Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc và thủ lĩnh ý kiến Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc còn có tên gọi khác là thuyết dòng chảy hai bước hay thuyết thủ lĩnh ý kiến và lý thuyết xã hội học về dư luận xã hội. Tên Tiếng anh: Two-Step Flow Model 1. Giới thiệu chung Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc là một trong sáu lý thuyết truyền thông đại chúng quan trọng. Lý thuyết này được Paul F. Lazarsfeld và hai cộng sự của ông là Bernard Berelson và Hazel Gaudet nghiên cứu và công bố lần đầu trong cuốn sách "The People's Choice" (xuất bản lần đầu vào năm 1948). Theo đó, lý thuyết dòng truyền thông hai bậc chỉ ra rằng, sự tương tác giữa các cá nhân có tác động định hướng dư luận mạnh mẽ hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo đó, hầu hết mọi người hình thành quan điểm của họ dưới sự ảnh hưởng của những người thủ lĩnh ý kiến (opinion leaders). Những người này tiếp nhận thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng (Mass Media) và truyền tải những thông tin đó dựa trên quan điểm của họ đến công chúng rộng hơn. 2. Lịch sử ra đời Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc được 3 nhà xã hội học Paul Lazarsfeld, Bernard Berelson và Hazel Gaudet đưa ra vào năm 1948 trong cuốn sách "The People's Choice", sau khi nghiên cứu về quá trình ra quyết định bỏ phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1940. Thuyết này chỉ ra rằng nội dung truyền thông đại chúng trước tiên sẽ đến với những người thủ lĩnh ý kiến. Đây là những người sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng rất tích cực. Họ sẽ thu thập, diễn giải và truyền tải thông điệp truyền thông đến những bộ phận công chúng sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng ít năng động hơn trong xã hội. Điều này cho thấy rằng rằng hầu hết mọi người tiếp nhận thông tin từ những người thủ lĩnh ý kiến thông qua giao tiếp giữa các cá nhân hơn là trực tiếp từ các phương tiện thông tin đại chúng. Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1940, Lazarsfeld, Berelson và Gaudet phát hiện ra rằng hầu hết các cử tri lấy thông tin của các ứng cử viên gián tiếp từ những người đã đọc về các chiến dịch tranh cử trên báo chí, chứ không phải trực tiếp từ các phương tiện truyền thông. Paul F. Lazarsfeld, Bernard Berelson và Hazel Gaudet đã theo dõi một nhóm cử tri mẫu gồm 600 người từ Quận Erie, Ohio và phỏng vấn họ đều đặn mỗi tháng trong 7 tháng trước ngày bầu cử. Năm 1944, họ lại tiếp tục mở rộng mẫu bao gồm cả 2000 cử tri trên toàn quốc. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra được hai đặc trưng trong cách lựa chọn bỏ phiếu của các cử tri như sau: Những chiến dịch vận động tranh cử (chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng) nhưng hầu như không thay đổi ý định bầu cử vốn có của cử tri. Ý kiến và quyết định của cử tri phụ thuộc lại vào nhiều yếu tố: Hoàn cảnh kinh tế, văn hóa - xã hội; ý kiến của "người lãnh đạo dư luận". Trái ngược với những lo ngại thời bấy giờ, Lazarsfeld, Berelson và Gaudet nhận thấy rằng các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh và các quảng cáo chiến dịch không có ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen bỏ phiếu của cá nhân. Thay vào đó, các tương tác giữa các cá nhân và truyền miệng có ý nghĩa hơn đối với hầu hết các cử tri. Họ lập luận rằng việc các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp cận một nhóm nhỏ nhưng rất quan trọng, những người này sau đó sẽ truyền thông tin cho những người "tiêu dùng" ít ham mê truyền thông hơn. Từ đó, họ kết luận rằng việc truyền miệng thông tin đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình giao tiếp và rằng các phương tiện thông tin đại chúng chỉ có ảnh hưởng nhất định đến hầu hết công chúng. Đến năm 1955, lý thuyết dòng truyền thông hai bậc được tiếp tục phát triển thêm bởi Lazarsfeld và người cộng sự mới Elihu Katz trong cuốn sách "Personal Influence" (xuất bản năm1955). Cuốn sách giải thích rằng phản ứng của mọi người đối với các thông điệp trên phương tiện truyền thông được thực hiện nhờ giao tiếp giữa các cá nhân với các thành viên trong môi trường xã hội của họ. Tư cách thành viên của một người trong các nhóm xã hội khác nhau (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và tôn giáo, v. V) có nhiều ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và hành vi của người đó hơn là thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng. Do đó, các nhà nghiên cứu về truyền thông đại chúng không thể coi công chúng như một đối tượng đại chúng đồng nhất tích cực xử lý và phản hồi các thông điệp truyền thông một cách thống nhất, như đã được công nhận bởi các lý thuyết ban đầu về truyền thông đại chúng như "Viên đạn ma thuật" (magic bullet) vốn cho rằng khán giả phản hồi trực tiếp các thông điệp truyền thông. 3. Nội dung lý thuyết dòng truyền thông hai bậc Ý tưởng thường chảy từ phương tiện thông tin truyền thông (báo, đài) đến những lãnh đạo ý kiến (Opinion leaders) và từ những người này đến những bộ phận ít năng động hơn trong xã hội. Bước 1: Thông điệp của truyền thông đại chúng đến với những người thủ lĩnh ý kiến. Bước 2: Các nhà thủ lĩnh ý kiến truyền các lý giải cá nhân của họ cùng nội dung thực sự của thông điệp đến công chúng gồm những người khác để từ đó hình thành nên dư luận xã hội. Mô hình: Các phương tiện truyền thông đại chúng Æ Người thủ lĩnh ý kiến Æ Công chúng 4. Đặc điểm của người thủ lĩnh ý kiến và nhóm công chúng bị ảnh hưởng 4.1. Người thủ lĩnh ý kiến Theo Lazarsfeld, thủ lĩnh ý kiến là những người quan tâm và được coi là "chuyên gia" về một số lĩnh vực nhất định. Họ có uy tín với những người chịu sự chi phối trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên, khi vượt quá "phạm vi" họ có thể chịu sự chi phối của người khác. Ví dụ: Trong chương trình nấu ăn, khách mời thường là những đầu bếp nổi tiếng, tại đây họ được coi là thủ lĩnh ý kiến. Tuy nhiên, trong chương trình ca nhạc, đầu bếp không là thủ lĩnh ý kiến vì âm nhạc vượt quá chuyên môn của họ. Thủ lĩnh ý kiến là những cá nhân luôn tìm kiếm thông tin. Đây là những người "tiêu dùng" một cách thường xuyên thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Sau đó, họ là người phổ biến và tác động đến những thành viên trong nhóm của họ. Họ có các đặc điểm: - Có trình độ học vấn - Có uy tín trong xã hội - Có khả năng tiếp cận thông tin - Có tính quần chúng Tuy nhiên, việc thủ lĩnh dẫn dắt ý kiến của nhóm như thế nào còn phụ thuộc vào đặc điểm bản thân của thủ lĩnh, đặc điểm của nhóm thành viên, và hoàn cảnh của tình huống. Trên thế giới, người ta chỉ công nhận thủ lĩnh ý kiến trên 4 lĩnh vực: nhiệm vụ công, thời trang, tiếp thị và điện ảnh. Trong lĩnh vực tiếp thị, các nhà sản xuất khi đưa ra bất cứ một sản phẩm nào đều muốn đưa thông tin về sản phẩm tới càng nhiều người càng tốt. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để các nhà sản xuất có thể thực hiện việc đó với những nguồn lực có hạn. Chính vì vậy, những nhà sản xuất sẽ chỉ lựa chọn một nhóm người nhất định và những phương thức nhất định để đưa thông tin về sản phẩm tới nhóm người đó. Những nhóm người mà họ quyết định lựa chọn có thể là những thủ lĩnh ý kiến, đóng vai trò trung gian trong việc truyền đạt thông tin sản phẩm từ nhà cung cấp tới cộng đồng. Thông điệp mà những thủ lĩnh ý kiến truyền đạt tới những người xung quanh có thể biểu hiện qua những hình thức rất đa dạng, như các quảng cáo về sản phẩm gia dụng với nhóm phụ nữ đã có gia đình đóng vai trò như là thủ lĩnh ý kiến, hay quảng cáo những sản phẩm chăm sóc da cho nhóm thanh niên trẻ. Ngoài ra, người ta cũng không chỉ dùng thủ lĩnh ý kiến với mục đích quảng bá cho sản phẩm của mình mà còn với mục đích truyền bá những không tin bất lợi cho các sản phẩm của đối thủ trong cạnh tranh kinh doanh. Ví dụ: Thủ đoạn lợi dụng các thủ lĩnh ý kiến để tung tin đồn của PepsiCo nhằm mục đích giảm doanh số bán hàng của đối thủ là hãng Tropical Fantasy bằng cách dạy cho các lái xe của công ty khi chở khách hàng ngày hoặc trong các quán bar tung ra tin đồn rằng nước ngọt của hãng Tropical Fantasy có thể gây vô sinh cho người da đen. Trong lĩnh vực thời trang, Katz và Lazarsfeld cho rằng thủ lĩnh ý kiến trong lĩnh vực này là nhóm nữ thanh niên, bởi nhóm này có sự quan tâm và yêu thích thời trang hơn các nhóm khác. Họ có nhu cầu sử dụng thời trang "hợp mốt" với nhiều mục đích khác nhau. Do đó, họ tìm hiểu kĩ và trở thành những người có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề này bằng mọi phương tiện truyền thông. Trong xã hội hiện đại, các xu hướng thời trang mới luôn được giới trẻ cập nhật, nắm bắt và nhanh chóng được họ truyền tải tới những người khác trong nhóm bằng giao tiếp qua lời nói hoặc cách ăn mặc. Giới trẻ thường có xu hướng bắt chước phong cách ăn mặc đang thịnh hành và đó cũng là cách để truyền bá những phong cách thời trang trong cộng đồng. Ví dụ 1: Những năm gần đây ở Việt Nam xuất hiện xu hướng ăn mặc theo kiểu Hàn Quốc thông qua những thần tượng idol K-pop, hay những diễn viên trong các bộ phim tình cảm, tâm lý xã hội Hàn Quốc. Ví dụ 2: Những chủ cửa hàng thời trang thường lựa chọn những người bán hàng là thanh niên nữ trẻ tuổi vì họ là những người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực thời trang. Họ có thể tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp và như vậy doanh số bán hàng cũng tăng lên. Trong lĩnh vực điện ảnh, thủ lĩnh ý kiến theo hai tác giả là giới trẻ có nhiều thời gian rỗi. Nhóm này chưa phải lo nghĩ nhiều về những vấn đề như gia đình, tiền bạc.. nên có thời gian để quan tâm đến các hình thức giải trí mà phim ảnh là một trong các hình thức giải trí hấp dẫn nhất. Vì thế, đối với lĩnh vực điện ảnh, nhóm công chúng trẻ tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi để thưởng thức các tác phẩm của môn nghệ thuật thứ bảy luôn là những "nhà phê bình" tiên phong, góp phần phổ biến, giới thiệu tác phẩm điện ảnh tới cộng đồng. Doanh thu hay sự thành công của những bộ phim không chỉ phụ thuộc vào những nhà phê bình, những chuyên gia được đào tạo bài bản trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn là nhóm thanh niên này. Ngoài ra, phim ảnh dễ thu hút giới trẻ bởi nó tạo ra những thần tượng mà giới trẻ yêu thích, tạo ra những cuộc sống trong phim mà giới trẻ mong muốn đạt tới hay đơn giản họ chỉ đi xem phim để giết thời gian hay để thể hiện sự sành điệu.. Những diễn viên, ca sĩ muốn nổi tiếng thì luôn hướng tới các khán giả trẻ. Họ cố gắng mọi cách để trở thành thần tượng, hình mẫu của giới trẻ và "lấy lòng" khán giả trẻ. Như vậy, vô hình chung, giới trẻ đã trở thành những thủ lĩnh ý kiến để đưa tên tuổi của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đến với nhiều người trong xã hội. Trong lĩnh vực nhiệm vụ công, dù là cộng đồng lớn hay cộng đồng nhỏ thì đều tồn tại những thủ lĩnh ý kiến có khả năng ảnh hưởng tới ý kiến của cả cộng đồng trong việc giải quyết những công việc chung của cộng đồng đó. Theo đó, thủ lĩnh ý kiến trong lĩnh vực này là những người có uy tín, có trình độ học vấn, có kinh nghiệm và địa vị xã hội nhất định. Khi cộng đồng cần giải quyết một công việc chung nào đó, mọi người có xu hướng tin tưởng vào ý kiến của những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Họ tin rằng những người đó có thể đưa ra những ý kiến hay và hiệu quả để giải quyết vấn đề chung của cộng đồng. Ví dụ: Đại biểu Quốc hội chính là những thủ lĩnh ý kiến của các địa phương. Nhân dân địa phương tín nhiệm ai thì sẽ bầu cử người đó làm đại biểu Quốc hội cho địa phương đó. Người đại biểu Quốc hội đó đóng vai trò như là cầu nối trung gian giữa Nhà nước và nhân dân. Họ truyền đạt lại cho nhân dân những đường lối, chính sách của Nhà nước đồng thời họ đại diện cho ý kiến của nhân dân. Nhà nước vừa sử dụng đại biểu Quốc hội như hình thức truyền bá đường lối, chính sách của mình tới đông đảo nhân dân đồng thời cũng qua các đại biểu Quốc hội để tiếp thu nguyện vọng, mong muốn của nhân dân để sửa đổi chính sách cho phù hợp với đời sống xã hội thực tế. 4.2. Nhóm công chúng bị ảnh hưởng Đây là những người chịu sự tác động và chi phối của người thủ lĩnh ý kiến trong lĩnh vực hoạt động của họ. Đặc điểm: - Không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi truyền thông đại chúng - Tôn trọng, tin tưởng những người lãnh đạo ý kiến 5. Vai trò của người thủ lĩnh ý kiến 5.1. Thủ lĩnh ý kiến, đối tượng trung gian giữa truyền thông và công chúng Theo những đặc điểm được xác định để trở thành thủ lĩnh ý kiến, có thể thấy mối quan hệ xã hội giữa thủ lĩnh ý kiến và các thành viên trong nhóm đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính những mối quan hệ trong nhóm xã hội mà đặc biệt là mối quan hệ với thủ lĩnh ý kiến quy định phản ứng của các cá nhân với những thông điệp truyền thông. Cá nhân tiếp nhận thông tin trực tiếp từ các phương tiện truyền thông đại chúng và tiếp nhận thông qua các thủ lĩnh ý kiến. Thủ lĩnh ý kiến đóng vai trò như bộ lọc thông tin, truyền đạt lại những thông tin họ đã tiếp nhận được thông qua phương tiện truyền thông. Những thông tin ban đầu do nhà truyền thông phát ra và những thông tin do thủ lĩnh ý kiến truyền đạt lại có "độ chênh" nhất định. Độ chênh này do những yếu tố thuộc về cá nhân như quan điểm, tri thức, kinh nghiệm.. của chính thủ lĩnh đó. Do vậy, thông điệp truyền thông đã có những thay đổi theo lăng kính chủ quan của người thủ lĩnh. Lý thuyết Dòng truyền thông hai bậc cũng đưa ra khẳng định về tính không bình đẳng trong việc thu nhận thông tin. Điều này được chứng minh có sự tồn tại của những thủ lĩnh ý kiến, họ là những cá nhân/ nhóm có ưu thế hơn, hay vượt trội hơn trong việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông, các nhà truyền thông. Chính vì vậy quá trình chuyển tải thông điệp từ nhà truyền thông đến công chúng do họ đảm nhiệm là một khâu quan trọng trong quá trình truyền thông liên cá nhân. Trong giải pháp truyền thông hiệu quả, mối thiện cảm của công chúng đối với nhà truyền thông là nhân tố không thể thiếu. Nếu xét trên quan điểm về mô hình cân bằng trong mối quan hệ giữa nhà truyền thông - công chúng - thông điệp, thủ lĩnh ý kiến có thể coi là nhân tố trung tâm có vai trò không nhỏ trong việc tạo niềm tin, thiện cảm hay sự bất bình đối với nhà truyền thông, từ đó, quyết định đến mô hình quan hệ cân bằng hay không cân bằng giữa ba nhân tố trên. Vận dụng lý thuyết này, các nhà truyền thông đã sử dụng khá linh hoạt hình ảnhcác thủ lĩnh ý kiến để "lấy lòng" công chúng. 5.2. Thủ lĩnh ý kiến - nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành dư luận xã hội Dư luận xã hội trước hết là một sự kiện xã hội, nó được xem như là sản phẩm của truyền thông. Quá trình hình thành dư luận xã hội được hiểu như là quá trình xuất hiện một thái độ đánh giá của một xã hội về vấn đề xã hội, và nó không phải là tập hợp tất cả ý kiến cá nhân mà là kết quả của sự tương tác ý kiến giữa các cá nhân về một vấn đề nào đó hay nói cách khác nó là tập giao của các ý kiến cá nhân. Vai trò của thủ lĩnh ý kiến thể hiện rõ nét trong quá trình hình thành dư luận xã hội thông qua việc phân tích cấu trúc của dư luận xã hội. Niềm tin, theo Kant, là sự phán xét điều gì đó là đúng. Trong nhóm xã hội, thủ lĩnh ý kiến đóng vai trò truyền đạt lại những thông điệp họ tiếp nhận được từ phương tiện truyền thông. Họ có uy tín trong nhóm và khiến những người khác tin theo. Điều này mang ý nghĩa họ đóng vai trò xây dựng niềm tin của những thành viên trong nhóm đối với những thông điệp đó và đối với chính họ. Những thông tin cơ sở để xác định trọng tâm và cường độ của niềm tin đã được người thủ lĩnh truyền đạt lại thông qua lăng kính chủ quan của chính người thủ lĩnh. Thái độ là một "tâm thế ủng hộ hay phản đối với một nhóm đối tượng nhất định" (Shaver, 1977). Thái độ xã hội là nhân tố cơ bản để hình thành nên dư luận xã hội, và đồng thời thái độ xã hội cũng chịu tác động và có cơ sở thái độ của các cá nhân. Trong khi đó, thái độ của mỗi cá nhân về bất kì một vấn đề, một thông điệp truyền thông nào cũng đều xuất phát từ tri thức về vấn đề đó dựa trên những thông tin từ thủ lĩnh ý kiến và tình cảm tin tưởng vào thủ lĩnh ý kiến. Chính vì vậy, muốn thay đổi thái độ của một nhóm, một cộng đồng trước hết phải thay đổi thái độ của thủ lĩnh ý kiến. Dư luận xã hội là kết quả của quá trình tương tác các ý kiến cá nhân về các vấn đề xã hội. Theo quan điểm thượng lưu về dư luận xã hội của Philip Converse, sự hiểu biết của các cá nhân về các vấn đề xã hội, vấn đề công cộng có sự chênh lệch nhất định được đo trên thang thông tin, bậc cao nhất là những người được thông tin tốt nhất và các bậc thấp hơn là sự giảm dần về mức độ hiểu biết của các cá nhân. Theo đó, thủ lĩnh ý kiến sẽ thuộc nhóm thiểu số - những người được thông tin tốt nhất trong thang này, và đa số là đại chúng - những người hiểu biết ít hơn. Điều này góp phần lý giải tại sao, những thủ lĩnh ý kiến thường có "quyền lực" trong việc chi phối đến ý kiến của cá nhân và ý kiến của nhóm. Chính nhờ quyền lực này mà thủ lĩnh ý kiến có ảnh hưởng nhất định trong việc tạo áp lực nhóm lên mỗi cá nhân trong việc thể hiện quan điểm cá nhân. Ý kiến của người thủ lĩnh có vai trò quan trọng trong việc phân định nhóm ý kiến nào sẽ là nhóm ý kiến có vai trò quyết định trong việc giải quyết vấn đề - dư luận xã hội hành động và có quyền chi phối đối với nhóm kia, những ý kiến phản đối sẽ lắng xuống và chuyển sang dạng dư luận xã hội tiềm ẩn. Việc phân định này không tùy thuộc vào số lượng người tán thành mà tùy thuộc lượng thông tin mà mỗi cá nhân nắm được. Nói cách khác, theo lý thuyết này, thủ lĩnh ý kiến đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng câm lặng của nhóm yếu thế về thông tin. 6. Đánh giá về Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc 6.1. Điểm mạnh Theo thuyết dòng truyền thông hai bậc, thông điệp truyền thông được truyền tải một cách gián tiếp đến các đối tượng bị ảnh hưởng thông qua đối tượng ảnh hưởng trung gian là các nhà lãnh đạo ý kiến. Như vậy, theo đó, chủ thể truyền thông chỉ cần tác động rực tiếp đến một nhóm đối tượng khu biệt là các nhà thủ lĩnh ý kiến. Nhờ đó, hoạt động truyền thông tiết kiệm được tối đa nguồn lực trên cơ sở xác định một cách chính xác đối tượng tác động trung tâm. Dựa trên việc xác định đối tượng trực tiếp tác động là các nhà thủ lĩnh ý kiến, ta có thể hình thành nên được sự nhất quán trong hoạt động truyền thông, tập trung vào một nhóm đối tượng đặc biệt có khả năng khuếch tán thông điệp đến các đối tượng khác, vì thế mà nó có thể giúp tránh được sự phân tán nguồn lực cũng như sức mạnh. Không chỉ hạn chế sự phân tán sức mạnh mà nếu như biết vận dụng lý thuyết này theo những cách thức đúng đắn, hoạt động truyền thông có thể được nâng cao hiệu quả, nhân sức mạnh lên gấp nhiều lần. Bởi lẽ mô hình này cho thấy hầu hết mọi người hình thành ý kiến của mình dựa trên các nhà thủ lĩnh ý kiến. Những người thủ lĩnh ý kiến thường có xu hướng dành nhiều sự quan tâm đối với truyền thông đại chúng và thông điệp, có sức ảnh hưởng, có xu hướng giống với đối tượng họ gây ảnh hưởng. Vì thế đây là những đối tượng có khả năng tác động một cách mạnh mẽ, sâu rộng đến các nhóm đối tượng mà họ gây ảnh hưởng. Do vậy có khả năng khuếch đại sự tác động của hoạt động truyền thông cũng như sức lan tỏa của nó đến với công chúng. Lý thuyết này cho phép dự đoán ảnh hưởng của thông điệp truyền thông đến hành vi của người tiếp nhận trên cơ sở phân tích một cách cẩn thận để xác định đối tượng mục tiêu của thông điệp, sau đó xác định nhóm người thủ lĩnh ý kiến. Bởi lẽ những người thủ lĩnh ý kiến có xu hướng giống với những người mà họ gây ảnh hưởng dựa vào các yếu tố nhân cách, sở thích, nhân khẩu học hoặc kinh tế - xã hội. 6.2. Hạn chế Lý thuyết dòng truyền thông hai bậc chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng trong những môi trường mà quan hệ giữa đối tượng thủ lĩnh ý kiến và những đối tượng bị ảnh hưởng là mối quan hệ bền vững. Ở trong những môi trường thường xuyên xảy ra xung đột cũng như sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa người lãnh đạo ý kiến và đối tượng bị ảnh hưởng bởi những người thủ lĩnh ý kiến thì nguy cơ bị phân tán và nhiễu loạn thông điệp truyên thông là điều hoàn toàn có thể xảy đến. Nếu nhân tố thủ lĩnh ý kiến vì một lý do nào đó (có thể từ phía chủ thể truyền thông, có thể do những yếu tố đặc biệt trong khả năng tiếp nhận của nhân tố này), hiểu sai hoặc thiên lệch về thông điệp truyền thông thì có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề bởi khả năng khuếch đại thông điệp và sức lan tỏa của đối tượng này là con dao hai lưỡi, nếu khuếch đại thông điệp sai, đi không đúng hướng thì nguy cơ xảy ra khủng hoảng là rất cao và khó lòng khắc phục. Đối tượng thủ lĩnh ý kiến là nhân tố không khó để xác định, nhưng trong một số trường hợp, đối tượng này có thể bị thay đổi (từ chức, bãi miễn, hết nhiệm kì). Điều này làm nảy sinh ra những vấn đề mới, cần những sự tác động mới, tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực.