Lý luận văn học: Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi An Nam, 20 Tháng chín 2021.

  1. An Nam

    Bài viết:
    185
    Lý luận văn học

    Đề bài: Trong lời phát biểu về nghề văn, Nguyễn Minh Châu đã phát biểu rằng: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cát, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện". Anh/chị hãy bình luận và giải thích lời phát biểu trên.

    Bài làm:

    Bao giờ cũng thế, văn học - cuộc sống - con người là những yếu tố không thể tách rời nhau để tồn tại riêng biệt. Dường như có một sợi dây vô hình buộc chặt văn học và cuộc sống tạo nên mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu sắc như lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện".

    Nguyễn Minh Châu được biết đến qua ngòi bút văn chương sắc sảo luôn khơi dậy trong lòng độc giả nhiều lớp sóng suy tư, băn khoăn, day dứt về cuộc đời, về những người xung quanh, về chính bản thân mình. Một nhà văn đầy bản lĩnh và kinh nghiệm như thế tất nhiên sẽ có một nhận thức sâu sắc đầy đủ về mối quan hệ giữa đời sống và văn chương. Ở câu nói của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp một hình ảnh so sánh độc đáo "văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm - mà tâm điểm là con người". Quả là một hình ảnh ví von thú vị, cô đọng mà chứa đựng ý tưởng sâu sắc. Hai vòng tròn "văn học" và "đời sống" không tách rời nhau mà chúng cùng xuất phát từ một tâm điểm, nghĩa là hình ảnh, bóng dáng của triệu triệu sự vật, hiện tượng trong cuộc đời và trên những trang văn là một.

    Như một quy luật của tạo hóa, văn học và đời sống luôn luôn tồn tại trong một mối quan hệ hòa quyện vào nhau, hỗ trợ cho nhau để cùng sống mãi. Là một nhà văn hay một thi sĩ, bao giờ cũng phải đắm mình vào cuộc sống, lắng nghe hơi thở và nhịp đập của đời sống biến đổi từng giây để chắt lọc những gì tinh túy nhất đem vào trang viết của mình. Tách khỏi cuộc sống, tác phẩm sẽ như cây non không có rễ, cây sẽ hút nước ở đâu, hút nhựa sống ở nơi nào để đơm hoa kết trái? Nhà thơ Chế Lan Viên từng thấm thía sâu sắc về mối quan hệ giữa đời và thơ:

    Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi

    Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.

    (Nghĩ về thơ)

    Chữ của đời, những dòng chữ mượt mà êm tay hay những lớp sóng ngôn từ xô đẩy, những dòng chữ gợi lên trong lòng người đọc nỗi xót xa hay làm nổi bật lên tiếng khóc nức nở, nụ cười mỉa mai, nỗi đau quặn thắt.. Tất cả đều là những "chữ của đời", là chất liệu của cuộc sống muôn hình muôn vẻ mà nhà thơ, nhà văn đang tồn tại trong lòng của nó. "Văn học và đời sống" là hai vòng tròn nhỏ hơn, nằm gọn trong lòng cuộc sống và cuộc sống là vòng tròn lớn hơn nhận ánh phản chiếu lại bóng hính cuộc sống và hơn thế nữa, văn học còn là sự nghiền ngẫm chiêm nghiệm về cuộc sống. Chính vì thế mà có nhà văn đã nói rằng: "Chức năng của văn học là tiếng chuông thức tỉnh lương tri". Xuất phát từ cuộc sống, văn học được những bàn tay nghệ sĩ tôi luyện nhào nặn để từ những "hạt bụi quý" rơi vãi giữa đời sống mênh mông, văn học xuất hiện dưới hình hài của một "bông hồng vàng" (Pautôpxki), trở lại với đời, dâng tặng cho đời những gì lấp lánh cao quý nhất. Hai vòng tròn kì diệu ấy bắt nguồn từ đâu? Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, tâm điểm của chúng chính là "con người". Từ thuở quả đất còn là những cánh đồng nguyên sinh bạt ngàn với những đại dương trùng trùng sóng vỗ cho đến khi quả đất với những chiếc phi thuyền có thể vút lên mặt trăng, sao hỏa của thế kỉ XX.. con người không ngừng làm thay đổi thiên nhiên và nâng cao cuộc sống của mình lên một tầm vóc ngày càng cao hơn. Con người quả thật là tâm điểm của cuộc sống.

    Văn học là chiếc gương phản ánh và chiêm nghiệm về đời sống nên văn học cũng lấy con người làm tâm điểm trên những trang thơ, trên những dòng truyện ngắn hay trang tiểu thuyết đồ sộ. Theo những nhà nghiên cứu lịch sử nhân loại từng biết đến hình thức sám hối chủ yếu là tôn giáo và nghệ thuật. Nếu ở nhà thờ hay ngôi chùa, người ta sám hối với Chúa, với Phật thì trong văn học, người ta sám hối với chính mình con người với bao tình cảm yêu thương, oán hận, căm hờn, xót xa, sợ hãi.. với bao mối quan hệ rộng rãi, quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên hoa cỏ, người hình thức với người nội tâm chính mình.. Một khi soi bóng vào tấm kính kì diệu của văn chương đều không khỏi ngỡ ngàng vì bắt gặp cái tôi trong ấy. Con người bao giờ cũng là đối tượng chủ yếu của văn học. Ngay cả những truyện ngụ ngôn mà khi đọc, ta chỉ thấy con cáo, chùm nho, những con thỏ, con rùa, con sóc.. đấy cũng là bóng dáng của con người đấy thôi! Con người còn "ẩn mình" trên những trang thơ dưới hình ảnh của cảm xúc, của nội tâm. Có thể nói bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng hướng về con người, viết về con người và cho con người suy ngẫm.

    Cuộc sống là một bức tranh với tầm vóc không gian và thời gian vô tận nên một nhà văn chỉ nắm bắt được một vài khía cạnh trong cái tầm vóc vô cùng ấy. Sự so sánh tiếp theo của Nguyễn Minh Châu cũng thật xác đáng, khi ông nói "mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện". Hẫu hết mỗi nhà văn có phong cách riêng, có một chỗ đứng trong lòng người đọc trên trái đất này đều khai thác quặng chất liệu từ một mảng nhỏ của đời sống. Cá biệt có những đại văn hào mà ngòi bút bé nhỏ của họ có thể giãi bày cuộc sống với tầm vóc sâu rộng của nó trên trang viết. Đấy là Banzac với "Tấn trò đời" mà giá trị được sánh hơn tất cả các tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế học, thống kê học, đương thời cộng lại. Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm đều tồn tại dưới những sắc thái riêng vì chúng chỉ là "lát cắt từ hai vòng tròn đồng tâm" khổng lồ của văn học và đời sống. Đọc Nam Cao, ta lại hình dung đến không khí ngột ngạt của những năm 1930-1945 với những con người từng bước chông chênh trên con đường đi tìm nhân cách. Chí Phèo đắm mình trong một chuỗi những cơn say triền miên để phút cuối cùng của đời mình lại tự hỏi một cách cay đắng: "Ai cho tao lương thiện?"..

    Mỗi tác phẩm đều là một lát cắt của đời sống phản ánh một nội dung rất cụ thể, một số phận rất rõ nét buộc người đọc phải suy ngẫm, băn khoăn. Vô số những lát cắt của rất nhiều thời đại ấy cuối cùng đều hướng tới một mục tiêu tốt đẹp, dẫn dắt con người đi đến cõi hoàn thiện. Có vươn tới mục tiêu đó, tác phẩm văn học mới thực sự là một tác phẩm chân chính và tồn tại vượt qua sức công phá mãnh liệt của thời gian. Pautôpxki từng nói về những vần thơ An-đéc-xen với niềm cảm phục: "Anh đã nhặt những hạt giống thơ trên luống đất của người dân cày rồi gieo chúng trong những túp lều, làm chúng nở thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp an ủi trái tim của những người cùng khổ". An-đéc-xen tự nhận mình là nhà văn của những người nghèo và suốt cuộc đời viết lách ống không một chút nào phản bội lại đối tượng mà ông phục vụ. Con đường dẫn dắt chúng ta đến với cõi hoàn thiện, quả thật là rất dài và rất xa. Trên con đường ấy, ta không chỉ hành trình bằng nhân cách, bản lĩnh của riêng mình mà đôi lúc dừng chân ngơi nghỉ, chúng ta nên soi lại mình qua những tác phẩm văn chương, bởi vì "văn học là nhân học" (M. Gorki). Soi lại mình, chiêm nghiệm lại mình trong tấm gương văn học, ta sẽ phân biệt được lẽ đúng - sai, tốt - xấu, chân - giả.. của cuộc đời và những bước chân sẽ vững chãi hơn, dù cho con đường bên dưới nhiều chông gai và mấp mô sỏi đá. Tác dụng của văn học chỉ là một lát cắt nhỏ những gì mà ta lĩnh hội được là vô tận bởi vì "lăng kính nhìn đời" - nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi con người mang một đặc điểm riêng biệt. Có thể ta sẽ tìm thấy trong các tác phẩm văn học này những điều mà người khác không tìm thấy, bởi từ đáy lòng ta có một nhịp rung cảm riêng, một tần số cộng cảm riêng.

    Lời nhận định của Nguyễn Minh Châu ngắn gọn mà đầy ý nghĩa, rất sâu sắc, rất đáng nghĩ. Văn học - cuộc sống mãi mãi không thể tách rời nhau và cả hai đều xuất phát, bắt nguồn và hướng về một tâm điểm duy nhất: Con người. Ta chợt nhớ đến những vần thơ của Tố Hữu:

    "Nhân dân là bể

    Văn nghệ là thuyền

    Thuyền xô sóng đẩy

    Sóng đẩy thuyền lên."

    (Thanh niên xa mẹ)

    Văn học bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống - con người để có sức sống trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thể được, hướng con ngươi đến chân - thiện - mĩ, gột rửa những xấu xa của cuộc đời phức tạp, góp phần thanh lọc tâm hồn và lương tâm con người để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...