bụi chuối già mà Liên đã đến hồi sáng sớm, tự nhiên hai mắt quáng gà, chúi nhũi xuống ao. Cũng may là ông Đạo biết bơi, còn bằng không thì hóa kiếp thành ma gia luôn rồi. Ngay khi vừa té xuống dưới nước, dưới ánh trăng tròn đêm rằm tháng bảy, lễ vu lan, ông thấy có rất nhiều người đang ngồi xung quanh bụi chuối ở trên bờ nhìn xuống chỗ ông, đa phần là con gái, cũng có cả bà già, nhưng không thấy đàn ông, chắc khoảng chín mười người nữ như vậy. Con rắn trắng dài ba mét hai mắt đỏ ngầu, bò thẳng về phía của ông Đạo, đến mé mương gần chạm mặt nước thì dừng, le lưỡi trêu ngươi. Trong đám chín mười người như ma như quỷ đó, có một cô gái mặt mày rất đẹp, hai mắt hơi có sắc đỏ, phảng phất nét u buồn, nói với những người ngồi gần mình: - Ông già này chưa tới số chết, đừng có bắt ổng, không có nên! Tuy chúng ta chết yểu cũng buồn, nhưng luật âm phán xử công bình không thiên vị, nếu như hại chết người lương thiện thì cái ông Tiêu Diện Đại Sĩ lưỡi dài ở trong chùa sẽ không tha cho những hồn ma vất vưởng, không nơi nương tựa như tụi mình đâu! * Nghe tới đây thì ông Đạo rụng rời, hai tay cứ bơi lấy bơi quào trên mặt nước, chân vẫy đùng đùng, cố gắng leo lên. Cũng mất khoảng ba phút thì ông mới trèo được lên bờ, ngồi thở chẳng ra hơi, vì quá sợ. Như vậy thì có nghĩa là tốp quỷ đó có tới chín mười con. Một con quỷ nhỏ hơn nhìn ông Đạo, nhe răng nhọn hoắc ra cười, rồi quay lại nói với hồn ma nữ lúc nãy: - Chị Lam nè, hồi đó chị bị thằng giặc Pháp chết banh xác ở đằng kia hãm hiếp đến chết, rồi chôn thi thể xuống dưới bụi chuối này, tội nghiệp quá đi! Mà sao chị không chịu đi đầu thai? Có còn ước nguyện gì chưa thực hiện được hay không vậy? Ma nữ đáp giọng buồn hiu: - Chị cũng muốn đi đầu thai qua kiếp khác lắm, nhưng mà xác của chị bị yếm bùa, chặt hết chân tay, hai mắt cũng bị móc lòi ra, nên không có cam lòng để yên cho ông thầy pháp Sáu Trần, ở lại đây lâu như vậy nè, cũng chỉ đợi gặp lại người tình kiếp trước mà thôi. Những hồn quỷ xung quanh cũng đều có hoàn cảnh đau buồn tương tự, có người khi còn sống là cô gái ngây thơ, có người chưa kịp lấy chồng thì đã bị hại, thậm chí có người đã có con rồi vẫn bị những tên giang hồ bắt cóc hiếp dâm rồi giết để diệt khẩu... Sau khi giở xong trò đồi bại, bọn cầm thú đó ngang nhiên đi mời thầy pháp Sáu Trần tới chỗ hiện trường gây án nơi này, trấn yểm nạn nhân. Do trong miệng của mỗi một người con gái đều có nhét một lá bùa màu vàng, chữ đỏ, hình vuông, và rất nhiều thứ chú thuật độc tà, gian ác khác, mà mỗi một linh hồn chết thảm đều ai oán vô biên, không thèm xuống cõi âm tào để trình diện Diêm La thiên tử, cứ ở mãi nơi này, chờ đợi người thân. Ông Đạo nghe họ khóc lóc, kể lể mà trong lòng đau đớn khôn nguôi, tuy vẫn còn hơi sợ, nhưng quyết định sẽ đem hết những chuyện này đi báo với công an. Sẵn trong tay đang có sẵn bó nhang mới mua ở chợ về, hộp quẹt, que diêm, ông thành tâm thắp nhang cho những người xấu số, cầu nguyện phật trời hộ độ siêu thăng. Ông cắm mười cây nhang đang cháy đỏ tươi xuống chỗ mình đang ngồi ướt nhẹp nước ao, lạy liền ba lạy, rồi đứng dậy, dắt xe đạp đi ra ngoài đường cũ chỗ lùm tre, chạy thẳng về nhà trong nỗi bất bình, xót thương và cảm động. Cơn mưa rào trên trời rơi xuống, dịu hồn ai. Gió thổi hiu hiu, ánh trăng thêm vằng vặc, ma và người đều rung cảm trước thiên nhiên. Nếu như lúc sống còn trên dương thế, không biết lo tu, mà đi gieo chuốc oán thù, dây dưa nông nổi, thì khi chết xuống Diêm đài, than khóc ích chi đâu? Chiếc xe đạp của ông Đạo ngày càng xa xăm. Bụi chuối già thêm cao ngất ngưởng. Các hồn ma tiếp tục than khóc cho kiếp số của mình, ai oán thê lương: - Tụi mình ở đây từ thời kháng chiến chống Pháp năm 1945, bây giờ là thời bình năm 2011, qua sáu mươi sáu năm rồi, mà vẫn còn mê muội, bâng khuâng! Như cô Đặng Quỳ Phí Lam đây cũng tròn tám mươi bốn tuổi rồi, mà linh hồn cứ như thiếu nữ mười tám hoài, trẻ đẹp như xưa. Còn chín người còn lại thì càng già hơn nữa nè, chỉ có con bé này là khi chết nó mới vừa chín tuổi thôi. Hồn ma nữ tên Lam nói: - Thật ra cho đến khi chết đi rồi, thân tôi vẫn còn là trinh nữ thơm tho. Thằng giặc Pháp háo dâm kia nó uống rượu trong đêm đó đã say bí tỉ rồi, muốn ôm ấp đàn bà, cho nên mới đứng dậy khỏi bàn, lấm lét rời đi. Nó đi ra cánh đồng này trước để tiểu tiện cho xong, chứ uống nước nhiều thì bàng quang căng lắm. Nó thấy tôi lúc đó còn trẻ đẹp, đang thất tình ngồi buồn một mình, khóc lóc ở lùm tre, nên nảy sinh ý niệm dâm tà, giở trò cầm thú. Tôi chống cự tới cùng, không chịu nằm yên, nên mới bị bóp cổ hoài cho tới chết, chắc tại lúc đó thằng này sợ quá, sợ người bên ngoài con đường kia nghe được tiếng hét của tôi, nên nó mới làm vậy. Ma nữ nhỏ tuổi nhất hỏi Lam: - Dạ, con biết rồi! Nhưng cái vụ ông thầy pháp Sáu Trần yểm bùa chúng ta là do nguyên nhân gì vậy chứ? Có phải cái ông già mắc dịch đó làm chuyện này vì tiền không? Hay là vì sắc đẹp của đàn bà con gái xứ này? Con cũng nhiều lần đi theo sau lưng ổng, mà không làm gì được, tức ơi là tức à! Gió thổi ào ào, mây bay tứ phía, ánh trăng bị che dần lại, có người đứng đó nghe được đầu đuôi ngọn ngành của câu chuyện năm xưa, lòng đầy hối hận. Đó là một cụ già râu trắng, lưng dài, mà đôi mắt vẫn sáng thiên tình, gương mặt hiền hòa, tay chân cứng cáp. Ông rơi nước mắt từng dòng, đau đớn tim gan. Không nói gì thêm, ông Ba bước lẹ trên đường, đi nhanh như gió, mang theo tất cả nỗi niềm u uất hướng về tây. Chiếc hồ lô đeo bên hông trái của ông Ba đỏ hồng rất đẹp, lưng thì đeo kiếm màu vàng, tay phải cầm cây phất trần, tóc cạo sạch trơn. Sáng hôm sau, Liên thức dậy lúc bốn giờ, cái bụng cứ đau hoài, khát nước khô môi. Cô từ từ bước xuống giường, đi ra lu nước chỗ gốc cây bàng, rửa mặt một hơi. Có ba con quạ đen xì từ đâu bay tới, đậu lên nóc nhà, kêu tiếng bi ai. Liên hơi giật mình khi nhìn thấy có một con rắn màu đen dài chừng hai mét, đang đánh đu trên nhánh của cây bàng, le lưỡi hung hăng. Con rắn này cũng lạ thường lắm, trên lưng có sọc vàng, chấm đỏ, hoa văn. Nó định bay từ trên cao xuống để cắn chết Liên, nhưng dường như có một sức mạnh vô hình nào ghị đuôi nó lại. Con rắn đau đớn, hai mắt như khóc, đầu của nó không thấy ai đánh mà cứ nghe có tiếng bộp bộp liên hồi, run rẩy toàn thân. Máu từ miệng của con rắn chảy ra không ngừng, nhỏ xuống lu nước bằng sành, gió quét vi vu. Liên nhìn mà chỉ tội nghiệp cho con rắn đen, chứ không hề sợ hãi. Cô đi nhanh vào trong nhà, định đánh thức cha mình, đốt đuốc ra xem. Nhưng khi vừa đi tới bàn thông thiên, lại nghe thấy tiếng cười lạnh gáy sau lưng: - He ... he ... he ... he!!! Cô quay đầu lại, không dám mở mắt, biết đâu ảo giác mơ màng đang tự mình hù dọa vậy thôi. Rồi nghe tiếng bước chân chạy thình thịch ra hướng cây đào hơn tám mươi năm. Trong đầu của Liên bất quá chỉ hiếu kỳ về thế giới tâm linh, chứ chưa hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối. Cùng lắm là xuống tóc đi tu ở trong chùa, giống ba người chị gái, nguyện cầu linh tánh bình an, vì cô mới chỉ nhìn thấy thánh thần, mà chưa nhìn thấy phật, cô cho rằng Phật Tổ chỉ là truyền thuyết dân gian mà thôi. Điều này trong Phật giáo gọi là duyên. Vì nhân duyên chưa tới, nên một người chưa thể tin yêu. Lỡ như sau này, Liên chẳng những tin, mà còn hộ trì Phật pháp, cũng nên vui cho căn kiếp tu hành của người giai lệ trung trinh. Ý trời muốn anh Lạc và cô Liên đây làm thầy pháp, cả hai cứu thế dạy người, vuông tròn quả vị thiên tiên. Ông thầy pháp Tư Đồ ở bên kia sông đang ngồi luyện chưởng, có âm binh mách nhỏ chuyện cô Liên thánh nữ đang bị ma quỷ làm phiền, muốn hấp thụ linh quang. Nghe được vậy, thầy liền xuất hồn bay qua sông, chân đạp lên mặt nước nhẹ nhàng như lông vũ, chớp mắt đã tới liền, hộ pháp giúp cho Liên. Bỗng dưng có một vầng sáng màu trắng bao quanh thân thể của nàng trinh nữ, lạ thay! Liên thấy tinh thần rất dễ chịu, hết bị đau bụng, cổ họng cũng không còn khát nước, thân thể nhẹ nhàng, hai chân mềm bay lên lạ lùng, cách mặt đất cỡ ba gang. Trong hư không có tiếng cầu xin của một người đàn ông ngoại quốc: - Help me (giúp tôi với)!!! Liên muốn xoay người qua nhìn, nhưng cái cổ cứng đơ. Rồi nghe tiếng đấm hự hự vào ngực rất mạnh, bẻ đầu răn rắc ê tai. Cô cũng đoán được là chuyện gì rồi. Lại có giọng nói của một vị thần nào đó: - Nhà ngươi khi còn sống đã hại chết nhiều người, nên bị ông trời tướt đi dương thọ, phải chết trẻ trong bom mìn, sau đó bị đày vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bộ chịu khổ nơi chốn âm tào còn chưa đủ để ngươi quay đầu hưởng thiện, bây giờ đã mang thân rắn xấu xí như vầy rồi, mà vẫn còn có ý dâm bôn? Để bản thần bẻ cổ ngươi chết luôn cho yên ổn, linh hồn sẽ bị đọa vào cõi địa ngục để chịu trừng phạt, đau đớn cùng cực nhiều hơn, không bao giờ siêu sanh được nữa! Liên thấy thương cho con rắn màu đen, ba lần xin giúp nó với chư thần, nhưng vô ích mà thôi. Trên trời phóng xuống ba luồng sấm sét sáng trưng, đánh lên mình con rắn đực kia, cháy tan tành, chỉ còn lại một vài miếng da khét nghẹt, mùi hôi thối xông thẳng lên mũi, mặt đất chỗ đó chuyển sang màu đỏ lòm, thấp trũng xuống ba đường hình chữ tam, ánh trăng cũng sáng diệu kỳ, chiếu một đường dài từ trên trời thẳng xuống người của cô Liên. Chừng hai mươi mấy ba mươi ngôi sao dường như di chuyển, lấp lánh như xa như gần, Liên không hiểu chuyện chi. Nghe tiếng sét đánh đùng đùng, người ở trong mấy căn nhà gần đó thức liền trong sợ hãi. Cha mẹ của Liên không biết ngủ kiểu gì mà như chết vậy thôi. Lúc đó, anh Lạc ở trong nhà mình, chỉ cách nhà của Liên chừng ba phút đồng hồ đi bộ, nhìn qua nhà Liên thấy có mười người mặc áo trắng đang bay. Khoảng cách đó chừng vài ba trăm bước, đâu phải quá xa, do tò mò đến cực điểm, Lạc nhảy phăng xuống giường, chạy chân không một hơi qua bên nhà của cha mẹ vợ tương lai. Chạy mới nửa chừng thì vấp phải thứ gì đó trơn trơn, dài dài mà lăn ra té muốn gãy cẳng. Lạc mở to mắt hết cỡ để nhìn coi là vật gì cản lối vô duyên. Đừng nói đó là xác chết đó nghe! Không phải đâu! Mô phật! Đó là con rắn cái màu trắng dài ba mét đang nằm giữa đường, mắt đỏ ngây thơ. Lạc hơi kinh hãi một hồi, không gian ngưng đọng lại năm phần, tim rung nhiều cảm xúc khó tả đa chiều, cũng không một người nào giải thích được lý do. Về sau, mỗi khi nhắc lại chuyện này thì người nhà của anh đều tái mặt. Liên quan gì đến nhân quả ba đời, duyên nghiệp mười phương? Gần nhà Lạc có một cây khế già tám mươi năm tuổi, trái ngọt dịu lòng, thơm nhẹ đưa hương, người ta nói trên cây khế này có Phật Bà Quan Âm đứng trấn áp ma quỷ, phù hộ dân làng, lâu lâu vào mỗi đêm trăng tròn ngày rằm, có phóng hào quang. Cho nên mấy đứa nhỏ như thằng cu Giáp, cu Đinh... dù nghịch ngu tới cỡ nào, cũng không bao giờ dám bén mãng tới đây. Chắc là chúng nó còn hơi sợ. Chứ chỉ đến gốc khế để hái trái ăn thì không có ai gặp phải chuyện gì ma quái, bệnh đau. Con rắn cái màu trắng lúc nãy đã không còn thích ở bụi chuối già trước đây nữa, kể từ bây giờ nó chỉ muốn ở dưới gốc cây khế vàng này, trở thành thổ thần mặc y trắng, đầu đội kim quan. Nửa tháng sau, Liên đem xác của con rắn đực màu đen đã bị sét đánh chết chôn ở bụi chuối già ma trinh nữ linh thiêng. Cô gọi bụi chuối này với cái tên như vậy, là do ông Ba đã kể lại chuyện mà ông đã nghe được ở đó với tất cả những người đang sinh sống nơi đây. Rồi tự nhiên có một nhóm mười bốn người Trung Quốc, không biết vì nguyên nhân gì, mang theo tro cốt của một người con gái tên Thanh từ bên nước của họ đến tận chỗ bụi chuối già này để an táng nghiêm trang, xây một nhà mồ, không to không nhỏ. Khi được hỏi cô gái đã chết ấy họ gì, thì người cha trả lời rằng cô gái vốn họ Lam, chỉ là con gái nuôi của đôi vợ chồng hiếm muộn mà thôi. Con đường đi ngang qua chỗ bụi chuối già ma trinh nữ, được người dân quen miệng gọi là con đường trinh nữ có nhà mồ họ Lam. Khi cô Liên đi chôn xác của con rắn đen xong, thì hơi nặng cái đầu, tay chân lạnh toát, tóc mọc ra rất nhiều, đen bóng, đẹp làm sao! Thì mái tóc của cô vốn đã đẹp sẵn rồi, dài sẵn rồi, nhưng bây giờ da trắng hơn trước, tóc lại thêm dài, nhìn chẳng khác nào tiên nữ trong tranh. * Hồn quỷ của chín người đàn bà, con gái ở bụi chuối già ma trinh nữ đã đi theo cô, họ nhập vào người của một bé gái chín tuổi tên Trinh ở gần nhà của Liên, nói: - Kể từ nay, cửu quỷ nữ chúng tôi sẽ đi theo Ngọc Liên tiên cô tu hành, học đạo, trở thành một trong tám bộ trời rồng, cứu độ muôn dân. Lúc họ nói, có ông Ba và thầy pháp Tư Đồ ngồi kế bên, Liên nhớ kỹ chuyện này, không muốn nói với ai. Đến ngày rằm trung thu, khi Liên đang ngồi ngâm thơ tình Lý Bạch một mình dưới gốc cây lý lâu năm, gần chỗ cây khế vàng có Phật Bà Quan Âm điều ngự, cách chừng trăm bước không ngoài, tự nhiên thấy hai mí mắt nặng dần, mê ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, dưới ánh trăng tròn như linh tánh, sáng sủa nhẹ nhàng, gió đùa qua mái tóc, Liên thấy có một người con gái mặc áo trắng như người ở thời phong kiến, giữa trán có dấu bớt hoa sen vàng, mặt mũi xinh đẹp tuyệt trần, đứng trên tòa sen trắng mỉm cười, nói với cô rằng: - Thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam (màu xanh từ màu lam mà ra, nhưng sẽ thắng được màu lam). Liên nghe có hiểu gì đâu! Mà trong lòng tự nhiên muốn hỏi quá, tuy còn hơi sợ, nhưng tính khí khá quật cường, hít thở thật mạnh rồi hỏi luôn một hơi dài như đi hát: - Cô có phải là con rắn trắng dài ba mét không? Còn con rắn đen dài hai mét kia chính là thằng giặc người nước Pháp không rõ họ tên đã hại chết cô phải không? Cô bây giờ thành tiên chưa vậy, sao có tòa sen mà đứng, coi bộ đẹp đẽ quá trời, rất giống với bồ tát Quan Thế Âm? Mà chưa giống hoàn toàn, còn thiếu tịnh bình và nhành dương liễu... Với lại, tôi đã quyết chí tu hành, cứu độ chúng sanh, sau này cô đi theo tôi để giúp đỡ khi cần, không biết có được không? Tất nhiên là cô gái đang mơ màng trong giấc mộng như Liên cũng không bao giờ nhận được câu trả lời rõ ràng từ bất kỳ một chúng sanh nào, khi chưa biết bản thân mình có thật là tiên cô hay thánh nữ gì đó hay không! Chỉ nghe tiếng thở dập dồn trong đêm tối trăng thanh, gió mát đa tình, tim trinh nóng hổi. Tình yêu vô bờ bến đối với vạn vật muôn loài là nguồn sống ngọt ngào duy nhất của đời ta. Chớ theo dục vọng đê hèn, ham muốn riêng tư mà lu mờ chân tánh. Liên trông thấy con rắn trắng thật dài, hai mắt hiền lành như biết nói, to lớn lạ thường, le lưỡi trêu đùa, trên trán có chữ Lam. *** (Hết)